Lan tỏa yêu thương

GN - Có mặt để đi “mua sắm 0 đồng” tại Siêu thị Hạnh phúc ở chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM), “khách hàng” Trần Thị Đạt, 76 tuổi ngụ ở P.4 - Q.3 cho biết “bây giờ khó khăn quá, mà tôi già rồi không làm được gì, có những phần quà này mừng lắm. Tôi cảm ơn quý thầy và các mạnh thường quân đã mở siêu thị này giúp đỡ người khó khăn”.

Chú Xuân, 60 tuổi, ở P.4, ngụ ở Q.10 chia sẻ: “Con cái đang làm tạp vụ, còn tôi ở nhà phụ nấu ăn, nên nhận được những suất quà ở siêu thị 0 đồng này đỡ lắm, hỗ trợ được phần nào cho cuộc sống của người dân nghèo, lao động khó khăn”.

DSC02487.JPG

Người nghèo được hỗ trợ kịp thời trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua

Đến với “Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng”, khách hàng sẽ có một phiếu điền thông tin, sau khi kiểm tra thông tin tại quầy sẽ được cấp một thẻ “Siêu thị Hạnh phúc” để lần sau đến mua sắm 0 đồng.

Mô hình siêu thị gồm 3 gian hàng chính là gian hàng lương thực, thực phẩm; gian hàng quần áo và gian hàng sách truyện.

Mỗi khách hàng tham gia mua sắm được chọn 5 sản phẩm khác nhau như: gạo, đường, muối, dầu ăn, mì, thuốc men, sách, quần áo… với tổng trị giá mỗi lần mua sắm là 100 ngàn đồng và tối đa 2 lần/tháng.

Riêng với chương trình sách truyện 0 đồng sẽ mở cửa vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, với tên gọi “Bánh mì kẹp sách”. Khách đến với chương trình sẽ được mua sắm 0 đồng, một phần bánh mì kẹp, bánh ngọt và một cuốn sách bất kỳ. Những người tổ chức tin rằng chỉ có sách mới có thể giúp đỡ bền vững nhất cho những người khốn khó.

“Mình bắt đầu một ngày mới trước khi bước vào giai đoạn “sống chung với dịch” bằng một hoạt động tích cực cho bản thân và cộng đồng. Cá nhân mình dành tặng 1.000 sách thiếu nhi cho “Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng”.

Sách cũng là một thứ thiết yếu như thực phẩm và quần áo. Mình ước gì có đủ lực để tổ chức máy ATM sách. Nhưng chưa đủ lực thì sức đến đâu làm đến đó”, chị Đinh Phương Thảo, một mạnh thường quân trong chương trình, chia sẻ. Chị cũng mong muốn bạn bè, người thân của mình cùng tham gia.

Bạn Trịnh Ngân Hà, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tại siêu thị, bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vui khi các cô bác, anh chị có hoàn cảnh khó khăn đến đây nhận quà về với khuôn mặt vui vẻ. Mặc dù không có gì to tát - chỉ 100 ngàn đồng - nhưng đối với người nghèo, vậy cũng là món quà hạnh phúc”.

3st1.JPG

Siêu thị 0 đồng tại chùa Vĩnh Nghiêm dự kiến phục vụ người nghèo đến hết tháng Tư ÂL

Siêu thị dự kiến sẽ hoạt động trong vòng một tháng, nếu như hết dịch, đời sống bà con ổn định, còn nếu tình hình xấu đi mà huy động được nguồn tài trợ thì có thể duy trì mô hình này từ 3 đến 6 tháng.

“Siêu thị này được Tập đoàn APEC và những Phật tử thuần thành chung sức, mong sẽ lan tỏa yêu thương đến với mọi người có hoàn cảnh khó khăn”, TT.Thích Thanh Phong, Phó BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết.

Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, kể từ ngày khai trương 21-4, mỗi ngày bình quân có gần 1.000 “khách hàng” đến với Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày