Khi người trẻ sẻ chia… chính mình

GN - “Cứu người, duy trì cuộc sống mãi mãi” - đó là dòng chữ trên mỗi tấm thẻ đăng ký hiến tạng, mà có lẽ bất cứ ai quyết định hiến mô tạng sau khi qua đời, khi đọc, đều cảm thấy trọn vẹn ý nghĩa của việc mình làm.

“Việc tốt sau cùng là giúp người vượt qua cửa tử”

Đó là chia sẻ của bạn Ngọc Hiển sau khi đăng ký hiến mô tạng vào ngày 3-3-2020. Ngọc Hiển cho biết bản thân đã tìm hiểu về hiến mô tạng từ lâu, nhưng phải đến khi bà nội của bạn qua đời vào năm ngoái, bạn mới nhận thức rõ hơn về cái chết.

“Lúc còn sống, tôi sợ nội, vì nội khó tính. Nhưng nội lại rất thương những người khó khăn hơn mình. Khi có điều kiện, nội mua gạo tặng người nghèo, làm từ thiện nhiều nơi. Sau khi nội mất, tôi đã xem đi xem lại video về đám tang nội. Nhìn nội nằm đó rất nhẹ nhàng. Lúc ấy, tôi nghĩ chắc nội cũng đã toại ý, nhưng giả dụ như sau khi chết mà vẫn làm được việc giúp người như khi còn sống thì chắc nội sẽ vui lắm. Ý nguyện hiến mô tạng sau khi qua đời trong tôi từ đó như càng được ‘thêm lửa’. Ngày nọ, tình cờ đọc được bài chia sẻ của những người đã hiến tạng, tôi đã dành thời gian tìm hiểu kỹ về việc này và cuối cùng quyết định đăng ký”, Hiển nói.

Trangtre.1061. 1.jpg


Ngọc Hiển

Với Ngọc Hiển, mỗi ngày được sống là một cơ hội để có thể làm những việc có ích trong khả năng của mình. Trong công việc hàng ngày, bạn luôn muốn thực hiện những điều có thể góp phần giúp ích cho mọi người. Và hơn thế, bạn còn mong có thể tiếp tục chia sẻ với cộng đồng ngay cả khi bạn không còn có mặt trên cõi đời này nữa. “Tôi tìm hiểu và biết được một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác khi các cơ quan trong cơ thể tương thích với người bệnh. Tôi muốn làm được một việc tốt cuối cùng là giúp đỡ ai đó qua được vòng sinh tử. Đó cũng là tiếp nối sự sống của mình trên cơ thể người khác”, Ngọc Hiển bộc bạch.

Nói về động lực để làm việc lành, Ngọc Hiển tâm niệm rằng một người giúp đỡ người khác vì thấy rằng mình và người cùng một bản thể, đau khổ của người cũng là đau khổ của chính mình. Chúng ta có nhiều cách để giúp đỡ người khác, tùy theo khả năng, nhưng trên hết vẫn là làm sao cho mình và người đều an. Vậy nên việc cho đi những gì mình có, với Ngọc Hiển, cũng là một trong những cách thiết thực và gần gũi nhất để thực tập theo lời dạy của Đức Phật.

Khi đăng ký hiến tạng, Ngọc Hiển không cho gia đình mình biết vì nghĩ gia đình cần thêm thời gian để tiếp nhận điều này. “Theo quan niệm của người xưa, ai cũng mong người thân còn nguyên vẹn khi qua đời. Không ai muốn thấy người thân của mình lúc chết rồi còn bị mổ xẻ, lấy đi một phần thân thể. Tôi dự định sẽ chia sẻ thêm và mong gia đình sẽ cùng nhau thực hiện việc làm ý nghĩa này”, Ngọc Hiển nói.

Với bạn bè xung quanh, nhiều ý kiến trái chiều được nêu ra khi biết việc làm của Ngọc Hiển. Có người thấy việc làm này hay, hỏi thêm thông tin để cùng đăng ký. Tuy nhiên, cũng có một số người bạn của Ngọc Hiển phản ứng, hoài nghi. “Con người ai cũng mong được sống. Kể cả khi kề cận cái chết, con người vẫn ham sống. Vậy để sự sống được tiếp tục, tại sao không dùng phần thân thể của mình giúp ‘tái sinh’ một con người khác? Tôi sẽ không biết được sau khi chết mình như thế nào. Nhưng ít ra tôi biết được, sau khi chết mình vẫn làm được gì đó giúp ích cho mọi người. Nghĩ đến đó, tôi thấy cái chết thật nhẹ nhàng”, Ngọc Hiển tâm sự. 

Thực tập về tình yêu thương

Từ lâu, anh Trần Đình Vũ Hiệp đã có tâm nguyện rằng sẽ hiến một phần thân thể của mình cho mục đích y học sau khi qua đời, cũng là cách để khỏi làm phiền người thân. Anh chia sẻ: “Tôi thấy việc này thiết thực vì đời rất vô thường, mình có thể ra đi ngay khi còn trẻ. Cho đi, ở đây, chính là cách giúp giữ lại sự sống cho một ai đó đang cần”.

Trangtre.1061. 2b.jpg


Anh Vũ Đình Hiệp (đứng) trong buổi sinh hoạt GĐPT

Anh Hiệp cho biết bản thân anh từng đọc rất nhiều câu chuyện về những người đã hiến mô tạng trước khi đi đến quyết định đăng ký tháng 11 năm 2019. Khá thuận duyên, khi nói ra ý định đăng ký hiến tạng, anh Hiệp nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của bố mẹ và bạn bè. Cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay, anh tâm sự đầy dí dỏm: “Tôi mà sống qua 60 tuổi, khi bệnh viện không chịu nhận mô tạng nữa thì tôi sẽ hiến tiếp…. xác mình cho nghiên cứu khoa học. Là một Phật tử, tôi thấy việc làm này là cách thực tập tốt nhất về hạnh bố thí, cũng là để làm động lực cho nhiều người khác vượt qua sợ hãi, cùng làm theo để lợi lạc cho cuộc đời”.

Ngoài việc tự mình đăng ký hiến mô tạng, hiện nay, khi gặp những người cần sự hỗ trợ khi có ý định thực hiện công việc cao đẹp ấy, anh Hiệp luôn sẵn sàng chia sẻ, động viên, hướng dẫn và chở họ tới tận nơi đăng ký. Anh cũng gửi lời khuyên đến mọi người: “Khi muốn đăng ký hiến mô tạng, mọi người nên tìm hiểu thật sự ý nghĩa của việc này. Bởi với nhiều người, đây là việc làm khá nhạy cảm, liên quan đến vấn đề tâm linh sau khi chết. Nếu không khéo, việc làm này còn có thể làm lớn thêm cái tôi trong mình. Cho nên khi chưa hiểu được ý nghĩa của sự cho đi, chưa mang tinh thần ‘vô ngã’ thì việc hiến mô tạng là cả một vấn đề cần đắn đo, cân nhắc. Còn nếu đã hiểu ý nghĩa của việc hiến mô tạng, tôi nghĩ ai làm được cũng đều cảm thấy an vui, hạnh phúc”.

Ước mong làm lợi cho cộng đồng

Cách đây hai năm, khi tình cờ biết được thông tin chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM) tổ chức đăng ký hiến xác cho nghiên cứu khoa học sau khi mất vào 29-9-2018, Mẫn Nghi cùng với em trai đã tới tham gia nghe giảng và đăng ký.

“Trước khi đăng ký, chúng tôi được nghe thầy trụ trì cùng các chuyên gia nói về việc hiến tặng xác sau khi chết sẽ được bảo quản và phục vụ cho mục đích nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Đó là một sự cống hiến quý báu cho xã hội sau khi mình mất đi. Khi về thông báo cho gia đình việc mình đã làm, mọi người ngạc nhiên và có phần phản đối. Sau khi nghe tôi giải thích cặn kẽ, gia đình dần hiểu, cảm thông và đồng ý”, Mẫn Nghi thuật lại.

Trangtre.1061. 3.jpg


Mẫn Nghi và em trai

Khi đem việc mình tham gia hiến mô tạng kể lại với bạn bè, cái Mẫn Nghi nhận lại được là những ánh mắt đầy ngạc nhiên. Có người còn nghĩ hai chị em cô có ý định… tự sát.

Nhiều bạn bè của cô sau khi được giải thích vẫn rất sợ. Qua đó, Mẫn Nghi mới nhận thấy rằng việc làm này không dễ dàng được mọi người tán đồng. Mẫn Nghi cho biết khi đăng ký, cô chỉ nghĩ đơn giản đó như một sự cho đi, mà khi làm được, bản thân cô cũng nhận lại rất nhiều yêu thương và tâm trạng cảm thấy vô cùng thoải mái. Chính vì vậy, dù mọi người có đồng cảm hay không, bản thân cô vẫn mãn nguyện với những gì mình đã quyết định.

 “Tôi nghĩ việc làm này cần được nhân rộng hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, bởi đây là điều cần thiết với lợi ích to lớn cho cộng đồng. Tuy nhiên, cái cần hơn hết vẫn là chia sẻ thông tin sâu rộng trong xã hội, giải thích rõ về ý nghĩa, tác động của việc hiến xác, hiến mô tạng vì đối với nhiều người, đây vẫn là một điều cực kỳ hệ trọng và chưa thể được chấp nhận nhiều, cũng như vẫn còn khá nhiều hiểu lầm phần nào tiêu cực xoay quanh nó”, Mẫn Nghi chia sẻ.

Để đăng ký hiến tạng, bạn có thể liên hệ qua những kênh thông tin sau:

- Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Điện thoại: 028 39560139 - 0913677016. Tại đây, nhân viên của đơn vị sẽ hướng dẫn các thủ tục cần làm tiếp theo.

- Tại miền Bắc, đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế, 40 Tràng Thi, Hà Nội (nhà C2, tầng 2, Bệnh viện Việt Đức). Hotline 091 506 0550 hoặc 024 39386693.

Nhã An / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày