Khổ đau & hạnh phúc (phần 1)

Giác Ngộ - Một người bạn là giáo viên dạy vật lý (chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe, kiểm chứng được…), con cái gặp chuyện chẳng may, muốn tìm đến với đạo Phật. Anh thắc mắc: Đạo Phật cho đời là bể khổ có đúng chăng.

Đời đâu phải hoàn toàn khổ mà còn có vui. Giàu có, sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, được thỏa mãn mọi nhu cầu... sao bảo là khổ? Đứa bé ra đời ai cũng mừng sao bảo sinh là khổ? Bệnh thì khổ thật nhưng lão, tử đâu phải ai cũng khổ cả đâu! Có người có tuổi già rất đẹp, có cái chết thật bình yên sao bảo khổ? Đem giáo lý học thuộc trong sách Phật học, tôi trả lời anh: Đời là khổ, sinh lão bệnh tử khổ; thương yêu mà không được gần gũi phải chia lìa là khổ; cầu mong, ước muốn không được là khổ; không hợp, không vừa ý, ghét nhau mà phải chạm mặt hàng ngày hay chung sống là khổ; có thân năm ấm thì khổ. Rồi dẫn ba loại khổ: nào khổ khổ, hoại khổ và hành khổ! Tôi cố ra sức biện bạch, chứng minh tất cả những thứ trên đều vô thường, có đó không đó, để đi đến kết luận đời là khổ, nhìn đâu cũng thấy khổ! 

WWT (3).jpg

Ảnh minh họa

Và một chị bạn quay quắt trước hoàn cảnh bế tắc của mình, tôi khuyên chị đi chùa. Chị đã cật vấn: Đến chùa liệu có giải quyết được mọi chuyện? Hoàn cảnh tôi bế tắc thế này làm sao có thể… Nhiều người có bao giờ đặt chân đến chùa mà cứ sướng phây phây, mấy người nghèo khổ, khó khăn, bệnh tật đến chùa có thay đổi được gì, hay khổ lại hoàn khổ? Tôi trả lời chị:  Đời là khổ, có ai thoát khỏi khổ! Đạo Phật là đạo diệt khổ nên đi chùa, tìm đến với đạo Phật là giải pháp đúng đắn. Khổ đau, bệnh tật, nghèo túng... tất cả đều do nghiệp. Vậy chỉ có cách đến chùa tu tập, dần dần chuyển nghiệp… mới từ từ hết khổ.

Mặc dù cố ra sức phân tích, giải thích này nọ tôi vẫn không thuyết phục được họ. Trái lại, vô tình tôi đã trùm lên đạo Phật một bức màn ảm đạm, có thể đã khiến cả hai người ngần ngại đến với đạo Phật! Thật ra điều hai người bạn kia đặt ra làm tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở: Đạo Phật khẳng định đời là khổ phải chăng là tiêu cực? Có điều chắc chắn, một thực tế không ai chối cãi là đời người ai cũng khổ, từ một vị tổng thống quyền uy đến kẻ bần cùng đều khổ cả, đó là một sự thật! Nào ai thoát khỏi khổ lụy phiền não lo âu? Cái thảm cảnh bi đát nằm ngay trước mắt bên tai, ngay trong mỗi người; những sự thật có thể thấy nghe chứ không ở đâu xa. Đứa bé ra đời, từ khi thụ thai nằm trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra mẹ con đều đau đớn: khổ; sinh đẻ biết bao hiểm nguy: khổ; sinh ra thân thể không bình thường, khiếm khuyết: khổ; vào đời gặp cảnh nghèo túng: khổ; thi cử không đậu: khổ; công danh sự nghiệp lận đận: khổ; quan hệ với người xung quanh không suôn sẻ: khổ; tình yêu trắc trở: khổ; đau ốm bệnh tật: khổ; bị giựt hụi lâm nợ: khổ; con cái hư hỏng: khổ; người thân qua đời: khổ; bị người nói nặng nói nhẹ cũng khổ… Đủ trăm, ngàn lý do khổ. Người nghèo khổ đã đành mà người giàu có, chức trọng quyền cao cũng khổ! Khổ đè nặng lên thân phận con người. Cuộc sống càng văn minh, nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ vật chất ngày càng đạt đến đỉnh cao thì nỗi khổ càng nhiều; mối quan hệ càng rộng thì nỗi khổ đau càng lớn do vướng mắc và hệ lụy càng nhiều thêm. Nỗi khổ cuộc đời xưa nay không bút mực thế gian nào kể xiết. Có thể nói bao nhiêu áng văn thơ bất hủ Đông Tây kim cổ là bấy nhiêu thiên tình sử bi hận, cũng chỉ nhằm diễn tả nỗi khổ bi lụy của con người. Thoạt sinh ra thì đà khóc óe. Trần có vui sao chẳng cười khì (Chữ Nhàn-Nguyễn Công Trứ). Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…, Roméo & Juliette của William Shakespeare, Truyện Kiều của Nguyễn Du… là những tác phẩm tiêu biểu nói về nỗi thống khổ muôn đời của con người:

Trải qua một cuộc bể dâu.
Những điểu trông thấy mà
đau đớn lòng!

WWT (5).jpg

Ảnh minh họa 

Trong Cung oán ngâm khúc, thay mặt một cung nữ, Ôn Như Hầu đã thốt lên tiếng kêu than não ruột! Cũng chính là nỗi khổ đau vạn thuở của con người: 

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo ngoài bến mê!

Hay:

Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người
tang thương!

Có lẽ chính vì thế, bài học đầu tiên sau khi chứng ngộ chân lý tối thượng dưới cội bồ đề, Đức Phật đã giảng dạy cho chúng sinh - chuyển Pháp luân - mà trực tiếp cho năm vị đạo sĩ đồng tu trước đây, anh em Kiều Trần Như là Tứ diệu đế hay Tứ Thánh đế tức Bốn chân lý tối thượng: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Phật dạy đây là khổ: Khổ đế; đây là nguyên nhân dẫn đến khổ: Tập đế; đây là trạng thái chấm dứt khổ tức an lạc: Diệt đế; và đây con đường đưa đến vắng mặt khổ đau tức an vui hạnh phúc: Đạo đế. Bốn đế đều có tương quan tương tức với nhau. Gọi là chân lý mầu nhiệm vì Tứ diệu đế bao trùm mọi tương quan duyên khởi, chi phối hết thảy hiện tượng sự vật; trong đó một đế dung chứa và thâu nhiếp ba đế còn lại. Nói đến khổ tức phải có nguyên nhân dẫn đến khổ, chứ không do ai tạo ra kể cả các đấng thần linh, trời hay thượng đế. Và hễ có khổ tức có lạc và ngược lại. Khổ và lạc là hai mặt của cùng một thực tại như trong ngoài, đúng sai, phải trái… Không có bên trái thì biết đâu là bên phải, không đúng làm sao có sai. Mà có nguyên nhân tạo ra khổ thì có phương cách, con đường diệt khổ. Đó là đạo, con đường diệt khổ. Khổ là một trong ba pháp ấn để nhận diện đạo Phật: vô thường, khổ, vô ngã.

WWT (2).jpg

Ảnh minh họa

Phật dạy đời là khổ nhằm xác định một lẽ thật. Nhưng ngay đó Phật cũng dạy đời có an lạc, hạnh phúc (nếu không Phật chỉ dạy tu hành để làm gì!) và người tu Phật phải tìm giải thoát, giác ngộ ngay nơi cuộc đời khổ đau và Niết bàn không đâu khác ngoài cõi Ta bà. Rõ ràng, đây là một khẳng định mang tính tích cực! Cứu khổ chúng sanh là lý do sự hiện diện của mười phương chư Phật và cũng chính là đại nguyện của chư Bồ tát. Thế gian này không khổ đau chắc chắn Phật không thị hiện. Khổ đau là điều có thật, nhưng vắng mặt khổ đau tức an lạc hạnh phúc cũng có liền ngay sau đó, nếu biết nhận diện và thấu triệt nó. Trước khổ đau, luận điệu thông thường của nhiều người là tìm cách chối bỏ, tránh né bằng cách đọc báo, xem sách, coi phim hay tìm đến rượu, ma túy hoặc ái dục... Thời đại ngày nay phim ảnh đủ loại, trò chơi điện tử có khả năng ru ngủ, đưa con người vào thế giới ảo, làm quên đi tất cả! Nhưng đó chỉ là giả, là ảo nên làm sao có tác dụng đem lại bình an đích thực, chấm dứt cơn say (say rượu, ma túy hay say mộng cũng thế). Khi trở về với thân phận thực tại, những nỗi khổ đau kia đã không giảm còn tăng lên gấp bội! Khi không thể chạy trốn được nữa, người ta kêu trời van đất, đổ cho số phận. (Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày