GNO - Thọ Quang là làng chài lớn của Đà Nẵng, trước cơn bão số 5, hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ được ngư dân cấp tập kéo vào bờ.
Các lực lượng chức năng tích cực giúp nhân dân, người già neo đơn chèn chống nhà cửa,
di chuyển đồ đạc, thuyền thúng ở các khu vực ven biển vào sâu trong bờ để phòng tránh bão
Chỉ trong 10 giờ đồng hồ trong ngày 17-9, trước khi bão đổ bộ vào bờ, các ngư dân cùng lực lượng chức năng đã kéo hàng trăm ghe thuyền tại làng chài Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) lên bờ.
Theo ước tính, tại khu vực biển Thọ Quang (Q.Sơn Trà), hàng ngày có khoảng trên dưới 500 tàu thuyền các loại của ngư dân quận Sơn Trà neo đậu. Cơ quan chức năng cũng đã kêu gọi di chuyển khoảng 300 tàu thuyền loại lớn về tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang.
Tàu thuyền luôn là tài sản bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề nhất sau mỗi cơn bão đi qua.
Chính vì vậy, việc bảo vệ tàu thuyền luôn được ngư dân chú trọng. Tàu lớn dựa vào nhau thành khối
để chống chọi gió bão, những con tàu nhỏ hay các loại ghe, thuyền thúng được người dân neo đậu riêng.
Họ chằng chéo nhiều lớp để cố định tài sản của mình.
Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tính đến sáng 17-9, đã có 615 phương tiện gồm tàu cá, ghe chèo, xuồng máy được neo đậu vào âu thuyền. Trong đó có 301 phương tiện của Đà Nẵng và 314 tàu cá của các tỉnh lân cận. Công tác phòng chống bão lụt được các lực lượng chức năng từ Thành phố đến các đơn vị địa phương triển khai quyết liệt, khẩn trương hơn bao giờ hết.
Các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ... các quận, phường đều đã tỏa đi xuống địa bàn cơ sở nắm tình hình, giúp nhân dân, người già neo đơn chèn chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, thuyền thúng ở các khu vực ven biển vào sâu trong bờ để phòng tránh bão.
Nỗi lo lắng về cơn bão mạnh ngay sau dịch bệnh Covid-19 đợt 2 hiện rõ ràng trong khuôn mặt từng người
Đưa thuyền thúng vào bờ. Ở làng chài, thuyền thúng cũng là gia tài của ngư dân
Cùng phối hợp với người dân, các lực lượng chức năng cũng được triển khai
để giúp ngư dân đưa tàu thuyền lên bờ