Khóa tu mùa hè bỗng "hot" - Kỳ 2: Cả ngàn tu sinh tham dự quản như thế nào?

Các tu sinh thiền hành trong khuôn viên chùa Hoằng Linh
Các tu sinh thiền hành trong khuôn viên chùa Hoằng Linh
0:00 / 0:00
0:00
Quản lý cả ngàn tu sinh ở khóa tu mùa hè, các chùa phải lên kế hoạch chương trình, giám sát thực hiện ra sao để chương trình đạt hiệu quả?

Tham gia khóa tu mùa hè không chỉ là đến chùa nghe thuyết pháp, mà phải tạo ra môi trường cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên rèn luyện, học tập, giải trí và hơn hết là an toàn. Đó cũng chính là những yêu cầu đặt ra với ban tổ chức các khóa tu mùa hè hay khóa tu 1 ngày.

Quản lý tu sinh thế nào?

Đại đức Thích Tâm Trường, trụ trì chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, khóa tu mùa hè ở chùa đã được tổ chức hơn chục năm qua, mỗi khóa có sự tham gia của 2.500 - 3.000 em kéo dài 7 ngày. Do đó, việc lên kế hoạch, chuẩn bị nhân sự phục vụ khóa tu đều được thực hiện bài bản, mỗi người có nhiệm vụ riêng.

Vị Đại đức cho hay, mỗi năm, chùa sẽ chuẩn bị kế hoạch tổ chức các khóa tu, ấn định sẵn thời gian và gửi đến Ban Trị sự GHPGVN huyện cùng UBND xã xin phép. Mỗi khóa tu sẽ có 6 - 7 buổi giảng của các chư tôn đức, giảng sư. Chùa cũng mời thêm những người nổi tiếng, người truyền cảm hứng để tạo động lực cho các em tu học.

"Tới nay, chùa đã tổ chức gần 500 khóa tu. Các tu sinh được chia thành những nhóm nhỏ có tình nguyện viên quản lý, đồng thời có một số quý thầy cô của các trường tham gia trong đội ngũ phục vụ", Đại đức Tâm Trường cho hay.

Chùa Hoằng Pháp đã tổ chức gần 500 khóa tu dành cho các bạn trẻ
Chùa Hoằng Pháp đã tổ chức gần 500 khóa tu dành cho các bạn trẻ

Trụ trì chùa Hoằng Pháp thông tin, với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, chùa chia ra tu sinh nam, nữ ở theo khu. Mỗi khu chia nhỏ ra các tầng, mỗi tầng có các quý thầy, quý Sư cô quản chúng túc trực, giám sát các em xuyên suốt khóa tu.

Với sự tham gia của 3.000 tu sinh, chùa Hoằng Pháp cũng đôi lần gặp những tu sinh nghịch ngợm, chưa ngoan. Trường hợp này, các thầy sẽ khuyên răn, nhắc nhở mềm mỏng, nếu các em vẫn không thay đổi, chùa sẽ liên lạc gia đình để đến đón các em về.

Bên cạnh lực lượng tình nguyện viên, quý Tăng Ni, chùa cũng có đội ngũ bảo vệ hơn 20 người túc trực xuyên suốt để đảm bảo an ninh trật tự.

Theo Đại đức Tâm Trường, số lượng tu sinh tham dự các khóa tu ngày càng đông với những buổi thuyết pháp của các vị giảng sư nổi tiếng trên mạng xã hội; xen kẽ là các buổi ngồi thiền, chơi cầu long, đá bóng, các trò chơi giải trí.

"Sau các khóa tu, nhiều phụ huynh phản hồi rằng các con thay đổi nhiều, biết thay đổi các thói quen chưa tốt, ứng xử với cha mẹ cũng lễ phép, dễ thương. Nội dung qua các khóa tu có thể thay đổi nhưng đều hướng đến các bài học đạo đức giúp các em rèn luyện, nuôi dưỡng trí tuệ", trụ trì chùa Hoằng Pháp chia sẻ.

Hướng người trẻ đến tri ân, báo ân

Thượng tọa Thích Tịnh Tâm, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Phật giáo H.Củ Chi (TP.HCM) trụ trì chùa Hoằng Linh cũng cho hay, chùa đã tổ chức khóa tu mùa hè từ ngày 19 – 25.6 cho 350 em từ 10 –17 tuổi đến từ các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Khóa tu là cơ hội cho các bạn trẻ được vui chơi trong những ngày hè, qua đó hướng các em đến giá trị chân thiện mỹ, đặc biệt là lòng tri ân và báo ân.

Để chuẩn bị cho công tác tổ chức, ngoài gửi kế hoạch đến Giáo hội và chính quyền, nhà chùa đã mời Trung tâm Y tế huyện đến xịt thuốc muỗi, sắp xếp nhân sự tình nguyện viên để giám sát, dọn vệ sinh.

Theo trụ trì chùa Hoằng Linh, ngoài giám sát, chùa có 72 tình nguyện viên chia về 30 nhóm để quản lý các tu sinh. Mỗi nhóm lại có thêm nhóm trưởng, nhóm phó để đôn đốc, nhắc nhở các thành viên.

"Đội giám sát sẽ xem tình nguyện viên, hậu cần, tu sinh có chấp hành đúng quy định, hướng dẫn chưa. Mỗi tối trước khi đi ngủ ban tổ chức có buổi họp báo cáo công việc xem trong ngày cái nào được, cái nào chưa được để điều chỉnh. Đêm khi các em ngủ cũng có người đi kéo mền, chỉnh quạt. Còn ăn uống thì 1 ngày các em ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Khóa tu không thu bất kỳ loại phí nào", Thượng tọa Tịnh Tâm thông tin.

Các hoạt động xen kẽ các buổi pháp thoại hướng đến rèn luyện kỹ năng sống
Các hoạt động xen kẽ các buổi pháp thoại hướng đến rèn luyện kỹ năng sống

Trong khóa tu, các em được nghe giảng pháp về kỹ năng tự lập, chữ hiếu, thiền hành vào buổi sáng kết hợp với các buổi xem hài kịch, ảo thuật, trò chơi trong không gian rộng lớn, thoáng mát. "Các em vui chơi ở khóa tu đến từ nhiều nơi khác nhau, chưa quen biết nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn, đòi hỏi người quản lý phải mềm mỏng, theo dõi sát sao thì nói các em mới nghe. Do vậy, việc quản lý, phục vụ khóa tu rất quan trọng", trụ trì chùa Hoằng Linh nhìn nhận.

Để đảm bảo an ninh trong các khóa tu, chùa phối hợp với địa phương có lực lượng dân quân tự vệ chốt trực ở cổng ra vào, có khu vực cho các em gửi điện thoại riêng và các khu cầu thang lên xuống từng phòng cũng có người túc trực quan sát chung.

"Quản lý 'tế bào' trong khóa tu rất quan trọng!"

Vừa tổ chức xong quá tu cho 350 em độ tuổi từ 13 – 25, Ni sư Hương Nhũ, trụ trì chùa Thiên Quang (Bình Dương) cho biết số lượng các em trong mỗi khóa tu tùy thuộc vào cơ sở vật chất của mỗi chùa.

Vừa qua, để phục vụ cho 350 tu sinh, chùa có 50 tình nguyện viên cùng chư Ni và các thầy cô giáo của Trường Tiểu học - THCS - THPT Hoa Sen (TP.Dĩ An) tiếp sức. Trước khi bắt đầu khóa tu, chùa đã họp lên kế hoạch, chi tiết chương trình, chia 350 em thành 10 gia đình nhỏ có người lớn quản lý, phụ trách tu tập và hướng dẫn thời khóa sinh hoạt hằng ngày.

Chùa Thiên Quang tập trung vào rèn kỹ năng tự lập, chữ hiếu trong khóa tu vừa tổ chức
Chùa Thiên Quang tập trung vào rèn kỹ năng tự lập, chữ hiếu trong khóa tu vừa tổ chức

"Quản lý từng 'tế bào' trong khóa tu rất quan trọng nên các tình nguyện viên phải để ý các em sát sao. Chủ đề khóa tu vừa rồi là 'Chắp cánh ước mơ' thì các bài giảng xoay quanh việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách, ý thức rõ bổn phận và trách nhiệm của người con trong gia đình, người học trò tốt trong nhà trường và xã hội, có như vậy ước mơ mới có thể chắp cánh bay cao", Ni sư Hương Nhũ giới thiệu.

Trong khóa tu mùa hè, các em sẽ dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để vệ sinh cá nhân, 5 giờ bắt đầu khóa tụng kinh. Sau đó, các em sẽ tập đi bộ thiền hành trong khuôn viên chùa để học cách sống chậm và bắt đầu ngày mới với bữa ăn sáng.

Trong chương trình, các em cũng được tham gia cuộc thi rung chuông chùa, cùng nhà chùa làm thiện nguyện, có buổi tri ân cha mẹ vào cuối khóa tu. Theo phản hồi từ nhiều phụ huynh về chùa, khóa tu có công an địa phương hỗ trợ an ninh để đảm bảo an toàn cho tu sinh, giúp các em định hướng lại lý tưởng sống, ước mơ cuộc đời, làm sao có hạnh phúc… Kết thúc khóa tu có những em xin ở lại chùa làm công quả 1 tuần, cha mẹ vui mừng vì con biết tự lập, yêu thương bản thân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày