Khó khăn mà chi!

Khó khăn mà chi!
NSGN - Con người được hình thành từ những thói quen của quá khứ. Phật gọi là nghiệp tập. Và được nuôi dưỡng bằng lối sống của từng gia đình và nơi chôn nhau cắt rún mà hình thành những thói quen trong hiện tại.

Chi Hai không làm dâu. Vì mẹ Chi Hai bắt rễ.

Không phải bà sợ con gái khổ. Mà vì điều kiện gia đình chồng Chi Hai lúc ấy, cái lúc phải đi kinh tế mới ở tận xứ Long Thành khỉ ho cò gáy. Xa thành phố. Công việc không ổn định. Mà nhà mẹ ruột lại rộng. Đơn chiếc. Cần có một người đàn ông cho ấm cửa ấm nhà. Cũng không thấy sợ hãi khi có những việc cần đến đàn ông.

Vui, buồn, than, trách gì nếu có, chỉ sau lưng. Chẳng bao giờ nghe một câu than phiền trước mắt. Chồng cũng không bao giờ hạch sách hay bắt vợ phải thế này hay thế kia với cha mẹ chồng. Chồng có những suy nghĩ của riêng chồng. Không phải là loại đàn ông phong kiến. Cũng không phải là loại đàn ông bất hiếu. Chồng có những suy nghĩ của riêng chồng.

Làm dâu không làm nhưng làm mẹ chồng thì có.

Không làm dâu lại tin nhân quả nên chẳng bao giờ Chi Hai nghĩ mình sẽ có một cô con dâu đối với mình theo kiểu lễ nghĩa xưa kia. Thằng con trai tuyên bố: “Việc con trai thương vợ hơn mẹ là chuyện thường tình ở đời. Mẹ chuẩn bị tinh thần trước đi…”. Nó tuyên bố. Chi Hai bật cười. Đến giờ nó vẫn chưa vợ. Có, là thằng sau.

Chi Hai không giận vì câu nói đó. Cũng không lấy làm lạ về câu nói đó. Vì Chi Hai tin nhân quả.

Chi Hai không làm dâu mà Chi Hai muốn người khác phải làm dâu mình thì chắc chư Phật sẽ cười… 

Chồng cũng không bắt Chi Hai phải thế này hay thể kia với cha mẹ chồng. Cũng không hề vì một lời nói nào của gia đình mà làm tổn thương Chi Hai, lý gì Chi Hai lại bắt con trai phải vì mình mà không tốt với vợ?

Tin nhân quả ai làm vậy bao giờ.

Bắt người ta tuân thủ ý mình chi cho mệt. Vô tình tạo thêm ác nghiệp.

Cô dâu trẻ không phải là người gia đình vừa ý. Không ai vừa ý cô con dâu. Chi Hai cũng không vừa ý nhưng Chi Hai không theo thói người đời vẫn làm. Bởi Chi Hai có Phật pháp. Một đôi lúc Chi Hai cũng thấy bực bội nhưng không ghét bỏ. Chi Hai thấy thương những cử chỉ mà mọi người không vừa ý đó.

Tại Chi Hai biết.

Con người được hình thành từ những thói quen của quá khứ. Phật gọi là nghiệp tập. Và được nuôi dưỡng bằng lối sống của từng gia đình và nơi chôn nhau cắt rún mà hình thành những thói quen trong hiện tại.

Hai mươi mấy năm trong hiện tại đủ khiến tâm sinh lý của cô gái trẻ trở thành bất ổn khi phải sống trong những điều kiện không quen thuộc. Với những thói quen đã hình thành từ vô lượng kiếp thì còn tệ hơn. Thành thay đổi một thói quen là việc khổ não. Dù tự nguyện, những gì đi ngược với thói quen cũng gây ít nhiều căng thẳng khổ não, như người nghiện cai thuốc. Phải chịu những phản ứng về tâm sinh lý. Không tự nguyện thì càng tệ.

Thay đổi một thói quen mà dễ thì đời này nhiều Phật vô số. Đụng đâu cũng thấy Phật. Bởi làm Phật thì có vô số thần lực, muốn gì chẳng được. Ai mà chẳng thích làm Phật. Cũng bớt đi hạng người nói nhiều mà làm thì không bao nhiêu. Hạng mà thiên hạ hay gọi là “khẩu đầu thiền”. Nhưng Phật thì quá ít mà “khẩu đầu thiền” thì quá nhiều, vì nghiệp tập khó dời. Bồ-tát phát tâm như bông xoài, đậu quả rất ít. Cũng vì nghiệp tập khó trừ. Nói bỏ không phải có thể liền bỏ. Chỉ như con lắc đồng hồ, theo dao động tắt dần mà đi. Phát tâm tu Bồ-tát hạnh mà còn khó vậy, huống là người chưa tu và không hề có ý muốn tu. Khổ não lắm lận.

Chi Hai thấy thương cho cô dâu nhỏ là vì lẽ ấy.

Bước vào một gia đình mà sinh hoạt và nề nếp hoàn toàn khác với thói quen của mình, là sự bất hạnh đầu tiên con bé phải gánh. Không thương sao được.

Không đồng trong đạo giáo

Đạo giáo, đa phần dạy người sống thiện, nên không đồng đạo giáo không phải là vấn đề to lớn, nhưng do người có đạo giáo hằn mạnh cái tôi lên đó, nên thành có đối lập. Đây là cái khổ thiên hạ hay gặp trong đời sống gia đình. Có những thứ thấy đơn giản nhưng khi đụng duyên mới thấy không dễ dàng. Yêu nhau tưởng có thể vượt qua tất cả, nhưng niềm tin và cách hành xử ở mỗi tôn giáo - nếu đã trở thành những thói quen trong đời sống bình thường - lại chính là chướng ngại trong đời sống gia đình và lứa đôi. 

Một cô dâu, quen với những thiện nghiệp của gia đình, đã không tránh khỏi bức xúc khi thấy mẹ chồng sống hai mặt với mọi người (dù đó là chồng mình) và cho đó là sự “khôn khéo” cần thiết. Chú rễ không quen với cái kiểu đụng đâu cũng có thể cứu giúp của cô dâu, vì gia đình giàu có là nhờ sự chắt chiu dành dụm mà nên v.v... Rất nhiều thứ tưởng chừng đơn giản mà không còn đơn giản vì quan niệm sống đối lập nhau, nhưng lại không biết cách buông xả để hòa hợp. Lại để nó huân tập và uất kết, tạo thành những vết hằn trong tâm thức. Rạn nứt không tránh khỏi từ những việc nhỏ nhặt.    

Duyên tốt của gia đình Chi Hai là con bé không phải là người quá ngoan đạo. Không thường đi nhà thờ cũng không bắt chồng phải theo đạo. Tại gia đình nó cũng vì đạo ông đạo bà mà chia xa. Chi Hai thì không phải là người tu Phật chỉ biết xin, lạy, cúng dường và bắt mọi người phải theo mình vì mình là người hiểu đạo. Chi Hai hiểu đạo nên Chi Hai tôn trọng niềm tin của người. Mình có niềm tin của mình thì người cũng có niềm tin của người. Không có đạo1 nào xấu. Chỉ do người hành đạo không đúng. Cái gì không đúng thì lấy giáo lý của đạo đó ra mà nhắc nhở. Chi Hai không muốn người ta theo mình chỉ vì mình là chủ nhà, là mẹ chồng, là người có quyền lực trong gia đình. Chi Hai không muốn sự đối lập của đạo giáo xảy ra trong gia đình mình khi mà mục đích của các vị giáo chủ lập đạo ra là cốt để thế giới an bình, con người biết thương yêu nhau.

Việc cần làm là ở Chi Hai không phải ở con bé. Vì Chi Hai là người lớn. Chị Hai có sự hiểu biết rộng rãi và kinh nghiệm nhiều hơn con bé, thành Chi Hai phải là người tự nguyện dung hòa, không để sự căng thẳng xảy ra trong gia đình. Người lớn (mà chưa lú) thì phải làm gương cho con nít, không phải là người có quyền bắt con nít phải nghe mình. Đạo Phật là đạo từ, bi, hỷ, xả. Sống với mình mà dâu con căng thẳng quá thì đạo đúng là “vô sở trụ” trong con người mình. Thành nếu có việc gì thì Chi Hai phải là người xả trước. Chi Hai thích thấy con bé cười vang trong gia đình hơn là lấm lét sợ hãi phiền não vì mình. Chi Hai không muốn vì cách cư xử của mình mà con bé có cái nhìn không tốt về đạo Phật.  

Suy nghĩ vậy rồi, Chi Hai không bao giờ đề cập đến vấn đề đạo giáo trong gia đình. Cháu nội cũng không bắt nó phải theo đạo Phật dù Chi Hai có quyền làm như thế. Mẹ nó muốn đạo nào thì cho nó theo đạo đó. Chi Hai không thấy bận tâm về điều đó. Có dẫn con đi nhà thờ thì cứ dẫn. Chi Hai chỉ nhắc chừng những gì thấy trái với đạo lý làm người, có thể chuốc hại cho chúng trong hiện tại và mai sau. Còn nghe hay không tùy ý. Có nhắc nhở là được. Để khỏi thấy hối hận khi quả xấu hiện ra chỉ vì mình đã im lặng.

Không đồng trong ăn uống

Con bé người miền Tây. Đồ gì ăn cũng ngọt lịm. Chi Hai nấu nó cũng ăn. Nhưng Chi Hai biết nó mắc nghẹn. Tại khi nó nấu, Chi Hai nuốt không trôi. Đâu có thói quen ăn ngọt mà ăn cho trôi mấy thứ đó. Không phải nó không biết gia giảm. Đã gia giảm rồi. Khổ là mặn ngọt không tánh. Thứ nó thấy mặn, mình vẫn cứ ngất ngay. Chưa kể đến cái “vị” nấu ăn đã quen thuộc của từng người cũng khác. Chi Hai thấy thương con bé khi miếng cơm mắc ngang họng mình. Nuốt không trôi mà bươn chải suốt ngày ngoài xã hội thì thiệt tội. Kiểu này Chi Hai cũng khó sống sót đến trăng sau. Cần phải thương mình và người. Phải làm một cuộc cách mạng cho cả hai. Chị Hai quyết định cho nó được tự ý tùy thích. Thích Chi Hai nấu thì Chi Hai nấu cho ăn. Không thích thì cứ đi ăn ngoài. Chỉ là lâu lâu lại nhắc chừng: Ăn ngoài bột ngọt, ăn ngoài dơ, chồng con nó tiểu đường… Còn nghe hay không là tùy nó. Không có ý bắt nó theo mình.      

Không đồng trong sinh hoạt nề nếp

Thiên hạ không ưa nhau một phần là do cách sống không như nhau. Xã hội tự nó phân giai cấp không phải chỉ do nghèo giàu mà còn bắt nguồn từ quan niệm sống không giống nhau. Già và trẻ của hai thế hệ thường ít có điểm chung, nhất là khi xã hội thay đổi quá nhanh như hiện tại. Khi mà văn hóa phương Tây với nếp sống hiện đại đang ảnh hưởng mạnh vào đời sống lớp trẻ hiện nay.

Một gia đình nề nếp theo kiểu Việt Nam thời xưa không chấp nhận con gái quá tự do với con trai mình, là những gì mà bây giờ giới trẻ thấy như việc tự nhiên. Vì chúng tiếp xúc với văn hóa Tây phương. Xưa, cậu em trai ở nước ngoài về, mang người bạn tới giới thiệu. Dù không nói ra, chị em tôi đều thấy khó chịu, chỉ vì con bé mặc một chiếc đầm sát nách và ngồi uống bia chung với bạn bè cậu. Cho cách ăn mặc và sinh hoạt như thế không phải là con nhà đàng hoàng.

Thật ra vào cái lúc ấy, việc mặc một chiếc áo sát nách và ngồi chơi với bạn của chồng không phải là việc to lớn. Chỉ là vì mình đã quen với những nề nếp phong kiến của gia đình. Mặc đầm thì được mà sát nách thì không. Hở đùi thì được mà thêm hở nách là không đàng hoàng. Con gái, không có chuyện nhậu nhẹt ăn uống như đàn ông con trai. Những gì cha dạy đọng sâu đó, trong khi cha thành người thiên cổ đã lâu. Thời gian qua đi nhanh chóng, mọi thứ đã đổi thay hết rồi nhưng cái vọng tưởng dung thông nhà mình thì ngày một kiên cố. Mang ra chiếu soi thiên hạ.

Những cái không ưa nho nhỏ đó, nếu không được nhận biết kịp thời để công tác tư tưởng nó, nó sẽ nội kết, làm nền tảng khiến lời nói, ánh mắt và cử chỉ của mình tạo ra những khoảng cách không đáng có. “Cái này có thì cái kia có…”. Phản ứng hai chiều phát sinh. Gây sự rạn nứt trong gia đình.

Phong tục và văn hóa từng miền khiến lời nói hay cách cư xử của từng người cũng khác. Có gia đình muốn dâu rể phải thưa gởi trong từng câu nói. Có gia đình thì mọi nghi thức không nhất thiết phải cầu kỳ. Phong cách Việt thời xưa, con cái nói câu gì cũng phải thưa gởi. Văn hóa Tây phương không đòi hỏi việc đó, cha con ông bà gì cũng là “you”. Sự thân thiết vui vẻ là chính.

Bước vào một gia đình mà tôn ty kiểu cách đặt lên hàng đầu thì sự thân thiện tự nhiên của văn hóa Tây phương dễ tạo khó chịu cho lớp người lớn. Trong khi lớp trẻ thì không biết gì về thói quen mà chúng được thừa hưởng từ văn hóa Âu châu như một lẽ thường tình. Có hiểu biết và tình thương thì mọi việc được bỏ qua. Cô dâu được nhắc nhở để mọi việc được thuận thảo. Ngược lại, một cô dâu tinh ý sẽ tự biết cách sửa đổi để hòa hợp. Rạn nứt xảy ra là khi người lớn không có sự hiểu biết, thông cảm và tha thứ. Còn cô dâu thì quá căng thẳng với công việc, không có thời gian để ý những chuyện lặt vặt, hoặc cô dâu là người vô tư, hoặc biết mà chẳng cần quan tâm.

Cô dâu trẻ của Chi Hai là con gái một. Như con gái của Chi Hai, mọi việc được tập trung cho vấn đề học vấn sự nghiệp. Chuyện chồng con không phải là tất cả như quan niệm cũ xưa. Nên có những thứ mà người lớn, nhất là những người có tính nề nếp và kỹ lưỡng của mẫu phụ nữ đảm đang thời xưa, khó có thể chấp nhận. Có những việc Chi Hai không bằng lòng, nhưng nhìn thấy công việc nó đang làm hiện tại, Chi Hai không thể bắt nó làm theo ý mình. Vì điều kiện của nó không cho phép. Ngoại trừ khi nó tự nguyện thích làm, như một số phụ nữ thời nay vẫn làm, là dù công việc nhiều bao nhiêu, một bữa cơm cho gia đình và sự sạch sẽ ngăn nắp vẫn là thứ cần thiết trong cuộc sống lứa đôi. Nhưng điều đó đòi hỏi sự tự nguyện và thích thú. Vì nó phụ thuộc vào sức khỏe, công việc cũng như thói quen của từng người. Nếu sức khỏe của dâu chỉ có hạn, công việc bù đầu và không ngăn nắp là thói quen cố hữu của cô nàng, thì chỉ còn cách phải tìm một kế sách mới sao cho không có bàn tay của cô dâu, mọi thứ vẫn tốt đẹp để ổn định gia đình. Không thì phải cho nó ở riêng để tự nó ổn định cuộc sống của riêng nó. Không thể huấn luyện con bé trở thành mẫu người phụ nữ đảm đang của thời đại khi mà lực của nó không đủ. Cũng không thể vì chuyện nhỏ nhặt đó mà có cái nhìn không tốt về con bé, rồi nói bóng nói gió khiến con trẻ đánh mất lòng kính trọng với mình. Không tránh khỏi sự xung đột vào một lúc nào đó. Khi mà đời sống xã hội vốn đã mang quá nhiều căng thẳng cho con người.

