Luận về dục - Nguồn gốc khổ đau của con người

NSGN - Dục là gì? Dục mang lại hạnh phúc hay khổ đau cho con người? Một nhà thơ đã thốt lên rằng:

Lửa nào bằng tham dục,

 Ngục nào bằng tâm sân,

 Lưới nào hơn mê đắm,

 Sông ái dục nhận chìm”.

[5, tr.19]

Thật vậy, trong cái vui của dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé mà cái tai họa rất lớn. Đeo đuổi theo những đối tượng của dục, người ta đã không tạo dựng được hạnh phúc chân thật mà còn tạo nhiều khổ đau cho bản thân và tha nhân. Như vậy, dục chính là nguồn gốc của khổ đau. Do đó, con người muốn được an vui, hạnh phúc cần phải ly dục.

Nhưng ly dục bằng cách nào? Đức Phật dạy, ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây của sự sống hàng ngày, có khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc và làm hạnh phúc cho những người chung quanh, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật.

duc phat.jpg


Đức Phật dạy, ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống
giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây

Khái quát về dục

1- Định nghĩa

Theo Việt Nam tự điển: “Dục là muốn, lòng tham muốn riêng của mình”. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang [6, tr.1125]: Dục có ba tính: thiện, ác và vô ký (không thiện không ác). Dục tính thiện là nguồn gốc phát khởi tâm tinh tiến cần mãn; dục mang tính ác thì thèm muốn tài vật của người khác, gọi là tham, là một trong những phiền não căn bản. Dục có nhiều loại: năm dục, sáu dục, ba dục v.v... Năm dục: say đắm năm cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Sáu dục: say mê sắc đẹp, dung mạo, uy nghi tư thái, giọng nói quyến rũ, làn da mịn màng, tướng người xinh đẹp. Ba dục: ham đắm dung mạo, tư thái, làn da mịn màng.

Theo quan điểm Phật giáo: “Đi đôi với thỏa mãn và tham dục, cái tâm tìm cầu theo chỗ đòi hỏi được thỏa mãn làm nhân cho sự tái sinh”. [10, tr.132]. Nghĩa là, vì phát tâm mong cầu mà tìm kiếm sự thỏa mãn và vì không được thỏa mãn nên cứ gắng sức tìm cầu mãi cho đến vô cùng, đó là cái nhân dẫn đến luân hồi sanh tử. Tất cả những định nghĩa trên đều nói đến dục vọng làm con người khổ đau.

2- Nguồn gốc của dục

Dục là nguyên nhân của khổ đau, nguồn gốc của dục có từ vô thỉ, sự trói buộc của nó đối với chúng sanh trong luân hồi là vô lượng kiếp. Trong kinh Đại khổ uẩn, Đức Phật đã chỉ rõ chiến tranh xung đột của con người xảy ra là do lòng tham dục: “Lại nữa này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lợi tranh đoạt với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với nhau… Họ bắn nhau bằng tên, đâm nhau bằng dao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm, họ đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”. [9, tr.41].

Tham dục không chỉ giới hạn vào tiền bạc, vật chất danh vọng mà nó bao gồm cả lòng tham muốn có được tình cảm của người khác đó còn gọi là tham ái. Ái là một năng lực tinh thần hết sức mạnh mẽ, luôn tiềm ẩn trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nó chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Con người thường thích chạy theo tiếng gọi của ham muốn như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon ngọt, xúc chạm êm ái…

Lòng ham muốn càng mạnh thì chấp ngã, chấp thủ càng mạnh. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến tái sinh từ đời này sang đời khác. Như vậy, cội rễ của mọi tệ nạn xã hội như bạo hành, ma túy, xung đột, trộm cướp, chiến tranh… đều xuất phát từ lòng tham lam hay ái dục. Ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh, ô nhiễm xã hội bắt nguồn từ nội tâm con người bị ô nhiễm. Và đó chính là nguồn gốc gây ra mọi phiền não khổ đau cho con người trong cuộc sống.

Tóm lại, tham dục và ái dục là một năng lực tinh thần hết sức hùng mạnh, luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh và là cội nguồn của bao nhiêu điều bất hạnh trong đời.

Tác hại của dục đến đời sống nhân sinh

1- Tham dục làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái

Nhân loại hiện nay đang chìm đắm trong cảm thọ, hưởng thụ xuất phát từ những cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia. Sự thách thức và sự ô nhiễm môi trường ngày càng có nguy cơ đe dọa loài người. Với xu thế hiện nay ở các nước công nghiệp hóa, xu thế vét cạn tài nguyên làm hủy hoại môi trường, nhằm thỏa mãn lòng tham không đáy của con người. Công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghiệp gỗ đã phá hoại rừng với tốc độ kinh khủng. Rừng là lá phổi của hành tinh chúng ta. Phá rừng là phá hoại hai buồng phổi của hành tinh chúng ta. Thứ nữa, rừng chính là trợ duyên ngăn bớt những dòng thác tràn xuống đồng bằng nhưng khi rừng bị mất thì lũ lụt và cường độ phá hoại cũng tăng lên, đất bị xói mòn, mùa màng bị phá hoại và nạn đói đe dọa khắp nơi.

Theo thống kê hàng năm tại Việt Nam, rừng bị mất khoảng 200.000ha, trong đó khoảng 50.000ha là do khai hoang để trồng trọt. [14, tr.21]. Thứ đến là sự hủy hoại trên lãnh vực công nghiệp. Hàng năm, trong quá trình sản xuất, các nhà máy đã không ngừng thải ra những chất ô nhiễm và độc hại vào không khí, đất và nước. Ở thành phố Hồ Chí Minh, hàm lượng bụi và chì đã tăng vượt quá 3 đến 11 lần. [4, tr.19). Trong đó, có những chất gây bệnh tật như khí CO2 làm giảm năng suất lao động, gây nhức đầu; bụi chì làm yếu cơ bắp, đưa đến bại liệt và làm biến đổi các chức năng của gan, thận, não…

Ở các nước công nghiệp phát triển gặp nhiều tai họa và nhất là nhiều căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh tim, bệnh tâm thần… Tài liệu thống kê chính thức của Mỹ cung cấp những số liệu kinh khủng: một phần tư người dân Mỹ bị ung thư, hàng năm có 800.000 ca ung thư. Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh hiểm nghèo ấy không phải do di truyền hay do vi khuẩn mà là do môi trường bị ô nhiễm bởi những hóa chất mang độc tố gây bệnh ung thư.

Tất cả mọi sự phát triển và thành tựu của khoa học chung quy cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham của con người. Trong khi chạy theo lợi nhuận bên ngoài, con người không những quên đi sự sống của thiên nhiên, của các loài động vật hoang dã, mà còn quên đi đồng loại và cả bản thân mình. Họ không còn ý thức được ý nghĩa của cuộc sống hạnh phúc với sự đua đòi chạy theo vật chất và cũng không biết rằng giá trị đạo đức con người đang dần dần bị suy thoái.

Từ những tiêu cực vừa nêu trên đủ để phơi bày hiểm họa của sự phát triển và mối nguy hiểm của sự ô nhiễm môi sinh, đã và đang đe dọa đời sống con người trên hành tinh chúng ta. Đã đến lúc con người phải có những biện pháp để bảo vệ môi sinh để ngăn chặn nguy cơ diệt chủng.

2- Tham dục làm ảnh hưởng đến gia đình, xã hội

Để thỏa mãn nhu cầu của tham dục, con người phải nỗ lực tìm kiếm chúng, phải đầu tắt mặt tối, phải vất vả, phải hy sinh. Tuy vậy, con người rất khó thỏa mãn cho dù những mong muốn đó nhất thời có được. Những người vất vả như vậy mà vẫn hai bàn tay trắng không có kết quả gì nên thất vọng buồn phiền. Có những người may mắn hơn, có được những gì mình muốn nhưng phải lo giữ gìn, sợ hãi sẽ mất mát, hao mòn. Do mình có tài sản hay mình muốn tài sản, lạc thú mà cha con tranh chấp, vợ chồng chia tay, gia đình ly tán, con cái bơ vơ khốn khổ, bạn bè hãm hại, anh em kiện cáo nhau, dối trá lường gạt, hãm hại… xảy ra; do tham dục mà xóm làng, băng đảng, quốc gia… gây chiến tranh đổ máu. Cũng vì tham dục mà sanh ra thụt két, lường gạt nhau lâm vào vòng lao lý. Biết bao triều đại tiêu vong, gia đình tan nát cũng do con người đắm mê sắc dục. Phật dạy: “Trong các thứ ham muốn, ái luyến không gì sâu nặng bằng sắc đẹp. Sắc đẹp gây ra sự ham muốn chẳng có gì bằng” [1, tr.389].

Vua Trụ là vị Thiên tử cai quản các chư hầu, nhưng trước sắc đẹp nghiêng thành, đổ lũy của Đắc Kỷ, nhà vua cam đành chiến bại, để ngọn gió dục vọng xao xuyến “biển lòng”. Cơ nghiệp Thành Thang cũng theo đó sụp đổ; Dương Quý Phi không kềm nổi dục vọng, tư thông với con nuôi là An Lộc Sơn; Lữ Bố thắng nổi muôn binh, ngàn tướng được người đời Tam Quốc tôn là anh hùng đệ nhứt, nhưng đối đầu với Điêu Thuyền ông lại chiến bại, nỡ giết cha nuôi là Đổng Trác, để cho “bão lòng” ngự trị. Nguyên nhân chính của bao sự đổ vỡ từ gia đình đến xã hội đều do lòng tham dục mà ra. Đức Phật dạy: “Người say mê ái dục giống như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị họa cháy tay”. [1, tr.351].

Do thiếu ý thức và tham đắm dục lạc, con người lại lao vào vòng xoáy của ngũ dục, những lối sống xa hoa truỵ lạc, những thứ làm cho say người như rượu, bia, heroin, phim ảnh đồi truỵ... Tham đắm dục lạc không chỉ riêng ở năm loại là: tài, sắc, danh, thực, thùy mà nó bàng bạc khắp không gian và thời gian, chi phối cả thân thể lẫn tâm hồn của con người. Sự biểu hiện của tham đắm dục lạc rất đa dạng, rất phong phú. Nó là chiếc bóng có mặt trong cách nghĩ, cách làm của mỗi con người, luôn chi phối chúng sanh trong lục đạo. Phật dạy:

 “Người đắm say ái dục,

  Tự lao mình xuống dòng,

  Như nhện sa lưới dệt…”

[8, tr.269]

Đức Phật cũng dạy: “Dục như hố than” [7, tr.174]. Vì sao vậy? Vì người thế gian ưa thích, tham đắm dục lạc, cũng như người bị bệnh phong, ghẻ lở ham muốn được hơ người trên hố than để tìm cảm giác dễ chịu, vì càng hơ vết thương càng thấy dễ chịu hơn, càng nhức nhối càng thích hơ lửa. Con người cũng vậy, càng ham muốn thì càng nghĩ hạnh phúc nằm ở đâu đây nên chạy đi tìm cầu. Nhưng họ đâu biết rằng, người khát nước mà đi uống nước muối thì không bao giờ hết khát; hay như con tằm kéo kén, càng buộc càng bền.

Cuộc sống với bao nhiêu tụ lạc ăn chơi, con người ngày càng nhiều nổi loạn, khủng hoảng về tâm lý. Nhân loại có bị loạn trí mới tìm cách giải trí. Chỉ có người bệnh hoạn mới thích hơ người trên lửa, con người đang ở trong biển khổ mà cho là vui.

Chính vì, con người không nhận thức được tham ái và khát ái là nguồn gốc của khổ đau, nên cứ mãi tìm cầu. Cho nên, Đức Phật dạy: “Ngoài sự trói buộc của dục, ta lại không thấy một sự trói buộc nào khác trói buộc chúng sanh khiến cho phải luân hồi mãi mãi”. [10, tr.131]

3- Tham dục tạo ra chiến tranh

Nguyên nhân gây nên sự đau khổ cho cá nhân và loạn lạc cho xã hội xét ra rất nhiều nhưng tựu trung chính là lòng tham dục. Trong kinh Trung bộ, Đức Thế Tôn khẳng định: “Chính tham, sân và si là cội nguồn của mọi ý tưởng và hành vi bất chánh, khiến con người trở thành mù lòa, gây khổ đau cho mình, cho người, không đưa đến an lạc hòa bình”. [7, tr.42]

Lịch sử loài người từ xưa đến nay gây nên biết bao núi xương, sông máu. Và ngày nay chiến tranh không hề chấm dứt mà nó bùng nổ khắp nơi với tầm mức ngày càng khốc liệt. Khoảng cách giữa người nghèo và người giàu không được thu hẹp mà còn mở rộng rất nhanh cùng với mức độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Chúng ta không thể không nhìn thấy sự thật là từ sau thế chiến thứ hai cho tới nay, trên thế giới này đã từng xảy ra hơn trăm trận chiến lớn nhỏ, tuy có tính địa phương và khu vực nhưng không kém phần dữ dội, tàn ác. Hơn 16 triệu người đã chết, trong số đó, người dân lành vô tội nhiều hơn là binh lính. Các cuộc xung đột vũ trang xảy ra ngày càng dồn dập hơn...

Đức Phật dạy: “Dục như miếng thịt” [7, tr.174]. Một con chim dành được miếng thịt liền bay bổng lên không trung, trong khi những con chim khác cũng đang cố tìm mồi. Vì vậy, chúng đuổi theo để giành giật miếng thịt, chúng cấu xé lẫn nhau để được miếng mồi. Thế là, chẳng con nào chịu nhường con nào và cuộc tranh đấu quyết liệt diễn ra.

Cũng vậy, chiến tranh xảy ra cho loài người cũng bắt nguồn từ lòng tham, sự chinh phục, giành giật và theo đuổi, quyền lực và sở hữu. Con người cố tìm kiếm, cố tạo dựng hạnh phúc cho mình từ cái gì khác ở bên ngoài. Vì sự tự kỷ mà con người xung đột với nhau, chiến tranh và chết chóc không ngừng xảy ra trên cuộc đời này. Trên thực tế, con người luôn ham muốn. Họ mải đi tìm lẽ sống, đó là hạnh phúc về tình yêu, về tài sản, danh vọng và địa vị. Cái mà người ta cho là lẽ sống của cuộc đời này cuối cùng chỉ là ảo ảnh, phù du. “Dù nhìn từ góc độ nào, dù tiến theo hướng nào; chúng ta như những trẻ nít đuổi bắt cánh bướm. Khi đã nắm được xác bướm trong lòng bàn tay, ít ai tự hỏi chinh phục và chiến thắng này có ý nghĩa gì? Và ta vẫn mải miết đuổi theo những cánh bướm này rồi đến những cánh bướm khác”. [13, tr.5].

Có câu chuyện kể rằng, hơn hai ngàn năm về trước, có một vị vua là Đại đế Asoka, khi đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, ông cũng không dừng lại. Vó ngựa của ông chinh phạt nhiều nơi và ông trở thành vị thống lĩnh của một vương quốc hùng cường rộng lớn. Nhưng rồi sau một trận chiến, ông chống gươm nhìn lại và tự hỏi “Đây có phải là chiến thắng không? Đây có phải là điểm dừng của sự thỏa mãn và hạnh phúc không?”

Có lẽ, do lòng dục chinh phục, ông đã thất bại chính mình mặc dù đã thắng được kẻ thù, bởi Đức Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” [8, tr.33]. Trong khi ông chiến thắng được đại quân ở sa trường thì ông đã bị lòng tham hạ gục và sai sử. Một nguyên nhân khác có lẽ còn quan trọng hơn những nguyên nhân kể trên để đưa đến chiến tranh và đau khổ đó là sự si mê, tham ái. Thật vậy, chính sự si mê, tham ái nên con người không nhận thức được hậu quả tai hại do chính bản thân mình gây ra.

Đức Phật dạy: “Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải bị cái hại đứt lưỡi” [1, tr.388]. Chính vì vậy, con người cần phải buông bỏ tham dục. Nhưng buông bỏ bằng cách nào?

Phương pháp chế ngự và đối trị dục

Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội bắt nguồn từ nội tâm con người bị ô nhiễm bởi ba độc tham, sân, si. Do đó, chữa bệnh không thể chữa từ ngọn. Đối trị những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như chiến tranh, bạo hành, ma túy, ô nhiễm và hủy hoại môi sinh cũng vậy. Phải đối trị từ trong tâm của con người, của mỗi chúng ta, mà lòng tham không đáy gây ra. Chính vì tham dục và khát ái là mầm mống của khổ đau, cho nên con người muốn thoát khổ cần phải “xả ly ngũ dục” [12, tr.100].

Đức Phật dạy:

 “Đa dục vi khổ,

  Sanh tử bì lao,

  Tùng tham dục khởi,

  Thiểu dục vô vi,

  Thân tâm tự tại”. [11, tr.38].

Đi vào thực tiễn của đời sống với nhận thức chánh kiến, con người cần phải thực tập hạnh thiểu dục(1) và tri túc(2). Trong kinh Di giáo, Phật dạy: “Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý” [2, tr.415]. (Người biết đủ dù nằm ở trên đất cũng thấy an lạc, còn người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý).

Tu tập quán chiếu Tứ niệm xứ, trang bị cho mình nhận thức rõ về thân, về thọ, về tâm và về pháp. Tu tập hạnh thiểu dục tri túc sống đời thanh bạch từ bỏ các lạc thú ở đời, nhờ vậy trí tuệ được tăng trưởng, tuệ giải thoát phát sinh.

Quán chiếu để thấy rõ bản chất của năm dục lạc đưa đến tội ác và tai ương hoạn nạn, mà hoạn nạn lớn nhất là trí tuệ bị che khuất và chìm đắm trong vòng sanh tử. Phải tu tập để chiến thắng sự kiềm tỏa của năm dục, phải triệt tiêu áp dụng của chúng trong nội tâm mình.

Kinh Trung bộ đưa ra công thức: “Nhàm chán đưa đến ly tham, ly tham đưa đến đoạn diệt, đoạn diệt đưa đến Niết-bàn” [7, tr. 619]. Vậy để dừng lại tham dục phải có thái độ nhàm chán. Sau đó, là sự gần gũi, tu tập trong Chánh pháp phát triển xu hướng ngược lại của thói thường như trong kinh văn gọi là “Thường niệm tri túc”.

Kết luận

Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ và bám víu vào những gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu và vướng mắc, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc.

Như vậy, hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều. Đó là quy luật. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít, hạnh phúc ít mà buồn sầu đau khổ thì nhiều. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn…

Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục. Ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt; ngọn lửa càng yếu thì nước sôi sẽ bớt nhiệt độ và hết sôi. Cũng vậy, ngọn lửa tham dục bớt đi thì đau khổ sẽ giảm, giảm mãi hàng ngày đến lúc không còn giảm nữa thì con người sẽ thoát khỏi được những phiền não khổ đau do tham dục gây ra và sự giải thoát tối hậu được thành tựu.

 Thích nữ Phúc Thuận

__________________

 (1) Thiểu dục: ít muốn.

(2) Tri túc: biết đủ.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Đoàn Trung Còn dịch, 2004, kinh Tứ thập nhị chương, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

2. Đoàn Trung Còn, 2004, kinh Di giáo. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

3. Minh Chiếu sưu tập, 1999, Truyện cổ Phật giáo Việt Nam, tập I. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

4. Nguyễn Thiện Tổng, 1991, Bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau, HCM: NXB.TP.HCM.

5. Tâm Tuệ Hỷ, 2005, Danh từ Phật học, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

6. Thích Minh Cảnh, 2007, Từ Điển Phật học Huệ Quang, NXB.Tổng hợp TP.HCM.

7. Thích Minh Châu dịch, 2012, kinh Trung bộ. Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

8. Thích Minh Châu, 2000, kinh Pháp cú, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

9. Thích Minh Châu, 2006, Tâm từ mở ra khổ đau khép lại, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

10. Thích Quảng Độ dịch, 2007, Nguyên thủy P hật giáo tư tưởng luận, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.

11. Thích Thanh Từ, 1993, Kinh Bát đại nhân giác giảng giải, TP.HCM: Thành hội Phật giáo TP.HCM.

12. Thích Viên Giác, 1998, Tài liệu giảng dạy - Kinh Bát đại nhân giác, Trường cơ bản Phật học Long An.

13. Tuệ Sỹ, 2001, Đạo Phật và tuổi trẻ, Tu thư Phật học, Viện cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang.

14. Việt Nam những vấn đề tài nguyên và môi trường (1998), HCM: NXB.Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Báo Giác Ngộ số 1281 ra ngày 6-12 có nội dung gì đặc biệt?

Báo Giác Ngộ số 1281 ra ngày 6-12 có nội dung gì đặc biệt?

GNO - "Mỗi lần tái sanh trên cuộc đời, các Bồ-tát học được một số việc. Việc thứ nhất là Bồ-tát nghĩ đến Vô thượng Bồ-đề, làm sao trong cuộc đời, hiểu biết của mình nâng đến độ cao nhất có thể được. Cho nên, đối với tôi là học và tu. Học là trên sách vở, tu là trong cuộc sống...". 
Giáo sư Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Văn Khê biết tụng kinh từ khi 4 tuổi!

GNO - Trong chương trình giao lưu với các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh tại chương trình “Thai giáo và phương pháp nuôi dạy con”  tại Hà Nội vừa qua, vị giáo sư tài ba và đáng kính Trần Văn Khê đã chia sẻ những câu chuyện làm bất ngờ biết bao khán giả, trong đó có tôi.
Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.

Thông tin hàng ngày