“Mang Tết” đến cho học sinh… trường làng

GNO - Chỉ một chiếc áo ấm, một đôi dép mới và bì bánh kẹo, tất cả chưa đến 150 ngàn nhưng đã đem đến mùa xuân ấm áp cho các em đồng bào dân tộc. Nghe có vẻ lạ nhưng đó là tất cả những gì mà chúng tôi ghi nhận được khi đến với các học sinh nghèo, tại bốn điểm trường làng vùng cao, tỉnh Gia Lai trong những ngày giáp Tết. 

“Áo ấm cho em”

 Đó là tình cảm yêu thương mà NS.Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng các Phật tử gom góp, trao tặng 1.000 chiếc áo ấm, 1.000 đôi dép mới và hơn 1.200 phần bánh, kẹo, sữa đến các em học sinh đang học tại trường làng.

Tại điểm trường làng Bok Rei, xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa, khi thấy đoàn từ thiện phát quà, chị Klep mừng rỡ cho hay: “Mình thấy con mình được cho áo, cho dép mình mừng lắm. Mấy bữa trời lạnh, con mình không có áo mặc, không có dép mang luôn. Từ bữa nay con mình được ấm rồi, mừng lắm”.

gialai.1.JPG

Học sinh vui mừng khi Ni sư Huệ Dâng mang "mùa xuân yêu thương" đến trường làng - Ảnh: H.Nam

Khoác chiếc áo lên người, em Bơn, học sinh Lớp 2 trường làng Bok Rei vui mừng ra mặt. Khi được hỏi, có thích không, em Bơn bẽn lẽn trả lời: “Con thích, con chưa có áo nào đẹp như vầy, cũng chưa có dép đẹp vầy luôn. Nhưng mà, áo và dép mới này, con chỉ dám mang đi học thôi...”. 

Nhìn các em hồ hởi với áo ấm và dép mới, cô Hưng Giang rạng rỡ hạnh phúc: “Những ngày cuối Đông và mùa Xuân này các em được ấm, không phải lạnh nữa. Quà này quý lắm, có nhiều em chỉ có một bộ đồ phong phanh đi học, chân không dép đến trường. Các em học cả ngày, hôm nào mà tối giặt đồ phơi không kịp khô là hôm sau em nghỉ học, hoặc có em mặc luôn đồ ướt đi học”.

Vừa bước chân đến điểm trường làng Queng O, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, lòng chúng tôi thắt lại khi nhìn thấy lớp học của các em, phòng nào cũng bị vỡ kính. Có phòng kính vỡ ít, có phòng kính vỡ nhiều, gió lùa rít qua từng mãnh kính vỡ. Nhìn các em phong phanh áo mỏng, chân không tất, dép có đứa có, đứa không, chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh khi gió thổi vào phòng học.

Những đứa trẻ ở đây dường như chưa bao giờ được tặng quà và quần áo mới. Khi thấy từng thùng quà của đoàn di chuyển vào sân trường, từng đôi dép mới tinh, chiếc áo ấm rực rỡ được khui ra, và những phần bánh kẹo được cho vào bịch nhỏ, ánh mắt của các em cứ nhìn theo, hướng về.

Rồi khi được tặng quà, mang dép mới, mặc áo khoác mới, có đứa còn ngẫn người ra vì không tin tất cả những thứ vừa được cho là của mình. Có em còn hỏi đoàn: “Cái áo này cho con thiệt hả cô, đôi dép này cũng của con hả cô”. Khi mọi người gật đầu, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt trẻ thơ.  

Thương nhất là tại điểm trường làng Đê Pral và Đê Sơmei, xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa. Quà vừa được tặng, là các em bóc ra ăn ngấu nghiến ngay tại chỗ. Em My bảo rằng: “Bánh ngon, sữa ngon, con rất thích”. Hỏi em, đã bao giờ được ăn bánh ngon như vầy chưa, em bảo: “Lần đầu tiên con được vừa ăn bánh và vừa uống sữa. Hàng ngày, con nhịn đói đi học, một ngày con thường ăn cơm một lần”.

Hỏi ra mới biết, ở đây các em không chỉ thiếu mặc, phải đối diện thường xuyên với cái lạnh dưới 10 độ vào những tháng ngày cuối năm và những ngày đầu năm mới; mà các em còn thiếu ăn, chịu đói đến trường. Cái bánh, cái kẹo, hộp sữa với em thật xa xỉ, cho nên khi được ai cho là ăn ngấu nghiến. Chiếc áo ấm và đôi dép cũng đủ làm các em vui như ngày Tết.

Em vui... thầy càng vui

Nhưng các em vui một, thầy Lưu Văn Thống, giáo viên của trường vui gấp đôi, gấp ba lần. Thầy Thống trải lòng mà khóe mắt rưng rưng: “Tui chưa thấy đoàn từ thiện nào đến phát quà nhiều cho các em thế này. Tui thương các em nhưng tui cũng không có điều kiện cho các em ăn no, chỉ có thể tận tụy cho các em kiến thức và con chữ. Áo ấm, dép mới, bánh kẹo và sữa là những thứ mà ngày Tết đôi khi các em cũng không có được, với nhiều em đó chỉ là mơ ước...”.

Trao từng phần quà cho các em, cô Kim Dung, pháp danh Diệu Nhan xúc động: “Mặc dù định cư ở Mỹ vài năm, phần nào quen với khí hậu lạnh nhưng đến Gia Lai mình phải mặc áo ấm. Khi đến đây, thấy các em phong phanh mỗi chiếc áo mỏng, chân đất, dép đứt, lòng mình ngỗn ngang, cảm xúc. Đến khi tận tay mặc cho các em áo ấm, thay cho em đôi dép mới, bỏ đi đôi dép cũ. Các em được ấm, được vui, trong lòng mình thấy phần nào sự bình an”.

AA (3).JPG

 Hơi ấm mùa xuân của học sinh trường làng ở Gia Lai - Ảnh: H.Nam

Riêng tại điểm trường làng Tào Kuk, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, khi từng phần quà được trao cho các em, các cô giáo đều mỉm cười, nhắc các em rằng: “Phải chăm đến lớp học thì mới được nhận quà, bạn nào nghỉ học sẽ bị lấy quà lại nha”.

Thắc mắc, hỏi thăm thì cô Kim Cương, giáo viên của trường bộc bạch: “Hàng ngày ba cử, các cô giáo phải thay phiên nhau đến nhà vận động các em đến trường. Phải bỏ tiền túi mua kẹo để dụ các em. Có quà, thì các em thích thú trong việc đi học, không nghỉ học, không phải chịu thiệt thòi trong việc tiếp cận kiến thức, không phải tảo hôn. Cho nên khi các em được phát quà nhiều như thế này, các cô giáo mừng lắm”.

Có đi đến những vùng sâu, vùng xa, vào tận bảng làng như thế này và có nghe, thấy trực tiếp mới hiểu được sự tận tâm, tấm lòng cao cả các thầy cô giáo. Những con người tận tụy, yêu thương, lấy tương lai của các em làm thước đo cho hạnh phúc cá nhân mình. Và cũng từ đây phần nào hiểu thêm, vì sao các trẻ em đồng bào dân tộc vùng cao luôn chứa sức hút mãnh liệt với Ni sư Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước.

... Tặng bánh kẹo, quần áo là đoàn dụ được em đến lớp nên trong các hoạt động từ thiện, Ni sư Huệ Dâng không ngại đường đi khó khăn, vào tận trường làng, đến với các em để bao bọc. Bởi các em còn cả một cuộc đời dài rộng phía trước. Giúp được một cuộc đời trẻ em chuyển sang hướng tốt, là kéo theo sau đó biết bao cuộc đời khác.

Hạnh Ý

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày