Mái ấm ở phường Hòa Hải

GN - Nằm sâu trong hẻm 291, đường Lê Văn Hiến, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, ít ai biết nơi đây có một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi đang từng ngày chở che cho những mảnh đời bất hạnh. Cơ sở vật chất và điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng mái ấm này trong suốt 19 năm qua đã làm nên những điều thật đáng quý...

Tình người ở mái ấm

Trong một lần cùng anh Hoàng Nhân Ái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hãy Tìm Nhau đến với Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi ở phường Hòa Hải, chúng tôi thật sự thấy lòng mình chùng xuống khi chứng kiến tình người và những mảnh đời nơi đây. Tại nơi này, hiện tại có 23 em mồ côi, trong đó có 15 em bệnh tật nặng được cưu mang, dạy bảo và chữa bệnh với nguồn kinh phí phần lớn dựa vào tấm lòng của các nhà hảo tâm từ mọi nơi.

ANH XH (2).jpg

Các bé khuyết tật được chăm sóc chu đáo

Theo bà Trần Thị Nhì (sinh 1955), Giám đốc Trung tâm thì cơ sở này được hình thành và đi vào hoạt động từ tháng 3-1995. Lúc ấy, mọi điều kiện còn hết sức khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, nhân viên và những thành viên sáng lập vẫn kiên trì cố gắng cưu mang 15 cháu. Bởi đây là cơ sở từ thiện ngoài công lập, kinh phí hoàn toàn dựa vào một số mạnh thường quân, đặt dưới danh nghĩa bảo trợ của Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng nên gặp nhiều khó khăn hơn so với các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi công lập trên cùng địa bàn thành phố.

 Ban đầu, đó chỉ là một căn nhà nhỏ, mái tôn tường gạch mỏng manh trước những thiên tai bất thường. Nhưng rồi, với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, nhân viên nơi đây, dần dần mọi thứ cũng tốt lên. Cơ sở dần được cải thiện, đời sống của các em nơi đây cũng đang được chăm lo chu đáo từng ngày.

Trong 23 mảnh đời mồ côi, bệnh tật ở đây, mỗi em đều mang một số phận rất bi thương khi được đưa vào trung tâm. Phần lớn là mắc các bệnh hiểm nghèo, khó chữa trị như não úng thủy, bại liệt, bại não,  down , tâm thần, tim bẩm sinh.... Điển hình như trường hợp em Lê Thị Nga (8 tuổi) vừa bị câm điếc, vừa bị động kinh. Mỗi lần em lên cơn, trông rất đau lòng. Nhưng vì em vừa câm vừa điếc nên việc giúp đỡ, cho ăn và uống thuốc của các nhân viên hết sức khó khăn. Hay em Trần Thị Tâm (6 tuổi), bị bệnh bại não bẩm sinh, lại cong vẹo người. Từ khi vào đây đến giờ, em chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào các bảo mẫu. Xót xa hơn là hoàn cảnh của em Trần Văn Hùng, bị úng thủy và bại liệt 16 năm nay.

Để lo cho các em mồ côi, bệnh tật ấy từng ngày, 11 cán bộ và nhân viên tại trung tâm đã không quản những khó khăn, vất vả. Có lẽ gắn bó nhiều nhất với các em nơi đây là chị Nguyễn Thị Tánh, Tổ trưởng Tổ Bảo mẫu. Với 16 năm cùng ăn, cùng ở với những đứa trẻ bất hạnh nơi này, chị đã xem chúng như những đứa con của mình.

Khó khăn đang chờ phía trước...

Đã vượt qua những khó khăn trong suốt 19 năm qua nhưng Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi tại phường Hòa Hải vẫn đang còn rất nhiều thiếu thốn. Do đặc thù đến bây giờ vẫn còn là một trung tâm ngoài công lập nên mọi kinh phí lo cho các hoàn cảnh nơi đây đều phụ thuộc vào tấm lòng của các nhà hảo tâm. Từng ngày, cán bộ trung tâm vẫn đi kêu gọi khắp nơi để mong kiếm thêm vài hộp sữa hay thuốc chữa bệnh cho các em. Nhưng để có được lòng tin hay sự biết đến của các nhà hảo tâm không phải là một việc dễ.

Ngay cả tiền lương của 11 cán bộ và nhân viên bảo mẫu của trung tâm cũng bấp bênh theo nguồn kinh phí. Dù sống và làm việc bằng tấm lòng yêu thương nhưng họ vẫn trăn trở từng ngày, khi những nhu cầu cuộc sống mỗi ngày càng cao mà lương thì chỉ mang tính chất tượng trưng mà thôi. Bởi vậy, duy trì được số lượng nhân viên làm việc được tại đây cho đến bây giờ cũng đã là một sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ trung tâm.

An XA.jpg

Các em nhỏ bất hạnh được chăm sóc tại mái ấm

Bà Trần Thị Nhì, Giám đốc Trung tâm vẫn hàng ngày luôn trăn trở về những khó khăn của mái ấm này. Bà chia sẻ: “Về phía chính quyền địa phương, hàng năm cũng chỉ giúp trung tâm một vài suất quà vào dịp Tết, còn lại, mọi chi phí chúng tôi đều phải tự lo và trang trải. Làm quản lý ở đây 14 năm rồi, có nhiều lúc tưởng chừng như tôi muốn buông tay, khi khó khăn nhiều lúc tưởng chừng như khó vượt qua.

Nhưng vì các cháu, cán bộ nhân viên chúng tôi động viên nhau chịu khổ một chút. Giờ, lo nhất là cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi dạy cũng như tập vật lý trị liệu cho các cháu. Vấn đề nữa là thức ăn và thuốc điều trị thường xuyên hàng ngày. Dẫu đã có một số cá nhân, tổ chức đã đến và chia sẻ, nhưng chúng tôi mong có thêm nhiều cánh tay cùng nắm lại với chúng tôi, để lo cho các cháu được nhiều hơn...”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày