Không tin Tăng có thất kính với Tam bảo?

GN - HỎI: Tôi có người bạn rất kính tin Phật, làm nhiều việc thiện nhưng lại không kính tin chư Tăng, thậm chí còn nói một số lời lẽ không tốt về chư Tăng. Tôi có nói với bạn rằng, nhờ chư Tăng gìn giữ và lưu truyền Chánh pháp nên ngày nay chúng ta mới có Phật pháp mà tu học. Do đó, nếu kính tin Phật rồi thì không nên có những suy nghĩ và lời nói như thế, sẽ thất kính với Tam bảo, là có tội. Không biết quan điểm của tôi đã đúng với Chánh pháp hay chưa? Mong được quý Báo sẻ chia.

(THÀNH TÂM, thanhtam121261@gmail.com)

tanggia.jpg


Sơ tâm trong ngần - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Thành Tâm thân mến!

Quay về, nương tựa Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) là pháp tu căn bản cho tất cả bốn chúng đệ tử Phật. Không chỉ hàng tại gia mà ngay hàng xuất gia cũng phải nương tựa Tăng. Có thể nói, đánh mất niềm tin vào Tăng bảo thì không thể tiến tu và chứng đạt các quả vị giải thoát.

Tăng đây chính là nói tắt của Tăng-già (Sangha), đoàn thể gồm bốn vị Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni) trở lên, tu tập Chánh pháp, sống hòa hợp và thanh tịnh. Tăng hoàn toàn không phải là cá nhân của một vị Tăng (Ni) nào. Mỗi vị Tăng (Ni) có thể khiếm khuyết về giới luật, oai nghi, thân khẩu ý chưa thanh tịnh nhưng Tăng-già thì luôn hòa hợp và thanh tịnh. Không phân biệt được giữa Tăng-già và cá nhân Tăng (Ni) là một nhầm lẫn tai hại, ảnh hưởng tiêu cực lên sự nghiệp tu hành của chính bản thân mình.

Thẳng thắn mà nói, hiện có một số cá nhân Tăng (Ni) chưa xứng đáng, khuyết hoặc phạm giới. Y theo Chánh pháp, vị nào chưa tốt thì chúng ta không thân cận học hỏi, không lễ bái và cúng dường. Hẳn ai cũng biết câu “Phật tử quy y Tăng, không quy y thầy tà, bạn xấu”. Rõ ràng là có thầy tà, bạn xấu và chúng ta không quy y họ, chỉ quy y thầy chánh, bạn tốt mà thôi.

Ngay đây chúng ta đã thấy rõ sự thật, bản thể Tăng-già thì không có tốt xấu, chỉ có cá nhân Tăng (Ni) mới có tốt xấu. Từ thời Thế Tôn còn tại thế cho đến ngày nay, hiện tượng Tăng (Ni) có tốt xấu vẫn liên tục xảy ra. Phật tử luôn lấy Chánh tín làm đầu. Chúng ta thiết lập niềm tin thanh tịnh vào Tam bảo, có quyền không kính tin cá nhân một vị Tăng (Ni) nào đó, nhưng không kính tin Tăng-già là một sự thiệt thòi. Chúng ta vẫn có quyền ‘nói một số lời lẽ không tốt’ về cá nhân một vị Tăng (Ni) nào đó khi họ thực sự không tốt, nhưng nói không tốt về Tăng-già thì ‘sẽ thất kính với Tam bảo, là có tội’.

Mặt khác, có một vấn đề rất quan yếu mà Phật tử chúng ta ít khi đặt ra để quán chiếu, suy ngẫm. Đó là tự vấn, tại sao ta chỉ toàn gặp những vị Tăng (Ni) không tốt, không hoan hỷ vừa ý, trong khi các vị Tăng (Ni) đức độ, tài giỏi, vị tha hiện đang hành đạo khắp nơi rất nhiều? Phải chăng nhân duyên của ta với Tăng bảo chưa sâu dày, hay nghiệp chướng của ta còn nặng nề nên gặp toàn chướng duyên, nghịch cảnh khiến cho trái ý, nghịch lòng? Quan trọng nhất là, tại sao khi gặp vị Tăng (Ni) không tốt thì tâm kính tin của ta nhanh chóng thối thất nhưng lúc gặp được những vị Tăng (Ni) tài đức thiện lành thì không sinh tâm hoan hỷ, tín tâm của ta lại không tăng thêm để bù vào thối thất trước đây? Thành ra, đi càng lâu trên đường đạo mà nếu không khéo tự vấn và quán niệm như thế thì tín tâm vào Tăng bảo ngày càng suy giảm, tuột dốc thảm hại.

Khi niềm tin vào người tu hành bị suy giảm thì ta không còn tha thiết với thực hành đạo đức, giữ giới, tu thiện, giúp người. Chính bản thân ta cũng tuột dốc về đạo đức và cả sự nghiệp. Do đó, những ai đã đánh mất hay suy giảm niềm tin với Tăng-già thì trước hãy nhanh chóng sám hối, kế cần thực hành pháp “Niệm Tăng” đúng như pháp và thuần thục để vực dậy niềm tịnh tín Tăng bảo.

Tin Phật, tin Pháp khá dễ nhưng tin Tăng khó khăn hơn rất nhiều. Người Phật tử luôn kiến thiết niềm tin với nền tảng trí tuệ. Hãy tránh xa cực đoan, loại bỏ thành kiến, tin chắc bản thể Tăng-già luôn hòa hợp và thanh tịnh để có nơi nương tựa mà nỗ lực nhằm hoàn thiện chính mình.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày