Lòng từ bi & vấn đề công lý

GN - Lòng từ bi và vấn đề công lý là đề tài rất quan trọng và thiết thực trong cuộc sống mà mỗi người chúng ta đều có suy nghĩ. Nếu áp dụng lòng từ bi theo đạo Phật đôi khi ngược lại với công lý.

anh 111.jpg

Thực sự đạo Phật thường đề cập đến từ bi và trí tuệ. Tức từ bi phải đi kèm với trí tuệ, không phải từ bi mà thiếu trí tuệ. Thầy nhớ có một Hòa thượng nói rằng có từ bi không có trí tuệ thì trở thành một Bồ-tát ngu ngốc. Vì vậy, chúng ta không nên làm Bồ-tát ngu ngốc, tức thiếu trí tuệ, vì đạo Phật là đạo trí tuệ. Đức Phật làm bất cứ điều gì đều do trí tuệ chỉ đạo. Có thể khẳng định tất cả Phật tử theo con đường của Đức Phật là tăng hiểu biết mình lên cao nhất. Hiểu biết cao nhất là Phật, gọi là trí tuệ.

Hiểu biết ban đầu của chúng ta rất giới hạn trong tầm hiểu biết của con người gọi là tri thức của loài người. Tuy chúng ta hiểu biết vượt hơn các loài khác, nhưng trí tuệ của loài người cũng chỉ tới đây thôi, nghĩa là chúng ta biết những gì do mắt thấy, tai nghe và suy nghĩ thì cái biết này rất giới hạn, chưa tới được chân lý, nên chúng ta còn phạm nhiều sai lầm. Vì vậy, nếu áp dụng từ bi với sự hiểu biết giới hạn này, chúng ta sẽ trở thành Bồ-tát ngu ngốc. Vì thực tế cho thấy những việc mà con người làm, hay chúng ta làm trái với Phật, tức trái với trí tuệ, trái với chân lý, nên chúng ta không thành Phật mà là ma quỷ.

Thật vậy, đôi khi chúng ta thấy hoàn cảnh nào đó đáng thương do suy nghĩ của chúng ta hạn hẹp, nên đã xả thân để cứu giúp, nhưng mình không cứu được, mà lại vướng  mắc vào cái họa của họ.  Họ đã sai lầm, gặp hoạn nạn, khó khăn, nguy hiểm, nhưng mình lại ngu ngốc cứu họ, tức đi theo con đường khó khăn, hoạn nạn, nguy hiểm đó. Việc này dẫn đến tình trạng tai hại là mình bất mãn, nên sau này gặp trường hợp khác đáng thương, nhưng mình lại thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm; như vậy là đọa, hay chúng ta đã biến mình thành ma quỷ.

Hôm nay chúng ta đặt vấn đề từ bi và công lý thì điều này cũng nằm trong phạm vi con người, cũng là sử dụng từ bi trên cán cân công lý để xét đoán đúng hay sai thì đúng sai này cũng nằm trong nhận thức của con người mà thôi.

Thí dụ ta thương người thiệt, nhưng họ phạm pháp thì ta nên che giấu hay không. Nếu ta vì thương mà che chở họ, che giấu tội của họ, ta đã trở thành tòng phạm. Điều này mới là công lý theo pháp luật, chưa nói đến chân lý, nhưng chúng ta cũng không thể vì lòng từ bi thương người mà bẻ cong sự thật được.

Thấy hoàn cảnh người phạm pháp bị pháp luật truy cứu, họ khổ đau, đương nhiên chúng ta là con người, lại là đệ tử Phật thì phải có lòng thương người. Nếu đánh mất lòng thương là trở thành ác ma. Lòng thương là tất yếu để chúng ta trở thành Hiền Thánh trong tương lai. Nhưng lòng thương phải có trí tuệ chỉ đạo để thấy chân lý, thấy công lý thì chúng ta mới ứng xử đúng đắn.

Đức Phật cũng thấy cảnh thương tâm của loài vật, loài người. Khi còn là thái tử, Ngài dự lễ hạ điền, trông thấy luống cày bóc lên những con trùn và những con trùn này đã bị những con chim sà xuống mổ lấy ăn, đồng thời người thợ săn lại rình bắn chim, nên không hay biết là sau lưng anh có con hổ sắp sửa vồ anh.

Đức Phật chứng kiến cảnh đáng thương như vậy, nhưng Phật có cứu những con trùn hay không, Ngài có cứu con chim hay không, có cứu anh thợ săn hay không. Chắc chắn là Ngài không cứu ai hết. Ngài tìm gốc cây ngồi suy nghĩ về thực tế cuộc sống này khổ đau như thế nào cho đến suy nghĩ xa hơn rằng tại sao tất cả các loài sát hại nhau như vậy, rõ ràng vì miếng ăn, vì sự sống còn mà các loài phải tranh giành, giết hại nhau.

Thể hiện lý này, trong kinh Dược Sư, Đức Phật cũng đã thấy cảnh khổ đau của muôn loài, nên Ngài phát lời nguyện rằng đối với người nghèo đói, khổ cực vì cầu thức ăn mà tạo nghiệp ác, nghĩa là tranh giành, giết hại người khác vì miếng ăn, Đức Phật Dược Sư  sẽ giải quyết vấn đề ăn, mặc, ở cho họ, rồi mới dạy pháp Phật để giúp họ thoát khỏi nghiệp ác này.

Đức Phật Thích Ca khi còn là thái tử đã suy nghĩ phương cách tháo gỡ gút mắc này là Ngài giải quyết vấn đề từ gốc, không phải giải quyết ở ngọn. Trong khi đa số chúng ta gặp hoàn cảnh thương tâm chỉ giải quyết ngọn, nhưng cũng không giải quyết được mà lại bị lợi dụng. Thực tế cho thấy rõ các chùa tới ngày cúng có những người không bệnh, nhưng họ giả bệnh, giả đói để khiến Phật tử động lòng trắc ẩn, cảm thấy thương tâm mà cho họ tiền.

Thuở nhỏ tôi nhìn thấy cảnh này cũng suy nghĩ theo Phật rằng không nên cho tiền những người giả bệnh, giả khổ, vì cho là mình góp công sức cho những người ăn hại, biến họ thành ăn mày, chẳng lẽ sau này toàn thành phố tràn ngập những kẻ chuyên làm nghề ăn hại hay sao.

Là đệ tử Phật, chúng ta học theo cách suy nghĩ và việc làm của Phật để áp dụng trong cuộc sống mình mà tháo gỡ được những vấn đề xảy đến một cách đúng đắn, lợi lạc cho mình và cho người.

Theo tôi, những việc giải quyết ngay được thì giải quyết. Có những việc không giải quyết ngay được phải đợi sau này, thậm chí đợi đến đời sau mới có thể hóa giải. Lý này được kinh Pháp hoa gọi là thệ nguyện an lạc, nghĩa là thấy người mắc nạn đáng thương, nhưng phải đợi lúc ta có điều kiện giải quyết được, đó là người có trí tuệ chỉ đạo nên làm không sai lầm và cuộc sống của họ thăng hoa được.

Còn là Bồ-tát ngu ngốc phạm sai lầm phải đọa và cuộc đời họ phải đi xuống thôi. Điển hình là Xá Lợi Phất muốn bố thí vì nghe nói đó là hạnh đầu tiên của Bồ-tát, nên khi Ngài gặp người Bà-la-môn xin con mắt của Ngài. Ngài nghĩ nếu không cho là mình thiếu lòng thương và anh này khóc lóc thảm thiết nói rằng mẹ con bị bệnh nặng cần phải có con mắt của người sống mới chữa được.

Động lòng trắc ẩn, Xá Lợi Phất đã móc con mắt cho. Nhưng anh này đã liệng con mắt và nói rằng không phải con mắt bên phải, con mắt bên trái mới được. Ngài lại móc tiếp con mắt trái cho hắn. Và mất cả hai mắt, bị mù khiến Ngài hối hận vì đã làm việc ngu xuẩn này. Ngài hận đến mức độ thề rằng không bao giờ làm Bồ-tát nữa, không  bao giờ bố thí nữa. Ai xin gì, Ngài cũng phớt lờ là trở thành Sa-môn vô cảm.

Là tu sĩ theo lộ trình Đại thừa của Đức Phật, nhưng vô cảm với cuộc đời, tách rời cuộc đời, trở thành người vô dụng. Tôi gặp một vị Hòa thượng nói rằng đạo Phật không đào tạo người vô dụng, nhưng đào tạo người cứu đời, giúp đời, tức hành Bồ-tát đạo.

Qua câu chuyện trên, Phật cho biết rằng Xá Lợi Phất phải mất đến 60 tiểu kiếp giữ tâm yểm ly. Mãi đến sau này, Ngài được gặp Phật khai ngộ, mới phát Bồ-đề tâm lại.

Để thực hiện được công lý một cách đúng đắn là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, Bồ-tát Quan Âm thừa khả năng cứu giúp tất cả mọi người, nhưng không phải ai Ngài cũng cứu, vì Ngài tôn trọng công lý, tôn trọng chân lý. Người cầu Ngài, nhưng Bồ-tát nhận thấy có thể cứu giúp được, Ngài sẵn lòng.

Tiền thân Phật trong kiếp quá khứ đã thể hiện lý này. Một lần Ngài làm vua trông thấy con chim bồ câu bị con chim ó rượt đuổi. Chim bồ câu đã sà vô cánh tay Ngài. Ngài liền cứu nó, giữ nó lại, không cho chim ó bắt. Nhưng con chim ó cũng đói và cần thức ăn, nên nó đòi vua phải thả bồ câu cho nó ăn thịt. 

Nhà vua mới nói với chim ó rằng ngươi cần ăn thịt chim bồ câu, còn ta cần cứu chim bồ câu. Và để thực hiện công bằng, hay công lý,  Ngài lấy một cái cân để chim bồ câu đứng lên một dĩa cân và Ngài lóc thịt mình để lên dĩa cân kia cho bằng với sức nặng của bồ câu. Nhưng lạ thay, Ngài lóc bao nhiêu thịt mình thì chim bồ câu vẫn nặng hơn. Cuối cùng Ngài lóc hết thịt mình để lên dĩa cân, nhưng số thịt Ngài lóc cũng không cân bằng với chim bồ câu.

Câu chuyện này ngụ ý cho chúng ta nhận thấy khi nghiệp của người nặng hơn phước của mình thì có cứu cũng không được. Thân nhẹ, nhưng nghiệp họ nặng thì muốn cứu phải hóa giải nghiệp. Còn cứu, mai mốt họ giết người nữa thì tội ác tăng thêm, chắc chắn không thể cứu được mà ta còn bị vạ lây.

Đối với người phạm tội, tôi khuyên họ nên đầu thú để may ra được luật pháp khoan hồng, không nên trốn.

Vì vậy, mình muốn cứu người. Đức Phật khuyên phải lượng sức mình. Phước của mình có đủ gánh nghiệp của họ hay không. Nếu đủ phước, Bồ-tát sẵn lòng giúp. Không đủ phước thì để lúc khác giúp là thệ nguyện an lạc. Bao giờ ta có điều kiện, sẵn lòng giúp, đó là Bồ-tát có trí tuệ, không phải Bồ-tát ngu ngốc.

Sống trong xã hội, lúc nào ta cũng tôn trọng công lý và từ tôn trọng công lý, đi xa hơn, vào thiền định, cho đến chứng được chân lý, nghĩa là ta thấy được phía sau của người, thấy nghiệp của họ, tánh của họ, hạnh của họ, khả năng của họ…, ta mới giáo hóa, giúp họ vượt qua chướng nạn và sống tốt đẹp, làm ích lợi cho đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày