Ký ức nhân chứng (Hòa thượng Thích Giác Quang) về vụ thảm sát tại Đài Phát thanh Huế năm 1963

Chư vị Trưởng lão, Hòa thượng và Thượng tọa tại cố đô Huế đến Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên phản đối lệnh triệt hạ cờ Phật giáo trong mùa Phật đản Phật lịch 2507 (1963) - Ảnh tư liệu
Chư vị Trưởng lão, Hòa thượng và Thượng tọa tại cố đô Huế đến Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên phản đối lệnh triệt hạ cờ Phật giáo trong mùa Phật đản Phật lịch 2507 (1963) - Ảnh tư liệu
GNO - Vụ thảm sát tại Đài Phát thanh Huế ngày Phật đản năm 1963 có nhiều nhân chứng, trong đó có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ GHPGVN. Năm nay đã ngoài 80 nhưng ký ức về biến cố đau thương này vẫn không thể quên trong tâm thức của vị giáo phẩm ở cố đô Huế…

Sau sự việc chính quyền họ Ngô ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo, từng đoàn cảnh sát đã đi đến các địa phương ra lệnh, buộc các tư gia hạ đạo kỳ - biểu tượng thiêng liêng của người Phật tử. Và chính họ đã giựt bỏ rồi khủng bố dùng dùi cui trấn áp những nhóm người tụ tập thấy trên đường.

Chư tôn đức cao nhất của Phật giáo Huế, quý Đại lão Hòa thượng và chư Thượng tọa đã về Tòa Tỉnh trưởng đứng yên lặng trước sân nhìn vào với tâm nguyện mong nhà cầm quyền lúc bấy giờ chấm dứt một tình hình bất ổn, kỳ thị tôn giáo, bất công đối với Phật giáo.

Sáng rằm tháng Tư năm Quý Mão (8-5-1963), đoàn rước Phật từ chùa Diệu Đế lên Từ Đàm tập trung cử hành xong Đại lễ Phật đản Phật lịch 2507. Hòa thượng Trí Quang đã đọc rõ từng câu biểu ngữ tại sân chùa rồi giải thích nội dung cho Tăng Ni, Phật tử. Tôi, và có lẽ tất cả những ai có mặt hôm đó đều được tiếp nhận một năng lượng đầy hùng lực lan đến, vào sâu trong tim từng người con Phật.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ GHPGVN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ GHPGVN

Đêm kinh hoàng

Trước đó, buổi lễ Phật đản hàng năm đều được Đài Phát thanh Huế truyền thanh lại vào tối rằm. Năm đó cũng vậy, mọi người háo hức chờ đợi buổi phát thanh tối đó để nghe lại những nguyện vọng thiết tha của Phật giáo.

Tối rằm. Trước sự trông đợi buổi phát thanh về nội dung lễ Phật đản hồi sáng tại chùa Từ Đàm nhưng nhà đài hoàn toàn im lặng, nên dòng người từ mọi nơi kéo về Đài Phát thanh Huế. Chư Tăng Ni các chùa cũng lần lượt kéo nhau về ngày càng đông nghẹt cả các ngả đường chung quanh đài, mỗi lúc một đông.

Tôi lúc đó còn là một huynh trưởng Gia đình Phật tử đang có mặt tại chùa Báo Quốc, đã cùng với các vị học Tăng về Đài Phát thanh. Mọi người càng lúc càng đông. Chính quyền yêu cầu giải tán không được, sau đó đoàn xe cứu hỏa tập trung về, tiếp theo là xe thiết giáp. Trong những giờ phút căng thẳng thấy có sự xuất hiện của lãnh đạo Phật giáo và ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng nhưng vẫn không giải quyết được.

Hai vị học Tăng (nay là Hòa thượng Thích Đức Thanh và Hòa thượng Thích Phước Tú) lên treo lá cờ Phật giáo nơi hành lang phía trước Đài Phát thanh. Cờ vừa treo xong thì xe cứu hỏa xịt nước xối xả vào đồng bào rồi một tiếng nổ rầm vang, xe thiết giáp tràn vào, mọi người chạy tứ tán.

Lúc ấy tôi đang đứng ở sân trên của Đài, thấy ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Hòa thượng Trí Quang đi vội vào trong phòng “Ghi âm C”, tôi cũng chạy theo vào, có cả anh huynh trưởng Nguyễn Khắc Từ. Sau một thời gian trấn áp bên ngoài rồi tiếng gõ cửa, hỏi:

- Ai trong đó?

Tiếng ông Nguyễn Văn Đẳng:

- Tôi, Tỉnh trưởng và Thượng tọa Trí Quang.

- Ra, còn ai?

Tôi lầm lũi đi ra. Một cảm giác khó tả, rất khủng khiếp, khi thấy xác người nằm ngổn ngang, một cảnh tang thương: một sân dép, guốc và nước lai láng. Nhìn lên cầu Trường Tiền, cảnh sát đang trấn áp, đẩy đồng bào qua bên kia cầu, mọi ngả đường đầy cả lính tráng, cảnh sát đứng chặn.

Một luồng suy nghĩ qua trong đầu, lúc đó, người ta có thể bắn bỏ mình, tôi tìm đường thoát nhưng đã bị bắt.

Tôi nghe giọng gay gắt, hỏi:

- Đi đâu?

Tôi phản xạ tức thì, trả lời:

- Đi chơi!

Khi bị họ giữ lại, tôi nghĩ đến cảnh sẽ bị thủ tiêu, và lúc đó nghĩ đến gia đình, những người thân nên đã liều quyết định chạy thục mạng, để nếu bị họ bắn chết như các vị chết trên Đài Phát thanh, gia đình còn nhận được xác. Còn để bị bắt giữ, mang đi thủ tiêu thì cha mẹ phải mòn mỏi tìm xác con!

Tôi chạy, họ bắn nhưng có lẽ bắn chỉ thiên. Khi nghe bắn, tôi cảm giác đạn cứ “chíu chíu” trên đầu, và may tôi đã chạy nép vào được các hàng cây rồi chạy thẳng về nhà ở Lịch Đợi.

Ngày 16 tháng Tư, Phật lịch 2507, năm Quý Mão (1963)

Cảnh tượng tàn sát của đêm rằm tại Đài Phát thanh, những tưởng rằng mọi người kinh hồn khiếp vía mà không dám động tĩnh gì nữa. Ai ngờ, sáng 16 tháng Tư âm lịch, từng đoàn người biểu tình kéo về Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên.

Thành phần gồm đủ mọi tầng lớp xã hội, cảm động nhất là các em đánh giày, bánh mì rất hăng hái giương cao biểu ngữ “Máu đã đổ, chúng tôi sẵn sàng đổ máu” (sau này tôi mới biết khẩu hiệu này là của học Tăng Lê Mạnh Thát viết nên).

Một khí thế phẫn uất tận cùng của dân chúng đã biến thành cuộc tuần hành không một lực nào cản nổi. Trước tình hình này chính quyền lúc bấy giờ phải mời Hòa thượng Trí Quang để điều đình.

Tôi nhớ ngài đã đứng trên trần của xe Ty Thông tin kêu gọi đồng bào giải tán. Nhưng trước khi ra lệnh cho Phật tử thì ngài đã yêu cầu anh em quân đội trước, ngài nói rõ từng tiếng: “Yêu cầu quân đội chỉ mũi súng xuống đất!”. Tất cả binh lính đều làm theo, súng găm lưỡi lê bồng ngang, giờ tất cả đã chúi xuống đất.

Ngài tiếp: “Yêu cầu quân đội bước lui ba bước”, và họ đã tuân thủ bước lui!

Sau đó ngài mới hướng về đồng bào Phật tử ra lệnh: “Tất cả đồng bào Phật tử nên giải tán trở về nhà, và chờ lệnh của Giáo hội”. Đồng bào đã tuân thủ giải tán trong trật tự.

Hòa thượng Thích Giác Quang (lúc còn trẻ) một dịp thị giả Hòa thượng Trí Quang trước Dinh Độc Lập, Sài Gòn - Ảnh: Time
Hòa thượng Thích Giác Quang (lúc còn trẻ) một dịp thị giả Hòa thượng Trí Quang trước Dinh Độc Lập, Sài Gòn - Ảnh: Time

Tôi cũng nhớ một hôm, chừng 1-2 giờ sáng, xe mật vụ lên Từ Đàm mời Hòa thượng Trí Quang đi. Ngài bình thản ra đi, trong khi mọi người ở chùa ai cũng lo ngại. Thế rồi họ đưa Hòa thượng về sau khi đã gặp ông cố vấn Ngô Đình Cẩn.

Sau này, trong dịp tưởng niệm 50 năm Pháp nạn 1963, Giáo sư Cao Huy Thuần kể lại là khi có người hỏi, trước bao nhiêu khủng bố, đe dọa, mưu sát Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng có sợ không, thì ngài trả lời: “Trước bao áp lực đó nhưng lòng tôi vẫn rất thanh thản vì trên đầu tôi có Phật”. Với niềm tin đó, mới hiểu được thái độ điềm nhiên khi mật vụ của chính quyền lúc bấy giờ đến “mời” ngài đi giữa đêm khuya.

Sau đó nữa là những cuộc xuống đường biểu tình liên tục tuần hành, nhất là khi 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo được đề ra, đó là mục đích cho các cuộc biểu tình. Ngày nào nguyện vọng chưa được đáp ứng thì còn biểu tình.

Năm nguyện vọng chính đáng là sức sống của các cuộc đấu tranh. Cuộc đấu tranh đòi sự bình đẳng trong chính sách đối với tôn giáo phát khởi từ Huế, vào Nam làm lan tỏa và trụ vững tại thủ đô Sài Gòn bấy giờ.

Tôi vẫn nhớ tại sân chùa Từ Đàm giai đoạn đó, một ngày tập trung rất đông Tăng Ni, Phật tử, tiếng tụng kinh được luân phiên không ngưng nghỉ. Trước một cuộc “xuống đường” của Tăng Ni và Phật tử, khi mọi người chuẩn bị xuất phát, Hòa thượng Trí Quang đã ra lệnh: “Tất cả Tăng Ni, Phật tử vòng tay lại! Không hoan hô! Không đả đảo!”. Tất cả mọi người đã tuân thủ mệnh lệnh từ người Thầy của mình một cách kỷ luật, trật tự.

Ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức

Trong khi Phật giáo đấu tranh bất bạo động mà chính quyền chưa quan tâm, giữa lúc tưởng chừng mọi điều tưởng như bế tắc thì ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức bùng lên tại Sài Gòn, lan đi một cách nhanh chóng và đánh động cả lương tâm thế giới.

Cả hàng triệu triệu con tim của Phật tử se thắt với bao nỗi niềm thương kính, uất nghẹn, đau xót. Chính trong ngày lễ thọ tang ngài tại tổ đình Từ Đàm, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, khi cầm băng tang vái lạy và òa lên khóc, nhìn lên di ảnh của Bồ-tát mà thốt lên rằng: “Ngài chết đi cho chúng con được sống!”, cả sân chùa Từ Đàm tất cả cũng đều òa khóc, một sức nén tận cùng của Tăng Ni Phật tử, sức mạnh của những giọt nước mắt, rồi nhìn băng tang vàng trên ngực của nhau, nhận thức sâu sắc về tình đồng đạo.

Chiếc băng tang của ngài đã nối kết cả Phật giáo, cả dân tộc thành một khối. Qua lời di huấn của ngài trong thư gửi Tổng thống, với thủ bút của chính ngài ở “Lời nguyện tâm quyết” đầy yêu thương, tỉnh thức đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm và những người cầm quyền.

Nhìn lại nguyên nhân buộc Phật giáo phải đấu tranh năm 1963, ngoài việc triệt hạ cờ Phật giáo trong ngày Phật đản, chúng ta thấy biết bao nhiêu tập hồ sơ trình lên Quốc hội về những sự việc thủ tiêu, ngược đãi Phật giáo đồ khắp mọi nơi đều không được quan tâm giải quyết.

Tôi nhớ tại Huế, sau Đại lễ Phật đản năm 1955, có lễ cung nghinh xá-lợi của Đức Thế Tôn. Một đại lễ được tổ chức tại công viên trước bến xe Nguyễn Hoàng đã có một tác động rất lớn, rất rộng về nội lực của Phật giáo Huế. Sau lễ, những Phật tử nòng cốt cúng dường xây dựng lễ đài đều đã bị ghép vào vụ án miền Trung, bị tù tội, phá sản. Giáo hội thì ép buộc phải bồi thường vì cỏ bị dẫm đạp tại công viên. Đau đớn nhất là vụ thảm sát huynh trưởng Nguyễn Duy Trinh và khủng bố cả gia đình họ phải bỏ nhà đi tránh nạn.

Ngay từ khi ngồi vững trên quyền lực rồi, chính quyền họ Ngô đã bắt đầu khủng bố, trấn áp, thực hiện sự kỳ thị Phật giáo.

Phật giáo đã nhẫn nhịn, chịu nhục cho đến một ngày biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo là Đạo kỳ bị triệt hạ. Điều đó trực buộc Phật giáo phải lên tiếng, phải đứng lên để tự bảo vệ, đồng thời bảo vệ sự công bằng xã hội, bảo vệ cho văn hóa, nền tín ngưỡng của đân tộc.

Chuyện đã qua, vẫn như hôm nay, nhìn lại để hiểu hơn về Phật giáo, và chỉ có nhìn lại lịch sử một cách khách quan, trung thực thì mới có thể thấu hiểu bản sắc văn hóa, Phật giáo và lòng người. Có hiểu lịch sử mới ý thức trách nhiệm và làm tròn sứ mệnh xứng đáng với niềm tin, truyền thống và tin hơn ở con người, ở sức mạnh của đồng bào, của lẽ phải.

(Quảng Điền lược ghi theo lời kể của Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, mùa Phật đản Phật lịch 2567)

“Tôi còn nhớ vào ngày 7-5-1963 đã có một cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm không cho treo cờ Phật giáo. Hôm sau các Phật tử tập trung tại đài phát thanh. Tối hôm đó tôi đi dạo trên đường Lê Lợi thì gặp anh Tôn Thất Kỳ, một học trò của tôi.

Anh Kỳ rủ tôi tới đài phát thanh để xem có phát chương trình nói chuyện của Thầy Thích Trí Quang vào ngày lễ Phật đản như những năm trước hay không.

Khi chúng tôi tới đã thấy có gần 5.000 người đứng ở đó. Đêm hôm ấy Thầy Trí Quang đã có mặt tại đài phát thanh nhưng không được nói. Sau đó có đoàn xe bọc thép tiến tới, một trong những chiếc xe đó có ghi tên Ngô Đình Khôi (anh của ông Ngô Đình Diệm).

Thấy xe tăng tới, anh Kỳ yêu cầu tôi tránh xa vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Vừa vượt qua hàng rào đài phát thanh khoảng 3 mét thì chúng tôi nghe tiếng súng nổ. Theo quan sát của tôi, khi đó có hai nhóm cảnh sát làm việc khác nhau: một nhóm dùng vòi xịt nước để giải tán đám đông, nhưng mới xịt được một lát thì nhóm cảnh sát kia, ở trong xe tăng đã nổ súng.

Đám đông vẫn hoàn toàn không có bất cứ một hành động nào để phản ứng lại chính quyền. Sau 10 phút thì xe cứu thương đến. Thoát ra khỏi đám đông, chúng tôi tạt qua nhà của Giáo sư Krainich và kể cho họ nghe những chuyện xảy ra.

Lúc đó anh Kỳ rủ tôi đến bệnh viện xem có ai bị thương không để giúp đỡ họ. Trên đường đi, tôi gặp hai người bạn đồng nghiệp, cũng là người Đức, giáo sư Raimund Kaufmann và phụ tá của ông, Hans Hoelterscheid, chúng tôi cùng nhau đi đến bệnh viện. Đến nơi, người canh giữ nhà thương cho biết chẳng có chuyện gì xảy ra, chỉ có vài người bị thương nhẹ.

Nhưng một ông y tá, người từng làm cùng phòng với tôi, bảo chúng tôi hãy đến nhà xác mà xem. Ở nhà xác, chúng tôi thấy có 8 em thiếu nhi bị tử thương, trong đó 5 em không còn đầu. Hans Hoelterscheid về gọi Orje, một người bạn của tôi lúc đó có máy ảnh, đến nhà xác chụp ngay và chụp rất kỹ, anh ta lường trước sự việc chính quyền sẽ nói đó là do Việt cộng ném bom chứ không phải do chính quyền bắn lựu đạn hay dùng xe bọc thép thị uy. Tôi cũng đã viết bài tường thuật về cảnh tượng này.

Chính ngày 8-5-1963 đã là một ngày làm thay đổi cuộc đời của tôi. Lúc trước tôi chỉ là người sống thoải mái, không để ý đến những chuyện ngoài nghề nghiệp, nhưng sau đó thì tôi đã trở thành “người hoạt động chính trị”.

Bác sĩ Erich Wulff

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại Bình Dương

[Video] Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại Bình Dương

GNO - Sáng ngày 7-10, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), Ban Tăng sự T.Ư phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo năm 2024, gần 400 đại biểu thuộc các Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN các tỉnh thành phía Nam tham dự.

Thông tin hàng ngày