Mẹ, con & con đường… khó nhọc

GN - Khi đến thăm ngẫu nhiên những hộ có học sinh nghèo ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Đồng), chúng tôi không chỉ có những ám ảnh về kiếp người khắc khổ, già trẻ lớn bé phải vật lộn từng ngày kiếm miếng ăn, mà nơi đây còn lay động chúng tôi bởi chữ hiếu sâu thăm thẳm.

Những học trò nghèo ở đây dành tình cảm ấy cho cha mẹ chúng và tình mẫu tử thiêng liêng của những người mẹ nghèo, với trái tim hằn nhiều nỗi đau nhưng tình thương dành cho những đứa con thuần khiết, sáng vời vợi như trăng rằm.

Yêu thương lấn át khó nhọc

Thầy Phạm Văn Nghĩa, giáo viên Trường THCS Bảo Thuận, xã Bảo Thuận nói với chúng tôi rằng, xã Bảo Thuận có 11 thôn, khoảng 7.200 người dân, phần nhiều là người dân tộc thiểu số, đời sống người đồng bào ở nhiều xã rất khó khăn. Vào thăm nhà các em, ngỏ ý mua nhu yếu phẩm, thầy Nghĩa góp ý với chúng tôi, có thể thay thế cá hộp bằng nước mắm, nước tương hay muối không? Thầy lý giải: “Sợ món lạ quá bà con không biết dùng”. Nhưng, chúng tôi khi đến nơi, xuống góc bếp của mỗi gia đình, mới hiểu được ẩn ý của thầy.

Bữa cơm chính của gia đình K’Dởu, ở thôn Kơ Nệt là món nõn chuối rừng nấu canh, mỗi ngày em chỉ dám mơ “có cơm ăn” thôi, nên việc mua cá hộp cho gia đình, quả là quá xa xỉ. Ông K’Bêu, ông ngoại của em K’Dởu chia sẻ: “Mẹ nó mất, ba nó bỏ về nhà bển rồi. Tui với vợ tui nuôi K’Dởu. Nhiều lúc bệnh, không tiền mua thuốc uống nhưng thương nó, ráng cho nó đi học, để người ta có ghi gì, còn biết mà đọc. Chứ đi mượn nợ có trăm ngàn, người ta ghi giấy thành trăm triệu cũng không biết. Nghĩ đến chuyện nó học được, sau này đỡ tấm thân là bao nhiêu cực khổ hai thân già này cũng đều vượt qua”.

anh 1 (2).JPG

Sáu mẹ con chị K'Dảo bên căn nhà dột nát

Ở thôn Kalatangu, gia đình em K’Bruyên được biết đến với hoàn cảnh thương tâm. Ba của em vì vay nặng lãi làm ăn, vay chưa đến 70 triệu, vậy mà 6 tháng sau số tiền đội lên gần 400 triệu. Chủ nợ xiết tài sản, ẩn uất ba của K’Bruyên đã tự vẫn. Xảy ra biến cố, chị K’Nhui, mẹ của K’Bruyên bị khủng hoảng trầm trọng, có thời gian bị tâm thần.

Bây giờ, ngày nào tỉnh táo, chị K’Nhui đi rừng hái măng nuôi hai anh em K’Bruyên đi học. Đường vào rừng xa, đi đến 60km nhưng cực mấy người phụ nữ này cũng chịu, làm lụng trong rừng bất kể nguy hiểm, nắng mưa gì cũng đi. Rắn rít hay thú dữ không làm chị sợ, điều duy nhất chị sợ là không kiếm được măng bán, không tiền mua gạo nuôi con.

Chị K’Nhui bảo: “Có ngày mót măng không có, phải đi sâu vào rừng. Lúc về xe hư dọc đường, về đến nhà tối bưng, ba mẹ con ôm nhau khóc”. Hỏi sao em khóc, K’Bris, anh của K’Bruyên nói rằng: “Sợ mẹ đi không về giống cha. Mẹ về không có măng bán là phải nhịn đói...”.

Nhìn hai đứa trẻ, chị K’Nhui quệt nước mắt nói: “Đi rừng, đi đêm về trễ nhiều lúc sợ lắm, sợ đi rồi không về bỏ con không ai lo. Lúc nào lòng cũng nói ráng vì con nha K’Nhui”. Những người hàng xóm ở đây nói rằng: “Chị K’Nhui thương con ai cũng biết, không đủ cơm ăn, chị nhịn nhường cho con no bụng. Mặc dù cái gì cũng nhường cho con, tuy nhiên con của chị vẫn không đủ ăn, hai thằng con trai, đứa nào cũng bé xíu”.

Em K’Bris học lớp 7 mà như đứa trẻ vừa lên lớp 2. Em K’Bruyên học lớp 2 nhưng thân hình nhỏ xíu chỉ bằng em bé 4 tuổi. Khi được chúng tôi cho K’Bruyên cái áo len, em mừng, mặc vào ngay. Hỏi em thích nhất là gì? Em K’Bruyên bảo: “Được đi học, được có cha mẹ, có cơm ăn”. Nghe K’Bruyên nói, chị K’Nhui khóe mắt đỏ hoe, nghẹn đắng. Đến giờ phút này, ai tiếp xúc với chị K’Nhui đều hiểu, con - đó là chất kết nối, là lý do duy nhất để chị K’Nhui tồn tại, giúp chị vượt qua giai đoạn trầm cảm, để kiếm tiền kiếm sống và bù đắp cho con.

“Lấy yêu thương lấn át khó nhọc”, chị K’Nhui nói như vậy. Nhưng liệu tình yêu thương của chị K’Nhui dành cho con có đủ sức để lấn át, xua tan những “bóng mây” tăm tối cuộc đời dành sẵn cho ba mẹ con chị trong những ngày sắp tới không? Khi mà những ngày tựu trường sắp tới, tiền mua sách vở, áo quần cho con, chị không có, cái ăn cũng không đủ. Thầy Nghĩa bộc bạch: “Chị K’Nhui cần được tiếp sức để những ước mơ không dang dở...”.

Mẹ, con và những ước mơ...

Trong cơn mưa lất phất, chị K’Hành, Bí thư Đoàn xã Bảo Thuận dẫn chúng tôi đến nhà chị K’Dảo, thôn Hangpior. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là chị K’Dảo và 5 đứa con ngồi co ro, vì lạnh, vì đói. Nhà chỉ có bức tường là vững chắc, nóc nhà thì dột nát, phải lấy tấm bạt che, không có nhà bếp, trời mưa không có chỗ nấu ăn.

Khi chồng bệnh, chị K’Dảo bán hết đất rẫy để chạy chữa. Chồng mất, chị K’Dảo lên rừng bẻ măng, chị làm gấp đôi, thay chồng nuôi 5 đứa con thơ dại. Ngày nào bẻ được măng thì có gạo ăn, ngày nào không có măng là cả nhà cùng đói. Mấy đứa trẻ kể: “Bữa nào được ăn cơm với măng chấm mắm là sướng nhất. Có nhiều ngày mẹ đi rừng không về, không cơm ăn”.

anh2.JPG

Vợ chồng ông K'Bêu chỉ dám ước mong nuôi cháu ngoại K'Dởn học hết cấp 1

Hàng xóm kể cho chúng tôi nghe, chị thường xuyên nhường cơm cho con, có bữa nhịn ăn, bỏ bữa nên người chị ốm nhom. Hỏi chị như vậy lấy sức đâu để đi làm, chị nói: “Khi nào đói mới ăn, còn bình thường uống nước thôi cũng được. Mình nhìn con có ăn là vui rồi, mình khỏi ăn cũng được”.

Nghe kể thôi cũng đủ hình dung cuộc sống của chị khắc khổ như thế nào. Tuy nhiên, thời gian này đây, chị khổ hơn khi đứng trước quyết định phải cho K’Dậu, đứa con đầu lòng nghỉ học vì chị lo không xuể cho 6 miệng ăn, khi măng trong rừng đã không còn nhiều nữa.

Nhìn các con, chị K’Dảo rưng rưng nói: “Nhớ đến chồng chỉ biết cầu mong ổng phù hộ cho các con được đi học, để không bị ngu dốt, không khổ cực. Nhưng một mình lo không nổi nữa, nếu cho đứa lớn nghỉ, làm thuê phụ thì may ra bốn đứa nhỏ tuổi hơn mới không đói”. Trong hoàn cảnh này đây, tin chắc bất cứ ai đã từng làm cha mẹ đều hiểu và cảm nhận sâu sắc nỗi đau tột cùng của chị K’Dảo.

K’Dậu mới học lớp 4, nhưng ở tuổi 14, em đủ tinh tế nhận ra nỗi lo của mẹ. Thấy được sự vất vả của mẹ, K’Dậu đã có ý định nghỉ học. Em nói: “Em thích đi học mà thương mẹ nên không muốn đi học nữa. Nghỉ học để phụ mẹ kiếm ăn, nuôi các em”. Em nói xong liền lặng lẽ hướng ánh mắt về phía khác.

Tiễn mọi người ra ngõ, nhưng K’Dậu không vào nhà liền, cứ đứng đó nhìn theo. Quay lại hỏi, em có ước mơ gì? K’Dậu nói: “Ước mơ có cặp dê để ở nhà cho các em vừa đi học, vừa chăn. Em và mẹ lên rừng kiếm măng đổi gạo. Cặp dê nuôi để chúng đẻ ra, có tiền cho các em đến lớp...”. Hỏi, sao không ước mơ cho bản thân em? Ánh mắt trong ngần, K’Dậu trả lời dứt khoát: “Phụ được mẹ lo cho các em, là ước mơ của em”.

Bước chân ra về, đi trên con đường đá lởm chởm, đầy bùn đất trơn trợt, nghĩ đến những người đồng bào dân tộc nghèo nơi đây, lòng chúng tôi nặng trĩu. Làm sao để 5 chị em của K’Dậu có thể cõng được chữ hiếu đến trường, làm sao để các em không phải bỏ học giữa chừng.

Liệu, với tấm lòng hiếu thảo của K’Dậu với mẹ, tâm hồn sáng rực tình yêu với 4 đứa em, cùng tình thương con da diết, mặc dù nghèo nhưng chẳng thua kém bất kỳ ai của chị K’Dảo có thể nào dẫn lối cho những yêu thương, chắp cánh, biến ước mơ của hai mẹ con K’Dậu thành sự thật…

Con đường bám lớp, để tìm lấy tương lai tươi sáng của những đứa trẻ người dân tộc nghèo ở nơi đây đầy thử thách, và chông chênh như chính con đường đầy khó khăn mà chúng tôi đang đi ra khỏi thôn này. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đức Thế Tôn, bậc Thầy của trời, người

Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng

GNO - Người đệ tử Phật xuất gia hay tại gia đều biết, giáo lý đạo Phật không phải là những lý thuyết trừu tượng siêu hình mà là những lời dạy thiết thực hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc nội tại.

Thông tin hàng ngày