Lại bàn về chữ Hư nơi tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông

NSGN - Cũng là vấn đề mà chúng tôi đã bàn qua. Xin nói rõ: Nơi Nguyệt san Giác Ngộ số 115, 116, tháng 10, 11-2005, có đăng bài viết của chúng tôi: Góp phần nhận diện tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông.

Bài viết được thực hiện do cảm xúc từ câu nhận định của Hòa thượng Trí Quang: “Trung Hoa có hai nguồn thiền. Có nguồn thiền rất nghiêm cẩn: khổ tu, tinh học, thực chứng… Tôn giả Tuệ Tư (515-577) và Luận Chỉ quán của Tôn giả là nguồn thiền thứ nhất. Việt Nam, chỉ nơi Khóa hư lục là có hơi hướng của nguồn thiền này”. (Luận Chỉ quán, HT.Trí Quang dịch. Bản in 1995, tr.15). Và kết thúc là những ghi nhận của HT.Nhất Hạnh (Nguyễn Lang): “Chữ Khóa (trong Khóa hư) có nghĩa là sự hành trì học tập. Chữ Hư có nghĩa là với thái độ không cố chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của Khóa là sự siêng năng thực tập Thiền học, không để cho thời gian luống qua. Nhu yếu của là thái độ phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm và hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phóng của đạo Phật: Thực tiễn một cách tinh tiến đạo lý giác ngộ trong tinh thần phá chấp tự do và vô niệm…” (Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB.Lá Bối, S, 1974, tr.244).

Ở giữa hai nhận định ấy, chúng tôi đã lần lượt điểm qua 9 tác phẩm, dịch phẩm của những tác giả, dịch giả vốn có những tiếp cận nhiều ít nơi sách Khóa hư lục. Như thế là cũng tạm bao quát và đầy đủ. Vậy sao còn phải “Lại bàn về”? Là vì vừa có người đã giải thích không đúng về chữ nơi từ Khóa hư trong sách Khóa hư lục. Nói rõ hơn: trên Bán nguyệt san Văn hóa Phật giáo số 188, ra ngày 1-11-2013 có đăng bài “Bố cục trí tuệ của Khóa hư kinh” của hai tác giả Trần Thị Thanh Vân và Thích Hạnh Tuệ. Bài viết “Tập trung nghiên cứu về bố cục của tác phẩm Khóa hư lục”, đồng thời đề nghị một bố cục hợp lý, với hy vọng góp phần nhỏ trong việc làm sáng rõ thêm giá trị của Khóa hư kinh”. Bố cục mới này dựa theo thứ lớp của Tứ Thánh đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), và toàn bộ các bài trong Khóa hư lục được phân làm 3 chương…

Nhìn chung, đề nghị và hy vọng như trên là chính đáng, và bố cục được đề xuất ấy là mới mẻ, có giá trị, rất nên chia sẻ cùng tán thán. Tiếc là nơi phần đầu bài viết, hai tác giả đã giải thích không đúng về chữ nơi từ Khóa hư của sách Khóa hư lục. Tác giả viết: “Khóa là bài khóa bài học bài giảng. Hư là giả, không thật, rỗng không, ở đây chỉ giáo lý tính Không của Phật giáo…” (Bđd, tr.14). Giải thích về nghĩa của chữ như thế là không hợp, không đúng, vì “Giả, không thật, rỗng không” mới chỉ là một trong nhiều nghĩa của Hư, mà không phải là nghĩa của được dùng trong từ Khóa hư nơi sách Khóa hư lục. Lại cho (giả, không thật, rỗng không) ở đây (là) chỉ giáo lý tính Không của Phật giáo, thì cũng không đúng.

Bài viết ngắn này chúng tôi xin cố gắng làm rõ về điều ấy.

chu Hu.jpg

Đức Phật - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Giả, không thật, rỗng không, chỉ là một trong nhiều nghĩa của , không phải là nghĩa của trong Khóa hư lục

Theo chúng tôi, cho là giả, không thật, rỗng không, thực chẳng khác nào chúng ta ngày trước học Tam tự kinh đã đọc thuộc và nhanh: Thiên là Trời, Địa là đất v.v… trong khi nếu tra cứu thêm thì chữ Thiên (天) theo Hán ngữ Đại Tự điển đã có đến 17 nghĩa, và chữ Địa (地) cũng theo Hán ngữ Đại Tự điển đã có tới 14 nghĩa (Xem: Hán ngữ Đại tự điển, Kiến Hoành xuất bản xã, Đài Bắc, 1998. Chữ Thiên: tr.219-220. Chữ Địa: tr.177). Rồi khi tiếp cận với phẩm Thập địa của kinh Hoa nghiêm (phẩm thứ 22 của kinh Hoa nghiêm bản 60 quyển. Phẩm thứ 26 của kinh Hoa nghiêm bản 80 quyển) tất chúng ta không thể giải thích Thập là mười, Địa là đất, vì Địa ở đây có nghĩa là thứ bậc trên con đường tu tập của Bồ-tát đạt đến quả vị giác ngộ vô thượng. Cũng nên phân biệt: Mười địa như Địa Càn tuệ, Địa Tánh v.v… là người của ba thừa cùng hành, còn mười Địa ở đây (Địa Hoan hỷ, Địa Ly cấu v.v…) chỉ là hành của Bồ-tát(1). Hoặc khi tiếp cận với nhan đề một bộ luận lớn: Luận Du-già sư địa, thì chữ Địa ở đây có nghĩa là cảnh giới, biên vực hành tác, tu trì, chứng quả của hành giả Du-già, chứ không phải là Đất(2). Xin lần lượt nêu dẫn:

1- Hán Việt tự điểncủa Thiều Chửu:

Nơi chữ : Đã nêu ra 10 nghĩa, trong ấy, nghĩa trống rỗng, hư hão, trái lại với chữ Thật là nghĩa thứ nhất. Ngoài ra còn có nghĩa thứ tư: Khiêm hư, không có ý tự cho là đủ, còn cần phải học phải hỏi, gọi là Hư tâm hay Khiêm hư. Nghĩa thứ bảy: Nói về phần tinh thần không chỉ ra được, như nét vẽ vô tình mà có thần gọi là Hư thần, văn điểm một câu không vào đâu mà hay gọi là Hư bút. Nghĩa thứ tám: Khoảng trời không, như Lăng hư… là những nghĩa không có dính dáng gì tới Hư giả không thật (Xem: Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, NXB.TP.HCM, 2000, tr.576).

Về từ Hư tâm, Từ Hải giải thích: Nghĩa là tâm không tự mãn (vị tâm bất tự mãn dã). Cùng với Hư tâm, Từ Hải còn nêu dẫn một số từ kép đi cùng với chữ Hư mà ý nghĩa không có mảy may liên hệ với Hư giả, không thật, như: 1- Hư trung: Là chuyên tâm vào việc gì (Chuyên tâm chi vị dã). 2- Hư minh: Là tâm (Tâm dã). Hư không mà bên trong chiếu tỏa. Xét cùng về vật mà ánh sáng linh dị, nên nói như thế (Hư không nhi nội chiếu. Cách vật nhi linh quang, cố danh). Ánh sáng thông suốt (không minh dã). 3- Hư diêm: Cũng như Cao diêm. Là chỉ cho các vật kiến trúc tráng lệ, hùng vĩ mà nói (Du cao diêm dã. Chỉ tráng lệ hùng vĩ chi kiến trúc vật nhi ngôn). 4- Hư hoài: Là hoài bão rộng lớn mà hư tâm khiêm tốn (Khâm hoài khoan đại, hư tâm khiêm tốn dã). [Xem Từ Hải: Tối tân tăng đính bản. Đài Loan Trung Hoa Thư cục ấn hành. 1972, 4 tập, tập Hạ, tr.3.889-3.890]. Hầu như Thiều Chửu đã tâm đắc với nghĩa thứ 4 của chữ nêu trên nên nơi Lời mở đầu của bản Việt dịch Khóa hư kinh do ông thực hiện, ông đã giải thích về ý nghĩa sâu xa của từ Khóa hư như sau: “Nhưng cái ý nghĩa sâu xa thì tức là một bài học dạy cho ta phải để tâm khiêm nhường thiếu thốn, tự biết mình là còn mang tội lỗi xấu xa, còn ngu si mê muội, phải ép mình mà tu tỉnh sám hối, nhẫn nhục, tinh tiến mới thâu thái được cái hay của Thánh hiền vào mình, hòng tẩy sạch lòng trần tới bậc giác ngộ. Nếu ta cứ tự cho ta là thông minh tài giỏi, là thánh thần khôn khéo thì đọc sách này cũng chỉ ở đầu lưỡi mà thôi. Ấy, đại khái ý nghĩa hai chữ Khóa hư là thế, nêu giảng cho hết ý nghĩa thì phải viết một quyển sách lớn mới hết ý được”. (Khóa hư kinh, Thiều Chửu dịch, nhà in Hưng Long xuất bản, S.1961, Lời mở đầu).

2- Hán ngữ Đại tự điển:

Nơi chữ 虚, đọc là khư (khứ ngư thiết) có 6 nghĩa. Đọc là (Hủ cư thiết) có đến 20 nghĩa. Trong số 20 nghĩa ấy, nghĩa Hư giả, không thật (Hư giả, bất chân thật) là nghĩa thứ 10. Ngoài ra còn có ít nhất là 6 nghĩa không có liên hệ gì với Hư giả không thật cả. Đó là:

a) Nghĩa thứ nhất:

Hư là không hư. Theo Quảng Nhã. Thích Cổ tam: Hư là không. Tuân Tử, Hựu tọa: Đủ mà thẳng. Đầy mà che trùm. Hư mà nương dựa… Lão Tử, chương thứ ba: Tâm nên hư mà bụng thì đầy đủ (Quảng Nhã. Thích cổ tam: Hư, không dã. Tuân Tử. Hựu tọa: Trung nhi chánh. Mãn nhi phú. Hư nhi ỷ… Lão Tử. Đệ tam chương: Hư kỳ tâm, Thật kỳ phúc).

b) Nghĩa thứ tám:

Hư là bầu trời bao la (Thiên không). Quản Tử. Tâm Thuật thượng: Bầu trời gọi là Hư. Tô Thức đời Triệu Tống. Phú Xích Bích: Mênh mông thay, như nương vào bầu trời mà chế ngự gió, nhưng không rõ về chỗ dừng (Thiên không, Quản tử. Tâm thuật, thượng: Thiên viết Hư… Tống, Tô Thức, Phú Xích Bích: Hạo hạo hồ, như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ).

c) Nghĩa thứ chín:

Hư là Phương vị. Dịch. Hệ từ, hạ: Lưu hành khắp sáu hư. Vương Bật chú: Sáu hư là sáu vị… Liệt Tử: Trọng Ni thiên: Dùng thì đầy khắp sáu hư. Bỏ thì không biết về nơi chốn (Phương vị, Dịch, Hệ từ hạ: Chu lưu lục hư, Vương Bật chú: Lục hư, lục vị dã… Liệt Tử, Thiên Trọng Ni: Dụng chi di mãn lục hư. Phế chi mạc tri kỳ sở).

d) Nghĩa thứ mười bốn:

Hư là dụng ngữ của Đạo gia, chỉ cho cảnh giới của nội tâm thanh tĩnh vô dục. Lão Tử, chương thứ 16: Trí hư cực. Thanh ngụy nguyên, Bản nghĩa: Hư là vô dục. Vô dục thì tĩnh, do ngoại vật không vào tức nội tâm không mất. (Đạo gia dụng ngữ. Chỉ thanh tĩnh vô dục đích nội tâm cảnh giới. Lão Tử. Đệ thập lục chương: Trí hư cực. Thanh ngụy nguyên, Bản nghĩa: Hư giả, vô dục dã. Vô dục tắc tĩnh. Cái ngoại vật bất nhập, tắc nội tâm bất trừ dã).

e)Nghĩa thứ mười lăm:

Hư là chỉ cho phần lý luận trừu tượng. Như chuyên về phần trừu tượng (Chỉ trừu tượng đích lý luận. Như vụ hư).

f)Nghĩa thứ mười sáu:

Hư là Thuyền độc mộc. Dịch, Trung phu: Lội nhanh nơi sông lớn, thì đi thuyền cây là Hư. Kim kỳ nguyên: Độc thư quản kiến. Kinh Dịch: Người xưa dùng khúc cây lớn với khoảng trống tự có để làm vật dụng đi trên nước, gọi đó là Hư. Nay thì kết hợp tấm ván để làm. Thuyền cùng với Hư, xưa nay tên gọi khác nhưng thực sự là đồng (Độc mộc chu. Dịch, Trung phu: Lợi thiệp đại xuyên, thừa mộc chu, Hư dã. Kim kỳ nguyên. Độc thư quản kiến. Dịch kinh: Cổ giả dĩ tự không đại mộc vi thiệp thủy chi cụ, danh chi viết Hư. Kim tắc tập bản vi chi. Chu chi dữ Hư, cổ kim danh dị nhi thật đồng”. (Xem: Hán ngữ Đại tự điển, Kiến Hoành xuất bản xã, Đài Bắc, 1998, t.1.178, cột 3. Tr.1.179, cột 1).

Những nêu dẫn như trên là quá đủ để chúng ta thấy rõ hơn nữa, nghĩa giả, không thật, rỗng không chỉ là một trong nhiều nghĩa của chữ Hư, mà không phải là nghĩa của trong từ Khóa hư nơi sách Khóa hư lục. Nói cách khác, Trần Thái Tông tất nhiên là có đủ trình độ Hán ngữ và trình độ Phật học để dùng chữ có nhiều nghĩa - nhưng không có nghĩa là hư giả, không thật, rỗng không(3) kết hợp với chữ Khóa thành từ Khóa hư, thể hiện một sự tu học, tham cứu, luận bàn về Thiền về Phật, mang đậm tính chất thao thức, tinh cần, cầu đạt như chính tác giả Trần Thái Tông đã nêu bày trong Bài tựa Thiền tông chỉ nam: “Vả trẫm lúc tuổi nhỏ mới biết, nghe thoáng thầy thiền dạy bảo thì ý lắng hết lo, trong sạch chút ít, bèn để tâm vào nội giáo, tham cứu đạo Thiền, hạ mình tìm thầy, thành khẩn mộ đạo (… Hữu tâm hồ nội giáo, tham cứu ư Thiền tông, hư kỷ cầu sư, tinh thành mộ đạo…). Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rảnh việc, trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo Thiền. Đến các kinh điển của Đại giáo thì không kinh nào không nghiên cứu…” (Dẫn theo Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2004, tr.373, 377).

Đây là điều mà các nhà nghiên cứu Phật học, nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam đi trước đã ghi nhận, mà những người nghiên cứu đi sau không thể không tham khảo(4). Ở trên, chúng tôi đã nói đến kiến giải của Thiều Chửu. Còn đây là ý kiến của Nguyễn Thận Hiên - tức Nguyễn Đăng Giai, người viết Tựa cho bản Khóa hư lục khắc in năm 1863: “Tâm nên như hư không, nhưng thời giờ thì không thể bỏ không được, mà công phu học tập càng không thể một phút bỏ không được” (Tâm đương hư dã, thời bất khả hư dã, nhi công quả vưu bất khả thời khắc hư dã). [Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục: Thiền học Trần Thái Tông. Nha Tu thư - Sưu khảo viện ĐH Vạn Hạnh xuất bản, S, 1971, tr.90-91]. Và những ghi nhận của Nguyễn Đăng Thục, nơi tác phẩm vừa dẫn: “Theo thiển ý thì Thiền tông chỉ nam cũng chính là sách có tên là Khóa hư, nghĩa đen là bài học về cái không, hay là Sūnyatā: Không hư, chân không…” (Thiền học Trần Thái Tông, Sđd, tr.87). Hoặc: “Khóa hư lục, nghĩa đen là tập những bài học về cái không hư, tức là cái Viên đồng Thái hư: “Cái không vô hạn, tròn đủ, đồng nhất không biến đổi” mà nhà đề Tựa - chỉ Nguyễn Thận Hiên - hiểu là cái tâm”. (Sđd, tr.151). Rồi nơi chương VII: Quan điểm tôn giáo ở sách Khóa hư, tác giả viết: “Sách Khóa hư có nghĩa là những bài học về cái , nghĩa là không hư, không chấp, không lệ thuộc vào điều kiện của hình danh sắc tướng. Về siêu hình học thì Hư là cái bản thể tuyệt đối “Thái hư” vô biên vô hạn… Nhưng Thái Tông cũng dùng chữ Hư với ý nghĩa là vô tư trong tâm lý hành động, như nói “Hư kỷ cầu sư, tinh thành mộ đạo”… Như thế đủ hiểu Thái Tông trong sách Khóa hư lục chú trọng vào công phu phá chấp để cho người hành động hết chấp vào kết quả của công việc hành động” (Sđd, tr.323-325). Đến đây thì người đọc đã đứng rất gần để đối diện với những ghi nhận, những đánh giá chính xác, thấu đạt và sâu sắc nhất về sách Khóa hư lục của HT.Nhất Hạnh (Nguyễn Lang) mà chúng tôi đã nêu dẫn nơi phần đầu bài. Lại từ những soi sáng nơi hai đề mục: Nhu yếu tỉnh thức, Nhu yếu tinh chuyên” (Việt Nam Phật giáo sử luận I, Sđd, tr.251-259), người đọc sẽ bắt gặp cái âm vang về nguồn thiền nghiêm cẩn: khổ tu, tinh học, thực chứng mà HT.Trí Quang đã nêu bày, đối chiếu.

Lại cho (giả, không thật, rỗng không) ở đây là chỉ cho giáo lý tính Không của Phật giáo, thì cũng không đúng

Về vấn đề này xin đọc kỹ những dòng viết sau đây của HT.Tuệ Sỹ nơi Phần Bàn về yếu tố Đại thừa trong phẩm tựa của kinh Tăng nhất A-hàm: “Giáo nghĩa căn bản chung cho cả ba thừa như nơi Phẩm tựa nói, đó chính là không lý hay tánh Không (Sūnyatā). Tánh Không này gồm hai phần. Một phần là Không được chứng đắc do định, đó là tam muội không trong ba môn tam muội hay môn giải thoát, mà nội dung là vô ngã. Phần khác, tánh Không đạt được do tuệ quán chiếu, đó là tánh Không của pháp duyên khởi gọi là Đệ nhất nghĩa không. Định nghĩa về Tam muội không, kinh số 6, phẩm 45 nói: “Trong các Tam muội, Tam muội không là tối thượng đệ nhất. Tỳ-kheo an trú nơi Tam muội không, không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có gốc ngọn của các hành”. Giáo nghĩa Không được định nghĩa như vậy cũng là giáo nghĩa được nói trong kinh Kim cương.

Về Không tức là Đệ nhất nghĩa không, kinh số 7, phẩm 37 nói: “Sao gọi là pháp Không tối thượng đệ nhất? Nếu khi mắt khởi thì nó khởi, nhưng không thấy từ đâu đến. Khi mắt diệt thì nó diệt, nhưng không thấy nơi nó diệt, trừ pháp giả hiệu, pháp nhân duyên. Sao gọi là giả hiệu nhân duyên? Cái này có thì cái kia có. Cái này sinh thì cái kia sinh. Tức là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức…”. Đây là đoạn kinh mà cả hai hệ tư tưởng Trung luậnDuy thức đều lấy làm sở y cho luận giải về tánh KhôngY tha duyên khởi. Đoạn Hán dịch ở đây nói “Trừ pháp giả hiệu” văn Hán không rõ, không chính xác (vì người Hán dịch kinh Tăng nhất A-hàm là Đại sư Tăng Già Đề Bà - thế kỷ IV TL, thuộc hệ Cựu dịch tiếp theo thời kỳ mở đầu, nên một số từ ngữ - thuật ngữ Phật học còn đang ở giai đoạn dò dẫm, chưa đạt chuẩn xác. ĐN. ghi). Theo ngữ cảnh, tương đương Pāli ở đây được biết là Idapaccayatā, là Y duyên tánh hay Thử duyên sinh. (Tuệ Sỹ, Tăng nhất A-hàm - Tổng mục lục, NXB.Phương Đông, 2011, tr.26-27).

Đào Nguyên

___________________

(1) Xem thêm: Lời giới thiệu về Luận kinh Thập địa, Nguyên Huệ (Đào Nguyên) Việt dịch, NXB.Phương Đông, 2011, tr.IV-VII.

(2) Xem thêm: Lời giới thiệu về Luận Du già sư địa, Nguyên Huệ (Đào Nguyên) Việt dịch, NXB.Hồng Đức, 2013, 4 tập, tập 1, tr.7-12.

(3) Vì nếu Hư là giả, không thật, rỗngkhông, thì Khóa hư có nghĩa gì? Có nghĩa là bài học, bài giảng về sự hư giả, không thật, rỗng không chăng?

(4) Người nghiên cứu đi sau có toàn quyền trong công việc lựa chọn các tài liệu để tham khảo. Tức có thể chọn tư liệu này, bỏ tư liệu kia v.v... Tuy nhiên, chính từ chỗ chọn, bỏ các tư liệu tham khảo ấy mà người đọc có quyền đánh giá về trình độ tiếp cận, xử lý tư liệu của nhà nghiên cứu. Thực tế cho thấy có những vấn đề thuộc văn học, sử học v.v… đã được các nhà nghiên cứu đi trước bàn rồi, mà bàn rất thấu đáo, chính xác. Nhưng một vài nhà nghiên cứu đi sau, do không tham khảo đầy đủ nên lại bàn luận nữa, mà luận bàn rất không thuận hợp cùng những lệch lạc. Xem nêu hai ví dụ:

- Thứ nhất: Về bài kệ Trì giới kiêm nhẫn nhục... của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã trao cho vua Trần Nhân Tông, lúc ấy còn là Thái tử. Bài kệ này, Nguyễn Lang (HT.Nhất Hạnh) trong Việt Nam Phật giáo sử luận I xuất bản từ 1974 đã bàn rất chính xác. Lại, nơi bài viết Thượng Sĩ hành trạng do vua Trần Nhân Tông chấp bút, in trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục (Trúc Thiên dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, 1969) đã nói rõ về hoàn cảnh ra đời của bài kệ, nhất là lời dặn nhỏ của Thượng Sĩ đối với vua Trần Nhân Tông: “Đừng bảo cho kẻ không ra gì biết!”. Ông Hà Văn Tấn, trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, xuất bản 1988, đã không hề biết tham khảo các tài liệu khác, nên đã vung tay cho: “Trì giới và nhẫn nhục là hai điểm quan trọng trong hạnh Lục độ của Phật giáo thế mà Tuệ Trung đã gạt bỏ một cách táo bạo!” (xem them bài viết của Đào Nguyên: Nói rõ về xuất xứ nơi bài kệ... Nguyệt san Giác Ngộ số 199, tháng 10-2012.

- Thứ hai: Cũng nơi sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, ông Nguyễn Tài Thư đã nói đến bài thơ chữ Hán“Trào chiết tý Phật của Cao Bá Quát, đã dịch nhan đề bài thơ ấy là “Chế Phật gãy tay” rồi bàn luận vung vít, trong khi các nhà nghiên cứu đi trước, trong sách Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB.Văn Học, 1976, đã dịch là “Chế tượng Phật gãy tay”, tức dịch như vậy là thuận hợp, chính xác, và đã sắp bài thơ ấy vào loại “Không rõ hoàn cảnh sáng tác”. Lại có tư liệu cho bài thơ chữ Hán ấy là của Thái Thuận ở đời Hậu Lê, tác giả Thái Thuận vốn có mặt trong Tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày