Làng Chùa, tâm linh & văn học

GN - Gặp nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, kiêm Giám đốc Nxb Hội Nhà Văn, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc cách đây 23 năm, khi có dịp phỏng vấn ông. Thuở ấy, ông là Chủ biên tờ báo Văn Nghệ Trẻ, kiêm Trưởng ban Công tác Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn VN.

nha tho.jpg

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Từ những năm 1990, thơ VN đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Tính đến hết năm 2017, ông đã xuất bản 10 tập thơ, 21 tiểu thuyết và tập truyện ngắn; 3 tập sách dịch.


* Được biết, Nxb Trẻ TP.HCM sắp phát hành một tập truyện ngắn mới nhất của ông tựa đề “Cô gái áo xanh”, viết về những câu chuyện kỳ dị của Làng Chùa. Xin ông cho biết về tập sách này?

 - Tập sách gồm 20 truyện ngắn đều viết về ma, nhưng không giống như bất kỳ câu chuyện ma nào trong những cuốn sách mà mọi người đã đọc, từ “Liêu trai chí dị” rất nổi tiếng của Bồ Tùng Linh đến những truyện kinh dị của phương Tây. Cái khác ở đây, nhân vật là những người rất gần gũi với tôi, những người mà tôi đã từng biết họ, hoặc nghe người trong gia đình tôi kể lại. Một truyện ngắn tôi viết về bà cô, tức là chị ruột của bố tôi (ngày trước phong tục quê tôi, dù là chị hay em của bố đều được gọi là cô, anh trai hay em trai của mẹ đều được gọi là cậu).

Bà cô của tôi đã từng có lễ ăn hỏi với một người đàn ông trong làng, chuẩn bị cưới. Nhưng một ngày mùa đông ra sông bắt hến, cảm lạnh và mất năm 16 tuổi. Vì vậy ngày cưới không bao giờ đến. Khi còn sống, bà cô vẫn nói với bà nội tôi: “Khi nào con cưới thì mẹ bán thúng thóc mua cho con một chiếc áo”. Suốt đời bà cô, không bao giờ có một manh áo nào mới, thậm chí manh áo lành lặn cũng không có. Năm tháng sau này, khi cha tôi lấy vợ sinh ra tôi, thì bà nội tôi liệt nằm trên giường. Một buổi trưa, tôi chừng lên 7-8 tuổi, bà đang nằm trên giường bỗng nhiên gọi mẹ tôi và bảo: “Chị mày về!”. Tôi và mẹ chạy đến giường bà, bà nói: “Chị mày ướt hết người, rét run, nước chảy ròng ròng. Chị mày nói, u bán thúng thóc mua cho con một cái áo”.

Mẹ tôi là bà giáo, con nhà địa chủ, được học tiếng Pháp với thầy giáo người Tây từ thuở nhỏ. Năm mẹ tôi 17-18 tuổi thì đã là Thường vụ Hội Phụ nữ cứu quốc, đêm hôm khuya khoắt đeo dao găm đi vượt qua các đồn giặc. Vì vậy, không bao giờ mẹ tôi tin chuyện ma quỷ. Nhưng hôm ấy, bà nội cứ khăng khăng: Chị mày vừa mới về xong, đứng ở cửa. Mẹ và tôi bước ra cửa, thấy trên bậc cửa có vũng nước. Từ vũng nước đó nhìn rõ những dấu chân ướt đi ra ngõ. Lúc ấy mẹ tôi mới nói rằng: mẹ tin có ma…

* Theo ông, ma là…?

- Với trải nghiệm của tôi, ma là người khi họ còn sống, có khát vọng gì đó, nhưng họ đột ngột mất đi. Một người bị oan khuất, một người chịu cay đắng, một người muốn trả ơn một ai đó nữa, hoặc quyến luyến gia đình, người thân. Khi chết rồi, họ không siêu thoát được. Trong một không gian, thời gian nào đó sẽ tạo nên như một chiếc lăng kính để linh hồn hiện ra, mà chúng ta gọi là ma. Họ trở lại để muốn nói một điều gì đó với người sống, muốn làm một việc gì đó với người sống.

Khi chúng ta không giữ được cho lòng mình kiên định, thì ma quỷ sẽ mượn chúng ta để hành động theo cách của họ. Cho nên có những người đang rất tốt nhưng tự nhiên họ lại có một hành động không ai tưởng tượng được.


* Ông sinh ra ở Làng Chùa? Làng Chùa đã để lại dấu ấn thế nào trong hành trình sáng tác của ông?

- Ở nông thôn miền Bắc, rất nhiều làng cũng có tên làng chùa, xóm chùa, ngõ chùa - đó là một cái tên tương đối thông dụng. Ngày xưa, ở đầu Làng Chùa - nơi tôi được sinh ra và lớn lên, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), có cả một quần thể chùa rất lớn, với hàng chục công trình kiến trúc cổ liên tiếp, nối với một đình làng, cổng làng. Khi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy các công trình kiến trúc đó. Thế nhưng đến một ngày người ta đã phá chùa, đó là những năm 1960 của thế kỷ trước.

Trong một câu chuyện tôi đã viết rằng, trẻ con cứ hô lên rằng Phật “chết đuối”. Vì khi tôi còn nhỏ, chứng kiến người ta phá cái chùa ở làng tôi, rồi đem tượng Phật ném xuống ao chùa. Tôi và người dân trong làng đã chứng kiến những chuyện lạ xảy ra với những người đã chỉ đạo, tham gia phá chùa. Ấy là có mấy người chết bất đắc kỳ tử, có những người tuyệt tự không bao giờ có con, có người bị bệnh tật lạ lùng cho đến lúc chết. Dù chùa bị phá không còn, thì làng tôi xưa nay vẫn tên là Làng Chùa.

chua lang.jpg

Trong hương ước của làng tôi, có đoạn: “Làng ta không phải là làng có trạng nguyên, bảng nhãn, nhưng là làng hiếu học từ ngàn xưa. Làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức. Vào những ngày lễ hội làng, người làng khác mổ trâu mổ bò, chơi cờ chơi bạc, nhưng làng ta thì đốt trầm để làm thơ. Mừng thay, mừng thay, mừng thay! Đất này sinh ra các thi sĩ”.

Vào những năm 1996 - 1999, các cụ bô lão cao tuổi nhất của làng bảo rằng: chúng tôi muốn xây lại chùa, dựng lại cổng làng. Không chỉ dựng cái cổng, mà trên cổng làng phải đắp lại 4 chữ từ xa xưa: “Vọng tự nhập xuất”. Nghĩa là: nhìn chữ để biết việc ra vào. Khi chùa, đình được dựng lại, cổng làng dựng lên được 4 chữ đó, thì số các cháu đỗ đại học, được học bổng ở nước ngoài tăng lên một cách rất lạ lùng. Hương ước đó, tinh thần của 4 chữ kia ảnh hưởng vào tôi, đã tạo nên cho tôi trở thành nhà văn.

Trong các sáng tác của tôi, hơn một nửa là tôi viết về Làng Chùa. Tôi nghĩ rằng, mỗi ngôi làng đều đủ dữ liệu, đủ tư liệu, đủ nguồn cảm hứng cho một nhà văn có thể viết cả đời mình không hết.


Trong các tác phẩm của ông từ thơ, văn, hội họa đều phảng phất giá trị tâm linh trong đó. Theo ông, giữa tâm linh và thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung có điểm gì chung?

- Một trong những hạt nhân làm nên tinh thần của con người chính là đời sống tâm linh. Tâm linh không phải là những câu chuyện kỳ bí mơ hồ, mà là sự linh thiêng của một đời sống đã rời xa, nhưng vẫn còn lại trong con người chúng ta. Khi chúng ta nhớ về, trong giấc mộng gặp lại cha mẹ mình nơi chín suối thì đó là tâm linh. Khi một ngày mà chúng ta hoảng sợ, thất vọng vì một điều gì đó, ta đến bàn thờ mẹ thắp một nén hương khấn xin mẹ hãy che chở cho con, phù hộ cho con, thì đó là tâm linh. Đời sống tâm linh, là ở đấy người ta tìm thấy một sự trong sáng nhất, ở đấy ta tìm thấy được sự an toàn nhất cho đời sống mà ta đang phải sống này.

Hầu hết các tác phẩm văn học lớn, giá trị nhất của nhân loại, thì đều hàm chứa trong đó yếu tố về tâm linh. Đặc biệt là trong thơ ca, trí tưởng tượng về một đời sống mà người ta đã đi qua hoặc chưa tới, hoặc không được sống, hoặc không thể bước được vào đó. Thì thơ ca luôn đưa được con người đến được nơi đó, thế giới đó. Có thể nghe thấy một tiếng vọng ở đâu đó mà không nhìn thấy hình. Có thể cảm nhận được một điều gì đó mà những người khác không thể cảm nhận được. Tôi nghĩ rằng thơ ca là một trong những thể loại văn học nghệ thuật gần với tâm linh nhất. Những lời kinh nhật tụng được các nhà sư, Phật tử tụng trong chùa từ xưa đến nay đều chứa đầy âm hưởng, vần điệu của thi ca.


* Ông đã từng viết câu thơ:
“Hỡi người hái hoa kiếp trước/ Kiếp này có hóa bình không?”. Ông có tin con người có kiếp trước, kiếp sau?

- Tôi tin có kiếp trước. Câu thơ đó đã nói lên tinh thần của tôi, quan điểm và cách nhìn của tôi về quả kiếp, nhân quả…


* Một câu thơ khác của ông:
“Con đường/Con đường/ Con đường/ Dắt ta về hồ nước cũ/ Phăng phắc một lá sen già”. Hồ nước cũ đó ở đâu, thưa ông?

- Hồ nước trong câu thơ này, không phải là một hồ nước cụ thể, không phải viết về một hồ nước trên thế gian. Ở đây không phải cảnh thiên nhiên, mà là một cảnh giới khác. Đó là hồ nước bên trong tâm hồn con người. Con đường, con đường, con đường… chính là con đường dẫn ta trở về bên trong mình. Ở đó, khi ta tìm thấy một vẻ đẹp, tìm thấy sự trong sáng, tĩnh lặng đến vô tận. Không phải là phương pháp thiền, mà chỉ là sự cảm nhận con đường để trở về chính mình.

Hồ nước ở đây chính là bến bờ của một đời sống bên trong mà mỗi con người đều có khát vọng được trở về đó, bởi nó thanh sạch, trong sáng, tĩnh lặng, yên tĩnh. Đấy là khát vọng rất lớn trong tâm khảm, tinh thần của mỗi con người. Trong hiện hữu cuộc sống, nơi nào giúp ta xóa đi mọi ranh giới, mọi phiền khổ, bực tức, mọi sự nhỏ nhen đố kỵ... thì đó là nơi tôi đứng trước hồ nước lớn. Hồ nước như chiếc gương trời soi tỏ cho tâm hồn mình, nỗi lòng của mình.

Chu Minh Khôi thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày