Làng Quán Hương vào mùa…

GNO - Đến làng nghề Quán Hương nổi tiếng (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam), từ đầu ngõ đã nghe lan tỏa mùi hương đậm đà. Nghề làm hương truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay ở đây đang tất bật vào vụ Tết.

Rợp hương mùa Tết

Với hàng trăm đơn hàng Tết từ khắp các địa phương, đặc biệt có nhiều đơn hàng từ nước ngoài gửi về đặt hàng, làng Quán Hương trở nên phấn khởi hơn ngày thường. Những ngày này, đặt chân đến đầu làng Quán Hương, đoạn từ ngã ba Cây Cốc đến gần ngã tư Hà Lam luôn nghe thoảng mùi thơm bột quế.

Nghề làm hương tại đây đã tồn tại 250 năm, trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió và cả những biến động mạnh, thế nhưng người dân vẫn quyết giữ nghề. Làm hương được xem là nghề chính của nhiều hộ gia đình.

Theo số liệu thống kê, hiện tại làng nghề Quán Hương có tới 70% hộ dân làm nghề. Đó là chưa tính tới các hộ dân lấy nghề làm hương là nghề “tay trái”, chỉ làm trong những lúc nông nhàn, rảnh rỗi. Ở làng, từ đứa trẻ cho đến những cụ già, ai ai cũng thuộc nằm lòng quy trình sản xuất và các loại hương mang mùi thơm đặc trưng.

Hinh XH GN934 (2).jpg

Một cơ sở ở làng Quán Hương làm hương mùa Tết

Ông Võ Tấn Hiếu, Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết: “Trước đây, các hộ dân sản xuất theo phương pháp thủ công. Dần dần, họ chuyển sang làm hương với máy đạp bằng chân. Trung bình mỗi tháng các hộ ở làng cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại. Tết này, cả làng có tới hơn 50 máy phục vụ sản xuất nên sản lượng hương tăng mạnh.

Với gần 800 tấn hương được sản xuất mỗi năm, làng Quán Hương là làng sản xuất hương lớn nhất nhì miền Trung. Thời điểm cận Tết, đơn hàng về dồn dập nên bà con phải tập trung mọi nguồn lực để sản xuất phục vụ cho khách hàng, thị trường mùa Tết”.

Ông Nguyễn Tấn Kỳ, người dân làng Quán Hương, cho biết hàng năm cứ vào dịp Tết, cơ sở sản xuất của ông tăng ca liên tục. Năm nay, ông phải sản xuất 2 tấn hương thành phẩm để giao cho bạn hàng khắp miền Trung và cả Tây Nguyên.

Hiện nay, làng hương Quán Hương tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ, chủ yếu là phụ nữ. Những ngày này, làng hương lại hối hả sản xuất để kịp hàng bán Tết. Tại các cơ sở làm hương, không khí tấp tập sản xuất cho vụ Tết luôn làm “nóng” không khí những ngày cuối năm mưa lạnh ở miền Trung. Tiếng máy giập hương, tiếng máy làm chân hương từ tre, với những đôi bàn tay thoăn thoắt lao động cùng nụ cười hiền hòa của người dân càng làm không khí thêm phần náo động dù đã là lúc nửa đêm.

Chị Trần Thị Thúy, chủ một hộ sản xuất cho biết, việc sản xuất hương ngày Tết tuy vất vả nhưng làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó nên ai cũng phấn khởi. “Năm ni đơn hàng về nhiều, nhà tôi làm không kịp nên phải thuê thêm người làm. Trong năm làm không hết việc, nhưng cuối năm mới là mùa cao điểm nhất nên phải tập trung hết sức để làm. Hộ nào ở làng này cũng vậy cả”, chị Thúy cho biết.

Thời điểm cuối năm, miền Trung mưa lạnh kéo dài khiến việc phơi phóng rất khó khăn, người làm hương phải dùng thêm các máy sấy, quạt… Tranh thủ nắng ráo, nhiều hộ mang hương ra phơi cho đủ nắng, hương sản xuất phục vụ Tết nếu phơi không đủ nắng sẽ mất mùi thơm, còn gặp mưa để trong nhà vài giờ cũng coi như hỏng. Sau khi phơi khô, cây hương được bó thành hình lục giác rồi đóng gói cẩn thận.

Sản phẩm nổi tiếng ở miền Trung

Làng Quán Hương nổi tiếng bởi các sản phẩm hương trầm, hương bổi, hương quế.  Mỗi bó hương được bán cho thương lái với giá từ 1,5-14 ngàn đồng tùy theo kích cỡ. Hương được các thương lái đến tận nhà mua rồi sau đó đem đi tiêu thụ tại thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, làng nghề Quán Hương đã dần tiếp cận với cách làm các loại hương khác nhau và những năm gần đây, hương của làng Quán Hương còn được xuất khẩu sang các nước.

Hinh XH GN934 (1).jpg

Chị Jessica Beck thử làm nhang ở làng nghề

Chị Jessica Beck, du khách người Úc vô cùng thích thú khi tham quan làng nghề Quán Hương này đã phải thốt lên: “Mùi của sản phẩm này thật dễ chịu. Người dân ở đây cũng hiền lành và cần cù quá. Tôi có quen nhiều bạn người Việt đang ở Úc và họ cũng dùng sản phẩm này. Tôi không rành lắm về nghề hương nên hôm nay đến tìm hiểu và thực sự thấy thích thú về nó”. Chị Jessica Beck cũng cho biết sẽ giới thiệu với bạn bè về văn hóa độc đáo của Việt Nam như thế này.

Được biết, năm 2004, làng nghề làm hương được tỉnh Quảng Nam đầu tư quy hoạch, xây dựng cổng làng, nhà truyền thống, đường bê-tông liên xóm... để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và giá trị truyền thống cho làng.

Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện, giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian cho ra sản phẩm nhưng chất lượng của hương vẫn không thay đổi. Nhờ vào bàn tay cần cù, khéo léo cộng với sự tìm tòi, học hỏi, họ đã tạo nên thương hiệu làng hương hơn 250 tuổi nức tiếng xứ Quảng này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày