Không che dấu

Một thời Thế Tôn trú ở Bàranasi, tại vườn Nai, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba pháp này được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba?


Sở hành của nữ nhân, này các Tỷ kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Chú thuật của các Bà la môn, này các Tỷ kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Tà kiến, này các Tỷ kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ.
Này các Tỷ kheo, ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trăng, này các Tỷ kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trời, này các Tỷ kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Pháp và Luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Kusinàra, phần Che giấu, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.516)

LỜI BÀN:
Chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu là những đặc tính quan trọng của toàn bộ giáo điển Phật giáo. Những gì Thế Tôn đã tuyên thuyết đều không ngoài mục đích “làm lợi ích chúng sanh, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người” và Ngài khẳng định tất cả Pháp và Luật đều sáng rỡ như mặt trăng, mặt trời; là pháp công truyền chứ không phải là pháp bí truyền.
Như thế, toàn thể nhân loại và hết thảy chúng sanh đều có thể học tập, nghiên cứu để hiểu và ứng dụng thực hành theo Chánh pháp của Như Lai. Không như quan niệm của đạo Bà La Môn, kinh Veda và chú thuật là thuộc về thẩm quyền nghiên cứu và hành trì của giai cấp Tăng lữ Bà la môn còn những người khác thì không thể. Vì thực ra, giáo pháp chỉ là bản đồ chỉ đường, là phương thuốc hay nhưng nếu sở hữu bản đồ mà không đi tới hoặc có thần dược mà không dùng thì cũng chẳng lợi ích gì nhiều.
Và quan trọng hơn, toàn bộ giáo pháp của Phật đều có thể đem ra phân tích, luận giảng cho mọi người để lãnh hội yếu nghĩa nhằm ứng dụng thực hành và hoàn toàn vắng mặt sự mặc khải cho một nhóm đối tượng riêng biệt nào, dù cho đó là các đệ tử xuất gia. Đây là cơ sở cho sự phấn đấu học tập nghiên tầm và liễu triệt giáo nghĩa của bốn chúng đệ tử Phật. Không chỉ hàng xuất gia, thời Thế Tôn, những cư sĩ uyên thâm giáo pháp và có biệt tài thuyết pháp như Citta Macchikasandika, cư sĩ Duy Ma, về sau có Thiền sư Bàng Uẩn, Tuệ Trung và gần đây là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… đều là những bậc thông tuệ, làu thông giáo điển.
Trong khi có khá nhiều giáo thuyết cho những gì không thể giải thích được là sự “mầu nhiệm” của các đấng thiêng liêng thì đạo Phật khuyên dạy mọi người nên đến để thấy chứ không phải để tin, vì tất cả nội dung giáo pháp đều chói sáng, được hiển lộ và không có che giấu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày