GNO - Anh Đoàn Văn Hòa, sinh năm 1967, hiện đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, nhiều năm qua đã rất tích cực tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện với phương châm“Hiến máu cứu người, giọt máu cho đi - cuộc đời ở lại”.
Những giọt máu hiếm
Anh là người bận rộn với… máu suốt ngày, thậm chí đêm ngủ cũng mơ về… máu, anh đã tham gia hiến máu 30 lần (29 lần đột xuất) và vận động vợ, 5 người em, 2 người cháu cùng tham gia hiến máu đột xuất khi cần (mỗi người trên 3 lần), trong đó người em gái Đoàn Thị Thanh Vân đã hiến máu cứu người, con số lần hiến cũng không kém anh là mấy. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là những giọt máu hồng trong trái tim nhân ái của mình và mọi thành viên đã lặng lẽ, âm thầm chảy vào cơ thể những người bệnh thoát qua cơn nguy kịch, gieo mầm sống cho đời…
Anh Hòa bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 1993 (lúc đó là CTV Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Năm 2004, anh được tuyển dụng vào làm việc tại Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, phụ trách công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện. Đặc biệt từ khi anh chuyển sang Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo TP.Đà Nẵng, số điện thoại của anh luôn luôn nóng, bởi những cuộc gọi của các bệnh viện, cho nên nhiều người đặt cho anh cái tên rất… “máu” là Hòa máu nóng.
Anh Hòa tham gia trai thanh thiếu niên hiến máu tình nguyện
Anh đã gắn bó đời mình với “nghiệp” hiến máu, được Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP thành lập và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) 25. Đó là những người hiến máu từ 25 lần trở lên, anh được chỉ định làm Chủ nhiệm CLB 25, cam kết mỗi năm hiến máu từ 2-4 lần, đến nay CLB có 95 thành viên tham gia.
Các bác sĩ bệnh viện gọi anh mỗi khi có những trường hợp cấp cứu cần máu khẩn cấp, bất kể ngày đêm, ngày Chủ nhật, ngày lễ, Tết. Có khi cần giữa đêm khuya, vậy mà nửa tiếng sau anh đã huy động được lực lượng thành viên có loại máu hiếm đến để hiến máu cứu người. Anh lại là Đội trưởng Đội Hiến máu dự bị của TP (dành cho các trường hợp cần máu nóng, đột xuất).
Ngoài ra, cuối năm 2008, Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu phân định nhóm máu hiếm (RH âm) đại trà cho người hiến máu tình nguyện (nhóm máu này chỉ chiếm 0,05% dân số tham gia hiến máu), nên đầu năm 2009 anh đứng ra thành lập nhóm Những người máu hiếm RH âm nhằm tập hợp, quản lý những người này, để họ có điều kiện gặp gỡ, giao lưu và giúp đỡ nhau khi cần, đến nay đã có 30 thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, được sự phân công chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, của Thường trực Ban Chỉ đạo, anh cùng các thành viên trong tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo đã phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện hàng năm, điều phối lịch hiến máu khoa học, tránh việc khan hiếm máu vào dịp Tết, hè…
Hiện nay, TP.Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ người hiến máu tình nguyện cao nhất cả nước, đạt 3,1% (năm 2013) dân số (cả nước đạt 1,08% dân số). Năm 2015, TP.Đà Nẵng đã tổ chức được 95 đợt hiến máu tình nguyện với hơn 35 ngàn người đăng ký tham gia hiến máu, tiếp nhận được hơn 30.709 đơn vị máu, đạt 113% kế hoạch, đáp ứng 99,5% (cả nước 75%) nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho các bệnh viện tại Đà Nẵng.
Hàng năm anh còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP tham gia hiến máu vào dịp trước, sau Tết Nguyên đán, dịp hè như: Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Bảo hiểm nhân thọ Manulife, Prudential, FPT Đà Nẵng, Ô-tô Trường Hải, Vinafor Đà Nẵng, Vinaphone Đà Nẵng, Siêu thị Coop-mart, Vinatex, Truyền hình cáp Sông Thu, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng TMCP Sài Gòn… mỗi năm gần 1.000 đơn vị máu. Đến nay, anh Hòa cũng đã vận động được các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP tham gia hiến máu vào dịp hè hàng năm như Phật giáo, Tin Lành và Công giáo.
Hiến máu khẩn cấp - cuộc chạy đua với “tử thần”
Trao đổi với chúng tôi về việc làm đầy tình nghĩa, nhân đạo của anh Hòa, chị Trần Thị Phương Trang, cán bộ Hội CTĐ TP.Đà Nẵng chia sẻ: “Thật đáng quý và khâm phục tấm lòng đầy nhân ái, sẻ chia của anh Hòa. Anh không chỉ vận động mọi người cùng chung tay hiến máu cứu giúp người bệnh, mà bản thân anh cũng là một trong những tình nguyện viên hết sức tích cực, 30 lần hiến máu là con số không nhỏ trong quá trình đảm nhận công việc của mình.
Máu AB của anh không phải là máu hiếm nhưng ít có, vì vậy khi không vận động đủ người, anh lập tức xin được hiến máu nóng để cứu người bệnh kịp thời…”. Còn anh Nguyễn Thuận, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng thì hết lời khen ngợi tấm lòng và tinh thần đầy trách nhiệm của anh Hòa: “Máu liên quan đến sinh mạng của con người, nếu được hiến và truyền kịp thời thì mạng người sẽ được cứu. Anh Hòa và những thành viên hiến máu tình nguyện là đầu mối quan trọng về máu của TP. Khi các bệnh viện gọi điện có trường hợp cấp cứu khẩn cấp, thì cuộc gọi đầu tiên chính là số của anh Hòa, cho nên suốt ngày đêm anh luôn trong tâm thế sẵn sàng… hiến máu. Rõ ràng hiến máu cứu người là “nghiệp” của anh rồi”.
Trong nhiều năm qua, có hàng nghìn sinh mạng đã được cứu sống từ những giọt máu hồng mà anh và những thành viên tình nguyện đã hiến, vì mục đích cao cả “giọt máu cho đi - cuộc đời ở lại”. Bản thân anh được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” (2007), Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền vận động và tham gia hiến máu tình nguyện (2006-2010)…
Để kết thúc bài viết, xin ghi lại một vài kỷ niệm nhỏ về hiến máu cứu người, qua lời kể của anh Đoàn Văn Hòa: “Một ngày đầu năm mới, vào sáng mồng 2 Tết, khi tôi đang chuẩn bị đưa gia đình về quê thì nghe tin báo có hai bệnh nhân nhi cần máu nóng gấp.
Vậy là lỗi hẹn với gia đình, hôm sau sẽ về quê, tôi lại tất bật lên đường và chạy quanh thành phố, vừa gọi điện để các thành viên tập trung tìm đủ số máu hiến, rất may hai đứa trẻ đều được cứu sống. Sáng mồng 3 Tết lại tiếp tục có một ca khác yêu cầu lượng máu lớn, lần nữa tôi lỗi hẹn với vợ con, chạy đi huy động các thành viên hiến máu, may mà vợ tôi là người phụ nữ rất thông cảm việc làm của chồng.
Cũng một ngày vào đầu năm mới, Trung tâm Sản nhi Đà Nẵng nhờ tôi tìm giúp 8 người có nhóm máu AB, để lấy ra 2 đơn vị tiểu cầu truyền cho 2 em bé bị ung thư máu, phải gọi điện tìm kiếm vài giờ mới huy động đủ lực lượng, hiến máu cứu người. Có những trường hợp mình đến rất kịp thời, cung cấp đầy đủ lượng máu cho bệnh nhân, nhưng bệnh quá nặng không cứu được, khi ấy anh em ra về trong tâm trạng nuối tiếc, đau buồn…”.