GN - Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn ra sao, chỉ cần bản thân có tấm lòng hướng thiện, đều có thể làm nên những điều tốt đẹp cho đời.
Đó là những điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc, trò chuyện với những người hiến tạng cứu người. Trong niềm đau khổ tột cùng của sự mất người thân, họ - những người mẹ, người con - vẫn tạm quên đi nỗi đau, để đem đến hạnh phúc cho người đang hy vọng tìm sự sống. Hiến một bộ phận cơ thể của người thân mình cho người không quen biết, họ đã cho trên tinh thần bất vụ lợi, không cần bất cứ một sự đáp trả nào, mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng lắm khó khăn.
Hầu như ngày nào cô Hồng Son cũng lau dọn bàn thờ con - Ảnh: Hạnh Ý
Người mẹ nghèo nén nỗi đau, hiến tạng con cứu người
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã kể cho chúng tôi nghe về một nhân vật hiến tạng khi con qua đời để cứu người, đó là cô Hồng Son, mà mỗi khi nhắc đến là “thương vô cùng”. Trước khi gặp Hồng Son, bác sĩ Thu đã chia sẻ với chúng tôi rằng, lúc chạy bệnh cho con, cô Hồng Son không có tiền, phải vay bạc nóng lên đến 120 triệu, chưa kể số tiền vay mượn không lấy lãi. Vậy mà, ngày hiến tạng con, cô nắm chặt tay bác sĩ dặn đi dặn lại: “Tui nói thiệt là tui nghèo lắm, đến cái nhà cũng không lành lặn để ở, nhưng tôi không bán tạng con, bao nhiêu cũng không bán. Tôi muốn hiến tạng để cứu người và tôi muốn trao đúng đối tượng”.
Cuộc đời vốn dĩ dành cho cô Hồng Son nhiều nốt trầm buồn. “Lúc đưa con về quê mai táng, trong gia đình có người đơm đặt, cho rằng cô ấy nghèo quá nên bán tạng của con để trả nợ. Công an xã cũng vội tới hỏi ‘bà bán hay hiến tạng con?’, mặc dù giấy xác nhận hiến tạng của bệnh viện cô cầm trên tay. Rồi sau đó gia đình không cho cô đem con vô nhà làm đám, vì kỵ tuổi, vì gièm pha. Cô phải nhờ hàng xóm chặt mấy tàu lá dừa, đốn vài cây tre dựng tạm cái rạp trên mảnh đất gần kế mé sông để làm đám. Sau đó, do không chịu nổi tiếng đời ác ý, cô phải bỏ quê lên Củ Chi, TP.HCM sinh sống”, người quen thân của cô Hồng Son kể lại. Cũng chính những điều đó, hễ nhắc đến tên cô là đội ngũ điều phối Bệnh viện Chợ Rẫy lại bùi ngùi xúc động.
Từ sự kết nối của bác sĩ Thu, mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới đến được nhà cô Hồng Son, vì từ ngày quyết định hiến tạng của con cứu người, cô không muốn tiếp xúc với người ngoài. Hỏi cô lý do, cô từ tốn bảo: “Không riêng gì cá nhân tôi, nhiều gia đình cũng hiến tạng người thân để cứu người; cứu được người là hạnh phúc rồi nên tôi không quan tâm đến việc người ta sẽ trả ơn. Trong hoàn cảnh không thể cứu sống người thân của mình, nếu mà bộ phận nào đó có thể cứu sống được người khác thì mình nên làm. Tôi giúp vì khả năng mình còn có cái để giúp, chỉ vậy thôi”.
Cô điềm tĩnh kể lại: “Con tôi nó bị đánh, chết oan. Tôi không cứu con tôi được vì không còn cách nào cả, bác sĩ cũng bất lực. Nếu như lúc đó không phải bác sĩ Thu ngỏ lời nói rằng, con của tôi có thể cứu sống được hai người, thì có lẽ tôi đã không đồng ý hiến tạng con. Tôi nghĩ người đang chờ thay tạng họ hy vọng dữ lắm, mình dù nghèo nhưng lại có cái mà họ đang mong mỏi nên cho được thì mình cho. Tôi hiến tạng của con để cứu người, như thay con làm một việc gì đó có ích cho cuộc đời. Tôi chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi”.
“Con mất vào tháng 5 âm lịch, năm 2012, thì 4 tháng sau đó, chồng cô qua đời. Một năm phải chịu hai cái tang của người thân, tiền làm ma chay toàn vay mượn. Khó khăn vậy đó, mà chưa một lần cô Hồng Son làm phiền Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù đội ngũ bác sĩ đã dặn dò cô rất kỹ, có gì khó khăn phải điện, nhớ giữ thông tin liên lạc. Thậm chí lúc cô Hồng Son bị xe đụng, vào Bệnh viện Chợ Rẫy bó bột, cũng ngại điện cho các bác sĩ ở trung tâm điều phối. Để liên lạc với cô, mời tham dự lễ vinh danh người hiến tạng lần đầu tiên tổ chức tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đội ngũ bác sĩ phải tìm đủ mọi cách, thậm chí nhờ đến công an, ủy ban, tổ dân phố… để tìm địa chỉ cô hiện đang trú ngụ”, bác sĩ Thu kể lại trong niềm xúc động.
Từ ngày hiến tạng của con, cô Hồng Son chưa bao giờ ngỏ lời xin Bệnh viện Chợ Rẫy bất cứ điều gì. Chỉ duy nhất, một điều cô muốn được sẻ chia, đó là vào năm 2014, khi Bộ Y tế tổ chức lễ tri ân, tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình người hiến tạng, biết là đài truyền hình sẽ phát sóng, cô xin đơn vị điều phối hãy giải oan cho cô, nói cho mọi người biết là cô hiến tạng của con để cứu người, chứ không bán tạng. Tấm “Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân” Bộ Y tế trao tặng cho con cô, như thay lời cho tất cả. Cô Hồng Son dành một góc trang nghiêm, thờ con ở giữa nhà. Đã thành thói quen, dù dọn nhà mấy lần, cô vẫn kê chiếc giường phía dưới bàn thờ của con, rồi đêm nào cũng lấy kệ đặt trên giường ngồi tụng kinh, niệm Phật, trì chú hồi hướng công đức rồi mới ngủ. Cô nói: “Tiếng đời nhiều khi khắc nghiệt là vậy, nhưng nếu lựa chọn lại tôi vẫn thay con phát tâm hiến tạng cứu người. Cái bằng khen đó là tài sản vô giá, ghi nhận việc thiện có ý nghĩa nhất mà tôi và con tôi làm được cho đời”.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy trao tặng Kỷ niệm chương và hoa
vinh danh người hiến tạng - Ảnh: BVCR cung cấp
Lòng thiện lương hiến dâng cho nhiều sự sống
Vào cuối năm 2010, thời điểm giáp Tết, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận ca bệnh của một bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở Bình Dương. Bác sĩ Thu vẫn nhớ như in: “Hai bà cháu cùng bị tai nạn. Đứa cháu mất ngay sau đó, mẹ của cháu bé, tức là con dâu của người hiến tạng rơi vào trạng thái hỗn loạn, phải điều trị tâm lý. Còn bà thì chuyển đến bệnh viện, nhưng não đã chết, cũng không qua khỏi”. Cùng thời gian đó, có đến hai người mòn mỏi mong được có người hiến tạng để cứu sống. Biết là rất khó khăn, nhưng bác sĩ vẫn gặp chị Thu An, là con gái của bà xin gia đình hiến tạng. Ngay lúc đó, gia đình chưa chấp nhận, đến khuya hôm đó, chị Thu An báo với nhân viên điều dưỡng, chấp nhận hiến tạng, trao sự sống cho người đang cần đến quả thận của mẹ. Bác sĩ Thu nói: “Khi nhận được thông tin người nhà đồng ý hiến tạng, chúng tôi đã gấp rút chuẩn bị hoàn tất các thủ tục pháp lý và xét nghiệm kiểm tra, đánh giá chức năng tạng hiến. Nhưng có một trở ngại nhỏ, là trong họ hàng của Thu An có người không đồng ý. Thu An nói một câu mà đến giờ tôi vẫn nhớ ‘bác Thu cứ làm đúng thủ tục, để kịp cứu người. Về phần gia đình, em chịu trách nhiệm’. Một người trong hoàn cảnh vừa chịu nỗi đau mẹ mất, cháu ruột mất, mà vẫn nghĩ đến 2 con người đang mong mỏi được sống, trông chờ vào quyết định của chị, thì đó chính là quyết định phi thường, phải thật sự hiểu thì mới có thể quyết định mạnh mẽ được như vậy”.
