GNO - Chiều 14-9, sau phiên làm việc buổi sáng, BTC Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông (PGNT) Khmer tiếp tục lắng nghe những tham luận của đại diện PGNT Khmer các tỉnh thành, nghe đạo từ của TƯGH và ý kiến đóng góp của Ban Tôn giáo Chính phủ, thông qua dự thảo đúc kết của BTC vì sự phát triển của Hệ phái trong thời gian sắp tới.
>>
Khai mạc Hội nghị PG Nam tông Khmer lần VI
Trên bàn chủ tọa Hội nghị, các vị thành viên chủ tọa đoàn lắng nghe các tham luận chiều 14-9
Sau khi lắng nghe, tham khảo hơn 15 tham luận gởi đến Hội nghị lần này, hầu hết đều trình bày thực trạng PGNT Khmer ở từng địa phương, những yêu cầu bức thiết cũng như những đề xuất và giải pháp nhằm vạch ra hướng đi mới vì sự phát triển của GHPGVN nói chung và Hệ phái PGNT Khmer nói riêng trong thời hội nhập và phát triển giữa xu thế toàn cầu hóa.
HT.Dương Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM ban đạo từ ghi nhận những đóng góp của PGNT Khmer trong ngôi nhà chung của GHPGVN.
HT.Dương Nhơn ban đạo từ
Hòa thượng nói, từ khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho hoạt động của PGNT Khmer, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Thường trực HĐTS GHPGVN đã tổ chức Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần thứ I tại tỉnh Sóc Trăng vào năm 2004, đến nay đã trải qua 10 năm với 5 lần Hội nghị bằng những Nghị quyết cụ thể, các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương đã chủ động hỗ trợ các yêu cầu của Hệ phái, nhất là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, chính quyền, Mặt trận, Ban Tôn giáo, Ban Tôn giáo - Dân tộc đã kịp thời đáp ứng những yêu cầu chính đáng của PGNT Khmer như trong lời phát biểu khai mạc và báo cáo kết quả 10 năm hỗ trợ cho các hoạt động PGNT Khmer.
Việc tổ chức Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần thứ VI, để tổng kết 10 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho hoạt động của PGNT Khmer đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với các hoạt động Phật sự của Giáo hội nói chung, Hệ phái PGNT Khmer nói riêng. Đây chính là tiền đề để TƯGH hoạch định chương trình hoạt động Phật sự năm 2015, tiến đến Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần thứ VII và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII tại thủ đô Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị - phiên bế mạc
Các đại biểu tham dự quan tâm theo dõi các tham luận gửi về Hội nghị
Đúc kết hội nghị, HT.Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTC hội nghị phát biểu, sau gần một ngày làm việc trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, qua 12 bài tham luận và các ý kiến phát biểu của quý đại biểu, phát biểu của một số ban ngành TƯGH và các cơ quan chức năng, hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến quan trọng (xem phần box bên dưới).
Hòa thượng Trưởng BTC nói, TƯGH ghi nhận những ý kiến phát biểu có liên quan của chư tôn đức giáo phẩm PGNT Khmer và sẽ nghiên cứu đưa vào chương trình hoạt động Phật sự chung của Giáo hội trong những tháng còn lại của năm 2014 và chương trình hoạt động Phật sự năm 2015 và nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) của GHPGVN.
Đồng thời, nhấn mạnh TƯGH sẽ nghiên cứu và có kế hoạch triển khai thực hiện từng vấn đề theo điều kiện thực tế của GHPGVN và các địa phương như đề xuất của Hệ phái PGNT Khmer, thành viên sáng lập GHPGVN đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, làm tiền đề tổng kết công tác Phật sự năm 2014 và hoạch định chương trình hoạt động 2015, tiến đến Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần thứ VII, làm tiền đề, tạo điều kiện PGNT Khmer ngày một phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển GHPGVN ngày càng vững mạnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo.
HT.Thích Thiện Nhơn đúc kết Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận những đóng góp của đại diện chư tôn đức lãnh đạo Hệ phái PGNT Khmer, đồng thời sẽ tham mưu và đề xuất với Chính phủ cũng như các bộ, ngành có liên quan để giải quyết những nhu cầu chính đáng và cấp thiết.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ đạo đề án gấp rút công tác giả phóng mặt bằng, lập quỹ đất cho dự án xây dựng Học viện PGNT Khmer tại TP.Cần Thơ trong thời gian sớm nhất để ổn định cho việc dạy và học nhằm nâng cao trình độ nhận thức cũng như vì sự phát triển bền vững lâu dài.
Việc lập hồ sơ khen thưởng cho các sư sãi trong Hệ phái mặc dù đã có chủ trương nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường hợp chưa được công nhận do những giấy tờ thủ tục có liên quan, cũng như những nhân chứng đều không còn, nên gây khó khăn, trong thời gian tới sẽ có sự phối hợp từ các cơ quan nhà nước cùng GHPGVN để tìm cách tháo gỡ.
Ông Bùi Thanh Hà phát biểu tại phiên bế mạc
Ông Phó ban Tôn giáo Chính phủ còn nhắc, PGNT Khmer cần có những đề xuất với HĐTS cũng như các cơ quan chức năng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động Phật sự để có những điều chỉnh và giải quyết một cách nhanh chóng kịp thời.
Việc cấp giấy chứng nhận tu sĩ cho PGNT Khmer còn nhiều nhiêu khê trong việc nhập tu và xuất tu (vì tu báo hiếu), vì thế lãnh đạo GHPVN cần phối hợp với PGNT Khmer để có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với đặc thù của Hệ phái, ngoài ra việc in ấn và phát hành cũng như kinh sách bị lỗi cần sớm có hướng khắc phục để sớm có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu, tu tập của Tăng sĩ và tín đồ PGNT Khmer.
Quan khách chính quyền tham dự
Hội nghị khép lại chiều qua, các vị đại biểu tham dự, chứng minh chụp hình lưu niệm
Hội nghị dưới sự chứng minh của HT.Dương Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch HĐTS; chư tôn đức Tăng trong Hệ phái PGNT Khmer, Nam tông Kinh, BTS GHPGVN các tỉnh thành; sự tham dự của ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; Ban lãnh đạo tỉnh An Giang và các tỉnh thành có PGNT Khmer sinh hoạt đã kết thúc vào lúc 16 giờ cùng ngày trên tinh thần hoan hỷ, đồng thuận và nhất trí cao vì sự phát triển của Hệ phái PGNT Khmer trong thời gian sắp tới.
Q.Hậu- Ảnh: Q.Hậu-Minh Triết
Kết quả từ Hội nghị Sau lễ khai mạc, hội nghị lắng nghe 12 tham luận ghi nhận ý kiến như sau: Về nhân sự: Để hoạt động Phật sự của Hệ phái PGNT Khmer ngày càng được củng cố và phát triển một cách đồng bộ, liên quan đến các lĩnh vực hoạt động Phật sự của Hệ phái PGNT Khmer, TƯGH tiếp tục chuẩn y thành phần nhân sự các Phân ban đặc trách PGNT Khmer thuộc ban, viện T.Ư GHPGVN. Về Tăng sự: TƯGH ủy nhiệm BTS GHPGVN tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông Khmer cấp giấy Chứng nhận Tu sĩ, Chứng nhận Thọ giới và ủy nhiệm Hòa thượng phụ trách PGNT Khmer ký tên trên các loại giấy chứng nhận. Về công tác Giáo dục: - Đề nghị Ban Giáo dục Tăng Ni có kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ Hệ phái PGNT Khmer tổ chức hội thảo chuyên đề về giáo dục PGNT Khmer để thống nhất chương trình biên soạn giáo án giảng dạy tại các Lớp cơ sở, sơ cấp Pali, Dhamma Vìni tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. - Tiếp tục nghiên cứu đề án mở Trường Trung cấp Pàli, Vìni tại các tỉnh có nhu cầu, nhất là mở các khóa bồi dưỡng sư phạm cho các giáo viên giảng dạy tại các Trường, Lớp PGNT Khmer. - Hỗ trợ mở lớp dạy song ngữ Việt - Khmer, đào tạo giáo viên sư phạm giảng dạy vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. - Hỗ trợ Hội đồng Điều hành Học viện PGNT Khner trong việc xây dựng Học viện tại Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ theo giấy ủy quyền của TƯGH và đề nghị tại tinh thần phiên họp ngày 10-9-2014. - Tiếp tục hỗ trợ các thủ tục xin cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất của chùa PGNT Khmer. - Nghiên cứu và tìm nguồn tài chính để hỗ trợ học bổng cho du học Tăng Nam tông Khmer tại các nước. Về Văn hóa, Truyền thông: - Khẩn trương tiến hành in lại một số đầu kinh sách Phật giáo bằng chữ Khmer đã được thẩm định, để kịp thời phục vụ cho việc đọc tụng, nghiên cứu, học tập của chư Tăng và Phật tử, cũng như các trường Phật học và Học viện. - Đề nghị nhà nước xem xét trong việc công nhận di tích lịch sử, di tích văn hóa đối với các chùa Nam tông Khmer có công với nước, các chùa là cơ sở cách mạng. - Hỗ trợ Phân ban Văn hóa PGNT Khmer tiếp tục tập hợp các tiểu sử cao Tăng PGNT Khmer để đưa vào tập Danh Tăng Phật giáo Nam tông Khmer một cách đầy đủ khi tái bản. - Hỗ trợ phương tiện công tác thông tin truyền thông của PGNT Khmer. Có văn bản đề nghị đài phát thanh truyền hình đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giờ phát sóng phù hợp với sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer. - Tiếp tục tìm nguồn tài chính hỗ trợ kinh phí mua sắm mới một số dàn nhạc Ngũ âm, xây lò hỏa táng cho các chùa có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Các đề nghị khác: - Giáo hội sẽ có văn bản đề nghị nhà nước có chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường các địa phương hỗ trợ kinh phí đo đạc và sớm cấp quyền sử đất cho các chùa PGNT Khmer; giải quyết những vấn đề tranh chấp đất đai liên hệ. - Hỗ trợ PGNT Khmer xây dựng, hoàn thành ngôi chùa Khmer tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang); xây dựng ngôi chùa PGNT Khmer tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Phú Giáo (Bình Dương) khi có đề nghị cụ thể của PGNT Khmer. Q.Hậu ghi |