Dâu Chi Hai làm đâu quăng đó. Phòng nó ngày càng chật nít đồ. Từ cái bao ny-lông cho đến những món lặt vặt bạn bè trao tặng hay quà khuyến mại… đều được dồn hết vào căn phòng nhỏ. Chi Hai choáng cả mặt. Không có thứ gì giống Chi Hai để khỏi phải nói. Không phải con bé bần tiện hay tiết kiệm. Vì nó có dùng tới bao giờ. Cất, là vì thói quen. Chi Hai phải soạn ra cho ve chai. Có khi phải quăng thùng rác vì đã quá date. Chẳng qua gia đình con bé có cửa hàng bán tạp hóa ở tỉnh. Mọi thứ được thu gom và chất đầy nhà. Nó cứ theo cái nghiệp ấy mà làm. Không ý thức được rằng giờ đã bước vào hoàn cảnh mới.

Vì là thói quen nên khi Chi Hai gò nó vào nếp, liền có phản ứng, dù nó không cố ý như vậy.

Đó là khi Chi Hai dọn về căn nhà mới. Mới cả hình thức lẫn nội dung. Ngăn nắp sạch sẽ nếu không có, nhà sẽ mau xuống cấp. Một công hai chuyện. Thừa dịp này, Chi Hai thay xác nó một thể. Để nó còn dạy con sau này. Vì nghĩ là việc tốt, nên Chi Hai khá mạnh tay trong việc gò nó vào khuôn khổ. Chi Hai kiểm soát và nhắc chừng nó liên tục. Nó chấp hành đầy đủ. Nhưng rồi, những biểu hiện căng thẳng bắt đầu hiện ra. Nó bắt đầu có những phản kháng bất chợt. Chi Hai biết mình đã quá tay đối với thói quen của con bé. Thuê người làm để giải quyết vấn đề cho xong. Việc nề nếp cũng được thư giãn hơn. Cho nó dơ chút cũng được. Phải thay đổi từ từ không thể gò nó vào khuôn một cái rụp, khiến nó căng thẳng mà thành phản kháng.

Căng thẳng chấm dứt. Nó vui vẻ lại như xưa.

Nốt ruồi đen trên thân thể người da trắng 

Có một thói quen mà đa số hay mắc phải - già, trẻ, lớn, bé gì cũng hay vướng, là thường hay săm soi nốt ruồi đen trên thân thể người da trắng và kết luận người da trắng là da đen. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nhất là với những bà mẹ mà con trai là quý tôn của mình, thì việc này cực kỳ hãi hùng. Chuyện bé xé ra to có khi chỉ vì một nốt ruồi đen, không hẳn cô dâu đã thật xấu.

Sống như thế, Chi Hai thấy thất bại và tội lỗi. Thất bại trong giao tiếp. Tội lỗi trong đạo đức. Vì đã “vu oan giá họa” cho người. Vì những khoảng da trắng đã bị bôi đen dưới cái nhìn không mấy rộng lượng của mình. 

Làm người, không ai là hoàn thiện. Không vướng cái này thì vướng cái khác. Bởi nếu hoàn thiện thì đã không có mặt ở cõi giới này. Đã không hoàn thiện thì xỉa xói nhau chi? Nương nhau mà sống cho vui vẻ để kiếp này bớt rắc rối, kiếp sau đỡ hoạn tai. Gặp lại nhau cũng đỡ muộn phiền. Không thì kiếp này rước phiền não, kiếp sau thêm tùm lùm.

Suy cho cùng, xấu và tốt có khi không hẳn đã là xấu và tốt. Chỉ vì trái với tư kiến của mình mà nó thành xấu. Trong khi tư kiến của mình, có khi chỉ là thứ được hình thành từ những tập tục, không có căn cứ đạo lý.

Chi Hai sống không phung phí từ nhỏ. Nói “không phung phí” nghe cho ngon chứ chính thực là “hà tiện”, rất hà tiện cho bản thân. Và thường áp dụng việc đó cho gia đình nếu có thể. Sự khó khăn khi bước chân vào đời và nề nếp của gia đình xưa đã huân tập cho Chi Hai cái tính đó. Chi Hai cũng muốn con cái mình sống như vậy. Như một thứ đạo lý ở đời.

Trời nóng, việc gắn một cái máy lạnh là chuyện đương nhiên. Từ chi phí lắp ráp đến tiền điện hàng tháng dâu trai tự thanh toán. Nhưng Chi Hai không muốn. Chi Hai ngủ không máy lạnh đâu có sao.

Có điều, từ khi khởi lên ý tưởng đó, Chi Hai không thể nào có những giấc ngủ bình thường nữa. Những cơn nóng thiêu đốt Chi Hai. Hàng đêm. Rất khủng khiếp!

Chi Hai chợt nhận ra …

Phước nghiệp của mỗi người mỗi khác. Không ai giống ai. Không thể bắt người ta sống như mình. Nếu có sống khác mình, chưa chắc họ đã xấu. Nếu Chi Hai đúng, Chi Hai đã không bị thiêu đốt như thế. Cũng may, Chi Hai được quả báo tức thì. Nếu kiếp sau mới hiện quả thì Chi Hai đã không nhận ra sự sai lầm của mình, sẽ vẫn cột đời mình vào những tư tưởng vô minh.

Xả tâm, không bắt người theo ý mình nữa, Chi Hai hết liền những cơn nóng.    

Đụng đến trai cưng

Một trong các khó khăn mà các cô dâu nhỏ thường gặp nữa, là cha mẹ chồng không thích cậu con trai mình đã tốn công nuôi nấng tâng tiu, lại phải giặt đồ nấu cơm vì một người, mà đáng nhẽ người đó phải làm. Nhưng văn hóa Âu châu thì không phân biệt như vậy. Cha Chi Hai làm tất cả những gì có thể làm từ việc chùi cầu tiêu cho đến vá áo cho con, dù ông là người có chức quyền trong xã hội và luôn có người làm trong nhà. Đó là cách ông thương yêu gia đình. Chi Hai cũng không phải động chân động tay nhiều vì thời còn trẻ, thân bệnh hơn khỏe. Mọi thứ chồng làm hết. Quen cái nề nếp ấy từ nhỏ, nên con trai có làm gì cho dâu thì đó là việc thường tình. Nhưng thằng con lại theo tinh thần phong kiến. Dù vợ có làm đến chức giám đốc thì vẫn phải nấu cơm hầu nó tận miệng. Thời gian đầu, Chi Hai là người phải nhắc con trai khi thấy mọi việc quá tải ở con bé. Đơn giản vì, sống sao để còn có phước mà hưởng. Không thì phước sẽ hết mà ác nghiệp thì hằn đó. Tình nghĩa cũng mất đi.

Phần thưởng của sự cảm thông

Phần thưởng mà Chi Hai nhận được từ những việc mình đã làm là bài luận văn tiếng Anh, con dâu đã làm để tỏ lòng yêu thương của nó đối với mẹ chồng. Cô giáo Anh văn đã điện thoại nói với Chi Hai điều đó, không phải con dâu. Con dâu không nói về những gì nó đã làm. Cũng không báo trước những gì nó sẽ làm. Nó nói ít hơn làm. Chi Hai không lấy làm lạ về việc đó cũng không thắc mắc về điều đó. Vì Chi Hai tin nhân quả. Quan niệm của Chi Hai cũng không giống mọi người. Chi Hai nghĩ nó coi gia đình mình như chính gia đình nó nên nó mới sống thoải mái và tự nhiên như ở nhà. Chi Hai thích nó sống đúng như những gì nó đang có, hơn là sự xã giao khéo léo vì để đối phó với mẹ chồng.

Điều đơn giản hơn nữa để Chi Hai thương con dâu vì Chi Hai có con gái. Con gái Chi Hai làm dâu nhà người thì khác gì con dâu làm dâu nhà mình. Thương con và tin nhân quả, sẽ thương dâu và sống vui vẻ với dâu.

Không qua khỏi nhân duyên

Có một việc ít ai biết đến, là những gì chúng ta nhận được trong hiện tại có nhân duyên đời quá khứ chi phối trong đó. Như tương lai được chi phối bởi những nghiệp nhân của hiện tại. Trao cho nhau những điều tốt đẹp ở đời quá khứ thì cái quả thuận thành hiện tại sẽ nhiều. Gieo cái nhân ác nghiệp với nhau nhiều, quả trái nghịch bất hạnh sẽ xảy ra.

Duyên của Chi Hai khá tốt. Phước báu từ quá khứ đã góp phần tạo nên sự suôn sẻ cho gia đình hiện tại, nên khi Chi Hai xả tâm liền gặt được quả lành. Vẫn có trường hợp dâu con ngang ngạnh chịu không nổi. Mẹ chồng càng hiền, dâu càng lấn tới. Song tất cả đều không ra ngoài nghiệp báo. Không có quả nào không có nhân.

Dâu cũng phải có phước báo của riêng dâu, mới có thể gặp bà mẹ chồng hiểu biết để mọi thứ được thuận hòa trôi chảy. Không có phần phước báo đó thì khó mà gặp được một bà mẹ chồng hiểu biết để cuộc sống được an vui. Cô con dâu nhà Chi Hai cũng từng gieo cái nhân gì đó rất tốt với Chi Hai nên đến kiếp này, đối với nó, Chi Hai xả tâm không thấy khó. Thấy thương yêu hơn là ghét bỏ bực bội.

Nói chung, đó là một mối quan hệ mà muốn sự tốt đẹp xảy ra, cần đến phước báo của cả hai bên.

Phước báo đó từ đâu mà ra? Từ chính những hành động mà chúng ta đối xử với nhau trong đời quá khứ cũng như hiện tại. Vì thế, nếu chẳng may có những chuyện không vừa lòng xảy ra mà không dàn xếp bỏ qua để cuộc sống được yên vui, lại theo cái đà ghét nhau mà đi thì chính là đang tiếp tục gieo cái nhân trái nghịch cho nhau. Trái nghịch trước chưa xong, đã gieo thêm trái nghịch sau bồi vào đó, quả khổ không sao tránh khỏi ở tương lai.

Xả tâm, thì chuyển được nghiệp. Không nhiều thì ít. Không xả tâm được mà muốn có sự thay đổi thì như kinh nói: “Không có việc đó”. Càng cố chấp căng thẳng, càng rước phiền não hơn thôi.

Nguyện cho…

Vu lan lại đến.

Chi Hai mong những bà mẹ sống cởi mở hơn với dâu con, để sự hiếu thảo của chúng thật sự bắt nguồn từ tình yêu thương, không phải chỉ vì đó là điều phải làm. Không thể đòi hỏi con nít phục tòng và thương yêu mình khi mình khắt khe và không màng đến đời sống tâm sinh lý của chúng. Thương yêu chúng bằng sự hiểu biết, chính là đang giúp mình thoát khỏi những mối oán ghét không đáng có trong tương lai, cũng là giúp chúng thoát khỏi những suy nghĩ và hành động mang tính bất thiện, là thứ quyết định hạnh phúc của chúng trong hiện tại và tương lai. Chúng hạnh phúc vui vẻ thì mình cũng được an vui hạnh phúc. Bởi nghiệp theo mình như bóng với hình. Có nhân duyên với nhau rồi, đâu phải người khổ mà mình có thể an vui. 

Và nếu việc thương yêu con dâu của Chi Hai tạo nên công đức cho mình và người thì Chi Hai nguyện đem công đức đó cúng dường tất cả mười phương chư Phật và Bồ-tát, xin hồi hướng khắp tất cả để những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được tốt đẹp, gia đình thuận thảo, thế giới bình an. 

 Chú thích

(1) Muốn nói đến những đạo giáo dạy con người tin nhân quả và hướng thiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Phước Nguyên trao quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung Ban Trị sự tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai: Công bố quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh

GNO - Chiều 27-3, tại Trụ sở Ban Trị sự - chùa Tỉnh Hội (TP.Biên Hòa), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức buổi công bố và trao quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung theo Quyết định số 114/QĐ-HĐTS của Hội đồng Trị sự do Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã ấn ký.

Thông tin hàng ngày