GN - Trong chuyến thăm, làm việc với BTS GHPGVN 24 quận huyện, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM đã có sự quan tâm đặc biệt, trực tiếp chỉ đạo Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP trao tặng 600 phần quà đến bà con ở huyện ven biển Cần Giờ , nơi còn nhiều khó khăn.
Nụ cười của ông Phan Văn Tài, 69 tuổi, đi 30 phút xe buýt, từ ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn.
Dù chân tật, đi đứng khó khăn nhưng ông bảo hôm nay là ngày vui, còn hơn Tết - Ảnh: H.Ý
“Nhớ đến hình ảnh hạnh phúc của bà con. Nhìn những đôi tay già nua run run đón nhận quà, nụ cười trên môi, ánh mắt biết ơn hướng về chư tôn đức làm trong lòng chúng con dâng trào niềm cảm xúc. Con nhớ đến Hòa thượng lãnh đạo cao nhất Giáo hội TP tuổi cao, Phật sự đa đoan mà ngài vẫn quan tâm chỉ đạo đoàn đến tận nơi thăm, ngài vẫn nhớ đến những mảnh đời khốn khó, gởi quà tặng cho đồng bào nghèo, khó khăn huyện Cần Giờ. Con thật cảm kích và xúc động…”, lá thư muộn chân tình của TT.Thích Giác Huệ, Trưởng BTS GHPGVN huyện Cần Giờ gửi đến phóng viên, nhiều ngày sau sự kiện hôm 2-10, nhưng cảm xúc vẫn đong đầy.
Hỏi ra mới biết, từ xưa đến nay, chưa một lần nào bà con Phật tử huyện Cần Giờ đến chùa nhận được nhiều quà cùng một lúc như vậy. Từ lời TT.Thích Giác Huệ chia sẻ: “Dữ lắm là quà có 10kg gạo, hai chai nước tương, một ký đường, 10 gói mì. Một phần quà nhiều lắm là 150 ngàn trở lại, và không có tiền kèm theo”.
Ngẫm lại, nhớ về hình ảnh của Thượng tọa Trưởng BTS Phật giáo huyện hôm đó, đi đi lại lại, đôi khi âm thầm đứng nép góc chùa nhìn mấy trăm bà con đến chùa, có thể chùa Hải Đức chưa bao giờ có đông người đến như thế.
Qua những câu thăm hỏi bất chợt với các bà con đến chùa Hải Đức hôm đó, có những cụ già ở các xã xa xôi như Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn… cách chùa tới 40 - 45km, có bà con phải vượt biển, chèo xuồng như xã Thạnh An để về chùa.
“Lát nữa nhận quà ông ôm gạo, mì, nước tương nha, còn tiền đưa tui giữ để dành chứ ông đừng lấy đem đi nhậu”, chị Lều khều tay anh chồng nhỏ nhẹ. Anh chồng cười xòa, trả lời “biết rồi, bà cứ cất tiền, gạo nặng tui ôm”.
Cụ Lê Thị Thiệt ở ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa cho biết: “Tui 82 tuổi rồi, nói thật là lần đầu được nhận nhiều quà thế này, không biết lát ôm sao hết, ôm sao nổi” và ánh mắt sáng cùng với nụ cười tươi trên khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của sự khó nhọc và năm tháng.
Ông Phan Văn Tài, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, 69 tuổi, mừng rỡ chia sẻ: “Tui bị khuyết tật, đi nạng khó khăn nhưng hôm nay ngồi xe 30 phút xuống lãnh quà tui không thấy xíu nào mệt. Lần đầu được cho, được nhiều quà quá mừng vì mình khó khăn. Được gạo đã quý, có mì đã mừng, đằng này có gạo, có mì, nước tương, lại được tiền, quần áo. Thật sự không tả được niềm vui lúc này”.
Có đi, có đến tận nơi, và không phải ở đâu xa xôi, mà ngay những vùng quê của các huyện ngoại thành ở TP.HCM vẫn còn nhiều bà con còn khó khăn, cần lắm sự lắng nghe và chia sẻ thực tế, cần lắm những tấm lòng và sự dấn thân của hạnh Bồ-tát Quán Thế Âm, để cuộc đời bớt khổ và thêm vui, bởi với người học Phật, trao đi cũng chính là nhận về, và hơn tất cả, là niềm vui cho tất cả.
Ghi chép của Hạnh Ý