GN - Bên cạnh bóng đá, còn bao nhiêu lĩnh vực mà trí tuệ, sức mạnh Việt Nam có thể chứng minh cho khu vực, cho thế giới?
Có ai trong chúng ta mơ đến ngày reo hò khi một nhà văn hay một nhà khoa học đoạt giải thưởng quốc tế, được tôn vinh trên các diễn đàn khoa học, hay một bộ phim đoạt giải danh giá của điện ảnh thế giới?
Bên cạnh bóng đá, còn bao nhiêu lĩnh vực mà trí tuệ, sức mạnh Việt Nam có thể chứng minh cho khu vực, cho thế giới? - Ảnh: Lê Hoàng Giang
Hào khí U-23 Việt Nam đang cao ngất trời
Sau trận bán kết U-23 châu Á 2018 vừa rồi, người ta chứng kiến hào khí thanh niên Việt và người Việt cao ngút trời. Đã lâu rồi người hâm mộ cả nước mới được sống trong bầu không khí sục sôi ấy, kể từ năm 2008 khi chúng ta vô địch AFF Cup.
Lần ấy là đẳng cấp khu vực, còn lần này là châu lục. Bảo sao mọi người không cuồng nhiệt xuống đường tung hô đội tuyển. Họ vui mừng cho thành tích vang dội của bóng đá nước mình. Họ có quyền tự hào về một đội bóng, về một huấn luyện viên đã làm được những chiến công đầu tiên cho bóng đá Việt Nam.
U-23 Việt Nam đã thắng U-23 Australia để vào tứ kết, vượt lên U-23 Iraq để vào bán kết, và rồi qua mặt U-23 Qatar để vào chung kết. Đó là sự kiện trong lịch sử bóng đá nước nhà. Và người hâm mộ nước nhà cũng là những người đầu tiên trong lịch sử được sống trong thời khắc gặt hái chiến quả ngọt ngào này của bóng đá Việt Nam.
Trận chung kết diễn ra trong sân Thường Châu - Trung Quốc ngập tràn tuyết lạnh, nhưng không khí nóng lên với sự cổ vũ cuồng nhiệt, với tinh thần và màu cờ Tổ quốc. Trong sự khó khăn đó mới thấy được bản lĩnh và tài năng thực sự của các ứng cử viên vô địch U-23 châu Á, cả Uzbekistan và Việt Nam. Những gì diễn ra 120 phút trong thời tiết khắc nghiệt chiều 27-1, thật xứng đáng với vị trí đầu trong mùa giải năm nay của châu lục!
Dù có tiếc nuối, nhưng không có gì để trách các cầu thủ và ban huấn luyện, vì họ đã cố gắng hết sức, như lời huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo đã nói với các cầu thủ ngay sau trận chung kết.
Trước thành tựu của U-23 Việt Nam, cả đất nước như sống trong một ngày vui hân hoan chưa từng có. Tuy nhiên, chúng ta cũng chứng kiến nhiều chuyện vui: Những người bán hàng tặng nước miễn phí cho khách qua đường, có những cửa hàng giảm giá thấp bất ngờ, mọi người trở nên thân thiện và đáng yêu đến lạ! Có va quẹt cũng nhoẻn miệng cười. Người Việt với nhau cả mà! Không ai gây gổ với ai đêm ấy. Chúng ta nhớ lời thơ Chế Lan Viên viết về một thời đã có hay chỉ có trong ước mơ của ông: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả,… Dù mai sau đời trăm vạn lần hơn…/…Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ / Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn ...” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)…
Chứng kiến cảnh vui ấy, có người ước ao: Phải chi ngày nào mình cũng có bóng đá! Có người còn mong sao cơn ngây ngất ấy đến thường xuyên để tạo khí thế mới cho người Việt, về xã hội biết chia sẻ và cảm thông, đầy tiếng cười vui, tất cả trái tim cùng hòa nhịp đập, cùng một nỗi thổn thức và khát vọng vượt qua chính mình, với lòng tự tin, danh dự và bản lĩnh Việt Nam.
Có người cao hứng còn cho rằng “bóng đá Việt Nam đặt cả bóng đá châu Á dưới chân trong khuôn khổ giải đấu U-23 châu Á đang diễn ra ở Trung Quốc”. U-23 Việt Nam đã vượt lên đội tuyển của nhiều nước, vượt qua vòng loại, vào được vòng chung kết. Lại có người mạnh dạn cho rằng “Vận nước đang lên”…
Vui, tất nhiên là rất vui, nhưng những cách nói đó được phổ biến trên các kênh báo chí có số bạn đọc cao trong một không khí như mấy ngày qua dễ khiến người ta chông chênh trong cảm xúc, mất thăng bằng khi phải định hướng lại, nhìn rõ thực lực của mình.
Chúng ta cần có sự bình tĩnh, không chỉ từ người dân mà cả giới truyền thông. Trong bóng đá có cả sự may mắn và bóng đá không phải là tất cả của một đất nước.
Đối với thế giới, chúng ta biết Argentina là một đội bóng mạnh, từng vô địch thế giới nhưng đất nước vẫn chìm trong khủng hoảng và đồng tiền mất giá khủng khiếp. Đội tuyển Hy Lạp từng vô địch châu Âu nhưng Hy Lạp vẫn trong cơn khủng hoảng khốn khổ nhất bởi kinh tế lụn bại, nợ công chồng chất. Brazil, đất nước hàng đầu thế giới về bóng đá nhưng kinh tế, khoa học, công nghệ vẫn không khởi sắc, v.v… Hãy trả bóng đá cho bóng đá đơn giản là một môn thể thao, một cuộc vui trong một mùa giải.
Hãy vận dụng khí thế ấy?
Chúng ta đã sống trong những ngày hạnh phúc, những ngày hân hoan, với nhiều niềm tin và cảm xúc, nhưng sẽ rất ngắn ngủi nếu lứa cầu thủ này không tiếp tục rèn luyện hướng đến World Cup 2022, hay xa hơn là vô địch châu lục ở tầm cỡ đội tuyển quốc gia, và phải vô địch hay là ứng viên vô địch nhiều lần thì mới có thể tự hào “bền vững”.
Bên cạnh bóng đá, còn bao nhiêu lĩnh vực mà trí tuệ, sức mạnh Việt Nam có thể chứng minh cho khu vực, cho thế giới? Có ai trong chúng ta mơ đến ngày reo hò khi một nhà văn hay một nhà khoa học đoạt giải thưởng quốc tế, được tôn vinh trên các diễn đàn khoa học, hay một bộ phim đoạt giải danh giá của điện ảnh thế giới?
Nói như một tờ báo thì “vận nước đang lên”, nhưng muốn “vận nước lên” thì hãy nhớ lời cụ Phan Chu Trinh trong ba việc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Với Việt Nam chúng ta trong cuộc xây dựng đất nước hiện tại, “chấn dân khí” xem ra là có tầm quan trọng hơn cả.
Đã có lần chúng tôi từng viết rằng khơi dậy chí khí của dân là cực kỳ quan trọng. Sức mạnh tinh thần càng quan trọng hơn khi phải làm cho mọi người thấy rằng thành tựu cá nhân, vượt khó, vì sự nghiệp cá nhân và toàn dân, vì chính nghĩa muôn đời vượt lên trên tất cả.
Khí phách của một thời dân ta tuy nghèo nhưng bất khuất kiên cường, vững bước làm người ngày xưa còn chăng? Có hun đúc tinh thần ấy thì dân sẽ tự tin, tự hào, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lẽ phải. Điều này ảnh hưởng đến tồn vong của tổ quốc. Chấn dân khí là muốn dân dũng mãnh trong suy nghĩ và hành động, bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác, hành xử theo lương tri của mình, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và ý thức về truyền thống dân tộc, phát huy và xây dựng những giá trị mới phù hợp với thời đại hội nhập toàn cầu.
Tiếp tục nuôi lớn ước mơ tuổi trẻ
Các em có thể ước mơ trở thành cầu thủ, thậm chí siêu cầu thủ như Messi, Ronaldo hay Neymar…, nhưng cũng phải biết ước mơ thành những nhân vật khác. Bên cạnh bóng đá, thế giới còn có Mark Zuckerberg, Bill Gates, những người làm giàu bằng trí tuệ của chính mình và đóng góp trở lại hơn 90% tài sản cho xã hội.
Chúng tôi đã từng có lần viết trên báo này rằng tuổi trẻ phải biết ước mơ. Trước hết ước mơ về cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Tuổi trẻ phải ước mơ có những đóng góp cho việc xây dựng một xã hội phát triển trên cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng chính là ước mơ hạnh phúc.
Tuổi trẻ phải ý thức được rằng hạnh phúc của chính mình tồn tại khi những người chung quanh cũng hạnh phúc như mình. Từ đây, tuổi trẻ hướng đến hạnh phúc. Hướng đến hạnh phúc là hướng đến sự giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát mọi chướng ngại do tham, sân, si gây ra. Từ đây ,tuổi trẻ là tuổi hướng thiện, hướng đến việc xây dựng nếp sống an bình cho mình và đóng góp vào sự an bình cho mọi người.
Phải giáo dục trẻ tinh thần cầu tiến, tự trọng và quan trọng hơn, lòng nhân. Khí thế của một ngày hay vài ngày cần phải tiếp tục nuôi dưỡng dài lâu trở thành khí thế chung của toàn dân. Điều này không dễ, nhưng đã có tiền đề thuận lợi. Nếu để trôi qua như đã từng trước đây sau chức vô địch AFF Cup 2008 thì chúng ta lại phải đối diện với những nan đề không giải được: một bộ phận tuổi trẻ mất phương hướng, khô lý tưởng và con người quay về tiếp tục sống trong một xã hội luôn căng thẳng, bạo lực, thiếu sự cảm thông, không nhường nhịn, ích kỷ, làm giàu bất chấp... Lúc đó tìm sự bình yên cũng khó, nói gì đến hào khí.
Hào khí tuổi trẻ không chỉ nên thể hiện qua một giải bóng đá, dù đó là giải tầm cỡ châu lục, như đã thấy trong những ngày qua, mà cần nhân rộng trong các lĩnh vực khác, để sức trẻ ấy trở thành ý nghĩa hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước, để âm vang Việt Nam trên thế giới toàn diện hơn.
Nguyên Cẩn