Ấy vậy đó, mà mỗi lần nhắc đến, chị Thu An cứ nói: “Đó là việc nên làm. Lúc sinh thời, mẹ tôi làm nghề y, cứu người rất nhiều. Khi về hưu, bà thường đi chùa, làm từ thiện, giúp được ai là bà giúp, không bao giờ từ chối để bòn công đức cho con. Lúc mẹ trong cơn thập tử, tôi rất khao khát điều kỳ diệu xảy ra, để còn cơ hội báo hiếu cho mẹ. Nhưng khi biết không còn cơ hội nào nữa, tôi muốn chia sẻ cho người khác, vì cuộc sống này quá mong manh, giây phút người thân được cứu sống, kéo dài thời gian được sống với con cháu là rất quý giá. Người đang cần tạng thay thế nếu được cho tạng, chắc chắn sẽ rất hạnh phúc. Tôi nghĩ, linh hồn của mẹ tôi cũng sẽ hạnh phúc nếu biết hai quả thận của mình đã cứu được hai người. Thay vì đem chôn thì sẽ phân hủy, giúp được người sống, có ích hơn. Nên tôi quyết định làm việc tốt đẹp đó cho mẹ”.
***
Tiếp xúc với những người quyết định hiến tạng người thân mình để cứu người, mặc dù quyết định hiến tạng được đưa ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là mong muốn cứu người, trên tinh thần có cái để cho là có hạnh phúc. Quan niệm: hạnh phúc là sự cho đi, nhưng để chạm tới được nó không phải là điều dễ dàng. Trong hoàn cảnh tận cùng khổ đau của sự chia ly, không phải ai cũng đủ can đảm để quyết định cho đi một bộ phận trên thân thể của người thân mình, để cứu người. Người làm được thật đáng trân trọng biết bao. Chính những điều đó đã cho người viết cảm nhận sâu sắc hơn về triết lý nhân sinh mà dân gian hay nói: “Khó nhất ở trên đời không phải là vì có nên bố thí, vì thừa nên cho đi mà là chia sẻ cả khi mình cũng đang đau khổ”. Quý bởi vì sự chia sẻ đó xuất phát từ bi tâm.
Hạnh Ý
Cảm kích trước những tấm lòng nhân văn, cao cả của người hiến tạng và gia đình người hiến tạng đã cứu sống biết bao con người; để ghi nhớ sự hy sinh này, ngày 3 tháng 8 năm 2015, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy gửi công văn xin phép chư Tăng trách nhiệm tại chùa Giác Sanh, số 103 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM dành cho hai dãy chỗ hậu đường, một bên nam và một bên nữ để gởi tên những vị hiến tạng vào chùa cầu nguyện.
Chùa Giác Sanh (TP.HCM), nơi ký danh tự thờ những vị hiến tạng khi qua đời
của bệnh viện Chợ Rẫy
Vì thông tin người hiến tạng và người nhận tạng không được công khai, họ chỉ biết là người hiến tạng cứu sống mình được thờ phụng, nương nhờ cửa Phật ở chùa Giác Sanh nên trong gần 3 năm qua, nhiều gia đình đã tìm đến chùa, thăm và thắp hương cho các hương linh. TT.Thích Thiện Ngộ cho biết: “Có gia đình từ Hà Nội vào xin thắp hương cho tất cả những người hiến tạng có linh vị ở hậu đường. Họ cảm ơn vì nhờ một trong những người hiến tạng này mà bản thân họ được cứu sống, gia đình họ còn có thể gặp mặt nhau”. Tính tới thời điểm tháng 12-2017, chùa Giác Sanh hiện có 21 hương linh người hiến tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy được thờ cúng tại đây.
Xem tiếp bài 2:
Câu chuyện ở Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người