Linh nghiệm một đức tin

Linh nghiệm một đức tin

GN - 1. Thượng thượng thọ 98 tuổi, mùa thu 2016 này, mẹ tôi về cõi vĩnh hằng đã ba năm. Trong muôn vàn kỷ niệm đọng lại suốt 16 năm phụng dưỡng, chăm sóc thân mẫu, vợ chồng tôi ghi đậm nhất dấu ấn về quãng thời gian cuối đời của mẹ. Hôm đó, ngày 10-10-2011, rạng sáng mẹ dậy đi vệ sinh như thường lệ, chẳng may mẹ bị ngã gãy chân. Quy luật tự nhiên, tuổi già, gân cốt lão hóa không thể phục hồi lành lặn nên mặc dù con cháu hết lòng chạy chữa mẹ vẫn phải ngồi xe lăn. Song mẹ vẫn minh mẫn lúc trò chuyện cũng như mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Vậy mà bỗng nhiên 6 tháng sau, cứ vào khoảng nửa đêm về sáng, thỉnh thoảng mẹ ấm ớ la to, khiến cả nhà giật mình. Gọi tỉnh dậy thì mẹ bảo thấy “họ về đông lắm xung quanh đây, mau đuổi họ đi”. Lo lắng có điều gì đó không ổn, vợ chồng tôi tìm đến thầy trụ trì một ngôi chùa lớn trong vùng, tác bạch xin chỉ giáo. Sau khi nghe chuyện, thầy khuyên bảo về sắm chiếc máy tụng kinh để phía đầu giường cụ nằm, mở kinh Phật đều đặn, đồng thời tối đến các con nhớ thắp nhang lễ bái, cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho mẹ và cả gia đình…

Linh nghiệm thay, từ khi bên giường mẹ luôn ngân lên tiếng kinh Phật nhẹ nhàng, thanh bạch nhưng vô cùng ấm cúng, cộng với tâm niệm chí thành mà vợ chồng tôi hàng đêm cúi đầu trước Đức Phật Quan Âm trên điện thờ của gia đình, cầu xin Ngài dang rộng vòng tay cứu độ nên mẹ ngủ ngon lành, chẳng bao giờ thức giấc đột ngột bất cứ đêm hay ngày.

2.Cho đến tận hôm nay gia đình chúng tôi luôn khắc ghi trong tâm khảm, bởi tình thương của mẹ dành cho con cháu. Ấy là vào tháng 4-2013, con gái tôi (lúc đó 22 tuổi, đang học năm cuối đại học) có bạn trai và gia đình hai bên đã thống nhất ấn định ngày cưới là mùng 4 tháng 8 (âm lịch). Lo âu xen lẫn hồi hộp, bởi tình hình sức khỏe của mẹ xuống cấp, phải nằm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, liệu mẹ có chờ được đến ngày lễ thành hôn của các cháu không. Trông ngày trông đêm, khi chỉ còn ba ngày nữa là tiến hành hôn lễ, mẹ đuối dần.

Vào một sớm đầu tháng 8 (âm lịch), mẹ kéo tay tôi lại và nắm chặt (mấy hôm nay mẹ không nói được nữa) như muốn nói điều gì. Tôi cúi xuống thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi, ba hôm nữa là tới ngày cưới của cháu. Mẹ thương con, thương cháu quá nhiều rồi, nếu mẹ không ở lại với tụi con nữa thì mẹ gắng chờ vợ chồng con lo công việc của cháu xong, mẹ hãy về cùng Trời, Phật và tổ tiên nhé”. Hai giọt nước mắt lăn chảy trên gò má nhăn nheo - giọt nước mắt cuối cùng của mẹ …

Trưa mùng 4 tháng 8 (âm lịch) tổ chức lễ thành hôn cho các cháu xong, buổi chiều tất thảy người thân lên bệnh viện thăm mẹ. Những ngày sau đó tôi luôn ở bên cạnh mẹ. Đến chiều ngày mùng 6 tháng 8 (âm lịch), cho mẹ ăn uống và vệ sinh xong, tự nhiên trong lòng tôi bồi hồi khó tả khác thường, linh cảm mẹ sắp đi xa. Tôi quyết định xin đưa mẹ về nhà nhưng bác sĩ trực sau khi đo huyết áp, tim mạch và xác định các thông số hiển thị trên màn hình máy điện tử đều bình thường nên không chấp nhận. Tôi gọi điện khẩn cầu bác sĩ lãnh đạo cho phép và được đồng ý nhưng vẫn phải viết đơn cam đoan theo đúng quy định của bệnh viện.

Xe bệnh viện chở mẹ về nhà, vợ tôi nhanh chóng tắm gội, thay áo quần cho mẹ xong, khoảng gần 30 phút sau thì mẹ thanh thản ra đi - thật diệu kỳ.

Với vợ chồng tôi, đức tin tuyệt đối vào Đức Phật đã linh nghiệm, mang lại phước đức và mãn nguyện cho cả gia đình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày