Mầm Xuân

Mầm Xuân
Ngày xuân, mọi người gặp mặt luôn chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Chúng ta luôn tìm những mỹ từ để trao nhau trong những ngày đầu xuân. Vì theo quan niệm nhân gian, ngày đầu của một năm mới mà nói những lời kiết tường thì suốt năm sẽ được kiết tường như ý.

Nghe cũng hay, vì như vậy mọi người sẽ cố dọn sạch thân tâm để suy nghĩ, nói năng, hành động những điều hiền thiện. Phải chi mỗi ngày đều là những ngày xuân thì Ta bà đỡ khổ lắm, do ai cũng kiêng kỵ không dám tạo ác nghiệp vì sợ xui cả năm. Nhưng cũng có một số người làm những chuyện gian dối vào những ngày này. Chắc họ chẳng thèm tin những kinh nghiệm ông bà xưa chi cho mệt, miễn sao lợi mình là được.

Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở. "Một trời trong sáng, nơi nơi liễu thắm hoa hồng/Muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh kêu bướm lượn", trong bài Bốn núi, vua Trần Thái Tông đã tả như thế. Mùa xuân cây lá đâm chồi, muôn hoa khoe sắc, nên "tướng sanh của người là mùa xuân của năm". Một chúng sanh được ra đời ai cũng hân hoan chào đón. Mừng ngày bạn sinh ra nơi cõi đời này, mừng ngày bạn có sự sống mới trong chốn nhân gian. Mà chúng sanh lạ lắm, sinh thì mừng nhưng tử lại sầu. Chết họ khổ đau lắm, nghĩ rằng từ đây không còn gặp nhau nữa, mất hẳn một người thân nên buồn thương là chuyện thường. Dẫu biết rằng thân này mộng huyễn, muôn pháp như hoa đốm giữa hư không nhưng chúng sanh vẫn muốn hợp chứ chẳng muốn tan, được chứ chẳng mất. Sở dĩ chúng sanh khổ là vì lẽ đó, muốn tiền tài, danh vọng, người thân... còn mãi với chúng ta, mà không được như ý toại lòng nên khổ. Phật nói muốn như vậy không được, vì tất cả đều vốn vô thường. Nếu nó không thay đổi thì chúng sanh cũng khó mà thành Phật, vì chúng sanh là chúng sanh mãi. Nhờ vô thường mà chúng sanh mới chuyển hóa thành Như Lai, được an lạc giải thoát, sướng hơn không?

Cho nên đối với cái nhìn của người đạt đạo thấy sinh tử là lẽ thường nhiên, thân này thành do duyên do nguyện, thân này hoại là hết duyên hết nguyện, thế thôi. Sống trong cõi khổ mà các Ngài không khổ, vì các Ngài thấy rõ thực tướng của muôn pháp là không, tất cả đều trả về tướng không thì có gì phải đắm luyến.

Thiền sư Giác Hải sống khoảng thế kỷ XI-XII, đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông. Trước lúc sắp tịch, Sư gọi chúng nói kệ:

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.

Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,

Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.

Dịch:

Xuân về hoa bướm gặp nhau đây,

Hoa bướm phải cần họp lúc này.

Hoa bướm xưa nay đều là huyễn,

Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây.

HT.Thanh Từ dịch

Mùa xuân đến, hoa nở rực nên bướm ong bay lượn khắp vườn. Thời tiết xuân về bướm hoa chung họp lại. Cũng như nhân duyên hội đủ, ta có thân này trên cõi trần hoàn. Rồi một ngày nào đó, nó cũng sẽ ra đi vì "bướm hoa xưa nay đều là huyễn", thân này là mộng huyễn bào ảnh, có hợp ắt có tan. Nhưng không vì sự phân ly tan hoại mà Thiền sư đau khổ. Ngài thấy chẳng có gì đáng bận lòng, chỉ cốt "giữ tâm bền chặt" thây kệ bướm hoa. Với con mắt trí tuệ, Thiền sư thấy rõ thân là giả tạm huyễn có nên không sợ mất, không bám víu. Các Ngài chỉ giữ chặt cái tâm trong sáng không tan hợp, sống miên viễn với nó thì sá chi bướm hoa đi hay ở. Đó là sự khác biệt giữa người sống đạo và chúng sanh mê lầm. Cũng sống chết, nhưng bậc giải thoát không vui buồn, còn phàm phu thấy có hạnh phúc nên có khổ đau. Chỉ chuyển một cái nhìn mà hai trạng thái phân ranh.

Thiền sư Thủy Nguyệt-Thông Giác (1637- 1704), đời thứ 36 thuộc tông Tào Động. Một hôm Sư ngồi trên ghế thấy con chim xanh bay đến, liền giác biết. Tức là Sư biết duyên sắp mãn nên chim đến báo điềm. Lúc đó Sư tự ngâm:

Xuân hoa khai liễu phục thu sương,

Phù thế ninh năng đắc cửu trường.

Tranh tự tiêu dao thiên ngoại thích,

Càn khôn ư thử hữu hà phương.

Dịch:

Hoa xuân nở hết lại sương thu

Phù thế cuộc đời khó bền lâu.

Ra thẳng ngoài trời cho thỏa chí

Càn khôn nơi ấy có chừng đâu.

HT.Thanh Từ dịch

Xuân đến hoa nở, xuân đi hoa rụng nhường cho hạ thu đông, đó là luật tuần hoàn của đất trời. Hạ, trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, hoa tàn liễu úa. Thu, sương móc vừa sa, lá cây rơi rụng. Đông, khắp trời mưa tuyết, dương khí tan dần, đóng băng lạnh buốt. Bốn mùa thay nhau biến chuyển, đủ sắc đủ hương cho một đời người. Cho nên "hoa xuân nở hết" thì "lại sương thu". "Phù thế cuộc đời khó bền lâu" cuộc đời nhân thế là phù âu, bọt nước đâu được lâu bền. Thấy đó tan đó vì nó là bọt, bóng là phù du thì làm sao nói đến chuyện trăm năm. Nó thay đổi trong từng sát na, ngay trong mầm sống đã có sự hủy diệt, thế gian chẳng có gì bền chắc. Ngay thân này, Thiền sư cũng thấy rõ nó là một chùm duyên nối kết lại rất mong manh tạm bợ. Dại gì các ngài dính bám vào nó, để cái tâm bó hẹp trong cái thân mấy mươi ký lô này. Mà các Ngài "ra thẳng ngoài trời cho thỏa chí", phải thoát ra cái khung kiến chấp, thẳng đến chỗ siêu thoát mới thỏa chí bình sanh. Có thật sống với cái thênh thang không bờ mé, Thiền sư mới thấy "càn khôn nơi ấy có chừng đâu". Khi tâm các Ngài tan vào pháp giới, hòa cùng hư không thì đất trời là một với Thiền sư. Không có sự hạn cuộc giữa càn khôn và tâm thể tròn đầy, mới gọi là dung dung tương nhiếp, hòa lẫn vào nhau, thông suốt như nhau nên các Ngài thấy trời đất nơi ấy chẳng là bao.

Với ánh sáng tuệ giác, Thiền sư thấu rõ được lý duyên sinh. Thật sống với bản tâm như nhiên thì chuyện đến đi chẳng làm vướng chân của các Ngài. Vì xuân có tàn hoa tuy rụng hết, nhưng đêm qua sân trước vẫn còn một cành mai. Một cành mai có thể là khô gầy, nhưng mùa xuân năm sau cành mai này sẽ kết nụ nở hoa, tiếp tục dâng cho đời những sắc vàng tươi thắm. Thân có tan hoại nhưng cái tâm chân thật không hoại tan, các Ngài sẽ vì bi nguyện mà tiếp tục hóa thân vào đời để độ nhân sinh, đến đi đâu đáng bận lòng.

Là người con Phật, chúng ta phải tập sống với Phật tâm, có sống với tâm Phật của chính mình mới không bị khổ đau khi tứ đại phân ly bức bách. Một đại trục trặc chúng ta cảm thấy chịu còn không nổi, huống chi bốn đại cùng nhau tan rã thì đau đớn nào bằng. Mới thấy người xưa đạo lực quá cao, "sanh tử bức nhau chừ nơi ta ngại gì" (Tuệ Trung thượng sĩ). Còn chúng ta quá nhỏ bé, yếu đuối so với các ngài, chẳng được gì cả ngoài cái tâm chợt vui chợt buồn, luống thẹn với lòng vì hao cơm tín thí.

Mong rằng một mùa xuân mới lại đến, sẽ mang đi những xác chết vọng tưởng điên đảo của đông tàn, nẩy những mầm xuân tâm tươi mới. Để chuyển hóa chính mình trong thời khắc giao xuân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày