Với Nghị quyết 24/NQ (10/1990 của Bộ Chính trị), nhận thức về tôn giáo đã có sự thay đổi ngoạn mục. Từ nhận thức ấy, nhiều chính sách về tôn giáo đã ra đời, tác động mang tính khích lệ mô hình tôn giáo xã hội, nghĩa là hướng đến việc tôn giáo tham dự một cách sinh động và có đóng góp những giá trị tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, ổn định nền tảng đạo đức cho xã hội. Kết thúc cuộc tọa đàm "Một số vấn đề về đời sống và chính sách tôn giáo ở nước ta hiện nay" vào ngày 19-1-2011 tại TP.HCM, GN đã có cuộc trò chuyện trong tinh thần cởi mở với GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, hiện là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo của MTTQVN. Câu chuyện đi từ những gợi ý từ cuộc tọa đàm, sự đổi mới mang tính bước ngoặt trong nhận thức về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đến chính sách, "sự giẫm chân tại chỗ" của chính sách, yêu cầu tiếp tục đổi mới, và cả những hiện tượng đã manh nha trong đời sống nhưng chưa có trong khái niệm pháp lý, có vấn đề được trả lời, cũng có vấn đề xin hẹn lần sau vì lý do thời gian cũng như những điều kiện khách quan khác.
- Là người đề dẫn khoa học và là chủ trì, Giáo sư có thể cho biết đôi điều về tọa đàm "Một số vấn đề về đời sống và chính sách tôn giáo ở nước ta hiện nay"?
GSTS Đỗ Quang Hưng - Ảnh: Bảo Toàn
- GS.TS Đỗ Quang Hưng: Trong hai thập kỷ qua, đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã có những đổi mới khá căn bản và góp phần to lớn vào việc hài hòa đời sống tôn giáo và xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Tọa đàm khoa học này, diễn ra trước hết khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa kết thúc, trong văn kiện Đại hội cũng đã có những dấu hiệu quan trọng của sự tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo, nói riêng là hoàn thiện hơn nữa luật pháp tôn giáo. Vì thế chủ đích của cuộc hội thảo không gì khác hơn ngoài mục tiêu chính là trao đổi ý kiến giữa các nhà chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo về tôn giáo học cũng như các đại biểu từ phía các tôn giáo ở TP.HCM, các cơ quan ban ngành có liên quan đến vấn đề tôn giáo của T.Ư và TP. HCM, để từ đó tiến tới việc hoàn thiện chính sách về tôn giáo.
Trong tọa đàm này, nhiều vấn đề đã được đặt ra, như đánh giá tác động của sự đổi mới đường lối chính sách tôn giáo, những vấn đề đặt ra hôm nay; đặc điểm của đời sống tôn giáo tại TP.HCM và khu vực Nam Bộ trong mối liên hệ với việc đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo; Quan hệ quốc tế của các tôn giáo ở TP. HCM và ảnh hưởng của nó trong mối liên hệ với chính sách tôn giáo ở nước ta hiện nay; Đánh giá lại tổng quan tác động, hiệu quả của sự đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước (từ năm 1990 đến nay) đối với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ và TP.HCM cũng như những vấn đề đặt ra hiện nay; Những kinh nghiệm, thành tựu, những vấn đề khác; Chính sách tôn giáo nhìn từ góc độ khu vực và quốc tế…
Sở dĩ chọn TP.HCM là vì TP.HCM nói riêng, Nam Bộ nói chung không chỉ là nơi tập trung cao độ nhất, đa dạng nhất của hệ thống tôn giáo ở VN mà còn là địa bàn "đầu não" của những vấn đề tôn giáo mà việc giải quyết những vấn đề tôn giáo ở đây luôn có ý nghĩa quyết định với cả nước, nếu xét ở góc độ địa tôn giáo.
Trong những năm đổi mới vừa qua, TP.HCM cũng là nơi đi đầu trong việc thực hiện sự đổi mới chính sách tôn giáo trong đó có nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa quốc gia, chẳng hạn về vấn đề công nhận các tổ chức tôn giáo; đào tạo và sử dụng chức sắc các tôn giáo; tài sản giáo hội (đất đai, cơ sở thờ tự), cũng như công tác vận động chức sắc, quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo; đặc biệt vấn đề người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo trên lãnh thổ VN… Nhiều khi, những kinh nghiệm như thế ở TP.HCM lại trở thành những "gợi ý", những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để các cơ quan ban ngành xây dựng những chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực tôn giáo.
Đời sống tôn giáo tự thân nó luôn sinh động. Tọa đàm này nối tiếp các tọa đàm, hội thảo trước đây, chẳng hạn Viện Nghiên cứu Tôn giáo từ năm 2002 đã tổ chức tọa đàm Tôn giáo tín ngưỡng ở Nam Bộ trong mối liên hệ với sự đổi mới về chính sách tôn giáo. Kết quả của cuộc hội thảo này đã được chúng tôi phản ánh trong cuốn sách "Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ" (NXB. KHXH, 2004). Gần đây nhất chúng tôi cũng được thành phố giao cho chủ trì đề tài "Một số vấn đề cấp bách về đời sống tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo ở TP.HCM". Đề tài đã được nghiệm thu năm 2008. Rất mong tới đây khi công trình được tu chỉnh, có thể ra mắt bạn đọc… Là người làm công tác nghiên cứu có gắn bó với TP.HCM, chúng tôi càng hiểu rõ ý nghĩa của việc khai thác, sử dụng những kinh nghiệm quý báu của thành phố này trong lĩnh vực công tác tôn giáo, trong đó có không ít kinh nghiệm có tầm vóc quốc gia.
Như trên đã nói, việc đổi mới đường lối và chính sách tôn giáo ở nước ta, từ cuối năm 1990 với NQ 24 của Bộ Chính trị là khá kịp thời và ngoạn mục. Nhưng cũng xin có nhận xét rằng, cái chúng ta làm được là không ít, nhưng những vấn đề đặt ra cũng còn khá bề bộn. Chẳng hạn, suốt từ Đại hội VII (Cương lĩnh 91) đến Đại hội X, hai luận điểm có tính đột phá (tôn giáo là nhu cầu của bộ phận nhân dân và nó còn tồn tại lâu dài cùng với chủ nghĩa xã hội; trong tôn giáo có những giá trị văn hóa và đạo đức phù hợp với chế độ mới) luôn được lắp đi lắp lại và thực tế là "giẫm chân tại chỗ". Rất mừng là văn kiện Đại hội XI đã nhắc nhở chúng ta điều này: cần phải tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo, trong đó, phải coi việc hoàn thiện luật pháp tôn giáo là điểm nhấn quan trọng.
Cuộc tọa đàm của chúng tôi đã bước đầu suy nghĩ đến những nhiệm vụ như thế. Các nhà chuyên môn, giới trí thức và chức sắc nhiều tôn giáo, từ nhiều góc độ khác nhau cũng đã đưa ra những ý kiến trao đổi như Ban tổ chức dự kiến. Đó là, chẳng hạn, để tôn giáo có thể thực sự đồng hành cùng với chủ nghĩa xã hội, nay đã đến lúc phải nghiên cứu, tạo điều kiện để các tôn giáo thể hiện những mặt tích cực của chúng trong xu thế tôn giáo xã hội. Đó cũng là xu thế của tôn giáo thế giới nói chung, nói riêng là các khuynh hướng đã diễn ra nhiều thập kỷ gần đây như thế tục hóa, đa dạng hóa, hiện đại hóa… trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Cuộc hội thảo cũng trao đổi về những vấn đề quan trọng khác như cách hiểu như thế nào về nhà nước thế tục ở nước ta hiện nay; từ mô hình mà Nhà nước đã lựa chọn đến các mối quan hệ cụ thể giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Một trong những điểm nhấn của vấn đề này có liên quan đến vấn đề hoàn thiện luật pháp tôn giáo đó là, cần có những chính sách, hành lang pháp lý đầy đủ hơn để giải quyết mâu thuẫn giữa quyền thể nhân và quyền pháp nhân của các tổ chức tôn giáo.
Chúng tôi cũng vui mừng vì các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến có tính hệ luận mà thời gian gần đây ít nhiều đã được đề cập. Đó là vấn đề sự hiện diện, sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong bốn lĩnh vực "thế mạnh": giáo dục, y tế, từ thiện và truyền thông đại chúng. Mặt khác, cũng cần phải tiếp tục củng cố bầu khí "bình thường hóa" đời sống tôn giáo trên cơ sở tôn trọng thực hiện luật pháp tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo. Cũng có những tham luận đề cập tới một phương thức còn mới mẻ là để thúc đẩy và tăng cường "đồng thuận xã hội" cần thực hiện sự đối thoại giữa Nhà nước với các giáo hội, giữa các giáo hội với nhau...
Như vậy là cuộc hội thảo của chúng tôi đã được triển khai theo đúng tinh thần của văn kiện Đại hội XI của Đảng vừa được thông qua. Mặc dù cuộc hội thảo quy mô tương đối nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn thấy một không khí sôi nổi và phấn chấn. Có đại biểu thuộc đạo Cao Đài nói rằng: Sự đổi mới của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đã đem lại cho chúng tôi sự an tâm, phấn chấn. Nhưng để cho cảm giác đó được chắc chắn hơn, thì còn nhiều việc phải làm…
-Thưa Giáo sư, tôn giáo là một trong những nhu cầu cơ bản và phổ biến của con người. Nhận thức của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và quản lý tôn giáo hiện nay như thế nào?
- Trong quá khứ, do hoàn cảnh đặc biệt, toàn tâm toàn lực dốc cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng đất nước, giành độc lập thống nhất Tổ quốc, chúng ta chưa thể có sự quan tâm đầy đủ đến "vấn đề tôn giáo", hay đúng hơn, trọng tâm vấn đề lúc đó chỉ là lôi cuốn các lực lượng tôn giáo trong khả năng có thể vào sự nghiệp cứu nước.
Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (thời Quốc tế Cộng sản, 1919-1938), và cả thời kỳ tồn tại Phe Xã hội chủ nghĩa, tư tưởng tả khuynh về vấn đề tôn giáo khá phổ biến. Ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa, mặc dù luôn thừa nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, nhưng lại đòi hỏi "hệ tư tưởng vô thần" phải là tư tưởng chính thống của toàn xã hội. Chúng tôi tạm khái quát 3 luận đề quen thuộc lúc đó: coi tôn giáo là duy tâm; tôn giáo là mê tín và tôn giáo là chính trị nên cần phải hạn chế và xóa bỏ.
Cũng "rất may" điều này tuy có ảnh hưởng, nhưng không quá nặng nề trong thực tiễn cách mạng ở Việt Nam.
Năm 1986, với sự đổi mới tư duy, cởi trói về kinh tế, nhưng tình hình về tôn giáo cũng chưa có gì thay đổi đáng kể. Phải đợi đến Nghị quyết 24/NQ của Bộ Chính trị (tháng 10/1990), đường lối, chính sách tôn giáo ở nước ta mới có sự đổi mới mang tính bước ngoặt, mở ra một thời kỳ mới trong việc thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo. Với hai luận điểm có tính đột phá về lý luận (lần đầu tiên thừa nhận "tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân và tôn giáo còn tồn tại lâu dài cùng với chủ nghĩa xã hội" và "trong tôn giáo có nhiều giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chủ nghĩa xã hội") và một quan điểm có tính nguyên tắc trong ứng xử với thực tại tôn giáo ("thực chất công tác tôn giáo là vận động quần chúng và công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị"). Đó thực sự tạo ra bước ngoặt đầu tiên về nhận thức, cách nhìn và ứng xử đối với tôn giáo đã có sự thay đổi khá căn bản. Phần trên tôi đã dùng chữ ngoạn mục và đột phá là vì thế.
Sau đó, các Nghị quyết TW 5 về văn hóa (1998, Khoá VIII), Nghị quyết TW 7 (Nghị quyết 25) năm 2003 về Tôn giáo… là những sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường đổi mới hơn hai mươi năm qua về vấn đề tôn giáo.
Về thực hiện chính sách đổi mới về tôn giáo, nếu cần khái quát lại, theo chúng tôi là những thành tựu chủ yếu sau đây. Trước hết chúng ta đã lựa chọn và xây dựng một "Mô hình nhà nước thế tục" hợp lý, vừa tương đồng với thế giới hiện đại, vừa phù hợp với tình hình đời sống tôn giáo ở nước ta. Mô hình đó cho phép chúng ta có thể ngày càng mở rộng sự "công nhận" một cách hợp lý các tôn giáo chính đồng thời "tôn trọng" các tôn giáo còn lại. Rõ ràng điều này đang tạo ra bầu khí phấn khởi, ổn định, đặc biệt kể từ khi chúng ta có Chỉ thị 01 của Chính phủ (đầu 2005). Đây là bước đi quan trọng để hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục, được dư luận thế giới thừa nhận. Tới nay Nhà nước ta đã công nhận 12 tôn giáo với 32 tổ chức tôn giáo, tạo nên một hệ thống tôn giáo "có tính pháp lý" khác hẳn.
Cũng phải nói thêm rằng, trong việc quản lý tôn giáo, Nhà nước đã có những bước tiến quan trọng khác có thể coi như những thành tựu đáng kể: trước hết là việc tiếp tục thể chế hóa quyền tự do tôn giáo trong Hiến pháp (1992) và Pháp lệnh (2004) (1); công nhận các tổ chức tôn giáo (2); một chính sách mới về đào tạo, sử dụng chức sắc, nhà tu hành (3); thông thoáng hơn trong quản lý sinh hoạt tôn giáo (4) và bước đầu quy định về các quan hệ quốc tế có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo (5)…
Chúng tôi nghĩ rằng, còn nhiều thành tựu khác trong công tác tôn giáo, chẳng hạn như cuộc đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả của chúng ta nhiều năm qua với sự lợi dụng các tôn giáo vào những mục tiêu chính trị của các thế lực thù địch, diễn biến hòa bình về tôn giáo… Cũng như những kết quả ngày càng đa dạng hơn của chính sách đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo, như một kinh nghiệm truyền thống của Đảng và Nhà nước ta.
- Chính sách, nếu hiểu đó là sự trình hiện (manifestation) một chủ trương lớn của Nhà nước trong một không gian nhất định, ở một thời điểm nhất định nào đó. Quan sát thực tiễn, có lúc chính sách tìm đến với tôn giáo, nhưng cũng có lúc đời sống tôn giáo thúc đẩy chính sách ra đời…
- Đúng vậy. Như tôi đã nói, tôn giáo xã hội có một đời sống rất sinh động, đặc biệt là tại TP.HCM nói riêng hay Nam Bộ nói chung. Có một số khái niệm được đặt ra trong tọa đàm này, đã có trong thực tiễn, nhưng chưa có trong khái niệm pháp lý của Nhà nước. Chúng tôi sẽ có báo cáo đề nghị xem xét bổ sung.
Đảng và Nhà nước đã có những đổi mới căn bản và luôn hướng đến mục tiêu hoàn thiện bằng luật pháp, một xã hội pháp quyền.
Chúng ta cần nhớ lại, trong tình hình quốc tế sau khi Liên Xô sụp đổ, trong bối cảnh đó VN đã không bị lao đao mà có những bước đi chắc chắn, có những sự đổi mới mang tính căn bản, ngoạn mục và mấu chốt trong nhận thức; thay đổi cách nhìn cũ về tôn giáo như là thuốc phiện của nhân dân… vốn trở thành tư tưởng chính thống, cùng với các vấn đề về dân chủ hóa, đổi mới kinh tế… thật không dễ chút nào!
" Đại hội XI vừa mới diễn ra cũng khẳng định điều đó. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với chủ trương tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo và hoàn thiện luật pháp tôn giáo, sẽ tạo đà cho những sự đổi mới trong thực tiễn. Theo đó, Đảng và Nhà nước chắc hẳn sẽ có những chủ trương cụ thể để khuyến khích các "tôn giáo xã hội", tạo cơ sở pháp lý để các tôn giáo thực sự dấn thân, nhập thế cao hơn nữa, đóng góp phần mình với xã hội như trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện - xã hội, truyền thông…" |
Chính sự chủ động thay đổi nhận thức ấy mới có Nghị quyết 24/NQ (10/1990), từ đó tạo nên một xã hội hai chiều: Đảng, bộ máy công quyền có sự đổi mới về nhận thức, cởi mở hơn trong ứng xử, thoát khỏi những quan điểm giáo điều về tôn giáo như đã nói ở trên; hướng tới một xã hội đồng thuận cả về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Tất nhiên, trong quá trình ấy, chính bản thân tôi cũng được chứng kiến những "đề xuất" từ phía các tôn giáo. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sắc sảo, kịp thời của nhiều đấng bậc, nhiều trí thức, tất nhiên của cả các tổ chức giáo hội… đã được sự tôn trọng nghiên cứu rút kinh nghiệm nghiêm túc từ phía các cơ quan ban ngành của Đảng và Nhà nước. Đó là một thuận lợi, một sự may mắn cho dân tộc ta.
- Có ý kiến cho rằng tôn giáo ở VN không nhiều, số lượng tín đồ tôn giáo không đông lắm (khoảng 26 triệu người *), nhưng tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm. Là nhà nghiên cứu về tôn giáo và lịch sử, Giáo sư nhìn nhận ý kiến trên như thế nào?
- Loài người có những bước phát triển quan trọng trong vấn đề nhận thức tôn giáo. Trong Tuyên ngôn về Quyền con người (1948), Liên Hiệp Quốc đã có những định nghĩa về nhân quyền – quyền con người - rất mẫu mực, được coi như một thước đo trong mọi đánh giá. Tự do tôn giáo và quyền con người những thập kỷ gần đây đã có bước tiến dài trong lịch sử nhân loại.
Tuy vậy, vấn đề "tôn giáo - nhân quyền" vẫn là một trong những vấn đề gai góc trên quy mô toàn cầu. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có thói quen chia thế giới thành ba nhóm quốc gia: (1) Các quốc gia có tự do tôn giáo, (2) Các quốc gia khiếm khuyết về tự do tôn giáo, và (3) Các quốc gia không có tự do tôn giáo - đặc biệt quan tâm. Quan niệm này của Hoa Kỳ đã gây bất lợi cho nhiều quốc gia, nhiều khi đã biến một vấn đề tôn giáo thuần túy thành vấn đề quan hệ quốc tế, thậm chí dẫn đến sự "cấm vận" hoặc "trừng phạt"… Điều này cũng đã vấp phải sự phản ứng từ nhiều quốc gia, nhiều lục địa.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, không có hình thái tôn giáo chủ lưu hay tôn giáo nhà nước. Mỗi dân tộc có quan niệm khác nhau về tôn giáo, vậy nên không thể lấy quan niệm của mình để tạo áp lực, khó khăn cho người khác, cho quốc gia khác. Quan sát tình hình tôn giáo thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt không nhỏ trong quan niệm quyền tự do tôn giáo giữa nhiều nước lớn ở Âu - Mỹ và các quốc gia còn lại. Tiêu chuẩn đánh giá tốt nhất, theo chúng tôi là vừa phải tôn trọng "chuẩn mực quốc tế" về mặt pháp lý các quyền tự do tôn giáo đồng thời có sự tôn trọng cần thiết đối với tính đặc thù của đời sống tôn giáo các nước.
Điều quan trọng là VN đã có những đổi mới rõ rệt, VN lại đang trên đường hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó có tôn giáo, theo hướng nhà nước pháp quyền XHCN.
Đại hội XI vừa mới diễn ra cũng khẳng định điều đó. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với chủ trương tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo và hoàn thiện luật pháp tôn giáo, sẽ tạo đà cho những sự đổi mới trong thực tiễn. Theo đó, Đảng và Nhà nước chắc hẳn sẽ có những chủ trương cụ thể để khuyến khích các "tôn giáo xã hội", tạo cơ sở pháp lý để các tôn giáo thực sự dấn thân, nhập thế cao hơn nữa, đóng góp phần mình với xã hội như trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện - xã hội, truyền thông… theo đường hướng tốt Đời đẹp Đạo mà các tôn giáo dù diễn tả khác nhau nhưng đều cùng một ý hướng.
- Cảm ơn Giáo sư đã dành cho GN cuộc trò chuyện đầu năm đầy ý nghĩa này.