Mái ấm của những trái tim nhỏ

Ba năm nay, người dân thôn Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã quen với hình ảnh vị sư thầy ngày đêm tần tảo, chăm chút cho sáu trẻ nhỏ. Người ta gọi thầy bằng một cái tên trìu mến "Mạnh Thường Quân" của những mảnh đời cơ nhỡ. Đó là sư thầy Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Sùng Nghiêm (Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương).

Bến bờ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được thầy. Trong đầu tôi luôn đặt ra câu hỏi: "Thầy trụ trì tại chùa này, sao phải đi nhiều đến vậy?". Hóa ra, đó là những chuyến đi từ thiện thầy thực hiện cùng Hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nhằm cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh.

Sinh ra tại TP Hải Dương nhưng thầy Lương lại không thích cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ chốn thị thành. Bén duyên với cửa Phật từ khi 14 tuổi, thầy Lương rất thích đến những ngôi chùa gần nhà mong tìm được sự thanh thản trong cuộc đời. Được các sư thầy giúp đỡ và cho đi theo trong những hành trình từ thiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và trại phong các tỉnh, thầy Lương sớm thấm nhuần giáo lý nhà Phật "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa"…

Tháng 8/2006, thầy bắt đầu nhận nuôi trẻ sơ sinh mồ côi. Bé đầu tiên được thầy đón về là Vương Tâm Phúc bị bỏ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ngay sau khi nhận được tin báo của bác sĩ về một bé trai nặng 3kg rất kháu khỉnh bị sản phụ bỏ rơi ở bệnh viện, thầy không đắn đo suy nghĩ làm thủ tục nhận cháu về nuôi. Bảy tháng sau, thầy đón bé thứ hai Vương Tâm Đức về chùa chăm sóc. Đó là kết quả tình yêu của một đôi sinh viên trẻ người non dạ nên đành dứt ruột bỏ con đi vì e sợ điều tiếng cho bản thân và gia đình. Bé thứ ba là một bé gái xinh xắn Vương Tường Thúy, sinh ra trong một gia đình nông dân ở Nam Định, vì hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ đành gửi con cho ở chùa đến năm 18 tuổi…

"Tiếng lành đồn xa", số lượng trẻ thầy nhận nuôi trong chùa ngày càng tăng lên. Đến nay, thầy đã nhận nuôi sáu trẻ nhỏ có hoàn cảnh cơ nhỡ. Bé lớn nhất chưa đầy 3 tuổi, nhỏ nhất là bé Vương Tường Vi, mới được hơn một tháng tuổi. "Mỗi bé là mỗi cảnh đời đáng thương cần được sự cưu mang, giúp đỡ. Thầy không thể dửng dưng quay mặt đi khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh như thế" - Thầy tâm sự.

Nuôi con thì phải khai sinh cho con có tên, có họ đầy đủ. Nghĩ vậy, thầy đã lấy họ đẻ của mình để đặt tên cho sáu "đứa con" lần lượt là: Vương Tâm Phúc, Vương Tâm Đức, Vương Tường Thuý, Vương Tường Linh, Vương Tâm Hoà và Vương Tường Vi với mong muốn các bé sau này lớn lên sẽ làm những việc có tâm có đức, được hưởng cuộc sống an lành, không phải chịu nỗi bất hạnh…

Ba mươi tuổi, còn quá trẻ để có thể đảm đương chức vụ một người cha nuôi sáu đứa con nhỏ, nhất là đối với người tu hành như thầy. Dưới bóng cửa Phật, thầy không dứt gánh lo đi để thanh thản với kinh kệ, mà hướng đạo vào đời, quan tâm đến những mảnh đời cơ cực.

Mái ấm của những trái tim nhỏ ảnh 1

Thầy Thích Thanh Lương luôn tâm niệm "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa".

Trung tâm nuôi lòng từ bi

Với tấm lòng từ bi, đã từ lâu thầy Thích Thanh Lương ấp ủ mong muốn thành lập một Trung tâm từ thiện. Theo thầy, Trung tâm đó phải có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho cuộc sống của các bé với phòng chăm sóc sức khỏe, phòng ăn, phòng vui chơi giải trí, phòng đọc sách,… tạo điều kiện cho các bé phát triển một cách bình thường. Tuy nhiên, do chùa thầy trụ trì ở vùng quê nghèo xa xôi nên rất ít khi nhận được sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và bạn đọc gần xa. Mọi chi phí ăn ở của các bé đều do nhà chùa tự túc nên còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Có những lần các bé phải ăn nước cháo mấy ngày liền vì thầy hết tiền mua sữa. Rồi nhiều đêm trời mưa, giá rét, thầy phải thức trắng trên bệnh viện để trông trẻ đau ốm. Nhiều lúc như vậy, thầy cũng thấy cơ cực nhưng rồi lại tự động viên bản thân cố gắng vượt qua.

Mặc dù điều kiện hiện tại chưa cho phép thầy thành lập được Trung tâm, nhưng thầy vẫn coi chùa Sùng Nghiêm nơi thầy trụ trì là một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, một tập thể sống hết lòng vì nhau: "Trung tâm từ thiện không cứ phải cần giấy tờ chứng nhận trên danh nghĩa, thầy luôn coi nơi đây là một trung tâm nuôi lòng từ bi, nuôi dưỡng những mầm xanh của đời. Hạnh phúc chính từ nơi mình mà ra".

Ba năm qua, không quản ngại khó khăn gian khổ, thầy Thích Thanh Lương như con ong cần mẫn dốc tâm nuôi dưỡng những "đứa con của xã hội", ươm những mầm xanh tươi sáng cho đời. Thầy nuôi trẻ với tấm lòng từ thiện không mong được đền đáp công ơn: "Niềm vui lớn nhất đối với thầy là thấy các con mạnh khỏe, khôn lớn, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đó cũng là mong muốn duy nhất của thầy khi nhận các cháu về mái ấm tình thương này".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày