GN - Trong khuôn khổ lấy ý kiến về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, theo đó, người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 1.000.000 đồng; gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến góp ý xoay quanh vấn đề “ngoại tình”, “chung thủy”.
Tưởng đơn giản, song hóa ra vấn đề lại khá phức tạp, như làm thế nào để chứng minh được một người nào đó là “ngoại tình” để xử phạt, hay mức xử phạt đó đã đủ sức răn đe chưa...?!
"Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn..." - Ảnh minh họa
Ở đây, người viết không nêu lên ý kiến đóng góp, mà chỉ bàn lại một vấn đề đạo đức căn bản của người con Phật vốn đã có mặt trong Phật giáo từ buổi đầu. Theo đó, người Phật tử, sau khi quy y Tam bảo, phải hành trì Ngũ giới (Tam quy - Ngũ giới vừa là tín ngưỡng, vừa là nhân cách căn bản của người con Phật!).
Trong năm giới này, giới thứ ba chính là giới “Không tà dâm” - chỉ cho sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Theo quy định hôn nhân ở nước ta, giới thứ ba được hiểu đơn giản là “một vợ một chồng”, người đã có gia đình thì không quan hệ giới tính với người khác ngoài vợ hoặc chồng mình; hơn nữa, ngay trong quan hệ vợ chồng, hành vi này cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực và hợp thời, phải chỗ; sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi, cũng bị xem là “tà hạnh”.
Đạo nghĩa vợ chồng: duyên và nợ
Không rõ có đâu trên thế giới, mối quan hệ vợ chồng được xem là “đạo” như ở nước ta hay không? Đã là đạo tức phải tốt đẹp. Chương III, Điều 18 - Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ: “Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”. Lời nói đầu của bộ luật này cũng xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”.
Xây dựng mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp, bền vững ấy chính là đạo. Do đó, việc giữ gìn giới thứ ba - chung thủy, không tà dâm - không phải là điều ép buộc mà là một quy luật của cuộc sống. Đi ngược với quy luật của cuộc sống tất phải gánh chịu những điều không hay.
Theo quan điểm Phật giáo, mối quan hệ giữa vợ chồng nảy sinh từ duyên và nợ. Hai từ này nên được hiểu theo nghĩa trung tính: duyên gồm có duyên lành và duyên dữ, nợ cũng có nợ “lành” và nợ “dữ” - cái nợ “ân tình”, cùng chia sẻ đời sống vật chất, tinh thần khác với cái nợ “trả đũa” nhau trong tranh cãi, bạo hành hay ngoại tình, nặng hơn nữa là chém giết lẫn nhau. Nên hai người chỉ có duyên mà không nợ hay có nợ mà không duyên thì không thể thành vợ thành chồng. Không nên hiểu “duyên nợ” theo lối tiêu cực như: vợ là nợ, con là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo - dù điều này vẫn xảy ra hàng ngày trong thực tế. Bởi thông thường, “duyên nợ” vợ chồng có tính tương quan qua lại chứ không chỉ một chiều.
Hai người gặp nhau và nên vợ nên chồng, thệ nguyện chia sẻ hạnh phúc, khó khăn trong cuộc sống không phải là một sự ngẫu nhiên mà do “duyên nợ” trong quá khứ. Cần phải xây dựng mối quan hệ này một cách tốt đẹp nhất để tạo nhân lành cho tương lai, kể cả cho những kiếp lai sinh.
Kinh điển Phật giáo kể lại nhiều câu chuyện đẹp đẽ về tình nghĩa vợ chồng dựa trên lời thề nguyện kết duyên “gắn bó để cùng nhau tu tập”. Điển hình nhất chính là mối “lương duyên” của thái tử Tất Đạt Đa với công chúa Da Du Đà La. Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả kể rằng, trong quá khứ, vào thời Đức Phật Phổ Quang, có một vị nam tử tu tập theo lối khổ hạnh. Từ một giấc mơ bí ẩn, vị ấy rời khỏi sơn lâm để tìm người giải đáp, hay tin Đức Phật Phổ Quang đang ở vương thành thuyết pháp.
Với 500 đồng tiền vàng được một nhóm ngoại đạo cúng dường, ẩn sĩ tìm mua hoa quý cúng dường Đức Phật. Gặp một cung nữ cầm 7 đóa sen tươi, ẩn sĩ hỏi mua, song cô gái nhất định không bán, dù chỉ 5 bông với giá 500 đồng tiền vàng! Cuối cùng, biết được tấm lòng tha thiết muốn cúng dường Đức Phật của vị ẩn sĩ có tướng mạo đoan nghiêm, khỏe mạnh này, cô bèn nhượng 5 bông hoa cho ẩn sĩ, và gửi cúng dường Phật 2 bông còn lại, với yêu cầu “kiếp sau xin được làm vợ ngài”.
Vị ẩn sĩ vốn “không muốn kết duyên sanh tử”, cuối cùng cũng phải nhượng bộ với điều kiện cho dù ngài phát tâm bố thí bất kỳ phẩm vật gì (kể cả vợ con), cô cũng không được phật ý. Cô gái chấp nhận: “Nguyện đời đời kiếp kiếp không mất tâm nguyện này, đôi ta gặp nhau xấu đẹp không rời xa nhau, nhớ mãi trong lòng, cầu Phật chứng giám”. Vị ẩn sĩ chính là tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn cô cung nữ chính là Da Du Đà La ngày nay!
Nét đẹp và lợi ích của việc gìn giữ “Giới thứ ba”
Mặc dù xuất từ “duyên nợ” mà nên nghĩa vợ chồng, song người tại gia hoàn toàn có thể tạo dựng một đời sống gia đình lành mạnh để “cùng nhau tu tập”, hoặc đơn giản hơn là mưu cầu sự ấm no, hạnh phúc, hòa hợp, sẻ chia. Nghĩa là vợ chồng phải biết hóa giải những mối duyên nợ xấu để tạo nên những hạt giống tốt đẹp.
Và ở đây, điều cần nhất và trên hết là phải giữ lòng chung thủy. Một người, nếu không “trước sau một lòng” với vợ hoặc chồng mình, lại kết thêm duyên nợ tình cảm với người ngoài hẳn nhiên sẽ tại thêm nhiều “hạt giống” tình cảm khác nữa. Những hạt giống này sẽ tiếp tục nảy nở, tạo nên mối duyên chằng chịt khó bề tháo gỡ.
Trong tình nghĩa vợ chồng, cần sự nhẫn nhịn, yêu thương, chung thủy - Ảnh minh họa
Đó chính là đầu mối của khổ đau, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, và tình hình có vẻ như càng ngày càng trầm trọng (khiến cho Bộ Tư pháp phải kiến nghị xử phạt đối với những người ngoại tình).
Do đó, sự chung thủy là cốt lõi trong đạo nghĩa vợ chồng. Tuy nhiên, để giữ được lòng chung thủy một cách trọn vẹn, người ta cũng cần phải nỗ lực tu dưỡng thân tâm, bởi sức cám dỗ tính giới cực kỳ mãnh liệt. Trong phẩm Sắc, kinh Tăng chi bộ, Đức Phật nói: Ta không thấy một sắc / tiếng / hương / vị / xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc / tiếng / hương / vị / xúc người đàn bà. Ta không thấy một sắc / tiếng / hương / vị / xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc / tiếng / hương / vị / xúc người đàn ông.
Phép tu chánh niệm sẽ giúp cho hành giả nhận thức rõ những tà niệm diễn ra trong tâm để có thể ngăn chặn “từ trong trứng nước”. Tu tập phát triển lòng từ bi sẽ giúp cho hành giả mở rộng lòng thương yêu vô vụ lợi. Với tình thương yêu như thế, hành giả sẽ không để cho người thương yêu của mình phải khổ, hơn nữa, tìm cách đem lại cho người đó sự an lạc, hạnh phúc.
Những nỗi khổ đau gây ra do sự không chung thủy hầu như ai cũng có thể nhận thấy rõ: “Không gì đau khổ, đen tối hơn, khi một gia đình mà người chồng hoặc vợ có dạ riêng tư, tà vạy. Hạnh phúc đâu còn, khi chồng vợ không tin nhau! Khi một gia đình lâm vào cảnh ấy, thì con cái sẽ xấu hổ, bê tha, côi cút, bà con không đoái hoài đến, sự nghiệp tan tành, làng xóm chê bai, danh giá hoen ố (...). Vì sự tà tâm của một trong hai người bạn đường mà trong gia đình thường xảy ra những sự ghen tương, cãi vã, đánh đập có khi gây đến án mạng. Có khi, để trả thù, người ta thường thấy xảy cái cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”.
Một người chồng để tâm dòm ngó vợ con người, thì chính vợ con họ cũng lăm le vạch rào sang nhà kẻ khác rồi. Họ phá hạnh phúc gia đình người, thì chính hạnh phúc gia đình họ cũng đã tan rã trước” (HT.Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển I).
Ngược lại, việc giữ dạ thủy chung, không tà vạy, sẽ đem đến nhiều lợi ích lâu dài. Kinh Thập thiện dạy: “Người thế gian không tà hạnh thì được hưởng bốn điều lợi sau: 1. Sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn. 2. Trọn đời được người kính trọng. 3. Đoạn trừ hết cả phiền lụy khuấy nhiễu. 4. Cuộc tình duyên trọn đời không ai dám xâm phạm”.
Trong mối tương quan giữa gia đình và xã hội, gia đình êm ấm, hạnh phúc thì xã hội sẽ an lành, tốt đẹp. Ngược lại, xã hội an lành, tốt đẹp thì gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc hơn. Do đó, nếu mỗi người đều ý thức giữ gìn “giới thứ ba” thì xã hội sẽ giảm thiểu những sự phức tạp gây ra bởi sự oán hờn, tranh cãi, đánh mắng, chém giết. Người trong sạch luôn là người tự tin, không mặc cảm, luôn ngẩng cao đầu và cống hiến đời mình cho công hạnh lợi mình, lợi người.