Liệt kháng tâm hồn

Giác Ngộ - Gần đây báo chí và dư luận xã hội lên án "games online" một cách mãnh liệt. Cục Quản lý Phát thanh-Truyền hình dự kiến đưa ra những biện pháp mạnh mẽ như cắt đường truyền đại lý internet về đêm, ngưng cấp phép cho games online mới, phối hợp với Bộ Công an cấp chứng minh thư điện tử, thậm chí quản lý cả game offline(!).

Có phải chỉ vì games online?

Gần đây báo chí và dư luận xã hội lên án "games online" một cách mãnh liệt. Cục Quản lý Phát thanh-Truyền hình dự kiến đưa ra những biện pháp mạnh mẽ như cắt đường truyền đại lý internet về đêm, ngưng cấp phép cho games online mới, phối hợp với Bộ Công an cấp chứng minh thư điện tử, thậm chí quản lý cả game offline(!). Lý do mà từ những nhà quản lý nhà nước và những bậc phụ huynh phê phán là games online đã làm giới trẻ trở nên điên cuồng, mụ mẫm với các trò chơi, xao lãng học hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian và sức khỏe. Nguy hiểm hơn và có lẽ đó là lý do chính: làm giới trẻ bị "xói mòn nhân cách" như một tờ nhật báo đã nhận định. Người ta liên tưởng ngay đến những vụ án giết người, những hành vi bạo lực do bắt chước một số nhân vật trong trò chơi, khiến giới trẻ không còn nhận ra đâu là thế giới thật hay ảo. Người ta chứng kiến những game thủ biến thành sát thủ chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ hay thực hiện các hành vi tội ác để có tiền chơi game. Có những trường hợp chỉ vì trao đổi đồ ảo trên mạng mà giết nhau như tin trên báo: chiều 25 tháng 6, ở Tân Bình, trong một tiệm internet, Trần Anh Tuấn, 21 tuổi, bị giết vì xung đột với một game thủ khác .

cauchuyen-2.jpg
Đã có lần người ta xếp Việt Nam đứng thứ 5
trong top ten những án mạng vì ảnh hưởng bởi game online

Đã có lần người ta xếp Việt Nam đứng thứ 5 trong top ten những án mạng vì game với vụ Đinh Thế Dân ở Nam Định, 13 tuổi, giết bà ngoại lấy 140.000 đồng chơi game. (Kẻ đứng đầu các vụ án là Devin Moore đã giết ba viên cảnh sát và lạnh lùng trả lời: "Life is like a video game. You’ve got to die some time".

Nhưng đây đó vẫn có những ý kiến cho rằng game online không chỉ mang lại những điều xấu như vậy? Ý kiến của nhà báo Thế Dũng (Báo Người Lao Động) "Phải công bằng đánh giá game online có tác dụng giải trí, tiêu khiển, dựa trên công nghệ cao, là thành quả của sự đóng góp từ nhiều ngành và đáp ứng nhu cầu người dân, game lành mạnh cũng giúp tăng cường phản xạ và phát triển trí não; game có tính giáo dục lịch sử văn hóa cũng tăng cường kiến thức cho người chơi, đồng thời giúp giới trẻ tránh tệ nạn xã hội bên ngoài và trên mạng". (báo NLĐ, 28-7-2010).

Một số bài viết công bố đó đây cũng nói về những tác dụng tốt của công nghệ kỹ thuật số. Như trường hợp nghệ sĩ Nguyễn Hậu, người được mệnh danh là "người thổi hồn vào âm nhạc số" ở Gia Lai, đã được tặng nhiều huy chương trong các kỳ hội diễn với những bản nhạc phối khí phối âm trên máy tính và một cây đàn Yamaha cũ kỹ. Anh tâm sự: "Mình vẫn chơi game như ngày trước. Hiện nay mỗi ngày mình bỏ ra một tiếng đồng hồ để chơi game". Theo anh thì chơi trực tuyến chỉ là một phương tiện phục vụ cho cuộc sống con người. Có những doanh nhân dù rất thành đạt vẫn không từ bỏ đam mê với những trò chơi trên máy như một cách giảm stress và thậm chí xây dựng tinh thần đồng đội. Vấn đề ở đây là ở tác động của một số games có nội dung không lành mạnh, cổ xúy bạo lực nhưng cốt lõi là ở năng lực tiếp nhận và đề kháng của con người?

Suy giảm hệ miễn dịch tâm hồn

Nếu chỉ vì game online thì chúng ta sẽ không giải thích được những vụ sát nhân hầu như ngày nào cũng có: hôm qua là người làm cắt cổ ông chủ trong một tiệm phở ở Hà Nội; hôm nay là một cô gái bị nguời yêu cũ sát hại trong chòi café ở quận 2, TP.HCM. Những hình ảnh đó không có trên game online. Cũng không thể giải thích chuyện một cô giáo có ăn học (Nguyễn Thị Thuận, Hà Nội) vì giận anh rể hay can ngăn mình đã thuê người đốt chết cả nhà họ!

Chỉ trong một năm học 2009-2010 mà thống kê của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm cho thấy có đến 1.900 vụ hoc sinh đánh giết nhau trong tổng số hơn 9.000 vụ trên cả nước. Tại sao tâm hồn các em lại sớm nhuốm màu bạo lực đến như vậy? Chúng ta phải thừa nhận rằng "hệ miễn nhiễm tâm hồn" của các em đang bị suy giảm đến mức không còn chống lại được những hình ảnh hay thói quen xấu và tàn độc, các em không còn phân biệt đúng- sai, thiện-ác một cách rạch ròi.

Người ta đã băn khoăn về những ước mơ thấp kém đến tầm thường của tuổi trẻ hôm nay khi họ thích thể hiện mình như những hot boys hay hot girls. Người ta cũng trách tuổi trẻ hỗn hào, thiếu tôn trọng người lớn, thiếu nghiêm túc với việc rèn luyện nhân cách thể hiện qua ngôn ngữ kỳ quái, thường sử dụng tiếng lóng nước ngoài và tự xem đấy là "sành điệu", thái độ nghênh ngang trong quán xá, nơi công cộng... Nhưng tại sao lại như thế thì có ai băn khoăn không?

Phải chăng nền giáo dục của chúng ta đang có thiếu sót về việc dạy chữ thì nhiều (quá nhiều!) mà dạy người thì ít. Giáo dục đạo đức thì khô khan, xa rời thực tế, nội dung không mang hơi thở cuộc sống hiện tại, không truyền đạt giá trị đạo đức truyền thống ngàn đời, không hướng tới những chân trời thiện mỹ ở tương lai. Chúng ta từng phê phán những phẩm hạnh người xưa coi trọng vì xem đó là "tàn dư phong kiến" (!). Nhưng thữ nghĩ xem, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín bao giờ cũng cần và ta phải lưu ý trí đứng tên thứ tư vì nói như cụ Nguyễn Du: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Chưa kể đến lối học thụ động, thiếu động não khiến các em không thể tự lý giải những mâu thuẫn hay chống lại những cám dỗ đang giăng ra đầy dẫy quanh mình: quán karaoke, quán café đèn mờ sát bên trường học... Khi thiếu tiền thì các em nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì để có tiền, không cần quan tâm hậu quả. Sống thuần túy "bản năng" mà không có sự hướng dẫn của lý trí và luân lý đạo đức.

cauchyen.jpg

Cổ đức dạy rằng Giáo có nghĩa là người trên đặt ra cái gì thì người dưới bắt chước làm theo cái ấy, nhưng phải biết xem xét , nhận định đúng sai; Dục là nuôi dưỡng trẻ, khiến trẻ xa lìa điều ác, làm điều thiện. Nhìn vào gia đình, người lớn đang trở nên "thiếu gương mẫu" trong cuộc sống, cha mẹ có người chỉ biết làm giàu bằng mọi thủ đoạn, có người vật vã lo toan cơm áo… không ai quan tâm đến con em mình. Nhìn ra xã hội, không ít những kẻ ở vai trò lãnh đạo mà đời sống thì tha hóa suy đồi, làm xói mòn niềm tin vào những tấm gương đạo đức lối sống. Tìm đâu ra những thần tượng để các em noi theo hay vươn tới hoặc giả chỉ là hình ảnh những anh /cô ca sĩ tật nhiều hơn tài… đang tạo ra những scandal để được nổi tiếng…

Nói theo một nhà nghiên cứu, mục đích giáo dục là giúp con người biết phát triển tâm linh cao thượng, biết nuôi dưỡng tinh thần độc lập tự do, tự chủ và tự do sáng tạo. Nói cách khác, giúp con người có "niềm tin chánh tín vững chãi, không sợ hãi, không sợ kẹt vào các thành kiến, định kiến, các tín điều, giáo điều và cũng không tin vào bất cứ ai hoặc vật gì, mà chỉ tin vào ý nghĩa thiện, lời nói thiện và việc làm thiện của mình mà thôi" (Thích Trừng Sỹ - Con đường Giáo dục Phật giáo).

Dù theo chủ thuyết nào, tôn giáo nào hay ý thức hệ nào đi nữa, hình ảnh con người có đủ bản lĩnh đương đầu với cám dỗ và luôn hướng về điều thiện với niềm tin mãnh liệt về một xã hội trung thực là những gì chúng ta cần xây dựng trong lúc này. Con người ấy phải miễn nhiễm với cái ác, với thói hư tật xấu và đủ kháng thể chống lại bất cứ một tà kiến xa lạ nào, một lối sống trọng vật chất, buông thả theo bản năng, một nền văn hóa xuống cấp không vì cái đẹp tâm hồn …

Hãy tìm hay hãy ý thức xây dựng lại con người ấy…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày