Lịch sử đẹp, tương lai tươi sáng…

GN - Quảng Nam là nơi xuất phát thiền phái Chúc Thánh, và ngày nay, chư tôn đức Tăng Ni, lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà đã phát huy tinh thần dấn thân, truyền thừa đạo pháp lên vùng cao, nơi chưa có hình ảnh Tam bảo…

Chùa Đạo Nguyên, VP BTS Quảng Nam.JPG

Chùa Đạo Nguyên - VP BTS THPG Quảng Nam - Ảnh: L.Đ.L

Nhìn lại lịch sử

Cơ sở thờ tự thuộc Phật giáo trong tỉnh có 278 đơn vị, số lượng Tăng Ni hơn 500 vị. Toàn tỉnh có 16/18 huyện, thành phố có cơ sở thuộc BTS Phật giáo. Công tác từ thiện 5 năm qua (2007-2012) đạt trên 31,1 tỷ đồng.

Trên các cứ liệu lịch sử được các học giả nghiên cứu về hoặc có đề cập đến Phật giáo tỉnh Quảng Nam như Việt Nam Phật giáo sử luận (tập II) của Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Thích Minh Tuệ, Việt Nam Phật giáo sử lược của Mật Thể, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức… đều đề cập đến thiền phái Chúc Thánh xuất phát từ Quảng Nam.

Tất nhiên, trước khi thiền phái Chúc Thánh được hình thành, phát triển thì những ngôi chùa đầu tiên tại xứ Quảng mà chư tôn đức còn nhớ bằng việc lục lại kiến thức lịch sử là chùa Bửu Châu ở Trà Kiệu (H.Duy Xuyên) do chúa Nguyễn Hoàng xây dựng vào năm 1607; chùa Chiên Đàn (còn gọi là chùa Di Đà, Quan Âm hay Minh Hương Phật tự) tại Hội An do cộng đồng người Hoa xây dựng vào năm 1653.

Trong những năm đầu giữa thế kỷ XVII, Thiền sư Minh Châu - Hương Hải tu học và hoằng hóa tại Quảng Nam . Theo đó, Ngài dong thuyền ra đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm ngày nay) lập thảo am tu hành. Đạo phong của Ngài đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân và được chúa Nguyễn mời ra Thuận Hóa hoằng pháp.

Vào năm 1677,  Thiền sư Hưng Liên - Quả Hoằng là đệ tử của Ngài Thạch Liêm hòa thượng từ Trung Quốc sang Đàng Trong giáo hóa. Ngài lập đạo tràng tại chùa Tam Thai núi Ngũ Hành tỉnh Quảng Nam và được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm Quốc sư.

Năm 1695, sau khi giới đàn tại chùa Thiền Lâm - Thuận Hóa viên mãn, Hòa thượng Thạch Liêm vào Hội An để đón thuyền về lại Quảng Đông. Trong thời gian ngụ lại Hội An, Hòa thượng đã mở đàn truyền giới cho khoảng 300 vị gồm cả Tăng và cư sĩ tại nơi đây.

Thiền sư Minh Hải đã quyết định ở lại Quảng Nam . Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hóa, Tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh. Từ đây, dòng thiền Chúc Thánh được khơi nguồn, Phật pháp lại được khơi dòng tại đất Quảng, lan tỏa khắp các tỉnh thành, góp phần rất lớn trong sự nghiệp hoằng truyền Chánh pháp.

Song song đó, môn đồ của Tổ Liễu Quán (Huế) cũng vân du giáo hóa, đem ánh đạo thiêng đến với người dân Quảng Nam, cùng phát triển cho đến ngày hôm nay.

Hiện tại và hướng tới tương lai

Điểm lại 15 năm (3 nhiệm kỳ) kể từ khi tách đơn vị hành chánh Quảng Nam - Đà Nẵng thành Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, ĐĐ.Thích Giải Quảng (Chánh Thư ký BTS PG Quảng Nam) cho biết, trong sự cố gắng của toàn BTS, hiện tại đã có 16/18 huyện, thành phố thuộc tỉnh nhà đã có cơ sở của Phật giáo, đại diện Phật giáo. Đó là nỗ lực lớn và sự hoạt động nhịp nhàng, kết hợp giữa từ thiện xã hội - hoằng pháp - hướng dẫn Phật tử… trong việc hoằng pháp lên vùng cao.

Ảnh Trường Phật học Quảng Nam.JPG

Trường Phật học Quảng Nam trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: Tịnh Trí

Ngoài thành công của mô hình hoằng pháp vùng cao thì các ngành khác của Phật giáo Quảng Nam cũng đáng ghi nhận và được đánh giá cao trong sự cố gắng của toàn ban, sự lãnh đạo sáng suốt, tuyệt đối của Hòa thượng Trưởng ban trong những nhiệm kỳ vừa qua. 5 năm qua, Phật giáo Quảng Nam đã thành lập mới 10 cơ sở chùa chiền và lập 4 đại diện tín đồ Phật giáo như kể trên. Số lượng Tăng Ni phát triển đông gấp khoảng 3 lần so với lúc vừa chia tỉnh.

Đặc biệt, bộ phận nhân sự trẻ được bổ nhiệm, cơ cấu vào các vị trí của Giáo hội khá nhiều. Nhất là khi tại Quảng Nam có trường Phật học đào tạo hai cấp (trung cấp - 4 khóa, mỗi khóa khoảng 60 Tăng Ni sinh và cao đẳng - 3 khóa, mỗi khóa khoảng 30 Tăng Ni sinh) đã cơ bản chuẩn bị nhân sự kế thừa một cách căn cơ cho Phật giáo tỉnh nhà.

Đại đức Chánh Thư ký BTS đánh giá rằng, tuy là một tỉnh nhỏ nhưng việc đào tạo Tăng Ni đã được lãnh đạo BTS quyết tâm thực hiện tốt, cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo Phật giáo tỉnh, nhất là của Hòa thượng Trưởng ban. Theo tổng kết thì số lượng Tăng Ni khóa I, trung cấp Phật học đi học cao lên và về phụng sự tại địa phương với những vị trí quan trọng trong BTS, BĐD Phật giáo các huyện, trụ trì là 80%.

Nhìn lại ngành giáo dục Tăng Ni cũng như hướng phát triển trong tương lai của ngành, HT.Thích Thiện Duyên cho biết: “Giáo hội chú trọng đào tạo Tăng Ni để đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương. Sau khi hoàn tất đều được Giáo hội tỉnh ưu tiên bổ nhiệm về làm trụ trì, tham gia các công tác của Giáo hội. Hơn nữa, Tăng Ni cũng ý thức việc học Phật học không phải chỉ là để có bằng cấp ra làm việc mà còn là cơ sở để hiểu sâu sắc lời Phật dạy, ứng dụng vào đời sống hầu kiến lập an lạc, giải thoát… nên họ cũng tự thân cố gắng. Đó là điều đáng mừng, BTS tán thán”.

Ngành từ thiện xã hội cũng có những đóng góp quan trọng, nhất là trong việc xã hội hóa các hoạt động, gắn kết với các cuộc vận động của Mặt trận, chính quyền địa phương trong việc xây nhà, giúp người bệnh, nồi cháo tình thương, cứu trợ lũ lụt…

Song song đó, ngành cũng kết hợp với hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử đem miếng cơm, manh áo chia sẻ với đồng bào vùng cao, giúp họ tiến gần đến với đạo hơn. Theo báo cáo của ngành từ thiện xã hội, 5 năm qua đã đạt kết quả trên 31,1 tỷ đồng, con số không nhiều so với các địa phương khác, song Phật giáo Quảng Nam thông qua công tác từ thiện ở vùng cao đã gây được thiện cảm nhiều cho đồng bào nơi đây, quý thầy trong BTS nhận xét.

Lưu Đình Long

HT.Thích Thiện Duyên, Trưởng BTS THPG tỉnh Quảng Nam:
Hòa hợp
là yếu tố tất yếu để phát triển!

“Với tinh thần hòa hợp toàn ban, toàn thể Tăng Ni, Phật tử địa phương nên trong 3 nhiệm kỳ kể từ khi tách tỉnh đến nay Phật giáo Quảng Nam đã có những thành tựu nhất định. Thế hệ kế thừa dù trẻ nhưng năng động, nên đã đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành hiện có. 

Ảnh Hòa Thượng Thích Thiện Duyên.JPG

HT.Thích Thiện Duyên - Ảnh: L.Đ.L

Nhiệm kỳ này, Phật giáo Quảng Nam sẽ có thêm Ban Phật giáo Quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn: mở rộng giao lưu với Phật giáo các nước cũng như các đoàn ngoại giao đến thăm Quảng Nam, thăm BTS THPG.

Giáo dục theo kế hoạch thì năm học 2012-2013 tới đây sẽ có chỗ nội trú cho Tăng Ni sinh. Phật tử, mạnh thường quân cũng hứa hỗ trợ một địa điểm để cho Tăng Ni sinh, trước nhất là Ni sinh có chỗ ở đàng hoàng…

Nhìn chung, tôi cho rằng hòa hợp tứ chúng là yếu tố quyết định cho thành tựu Phật sự. Mỗi mỗi công việc đều hội ý, nhất trí nhau thì sẽ thành tựu tốt đẹp!”

Chúc Thiệu ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày