Khi tình thương có mặt...

Giác Ngộ - "Trong gian truân nghèo khó, nụ cười héo hắt bờ môi" nhưng ở cô Hà thì không phải vậy. Dù cái nghèo đang đeo theo gia đình nhưng tiếng cười ba đứa trẻ mồ côi cô đang nuôi dưỡng đã cho cô sức bật đến lạ thường. Vì bởi lẽ khi tình thương có mặt thì "thử thách nhỏ nhoi về vật chất làm sao có thể đánh gục được tình thương dành cho bọn trẻ trong cô…".

Ngôi nhà ọp ep nằm trong căn hẻm nhỏ đường16, phường Bình An, quận 2 với những tấm tôn cũ kỹ và mớ cột kèo đã trở thành nơi trú ngụ của tám người. Trong căn nhà nhỏ ấy, "trộm vào rất dễ, vì cửa thông trước thông sau nhưng buồn là chẳng có gì để lấy". Ngày trước, cô Hà là bảo mẫu của nhà trẻ, lương tuy không khá nhưng cũng đủ cho cô xoay xở lặt vặt. Vậy mà từ ngày làm bà ngoại nuôi của ba bé: bé Nhi, Tuấn và Cún thì cô đã nghỉ làm hẳn ở nhà trẻ. Tiền lương không còn mà thêm vào đó là phải chi tiêu nhiều thứ. Cô kể: "Mấy năm trước khi còn làm bảo mẫu, gia đình của cháu Nhi, Cún, Bin gửi cô giữ giúp. Nhưng rồi, gửi xong không quay lại. Vậy là từ cô bảo mẫu, cô thành bà ngoại nuôi". Lúc đầu nghĩ nhà nghèo, cuộc sống chật vật nên cũng tính gửi các em vào trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Nhưng bé Nhi nghe được không chịu ăn uống nên cô và gia đình không đành lòng. Cũng có những khi khách tìm đến tận nhà xin cháu về nuôi, nhưng đứa nào cũng khóc không chịu đi. Cô chia sẻ: "Không phải ruột thịt gì của mình lại đến với mình giống như cái duyên, cái nợ của mình nhiều kiếp nên thấy mến tay, mến chân. Bởi vậy cả gia đình quyết định nuôi dưỡng ba đứa"

comat.gif.

Ba đứa trẻ quấn quýt khi ông ngoại đi làm về

Để nuôi ba đứa trẻ, mọi người trong nhà phải gồng thêm công việc kiếm thêm tiền, không dám sắm sửa gì, nhưng đâu vẫn vào đó, không tháng nào dư. Chồng cô, chú Hoàng làm việc tại phường, lương tháng chỉ có chín trăm ngàn. Có những hôm giữ xe, bà con thương dúi cho ít tiền thì ngày đó bữa cơm của bọn trẻ có thêm nhiều thịt, trứng. Còn con trai lớn của cô làm cán bộ, lương cũng không hơn gì mấy. Cậu con trai nuôi thì làm thợ hồ, đồng lương bấp bênh lúc làm, lúc thất nghiệp. Còn cô con gái thì đang học đại học nhưng đỡ tí là tranh thủ thời gian rảnh đi làm thêm, dạy kèm để có tiền phụ mẹ. Cả gia đình gói ghém lắm mới đủ tiền lo cho các em ăn uống.

Chưa kể đến lúc bệnh, cô phải đi vay tiền hàng xóm để lo chữa chạy. Vay tiền bạc triệu nhưng thấy cuộc sống chật vật, thương tình người ta cho cô trả góp từng ngày. Đáng ngại là trong ba đứa trẻ thì có một em bị bệnh suyễn bẩm sinh, sức khỏe rất yếu, nên lúc nào cô cũng phải để ý, chăm chút kỹ lưỡng từng tí. Ngày nắng thì không nói gì, ngày mưa thì mái nhà tôn "chắp vá" có chỗ hỏng bắt đầu dột nước. Mưa gió tạt vào, ba bà cháu ôm nhau ngồi trên võng mà lòng cầu trời "giông đừng ghé thăm". Những lúc như vây, ai đi ngang thấy ba bà cháu đều mủi lòng thương. Cả ba đứa trẻ đều khó nuôi từ nhỏ, chỉ cần thời tiết trở mùa hay ăn uống không đủ chất là trở bệnh. Biết vậy, nên cứ chiều chiều trong xóm ai có đồ ngon là gửi hoặc trực tiếp mang đến cho các em. Người cho cháo thập cẩm, người cho chuối, cho bánh để tối các em ăn dặm cữ tối. Thương, tội nhất là có những ngày hết tiền, cô cắt bớt cữ sữa, "hai đứa nhỏ cứ đưa cái bình sữa lên trút ngược xuống, tay thì quơ quơ giũ giũ". Cô không chịu nổi nên phải ra tiệm mua sữa thiếu cho hai đứa uống. Tới cuối tháng, con gái lãnh lương cô mới có tiền trả.

Vừa học, vừa làm cực là thế mà con gái cô - mẹ Hân của bọn trẻ vẫn không than thở. Làm về nhà tới mười giờ tối mà vẫn xuống bếp pha sữa cho ba đứa. "Riết rồi, từ lúc nào Hân chăm sóc các em như người mẹ chăm con mình lúc nào không hay". Ở độ tuổi 22, cái tuổi mà dành nhiều thời gian cho yêu đương thì Hân lại làm ngược lại. Cô Hà kể: "Hân có rất nhiều người theo đuổi, nhưng em nó từ chối hết. Một phần vì gia đình còn khó khăn, phần khác vì muốn dành tình thương đó cho ba đứa trẻ. Mình làm mẹ, thấy con có tâm tốt như vậy vui lắm". Điều cô và cả gia đình lo lắng, ước mong nhất cho các em lúc này là: "Làm thế nào cho các em đến trường đúng tuổi". Như em Yến Nhi đã lên 4 tuổi, nhưng không thể đến trường được vì không có giấy khai sanh. Nếu không có được giấy khai sanh thì ngõ sáng vào đời của em lại bị đứt đoạn. Và đó là điều mà trong chúng ta chẳng ai muốn.

Dẫu biết rằng "Hạnh phúc của cuộc đời là cho chứ không phải nhận" nhưng đứng trước cái hy sinh to lớn của gia đình có khi cái nhân duyên "góp mặt cho đời" ấy có khi chỉ là mới bắt đầu, khơi nguồn yêu thương trong họ để rồi trở thành cầu nối cho cuộc hành trình kéo dài đến mai sau...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày