Lời tưởng niệm Đức Phó Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm của GHPGVN

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cung tuyên lời tưởng niệm của Giáo hội
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cung tuyên lời tưởng niệm của Giáo hội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Tổ chức tang lễ cung tuyên tại lễ truy điệu của Giáo hội trước lúc cung thỉnh kim quan nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Hòa Lạc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Nam-mô Bn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

- Kính bạch chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

- Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni;

- Kính thưa quý vị khách quý đại diện Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;

- Thưa đồng bào Phật tử và toàn thể nhân dân.

Trước khi cử hành nghi lễ cung tiễn kim quan Đức Phó Pháp chủ nhập bảo tháp, thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, chúng con thành kính dâng lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ!

Chư Phật ba đời, vì đại sự nhân duyên, khai thị tri kiến Phật mà Sa-bà thị hiện.

Lịch đại Tổ sư, vì bi tâm lân mẫn, khơi mạch nguồn tuệ giác mà nhập thế độ sinh.

Đức Phó Pháp chủ cũng từ nguyện lực mà ra đời, kế thừa mạng mạch tâm tông, thiệu long Tam bảo.

Nay duyên vừa mãn, ngài xả bỏ báo thân, thâu thần tự tại an nhiên viên tịch.

Dẫu biết rằng:

“Chốn Tây thiên, Thế tôn thị tịch Sa-la song thọ,

Nơi Đông độ, Đạt-Ma tổ sư chích lý tây quy”

Đối với bậc chân tu liễu ngộ pháp tính chân như, thì sinh tử chỉ là hoa đốm giữa hư không.

Kính nghe!

Pháp tính chân thường, há còn tử sinh hoại diệt

Niết bàn tịch tĩnh, đâu còn huyễn hóa sinh thân

Song vì nỗi, mượn huyễn thân mà chứng pháp thân

Lại ngẫm xem, tùy tục đế quy về chân đế

Nhưng đâu thể:

Ngăn được dòng lệ xúc cảm tiếc thương vô hạn, đang dâng trào nơi tâm hồn Tăng ni, Phật tử trong giây phút tiễn biệt bậc Chân nhân Đại sĩ:

Chùa Hòa Lạc, tiếng chuông triêu mộ, môn đồ bi luỵ

Chốn Tùng lâm, vắng bóng Tôn dung, tứ chúng ngậm ngùi

Kính bạch Giác linh ngài!

Gần một trăm năm thác tích trần hoàn, ngài đã thắp sáng tâm đăng bao thế hệ. Từ thuở đồng chân nhập Đạo, ngài một lòng tinh tấn tu hành, đèn trí tuệ ngày thêm sáng tỏ.

Ngài đã âm thầm gây dựng chốn già-lam, gìn giữ ngọn đèn trí tuệ của đức Như Lai được Tổ Tổ tương truyền từ Hán Văn đến Lai Thành, và Yên Bình ngọn đèn thiền tỏa sáng. Cả cuộc đời của Ngài sống hết mình bình dân, giản dị, siêng năng cần cù, hòa nhã, nhẫn nhục dù thế cuộc xoay vần, dù ở cương vị nào Ngài vẫn nghiêm trang cốt cách thoát tục: tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam-mô. Tuy rất nghiêm khắc với bản thân nhưng đối với tứ chúng lại khiêm cung hòa nhã, với đạo hạnh từ bi, khiêm cung, ái kính, lời nói chân thành chất phác nên khi tiếp xúc với mọi người, mọi tầng lớp tín đồ Phật tử lời dạy của Ngài như dòng suối mát dịu hiền khiến ai cũng cảm mến và nhất mực cung kính. Giữa vùng đất Kim Sơn lịch sử, Ngài là gương sáng tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết Lương - Giáo chung tay dựng xây quê hương đất nước.

Khi tuổi cao nhưng Ngài không bao giờ quản ngại dạo khắp đó đây đem thân giáo và khẩu giáo của Ngài thắp sáng niềm tin chính pháp cho bao người con Phật. Ngài đã phụng sự Phật pháp đến giây phút cuối cùng trước lúc an nhiên thâu thần thị tịch thật bình dị như gần một trăm năm Ngài hiện hữu trên thế giới này.

Kính bạch Giác linh ngài!

Theo lý vô thường có sinh có diệt, ngài đã mãn nguyện Sa-bà, thuận lý vô thường, trở về cõi Niết bàn vô tung bất diệt. Sự ra đi của Ngài để lại một sự mất mát to lớn cho Giáo hội, cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước cũng như ở ngoài nước, môn nhân đệ tử học đồ. Song hành trạng, công đức và đạo hạnh của ngài vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử, các cấp Giáo hội, môn đồ đệ tử và Phật tử Việt Nam.

Giờ đây, trong giây phút ngàn thu vĩnh biệt, trước linh đài hương trầm quyện toả, toàn thể Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, toàn thể Tăng - Ni và Phật tử chúng con xin thành kính thắp nén hương lòng cúng dàng Giác linh ngài. Kính nguyện Giác linh Đức Phó Pháp chủ bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích.

Chúng con nguyện đoàn kết hòa hợp biến mất mát này thành sức mạnh để xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.

Ngưỡng nguyện Giác linh Đức Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ thùy từ chứng giám.

Nam mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội Chứng minh Hội đồng Phó Pháp chủ, Ma-ha Sa-môn Tỷ-khưu, Bồ-tát giới pháp húy THÍCH THANH ĐÀM, đạo hiệu Nhân Từ, thế danh Phan Thanh Phàn Đại lão Hòa thượng tọa tiền chứng giám.

NAM-MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ-TÁT MA-HA-TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?

Thông tin hàng ngày