Lớp học của trẻ lang thang

GN - Hơn hai năm nay, phần đông trẻ em khu vực nhà trọ thuộc khu phố 5, phường Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM không còn lang thang về đêm khi cha mẹ chưa kịp về nhà lo cơm tối. Cảm thông và chia sẻ khó khăn của những gia đình tha phương cầu thực, quán ăn chay của Chi hội Từ thiện Bảo hòa (Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM) đã trở thành lớp tình thương buổi tối của con em họ.

Mái nhà cho trẻ nhập cư

Ban ngày theo cha mẹ lao động kiếm sống với đủ mọi nghề: bưng phở, bán vé số, bán hàng rong …, đêm về các em tụ họp ở lớp tình thương. Ở đây, các em được ăn cơm tối, dạy chữ, làm các phép tính căn bản, học Anh văn, tin học vỡ lòng và đạo đức. Thầy giáo là một vài thiện tri thức thiện nguyện giấu tên.

1.jpg

Lớp học cho con em người nghèo nhập cư - Ảnh: CTV

Lớp học đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, các em được hướng dẫn sinh hoạt ăn uống, học hành, cách cư xử thật tỉ mỉ. Chính vì vậy, lớp tình thương của trẻ mồ côi và trẻ em khu vực nhà trọ còn là nơi sinh hoạt của con em các gia đình sống tại địa phương.

Anh Đoàn Minh Hùng, quản lý quán cơm chay của Chi hội Bảo Hòa cho biết, ngoài việc hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trong thành phố, anh Trần Văn Tư, Chi hội phó Chi hội còn muốn dang tay trợ giúp các đối tượng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là trẻ em. Bởi lo cái ăn hàng ngày, chi phí nhà trọ hàng tháng là đã oằn vai, làm sao lo nổi chuyện học hành cho con cái. Vả lại các em không có hộ khẩu ở thành phố nên việc xin nhập học chính quy càng không được quan tâm. Từ 6 em đầu tiên, đến nay lớp đã thu hút gần 80 em, cơ sở quán ăn quá tải, Chi hội Bảo Hòa phải thuê thêm một căn hộ kế cận.

Một vài anh em thiện nguyện là giảng viên đại học đã phát tâm đến với các em. Hàng đêm đến lớp cầm tay uốn nắn cho các em từng nét chữ, dạy các em niệm Phật đi kinh hành, hát những bài hát thiếu nhi lành mạnh, trước khi ăn phải niệm Phật, cầu nguyện Phật gia hộ cho ông bà quá vãng và người nông dân khó nhọc làm ra hạt lúa.

Trẻ biết sám hối

Chị Dương Thiếu Mai ở đường Âu Cơ, Q.Tân Phú có con nhỏ bị bệnh béo phì, yếu cơ bẩm sinh được nhận nuôi dạy tại đây, tâm sự: “Em mồ côi cha mẹ, không nhà. Hai vợ chồng làm bất cứ việc gì người ta thuê để sinh sống. Không may, ảnh bị tai nạn giao thông gãy chân, hàng ngày em đi bưng phở, hủ tíu mướn, bán hình giấy đồ chơi trẻ con, nuôi bệnh mướn trong bệnh viện. Con trai lớn của em 16 tuổi vừa học vừa làm. Con nhỏ 11 tuổi được gởi tại đây. Trước đây, em gởi cháu ở Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ bại liệt thành phố, nhưng không tiền đóng tiếp tục nên cháu phải ở nhà lủi thủi một mình. Từ khi vào đây, có bạn vui chơi, ăn uống đầy đủ, được thường trú luôn tại lớp, cháu cứng cáp hẳn lên, bớt bệnh, nhận thức rất tốt”.

Vợ chồng chị Mai xem anh em phục vụ quán như người thân, mỗi lần đến là xắn tay phụ quán làm mọi việc vặt. Chị Lưu Hến Nũi, người gốc Hoa cũng là dân tứ xứ đến thuê nhà trọ bán vé số kiếm sống mỗi ngày. Chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo sắp chết, con gái ốm yếu thất học. Hơn 3 tháng nay cháu được ăn cơm chiều và học chữ tại đây. Chị nói: “Lớp học giúp tôi phần nào đỡ vất vả, thật là phúc đức! Các cháu đến đây bớt văng tục chửi thề rất nhiều. Đứa nào thô tục với bạn còn biết quỳ lạy sám hối”.

Anh Nguyễn An Cư, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 5, phường Bình Trị Đông, Q.Bình Tân nhận xét, lớp tình thương này là một tổ chức nhân đạo rất tốt về mặt đạo đức xã hội. Qua lớp, Chi hội Bảo Hòa đã quy tụ các em thuộc đối tượng mồ côi, lang thang cơ nhỡ, con em các gia đình công nhân tứ xứ đến thuê nhà trọ. Đi làm để con ở nhà người già trông coi mà đa số họ trình độ văn hóa còn hạn hẹp, khả năng quản lý và dạy dỗ con cháu chưa tốt. Anh em ở quán ăn có xét giúp đỡ cho đối tượng nào cũng đều kết hợp và thông qua chúng tôi nên đây không chỉ là nơi yên lành cho trẻ em mà còn là điểm tựa cho những hoàn cảnh khổ ngặt nghèo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày