GN - Những ngày đầu tháng Tư năm nay, các tự viện Ni ở TP.HCM cũng như các tỉnh thành đã hân hoan cùng nhau tham gia một sự kiện đặc biệt lần đầu tiên do Ni giới tổ chức - Tuần văn hóa Phật giáo chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014, diễn ra từ ngày 29-4 đến ngày 4-5-2014 (nhằm ngày 1-4 đến ngày 6-4-Giáp Ngọ) với chủ đề chính “Hoa vô ưu”. Dù chưa thành công như Ban Tổ chức mong muốn nhưng Tuần văn hóa thật sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Phật tử, người dân TP.HCM…
Điểm nhấn của sự kiện
Vào đầu tháng 4-2014, chư lãnh đạo Ni Phân ban Ni giới T.Ư và Phân ban Ni giới TP.HCM mới có ý tưởng thực hiện chuỗi hoạt động văn hóa Phật giáo nhằm mang lại sinh khí vui tươi, hân hoan đón mừng Đức Phật đến cho Phật tử, người dân TP.HCM.
Tuần văn hóa Phật giáo tại Nhà Văn hóa Phật giáo TP.HCM gồm nhiều hoạt động như: Triển lãm hình ảnh sinh hoạt Ni giới, thuyết pháp, pháp đàm, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Phật giáo, các cuộc thi viết thư pháp chữ Việt, vẽ tranh “Đức Phật của em”, thi cắm hoa “miền hoa tâm nở”, văn nghệ cúng dường và chương trình hội chợ ẩm thực chay phục vụ đông đảo quần chúng trong suốt 6 ngày diễn ra lễ hội… được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn.
Chư tôn đức, quan khách tham quan phòng triển lãm
Theo NT.Thích nữ Như Cương, Trưởng Tiểu ban Văn hóa Phân ban Ni giới T.Ư, điểm nhấn đặc biệt của Tuần văn hóa Phật giáo chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2014 là triển lãm hình ảnh sinh hoạt Ni giới, trong đó có hình ảnh sinh hoạt giao lưu quốc tế, thuyết giảng, hoằng pháp, giáo dục, các hoạt động vì nhân sinh… Hình ảnh này phản ảnh những đóng góp của Ni giới trong việc xây dựng môi trường, đời sống tu học và hoạt động TTXH của Ni giới Việt Nam.
Điểm nhấn của chương trình còn là những cuộc thi: cắm hoa, viết thư pháp, vẽ tranh Đức Phật dành cho chư Ni, cư sĩ, Phật tử, điển hình là cuộc thi vẽ tranh Đức Phật dành cho thiếu nhi từ 5 đến 12 tuổi. Từ cuộc thi này có thể thấy nhiều em thiếu nhi rất có năng khiếu, vẽ rất đẹp. Không chỉ là cuộc thi vẽ thông thường, thi vẽ Đức Phật mang giá trị, ý nghĩa rất lớn, Ban Tổ chức mong muốn gieo hạt giống từ tâm đến các em nhỏ: Em đến chùa. Em vẽ Phật, Đức Phật sẽ có trong tâm em. Em sẽ là vị Phật trong tương lai…
Đặc biệt, dấu ấn của Tuần văn hóa Phật giáo còn là sự trang nghiêm mà Ban Tổ chức thực tâm muốn cúng dường. Đó là việc thực hiện 3 đêm thuyết giảng với các chủ đề: “Bảy bước nở hoa” do NT.Thích nữ Như Như phụ trách; “Tỉnh giấc mơ hoa” do SC.TN Hương Nhũ phụ trách và “Quan niệm về hạnh phúc” do NS.TN Tín Liên phụ trách cùng một đêm pháp đàm do Ban Hoằng pháp và Giáo dục thuộc Phân ban Ni giới T.Ư điều phối. Trước lúc thuyết giảng, pháp đàm là tụng niệm thời kinh Đản sanh thật trang nghiêm, thanh tịnh, tất cả đều hướng đến ngày Đản sanh của Đức Thế Tôn.
Hân hoan cúng dường
NT.Thích nữ Như Cương cho biết thêm: “Chúng tôi tổ chức Tuần văn hóa này rất cực, gặp nhiều khó khăn do thời gian tổ chức hạn hẹp, Ni giới chưa có kinh nghiệm trong tổ chức, chưa thật sự chủ động… Do đó, khi bắt tay vào làm thì bộc lộ những khiếm khuyết cũng vì lẽ mình chưa cọ xát thực tế nhiều, có những cái đa đoan mà người tu chưa hình dung được, cần phải có người nhiều kinh nghiệm…”.
Các em nhỏ đoạt giải thi vẽ Đức Phật của em - Ảnh: H.D
Thật sự trong 6 ngày qua, hàng ngàn Phật tử, người dân đã chung niềm vui, hân hoan đón Đức Phật đản sinh rất sớm tại chùa Phổ Quang. Khu vực triển lãm rất trang trọng dành cho không gian của tranh nghệ thuật mang đậm nét Phật giáo của các tác giả: Trương Lộ, Trụ Vũ, Trương Hán Minh, HS Nam, Nguyễn Thiên Chương, Phượng Hồng, Văn Hải, Trần Quốc Âu, Thanh Sơn…, cùng những tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo; bên cạnh đó người xem còn được thưởng ngoạn không gian “thuyền Bát-nhã”, trà thiền Việt, vườn Lâm-tỳ-ni trang hoàng thanh tịnh…
Không gian bên ngoài thiết kế 20 gian hàng ẩm thực luôn thu hút khách viếng chùa, Phật tử, người dân thưởng thức những món chay. Có thể thấy, ở đây có bàn tay khéo léo của những sư cô, Phật tử đến từ các tự viện, tịnh thất, GĐPT… trong và ngoài TP.HCM. Các món ăn đặc sản, đậm chất vùng miền tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phong cách ẩm thực được nâng lên một bậc với tài khéo léo trang trí theo lối thôn dã, gần gũi.
NT.Thích nữ Tịnh Nguyện khuyến tấn các Phật tử tham gia thi vẽ Đức Phật - Ảnh: H.D
Cúng dường Đức Phật đản sinh, các em nhỏ từ 6 đến 12 tuổi đã rất hồ hởi thức dậy từ sáng sớm theo cha mẹ đến chùa tham gia hội thi vẽ tranh Đức Phật. Nét vẽ, cách tô màu của các bé thể hiện sự hồn nhiên, trong trẻo. Bé Nguyễn Huỳnh Thanh Trúc, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trung Nhất, Q.Phú Nhuận - thí sinh đoạt giải nhất hội thi vẽ tranh Đức Phật với bức tranh Đức Phật tọa thiền rất đẹp - hồn nhiên chia sẻ: “Con rất thích vẽ Phật, vì con biết Phật từ lúc học lớp mầm, chồi, lá ở chùa Giác Tâm”.
Đánh giá của người trong cuộc
SC.TS Thích nữ Như Ngọc, Trưởng Tiểu ban Liên lạc Truyền thống thuộc Phân ban Ni giới T.Ư, cho biết: “Khi chúng tôi xem những hình ảnh sinh hoạt của chư Ni tại triển lãm, có hình ảnh chư Ni hoạt động quốc tế, hoạt động Phật sự trong nước, các hoạt động tu học, hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội…
Ni trẻ như chúng tôi hiểu thêm về truyền thống, sự dấn thân của các bậc Ni tiền bối trong hoạt động tu học, Phật sự. Đây là những hình ảnh có giá trị, có sức mạnh tiếp nối mạng mạch Phật pháp không gì cụ thể hơn; chư Ni tiền bối đã dấn thân phụng sự mà thế hệ Ni trẻ như chúng tôi phải luôn học hỏi, tiếp bước”.
Ban Giám khảo chấm giải ẩm thực chay - Ảnh: H.D
Khép lại Tuần văn hóa Phật giáo tại TP.HCM, NT.Thích nữ Tịnh Nguyện, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư cho biết: “Qua lần tổ chức này, dù rất cố gắng tránh những sơ thất, Ni giới thật sự còn có những lúng túng vì thời gian tổ chức quá ngắn, nhân sự trong Ban Tổ chức ít và có những sự cố không lường trước được”.
Ni trưởng cho biết thêm: “Tuy nhiên, công tâm mà nói, các hoạt động như thuyết pháp, pháp đàm đã tổ chức tốt, đúng chủ đề. Các cuộc thi cắm hoa nghệ thuật, viết thư pháp, vẽ tranh Đức Phật, hội chợ ẩm thực đã đem lại những nét đẹp, ấn tượng nhất định nhưng nếu sự kiện này có thời gian chuẩn bị, quảng bá, truyền thông tốt hơn thì sẽ thu hút được đông đảo chư Ni, Phật tử tham gia và chắc chắn sẽ tạo được dấu ấn sâu đậm.
Có thể thấy, Tuần văn hóa Phật giáo tại chùa Phổ Quang là một trong những hoạt động khá ít ỏi của Ni giới nhưng đã cho thấy Ni trẻ ngày nay có nhiều khả năng. Họ nhiệt tâm, nhiệt tình làm việc hết lòng để phụng sự, cúng dường dâng lên Đức Phật bằng cả trách nhiệm, sự vô tư, không vị lợi.
Chúng tôi rất tin tưởng giao phó những hoạt động Phật sự này cho Ni trẻ. Đây cũng là dịp để Ban Tổ chức rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức, kết nối nhân lực, chủ động trong các chuỗi sự kiện. Với tôi thì từ những sự kiện như thế này, các vị lớn tuổi cần tin tưởng giao trách nhiệm cho Ni trẻ, để họ thật sự thể hiện hết năng lực của mình. Các vị lớn tuổi chỉ nên làm vai trò cố vấn, đưa ra ý kiến, bổ sung những kinh nghiệm mà mình có để hoạt động của Ni trẻ được hoàn thiện hơn”.