Nghi thức sái tịnh tại lễ đặt đá
Buổi lễ có sự quang lâm chứng minh của HT.Thích Tâm Thủy, Thành viên HĐCM, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên; HT.Thích Huệ Minh, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN; HT.Thích Nguyên Đức UV HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên; HT.Thích Nguyên Phước, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định; HT.Thích Quảng Hiển, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chư tôn Giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, chư tôn đức trong và ngoài tỉnh (Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh…), chư tôn đức hội đồng hương Phú Yên tại TP.Hồ Chí Minh... tham dự.
Ban Tổ chức cũng trân trọng đón tiếp ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, các cấp chính quyền sở tại, cùng đông đảo nhân dân Phật tử trong và ngoài tỉnh về tham dự.
Đặt đá xây dựng ngôi chùa lịch sử
Nghi lễ thực hiện theo truyền thống Phật giáo Bắc tông
Chùa Cổ Lâm - Hội Tôn được tái thiết ngay trên nền cũ chùa Cổ Lâm, nơi lưu di tích của chùa Hội Tôn. Chùa Hội Tôn là một trong những ngôi chùa được khai sáng sớm nhất ở Phú Yên, cách chùa Cổ Lâm khoảng 700 mét.
Chùa Hội Tôn là nơi Đức Tổ sư Liễu Quán (1667 - 1742) xuất gia. Tuy nhiên, qua thế cuộc chiến tranh thời Pháp thuộc, pháp khí và vườn tháp của chùa Hội Tôn được di dời đến chùa Cổ Lâm. Chùa Hội Tôn nay chỉ còn lưu dấu một ngôi tháp, ba giếng nước cùng nền gạch cũ trong khuôn viên nhà dân.
Vì ý nghĩa lịch sử ấy, trong lần đại tái thiết này, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên đã đổi tên chùa Cổ Lâm thành chùa Cổ Lâm - Hội Tôn.
Đúng một năm trước, ngày 31-12-2014, UBND tỉnh ra quyết định công nhận chùa Cổ Lâm - Hội Tôn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Huệ Khải