Lại cảnh nhiễu nhương trước cổng chùa

Giác Ngộ - Cổng chùa trong đặc thù kiến trúc Phật giáo thường được xem là ranh giới giữa xã hội thế tục và cõi thiền. Bước vào cổng chùa là vào chốn thanh tịnh, thiêng liêng và trang nghiêm. Thế nhưng thực tế không phải bao giờ cũng vậy.

Trên các phương tiện thông tin báo chí phản ánh, ở nhiều nơi, chúng ta dễ dàng thấy cảnh hàng quán giăng theo lối đi, có nơi hàng quán len sâu vào tận trong sân chùa, phá vỡ không khí tôn nghiêm của cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng cần có.

TP.Hồ Chí Minh

Dạo một vòng qua các ngôi chùa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bất cứ ai cũng có thể thấy bao chuyện nhiễu nhương mà ngay cả những người có trách nhiệm quản lý có khi cũng "bó tay", chịu cảnh hàng quán bày bán, bạt che giăng tùy tiện, làm mất mỹ quan lối vào chùa, trước cổng chùa. Chùa Phổ Quang, tọa lạc trên đường Huỳnh Lan Khanh, Q.Tân Bình, là một trong những địa chỉ quen thuộc của khách hành hương trong và ngoài nước. Vào các ngày lễ của Phật giáo, có hàng trăm Phật tử, khách hành hương từ nhiều nơi đến tham quan chiêm bái.

canhchua-4.gif

Cảnh hàng quán bày bán ngay trước cổng chùa Phổ Quang - Ảnh: Thường Duy

canhchau-2.gif

Lối vào chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) - Ảnh: Thường Duy

Từ năm 2007 trở lại đây, mỗi khi đến chùa lễ Phật, chúng tôi phải vượt qua cảnh mời gọi, chèo kéo của "lực lượng" bán nhang dạo, người ăn xin và các quán bán hoa quả trước lối vào chùa. Cảnh đó, theo quan sát của chúng tôi, thường diễn ra từ 7 giờ sáng cho đến 8 giờ tối, đó là chưa kể những ngày diễn ra các đại lễ, sự kiện lớn. Cảnh tượng này làm nhiều Phật tử và du khách khi đến chùa cũng rất bức xúc. Chị Phạm Thị Tuyết Mai (Q. Tân Bình) cho biết: "Tôi thường đến chùa Phổ Quang lễ Phật, chuyện tụ tập, mua bán eo sèo trước cổng chùa đã góp phần làm mất mỹ quan nơi tôn nghiêm. Đến cửa chùa tưởng đã yên bình nào ngờ cứ vừa đi vừa lắc đầu bởi sự mời gọi, níu kéo của những người bán nhang đèn nơi đây". Không chỉ riêng những Phật tử hay khách hành hương bị "quấy rầy", ngay cả chúng tôi khi thực hiện ghi hình cũng bị "lực lượng" này ngăn cản, thậm chí buông lời không hay vì nghĩ các phóng viên đưa tin sẽ làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của họ.

Không riêng gì thành phố Hồ Chí Minh mà rất nhiều ngôi chùa trên cả nước đang cùng cảnh ngộ như trên, làm mất mỹ quan cảnh chùa, gây phản cảm cho du khách cũng như giới Phật tử.

Nha Trang

Một hình ảnh không thể tưởng tượng nổi, đó là cảnh hàng quán ăn uống bày bán trước cổng tam quan chùa, cảnh tượng không thể hình dung nổi đó là chuyện ngày thường trước chùa Chánh Quang, của thành phố du lịch Nha Trang, Khánh Hòa (ảnh). Những hàng quán bán nước giải khát và thức ăn đã và đang tồn tại từ nhiều năm nay, bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều mỗi ngày. Một điều khó chấp nhận được là quanh khu vực chùa Chánh Quang là nơi có nhiều du khách nước ngoài cư trú, người dân địa phương gọi là "khu phố Tây". Mỗi khi đi ngang qua chùa mà lòng tôi cứ xót dạ… thương cho viễn cảnh hàng ngày nhà chùa phải gánh chịu bao sự nhiễu nhương, nước rửa chén bát dơ bẩn được "thải" ra từ các hàng quán, mùi thức ăn xông lên làm ô nhiễm chốn cơ sở tín ngưỡng. Đâu chỉ là quán thôi, mà họ còn giăng màn, bạt khắp các trụ cổng để che nắng, che mưa nữa! Một vị khách đi cùng chúng tôi phát biểu: "Buôn bán trước chùa kiểu này, thật hết nói nổi. Sao người ta lại dửng dưng đến thế nhỉ?!". "Chùa Chánh Quang nằm ngay khu vực lưu trú của nhiều khách du lịch đến từ nhiều nước. Thế nhưng, bao quanh chùa và trước cổng tam quan luôn có những hàng quán bán thức ăn như bánh canh, bún cá… Nhiều lần, nhà chùa đề nghị lên chính quyền có biện pháp để trả lại sự tôn nghiêm của chùa, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết". Một vị trong Ban quản trị chùa cho biết. Khoan nói đến việc buôn bán trước khu vực thờ tự, chỉ nói đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để làm nơi tụ tập mua bán làm mất mỹ quan đô thị thôi cũng đủ… hãi hùng! Hơn nữa, nơi đây lại là "điểm" du lịch. Không biết các cơ quan chức năng thành phố Nha Trang có nhìn thấy điều này không?

canhchua-3.gif

Trước cổng tam quan chùa Chánh Quang (Nha Trang)

 bị chiếm dụng làm nơi bán hàng ăn uống - Ảnh: G.P

Đà Lạt

Một trường hợp "khó coi" khác mà chúng tôi đã "mục sở thị", đó là việc bày bán hàng ăn uống, tươi sống ngay trong khuôn viên chùa Linh Phước (Trại Mát - TP. Đà Lạt). Chùa Linh Phước từ lâu đã trở thành điểm tham quan, chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài nước, một khi đến thành phố Hoa. Chùa Linh Phước được Sở VH -TT&DL Lâm Đồng đưa vào danh mục các điểm tham quan tại Đà Lạt. Thế nhưng, hiện tượng vài hộ dân tự ý bày bán thức ăn, hàng tươi sống ngay trong khuôn viên chùa mà không hề có sự can thiệp của các ngành chức năng. Được biết, nhiều lần nhà chùa đề nghị lên chính quyền sở tại nhờ can thiệp, nhưng rồi "việc đâu còn đó". Vì là điểm du lịch nên trong khuôn viên chùa Linh Phước có các ki-ốt bán hàng lưu niệm, các loại đặc sản của Đà Lạt và có cả nhà hàng chay… Tuy nhiên những ki-ốt này được quy hoạch và bố trí từng nơi thích hợp, ít làm ảnh hưởng đến mỹ quan của chùa. Sự phát sinh những hàng quán không nằm trong quy hoạch đã và đang góp phần làm ảnh hưởng đến nét đẹp của ngành du lịch tỉnh nhà nếu chưa đề cập đến việc xâm hại đến mỹ quan nơi tôn nghiêm, thờ tự.

canhc-hau-4.gif

Tự tiện chiếm dụng sân chùa bán hàng ăn uống
tươi sống tại chùa Linh Phước (Đà Lạt) - Ảnh: G.P

Bạc Liêu: hãi hùng chuyện cũ

Hẳn người dân tỉnh Bạc Liêu vẫn còn hãi hùng khi nhắc lại vụ việc gây náo loạn tại Khu du lịch Quan Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải), khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu vào ngày 8-11- 2009. Ông Ngô Văn Lợi, ngụ xã Tân Phú, huyện Phú Tân (Cà Mau) cùng vợ là bà Trần Thị Diện và một số người khác đến hành hương tại Khu du lịch Quan Âm Phật Đài. Tại đây, bà Võ Bích Phượng, hành nghề mua bán dạo chèo kéo chị Diện mua đồ cúng. Do sợ những người bán hàng rong bán không đúng giá nên anh Lợi kêu vợ vào quầy hàng gần đó để mua. Bà Phượng không đồng tình và có những lời lẽ xúc phạm. Sau đó, anh Lợi và bà Phượng lời qua tiếng lại. Chỉ chờ có thế, hàng chục người bán hàng rong gần đó vây anh Lợi và một số du khách đi cùng để đánh trả thù. Anh Lợi buộc phải chạy vào chùa Quán Âm Phật Đài tránh nạn. Những người quá khích bao vây, không cho anh Lợi ra ngoài. Gần 3 giờ đồng hồ sau, lực lượng 113 và cảnh sát cơ động của công an tỉnh mới giải cứu được nạn nhân (du khách) dưới sự bao vây của đám người buôn bán xung quanh khu vực này.

Bất cứ ai đến chùa thăm viếng, lễ lạy cũng đều có niềm tin về Tam bảo với tấm lòng thành kính. Cảnh nhếch nhác của hàng quán trước cổng chùa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thiêng liêng và tôn nghiêm của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Trông người, ngẫm lại ta

Những năm gần đây, hiện tượng buôn bán, xin ăn tràn lan trước cổng cơ sở thờ tự, nơi tôn nghiêm, nơi này ổn định được thì cảnh tượng đó lại xuất hiện nơi khác, nhất là những ngôi chùa lớn hay những di tích, những điểm thiêng có nhiều khách hành hương và Phật tử đến lễ bái. Nó dường như bị bỏ ngỏ, trở nên "chuyện thường ngày ở huyện". Bởi cách quản lý, bảo vệ cảnh quan và môi trường sạch, đẹp ở các địa điểm nói trên vẫn chưa được sự quan tâm từ nhiều cấp có trách nhiệm, các cấp lãnh đạo Giáo hội, nhất là các vị trụ trì, Ban quản trị nơi thờ tự không có thái độ quyết liệt nên vấn đề kia vẫn tiếp tục diễn ra.

Khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi đã đi nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố, trong đó nhiều nhất là chùa và nhà thờ. Nếu nói, chùa hay nhà thờ gần chợ, có nhiều người đến tham quan lễ bái thì việc buôn bán ắt hẳn sẽ diễn ra thì đó là lời nói suông. Thực tế cho thấy, ngay nhà thờ Hòa Hưng trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), gần khu vực chợ Hòa Hưng. Hàng ngày, ngoài các tiểu thương bán trong chợ còn có vô số hàng quán (dân gian gọi là chợ Chồm Hổm) bày bán la liệt hai bên đường Tô Hiến Thành và CMT8. Thế nhưng, đến đoạn trước nhà thờ Hòa Hưng thì không còn quán nào. Được biết, trước đây trên vỉa hè trước nhà thờ người ta bày bán hàng rau, quả, tươi sống, Ban quản lý nhà thờ cũng nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương can thiệp nhưng vẫn không giải quyết được (vì gần khu vực chợ). Thế nhưng, nhà thờ vẫn cương quyết lấy lại không gian nơi tôn nghiêm. Gần đây, họ nghĩ ra cách trồng cây xanh dọc theo vỉa hè, đồng thời vận động những người bán hàng không nên bày bán phía trước nhà thờ. Và, dĩ nhiên cách làm này của nhà thờ rất hiệu quả…

Chuyện không của riêng ai

Cổng chùa từ xưa được gọi là "thiền môn" mà "thiền môn" thường đi đôi với ý nghĩa "nghiêm tịnh". Gìn giữ cảnh quan ngôi chùa là gìn giữ bản sắc văn hóa của Phật giáo nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. "Nhà chùa nên kết hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ, gìn giữ mỹ quan cho cảnh chùa, nhất là những ngôi chùa được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử hoặc những nơi thường đón du khách đến tham quan lễ Phật, giới thiệu văn hóa thành phố. Mặt khác nhà chùa phải kiên quyết không cho tụ tập buôn bán trước cổng cũng như trong khuôn viên chùa"- một du khách viếng chùa Phổ Quang, góp ý. Làm thế nào để bảo vệ cảnh quan môi trường trước cổng chùa hay trong khuôn viên nơi thờ tự một cách có hiệu quả? Đó là vấn đề mà Giáo hội, cụ thể hơn là vị trụ trì hay Ban quản trị cơ sở tự viện và các cấp lãnh đạo chính quyền cần phải phối hợp để tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao ý thức trong quần chúng nhân dân và Tăng Ni, Phật tử tham gia. Sự hợp tác này có thể là tạo dựng cơ sở quy ước các điều khoản kiểm tra, xử lý hành chính sau khi có những cuộc vận động tự giác về nhận thức đối với những người vi phạm cần tôn trọng và giữ gìn nét mỹ quan tín ngưỡng ở các nơi tự viện. Riêng về phía Giáo hội, các BĐDPG quận huyện, các BTS tỉnh, thành hội Phật giáo nên có những văn bản liên tịch với các ngành về việc quản lý, bảo vệ tạo cảnh quan trước và chung quanh ngôi chùa, đồng thời hướng dẫn các vị trụ trì chuyển hướng sử dụng mặt bằng vào các công việc thích hợp như trồng cây xanh, giữ không gian tôn nghiêm của cơ sở, góp phần tạo ra môi trường xanh sạch cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày