Không khoảng cách

GNO- Còn đó chút ít vụn về trong việc ghi chép, cũng còn đó chút ít khó khăn khi xử lý những va chạm nhưng với những người tình nguyện viên là người xuất gia thì “Trong công tác tình nguyện chăm sóc người có HIV, không có gì là không thể tiếp cận, là không thể làm được và không thể chia sẻ nổi niềm với người đang nhiễm khi trong người mình luôn dạt dào tình thương”, thầy Phước Hải- thành viên nhóm chăm sóc người có HIV thuộc Ban điều phối HIV/ AIDS của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM chia sẻ.

Vì thương.

Đến với công tác chăm sóc người có HIV được hơn 3 năm, đó là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để cho thầy chia sẻ bớt khổ đau với người bị nhiễm. Tiếp cận với người có HIV không phải lúc nào cũng dễ dàng vì có người chấp nhận nghe chia sẻ, có người lại không bằng lòng, đôi khi còn bốc đồng và có nhiều hành động gây nguy hiểm đến thầy.

IMG_3759.JPG

Thầy Phước Hải trong một lần đến thăm trẻ tại gia- Ảnh: H.Y

Đã có không ít lần thầy nhận được sự đe dọa trên đường vào những khu nhà trọ khuất nẻo hay những con hẻm ngoằn ngòe tối om khi tìm đến với người bị nhiễm,  biết rằng không an toàn mấy nhưng thầy vẫn tìm đến. Có khi đi ban ngày tìm gặp, có khi phải tìm đến vào ban đêm, cũng có khi ngày phải tìm đến nhiều lần mới gặp được người nhiễm.

Vất vả là thế nhưng thầy vẫn đi, khi nào gặp được mới thôi. Khi hỏi, vì điều gì mà thầy nhọc công tìm đến những nơi ấy, thầy không sợ sao? Thầy bảo: “Vì thương mà tôi tìm đến. Còn không thương và sợ thì tôi đã không phát tâm thực hiện công tác tình nguyện này rồi. Tôi chỉ sợ lòng từ bi của mình không đủ lớn, từ bi không được thì không thể làm giảm bớt nỗi đau trong người nhiễm mà vun thêm đau khổ cho họ mà thôi”

Có lẽ vì những lí do đó mà khi đi thăm hỏi, chăm sóc người nhiễm, thầy luôn khéo léo, nhiệt tình, đặc biệt lúc nào thầy cũng để người nhiễm cảm nhận được sự quan tâm, hơi ấm của cộng đồng để thấy ấm áp, thấy được yêu thương mà còn niềm tin với cuộc đời.

Gặt lấy yêu thương

Trong 80 người thầy chăm sóc, có không ít trường hợp rơi vào tâm lý bất cần đời, sống buông thả để trả thù đời. Một trong những người được thầy chia sẻ, chuyển hóa hận thù để làm lại cuộc đời có anh T, Q.Phú Nhuận. Anh bị lây nhiễm từ người bạn, không còn niềm tin với ai, từ đó ai anh cũng nghĩ xấu và đáng chết. Gây đau khổ cho không biết bao nhiêu người, cuối cùng hiểu được sự có mặt của luật nhân quả, anh đã dừng lại và trở lại đi làm ăn và sống đàng hoàng, có trách nhiệm với bản thân mình hơn. Cũng có những em bị ảnh hưởng mầm nhiễm từ ba mẹ nên lao vào cuộc sống bụi đời. Rồi thầy khéo dụ, khéo dạy, cho các em tình thương, chỗ dựa…Có không ít trẻ đã ngoan hơn, hiền hơn và hướng thiện nhiều hơn.

Nhìn công việc thầm lặng thầy làm, thầy Đồng Nguyện- người bạn đạo cùng thầy thực hiện công việc này chia sẻ: “Nhiều lúc thấy thầy ấy lặn lội đi đến nhà người bị nhiễm mà thấy thương lắm. Làm cùng công tác tình nguyện, nhưng tôi làm bên mảng truyền thông, thầy ấy làm bên chăm sóc nên thầy ấy cực hơn tôi nhiều. Và nhất là với người thầy, làm bên công tác chăm sóc thì chắc chắn gặp không ít khó khăn, vất vả”. Còn bé M.K, 8 tuổi, Q.Bình Thạnh thì nói: “Thầy hiền, thấy con mất cha, không mẹ nên thương con. Xin được học bổng là thầy cho con, con cũng thương thầy lắm”.

Thầy là vậy, đâu đâu cần thầy là thầy tới, ai ai thấy việc thầy làm cũng thương. Có khi nhận được những cuộc điện thoại điện tới nhờ thầy chia sẻ nỗi đau, dù không quen biết nhưng thầy vẫn sẵn lòng nói chuyện chia sẻ như người bạn. Vì với thầy, “đời vốn cần có nhau. Người ta đau khổ mới tìm đến mình nhờ giúp đỡ, chứ hạnh phúc ai tìm mình làm chi. Giúp được gì mình giúp, dù người đó có nhiễm hay không nhiễm HIV thì việc mình ngồi lại trò chuyện với người ta cũng không có gì là khó, không có gì phải sợ. Hiểu như thế nên cuộc sống của tôi lúc này an lạc lắm, nhiều niềm vui lắm”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày