“Dũng Đương sơn” hay “Vũ Đương sơn” có nghĩa là núi chắn dòng nước mạnh từ trên chảy xuống. Ba chữ “Dũng Đương sơn” đồng thời cũng được viết dưới cổng vào trong động thờ thánh Trấn Vũ Thiên Tôn. Trấn Vũ Thiên Tôn hay Chân Vũ Đế Quân chính là Huyền Thiên Thượng đế Kim Thuyết hóa thân, với vai trò tổng chỉ huy thiên binh, thiên tướng, được cử xuống trần để trừ yêu, đẹp loạn.
Chùa Thiên Tôn
Thiên Tôn là vùng đất “tú thủy kỳ sơn”, địa thế núi sông hòa phối, công thủ vững vàng nên hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đã lấy động này làm tiền đồn, vọng các tiền tiêu cho kinh thành Hoa Lư.
Theo truyền thuyết, động Thiên Tôn được phát hiện vào thời Hùng Vương. Đến thời nhà Đường đô hộ, đạo sỹ Cao Biền đã cho xây dựng đền thờ Trấn Vũ Thiên Tôn hòng trấn long mạch đế vương sẽ phát tại vùng này.
Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến tập quyền độc lập đầu tiên ở nước ta. Trước khi cất quân chinh phục các sứ quân khác, ông thường tới động Thiên Tôn lễ cầu Thần phù hộ và đã linh ứng, nhiều lần được Thần giúp đỡ chiến thắng. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã phong Thần là “An Quốc Tôn Thần” (vị tôn thần giữ gìn cho đất nước bình yên); đồng thời cho sửa sang lại động và xây đền thờ ở phía đông của động gọi là An Quốc Tôn Thần từ, tức đình Hàng Tổng bây giờ.
Sau khi rời đô ra Đại La, vua Lý Thái Tổ vẫn cho xây dựng ở nơi đây nhiều công trình kiến trúc với quy mô lớn. Đến thời Trần và các triều đại phong kiến tiếp theo khu vực này đều được chú ý xây dựng, tôn tạo.
Trong động Thiên Tôn vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật thờ tự có giá trị văn hóa, lịch sử như 18 tượng la hán, hệ thống nhang án, bệ thờ bằng đá với các hoa văn “lưỡng long chầu nguyệt”, hình chim phượng, hoa lá... được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Đặc biệt, còn có quả chuông kích thước khá lớn, có bốn núm, phát ra bốn kiểu âm thanh khác nhau, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786).
Những năm 1930 - 1945, cùng với việc thành lập các chi bộ Đảng ở Trường Yên, di tích động Thiên Tôn là nơi trú chân của các chiến sỹ cách mạng. Ngày 20-8-1945, hơn một vạn quần chúng nhân dân ở các vùng Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh cùng các đội tự vệ có vũ trang gậy gộc, giáo mác đã tập trung ở phía trước động Thiên Tôn với cờ đỏ sao vàng, các biểu ngữ mang dòng chữ: “Việt Nam độc lập”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Thành lập chính quyền cách mạng nhân dân”... với khí thế sục sôi cách mạng, đoàn quân đã kết hợp với quân dân các vùng lân cận khởi nghĩa chiếm lại chính quyền ở tỉnh lỵ Ninh Bình từ tay phát xít Nhật.
Với giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh, năm 1962, quần thể di tích chùa và động Thiên Tôn đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử tâm linh cấp quốc gia. Đây cũng là một cảnh quan có tầm vóc nằm trong quần thể du lịch, tâm linh Tràng An - Tam Cốc - Bái Đính.