Mấy ngày qua, việc Cty TNHH Thủ đô II bứng cây bồ đề gắn với di tích lịch sử tâm linh góc đường 19/12 đã gây xôn xao dư luận. Trước bức xúc của mọi người, chiều ngày 4-11, cây bồ đề đã được đem về trồng lại đúng nơi nó đã bị “nhổ” đi mấy ngày trước đó. Nhìn nhận về sự việc này vẫn còn rất nhiều ý kiến, tựu chung không chỉ là việc làm đối phó hay trồng lại là xong, điều quan trọng là phải có người chịu trách nhiệm trước việc làm sai trái này. Nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý nghiêm kẻ phá hoại, dù đó có là ai đi chăng nữa…
Thượng tọa Thích Thanh Nhã và cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc
Bồ đề là cây thiêng!
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Nhã (Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Từ thiện TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Hà Nội, Ủy viên HĐND quận Tây Hồ, trụ trì chùa Trấn Quốc) về sự việc trên.
Tiếp phóng viên khi Thượng tọa vừa tan xong công việc với các Phật tử đến chùa. Thày chia sẻ: “Thày vừa xong việc, hôm nay cúng vong cho hai gia đình một lúc nên công việc bừa bộn quá! Các khách khi viếng thăm chùa hay các phật tử đến đây, thày đều căn dặn tích đức, hành thiện, làm nhiều việc có ích cho đời để con cháu hưởng phúc. Mấy ngày nay, thấy báo đài, truyền hình nhắc đến việc nhổ cây bồ đề ở góc đường 19/12 mà lòng thày thấy đau xót quá!”.
Mặc dù chúng tôi chưa đề cập đến nội dung câu hỏi với thày nhưng trước sự quan tâm và lo lắng của một bậc thượng tọa, chúng tôi càng cảm phục và hiểu được phần nào những băn khoăn trong lòng vị thượng tọa tôn kính. Bên chén trà nóng, thày cho biết: “Chùa Trấn Quốc chúng tôi cũng có một cây bồ đề. Cây tỏa bóng mát cho khách thập phương và quốc tế đến vãn cảnh chùa và trở thành một phần hình ảnh tôn nghiêm nơi cửa Phật. Bồ đề là cây thiêng và gắn với chốn cửa Phật bởi ngày xưa, cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật sau 6 năm khổ hạnh mà chưa thành chính quả đã ngồi dưới cây bồ đề 49 ngày để rồi chứng được “tam minh lục thông”. Từ đó đến nay, cứ nhắc đến cây bồ đề thì ai đã là Phật tử đều tôn kính, nâng niu. Cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc cũng bắt nguồn từ đất Phật và được Tổng thống Ấn Độ tặng Bác Hồ ngày 25-4-1959. Hơn 50 năm qua, cây xanh tốt và được các thế hệ Phật tử chăm sóc, nuôi trồng chu đáo.
Ở góc độ của đời sống nhân dân Thủ đô, một cây bồ đề xanh tốt và gắn với một di tích lịch sử như vậy mà bị bứng đi thì quả thật xót xa quá! Giả dụ, thành phố Hà Nội mà không có cây xanh thì sẽ ra sao? Cây nào cũng có thể chặt một cách tùy ý như vậy không? Chặt một cây bất kỳ còn phải có ý kiến của chính quyền, nay một cây bồ đề trăm tuổi, một cây thiêng khi bên dưới đã từng có nhiều liệt sỹ an nghỉ thì thật không thể hiểu nổi tại sao người ta đang tâm làm một việc đến vậy. Thày không hiểu nổi lương tâm người đã ra lệnh làm việc này.
Lúc sinh thời, Bác Hồ vẫn thường căn dặn nhân dân trồng cây để thêm mùa xuân, thêm bóng mát, chúng ta chưa trồng thêm được thì thôi, nay lại chặt đi một cây quý nên đương nhiên người dân búc xúc và phản đối”.
Khi được hỏi về khả năng sống sót của cây bồ đề sau khi được trồng lại, Thượng tọa Thích Thanh Nhã cho rằng: “Thày trồng nhiều cây thày biết. Khả năng sống của cây bồ đề là rất thấp nếu không muốn nói rằng là rất khó sống. Rễ cây đã bị cưa đứt đi gần hết, thân cây cũng bị cưa ngang một vết sâu, chỉ cần đưa ra khỏi thổ nhưỡng của chính nó đã khó khăn cho việc trồng lại chứ đừng nói đưa đi vứt mấy hôm rồi mới đem về trồng”.
Tiễn chúng tôi ra về, Thượng tọa còn dặn dò: “Các anh nhà báo, phải thông tin cho người dân tường tận về vụ việc, phải làm sao để kẻ phá hoại cây chịu trách nhiệm trước pháp luật, đâu chỉ dừng ở việc xử lý hành chính là xong. Ở đây, chúng ta cần xử lý nghiêm để mọi người noi gương”.
Cây bồ đề đang được chăm sóc trồng lại
Không thể biện minh như vậy được!
Chúng tôi tiếp tục đem câu chuyện trao đổi với nhà Hà Nội học, Nguyễn Vinh Phúc. Ông chia sẻ: “Thành phố Hà Nội đang cố gắng trồng được càng nhiều cây càng tốt thế mà lại hủy hoại đi một cây cổ thụ như vậy là có lỗi với người dân Thủ đô. Hành động thật không thể chấp nhận được.
Cây bồ đề là cây quý, lại gắn với sự kiện lịch sử, tâm linh cho nên cây đó trở thành thiêng, bứng cây là không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng những lời ông giám đốc Cty TNHH Thủ đô II nói trên báo chí là những lời biện hộ phi lý. Cây trong “nhà” anh nhưng do Cty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội quản lý, đã có cam kết với lực lượng chức năng của Sở Xây dựng Hà Nội tại biên bản bàn giao mặt bằng, anh cố tình bứng cây như vậy là anh vi phạm rồi. Không thể lập luận rằng, do cây nằm trong đất dự án thì có thể tùy ý xử lý chứ không cần xin phép ai.
Lẽ ra anh chủ đầu tư phải xin ý kiến của Sở Xây dựng, UBND TP, kể cả Sở Văn hóa vì đây thuộc lĩnh vực văn hóa, tâm linh. Nếu như cần thiết thi công mà không thể tồn tại cái cây như thế thì Cty đó phải bàn bạc rồi xin ý kiến thì mới có được giải pháp. Bây giờ rất nhiều công viên đang xây dựng: Tuổi trẻ, Võ Thị Sáu, Hòa Bình... Có thể xin phép chuyển cây bồ đề về đó.
Nhưng Cty ấy triệt hạ nó đi rồi không biết nó đang ở đâu thì khó hiểu quá. Nếu cây bồ đề đó bị chết trong quá trình đốn hạ như nhiều người đặt ra nghi vấn thì cần xử lý nghiêm Cty TNHH Thủ đô II theo pháp luật vì đã phá hoại tài sản công cộng”.
Quyết tâm thực hiện… âm mưu
Sau khi cây bồ đề trăm tuổi tại khu vực linh thiêng bị Cty TNHH Thủ đô II chặt hạ, dư luận vô cùng bức xúc. CATP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Sáng 4-11, cơ quan chức năng tìm thấy gốc cây bồ đề tại một khu vườn ở cuối ngõ 310 Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong tình trạng 10 phần chết… 9. Chiều cùng ngày, cây bồ đề được đưa trở lại về "nhà cũ" và đang được chăm sóc cẩn thận. Việc cây có khả năng sống được hay không thì không ai dám chắc chắn. Chứng kiến những "thương tích" của cây bồ đề, dư luận thêm một lần nữa phẫn uất.
Để "chữa cháy", ông Nguyễn Anh Cường (Giám đốc Cty TNHH Thủ đô II) đã có văn bản… xin lỗi nhân dân và mong các cơ quan báo chí, nhân dân… ủng hộ và tạo điều kiện để Cty TNHH Thủ đô II tiếp tục dự án.
Ông Giám đốc Nguyễn Anh Cường giải trình về việc hạ sát cây: "Cây bồ đề trước đây mọc trên tường khu nhà vệ sinh công cộng của chợ 19-12 cũ, toàn bộ phần rễ mọc trên tường, trong quá trình phá dỡ, di dời khu nhà vệ sinh và bốt điện tại đây thì cây không còn chỗ dựa và có hiện tượng bị đổ. Trong quá trình thi công đường 19-12, Ban quản lý dự án giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã cho xây tường bao một nửa phía ngoài đường 19-12 mới, phía trong một phần rễ cây bồ đề ăn vào tường của dự án. Trong quá trình thi công tường bao quanh công trình thì bức tường bị đổ kéo cây bồ đề đổ theo.
Bằng công văn này, Cty Thủ đô II chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân và các cơ quan báo chí đã quan tâm, đăng tải những vấn đề nêu trên. Qua đây chúng tôi cũng mong muốn được các cơ quan, báo chí và nhân dân ủng hộ Cty, tạo điều kiện để Cty chúng tôi thực hiện dự án, để công trình sớm đưa vào hoạt động phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của bà con ở chợ 19-12. Cty chúng tôi cam kết sẽ chăm sóc, bảo quản cây để đảm bảo cảnh quan môi trường và không làm ảnh hưởng tới hạ tầng xung quanh".
Tuy nhiên, đến cả "công văn xin lỗi nhân dân" mà ông Cường vẫn gian dối. Trên thực tế, Cty TNHH Nhà nước một thành viên cây xanh Hà Nội mới là đơn vị đưa cây bồ đề về trồng tại vị trí cũ, ai cũng biết sao ông Cường còn cố nhận công? Thêm nữa, khi có mặt tại hiện trường ngày 1-11, ông Cường nói cây đổ do gió bão, giờ lại nói do thi công bức tường đổ nên cây bị đổ. Với cây cổ thụ trăm năm tuổi, rễ bén sâu dưới lòng đất, bước tường bên cạnh dù đổ cũng không ảnh hưởng nhiều nếu không có sự tác động của con người. Minh chứng cụ thể: tại nơi cây bồ đề bị bứng đi là một hố sâu, còn rất nhiều rễ to in hằn vết chặt, chém. Các dấu vết tại hiện trường đều thể hiện cây đã bị đào gốc lên rồi mang đi. Một lãnh đạo CATP Hà Nội cũng đã khẳng định điều này trên một số tờ báo.
Sẽ xử lý nghiêm
"Việc lãnh đạo Cty này nói rằng cây bám vào bờ tường và bị đổ là không đúng, mà cây đã bị đào gốc lên rồi người ta mang cây đi vứt ở nơi khác", Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội nêu rõ trên một tờ báo. Theo đó, hành vi, hậu quả vụ xâm hại cây xanh đã rất rõ, có căn cứ để xử lý các đối tượng về hành chính và hình sự. CQĐT sẽ xử lý nghiêm hành vi xâm hại của những cá nhân và người có trách nhiệm của Cty TNHH Thủ đô II trong vụ việc này sau khi xác định rõ ai là người chủ mưu, ai thực hiện và những ai có liên quan, v.v... Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định đây là vi phạm rất nghiêm trọng, đủ căn cứ sẽ khởi tố, điều tra.
Một luật sư nhận định: "Nếu chỉ xem xét vụ việc xảy ra ngày 31-10, tức là thời điểm ông Cường cho rằng tường đổ nên cây đổ thì sẽ không thấy hết bản chất vụ việc. Nên nhìn vào cả quá trình trước đó, từ lúc Cty TNHH Thủ đô II xin phép chặt hạ cây để tìm ra chính xác mục đích chặt hạ là gì? Có sự chuẩn bị hay không?, v.v… ".