“Mất nhân phẩm, chỉ mất phân nửa cuộc đời”

GNO- Câu triết lý ấy đã thuyết phục tôi hoàn toàn khi tôi gặp được chị,  một người phụ nữ với chuỗi ngày thanh xuân chìm sâu trong mại dâm, xì ke ma túy, bê tha trong cờ bạc, rượu chè. Nhưng khi được vực dậy, nhìn thấy được ánh sáng từ sự quan tâm của cộng đồng xã hội, chị đã làm lại cuộc đời.

Với lý tưởng sống tốt, sống đẹp cho phần đời còn lại, chị không những được cộng đồng dang tay chào đón mà câu chuyện đời của chị còn tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những ai một thời giống chị đủ can đảm từ bỏ nẻo đen tối để quay về với cuộc đời. Chị là Trương Thị Hồng Tâm, hiện là nhân viên tư vấn truyền thông về HIV của Nhóm tình nguyện  “Nụ Cười”.

Đi lên từ vực thẳm

Sinh ra trong gia đình chắp vá, mẹ có tới bốn đời chồng, ba đến sáu đời vợ nên tuổi thơ của chị chưa một lần biết đến hạnh phúc của sự thương yêu. Mười tuổi, chị đã đi bụi đời và bắt đầu cuộc sống mưu sinh với nhiều nghề “chợ búa”, từ trộm cắp, đánh lộn, bảo kê đến mại dâm rồi chìm ngập trong ma tuý.

IMG_3373.JPG

Bây giờ chị luôn quan tâm và dành thời gian cho trẻ thiếu may mắn

Chị kể: “Lúc bị bắt vào trung tâm giáo dưỡng cải tạo, thân côi cút một mình, rất thèm hơi ấm của gia đình, thèm lắm bàn tay chăm sóc, che chở. Nhưng những ngày đó - người thân không một ai đến thăm. Nên, chị xem ai cũng là người xấu, ai cũng không đáng tin. Chị sống bất cần và ngày càng trượt dài trong tệ nạn xã hội”.

Vào tù rồi lại ra khám không biết bao nhiêu lần, hết trung tâm cải tạo này đến trung tâm cải tạo khác nhưng chị không một lần thay đổi. Cho đến một ngày, nhận được sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ của nhân viên tư vấn truyền thông thuộc Tổ chức UNICEF, chị đã làm lại từ đầu. Chị biết trân quý từng ngày được sống, biết đem yêu thương cho những người kém may mắn hơn mình.

Ngày chị cai được nghiện, sống yêu đời, đó cũng là ngày Trung tâm Truyền thông giao cho chị quản lý dự án Nhà “Hy Vọng” dành cho trẻ em đường phố. Trung tâm giao cho chị công việc này, một mặt là để giúp chị có cơ hội cống hiến tài sức cho cộng đồng vì hơn ai hết chị là người dễ dàng tiếp cận trẻ em bụi đời có HIV, mặt khác là để chị có thu nhập lo cho cuộc sống. Từ lúc nhận được công việc, chị chịu khó đến từng ngõ ngách tiếp xúc, tư vấn, tận tình giúp đỡ các em bụi đời từ bỏ con đường nghiện ngập.

Ngày đó, chị đã giúp được nhiều gia đình, vực dậy cuộc sống cho rất nhiều người để rồi sau đó họ cùng với chị đi tuyên truyền giúp đỡ nhiều hoàn cảnh tương tự. Một trong những người được chị giúp đỡ, tìm thấy niềm tin cuộc đời có anh - người bạn đời của chị.

Sau khi cai nghiện, anh chị đã tựa vào nhau thực hiện hết dự án hỗ trợ cho người có HIV này đến dự án hỗ trợ người có HIV khác. Dốc hết sức đem lại niềm vui cho mọi người, trả hết nợ cho đời, anh về với đất trước chị. Còn lại một mình, không gục ngã, lấy ý chí phải sống tốt để thay chồng làm tiếp những công việc có ích cho đời, vậy là chị ngày càng đến gần hơn với nhười nhiễm HIV và phát tâm nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi bệnh AIDS.

Tạ ơn với đời

Với đồng lương hằng tháng không đáng là bao, để đủ lo cho những đứa con đặc biệt của mình, chị phải chắt chiu, tiết kiệm gói ghém từng thứ một. Áo quần chị mặc, toàn là đồ người quen cho. Ngay cả chiếc xe gắn máy chị đang chạy cũng là bạn bè mua tặng. Đã từ lâu bạn bè đồng nghiệp làm cùng chị đã quen rồi với hình ảnh chị chạy đôn, chạy đáo mượn tiền mua thuốc, mua sữa cho con.

IMG_3381.JPG

Chị Tâm luôn tận tuỵ chăm sóc từng đứa con đặc biệt của mình

Có khi ngày làm việc quần quật đi chăm sóc tư vấn dinh dưỡng cho người có HIV, đêm về con lên cơn sốt, chị lại gồng mình thức trắng lo cho những đứa trẻ không ruột thịt gọi chị bằng má. Có khi nhà trường biết con chị bị bệnh, không chấp nhận cho học, chị lại lấy hết can đảm, thể hiện hết bản lĩnh để đến trường đấu tranh cho con mình được quyền học chữ, hoà nhập cộng đồng.

Có khi đi ngoài đường, nhìn người đứng tuổi ăn mặc đàng hoàng mà chở trẻ áo quần lem luốc phía sau là chị chạy kè kè theo cùng. Cuối đường, nếu thấy không bình thường là chị hô la và sẵn sàng lao vào giúp trẻ. Có lẽ nỗi ám ảnh về tuổi thơ “màu xám” ăn sâu vào tâm trí nên đụng đến quyền lợi trẻ em là chị đấu tranh quyết liệt.

Chị chia sẻ: “Cuộc đời chị quá nhiều thăng trầm nên chị hiểu được cảm giác không ai quan tâm, yêu thương là khổ cực, bị xâm phạm tình dục mà không ai bênh vực là tủi thân như thế nào. Nên chị không muốn bất kỳ đứa trẻ nào bị căn bệnh thế kỷ hay mồ côi phải trải qua tháng ngày như chị trước kia.

Chị từng có một thời chẳng ra gì là do thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm. May mà được tìm lại cuộc đời nên thời gian còn lại chị muốn dành để chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn bị lây bệnh AIDS từ ba mẹ, để chúng thấy ấm áp, thấy sự yêu thương, quan tâm của mình mà vơi bớt đau đớn trong lúc chống chọi với căn bệnh”.

Trong gia đình của chị, không có tiếng cãi nhau mà chỉ có tiếng nói cười đầm ấm. Bé N, 12 tuổi kể: “Má cưng tụi em lắm, cưng đồng nhau hà. Mua đồ lúc nào má cũng mua đều cho mấy chị em. Đứa nào bệnh thì má cưng, lo nhiều hơn đứa không bệnh. Còn cho ăn, má cho ăn như nhau, không để đứa nào nhịn hay thấy người ta ăn mà ngó miệng hết”.

Sống với các con, chị không những cho con bờ vai nương tựa, dạy con cách làm người mà còn dạy cho con tình thương với mọi người. Ngày Tết, người quen hay Trung tâm cho đồ ăn, áo quần nhiều là chị và các con gói ghém xuống đường chia sẻ với người lớn tuổi không có gia đình. Còn tiền cô bác hay mạnh thường quân cho con chị, chị đều cho chúng để ống heo. Đến cuối năm, chị cùng các con đập ống và dùng tiền đó để mua hương đèn, trái cây đi viếng mộ ba mẹ ruột của các con. Có lẽ vì vậy mà cuộc đời của chị luôn gắn liền với chữ nghĩa, chữ tình.

Câu chuyện về cuộc đời chị chia sẻ thẳng thừng, không ngại hay che giấu bất cứ một ai. Thậm chí lúc đi truyền thông, chị lấy sự trải nghiệm từ chính cuộc đời chị mà tư vấn đến những người bạn đang mắc căn bệnh thế kỷ và trẻ bụi đời đang mấp mé sát vòng bủa vây của ma tuý. Chị luôn khuyên mọi người buông bỏ cuộc sống mù mịt và quay về với cộng đồng để có cuộc sống hạnh phúc như chị bây giờ. Vì trên con đường quay về luôn có sự tiếp sức, động viên và hỗ trợ của mọi người.

Giữa dòng đời cuộn chảy, mong rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người nhiệt tình như chị, biết đưa đôi bàn tay thánh thiện kịp thời để người kém may mắn về với ánh sáng cuộc đời. Và hy vọng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, thời gian không xa nữa, tình thương - tình người sẽ lan toả đến hết mọi ngóc ngách của cuộc sống…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày