Lần đầu tiên mẹ được tắm Phật tại nhà trong niềm hoan hỷ
của mùa Phật đản PL.2558, mẹ không quên cầu nguyện cho bãi bờ bình an - Ảnh: Ng.Phong
Hơn ai hết, mẹ hiểu rõ về chiến tranh, vì mẹ đã thắt lòng đi qua chiến tranh trong nỗi sợ hãi chết chóc và mất mát. Mẹ chứng kiến cảnh nhà cửa ly tan, chia lìa của rất nhiều đồng bào mà thương, mà đau, “đất nước loạn ly là điều đáng buồn nhất”. Nhiều lần mẹ kể cho anh em chúng tôi nghe về chiến tranh mà không khỏi ngậm ngùi trước cảm xúc đắng lòng của mẹ.
Có lẽ vì thế cộng với việc học Phật, nghe pháp, mẹ hiểu giá trị của tình thương giữa người với người là món quà quý giá cần được trao qua, đổi lại chứ không phải là chiến tranh, gây hấn... như một số kẻ cầm quyền đang làm, trong tham vọng bành trướng. Tình thương của người học Phật và tình thương của một người mẹ cho mẹ biết chắc rằng, khi Tổ quốc cần, con trai mẹ sẽ phải lên đường, giữa làn tên mũi đạn đó, chắc gì bình yên...
“Mẹ lo nhưng mẹ biết bổn phận với quê hương đất nước, mẹ hiểu người con Phật cần làm gì”, đôi lần, trong bữa cơm mẹ bộc bạch.
Đó tất nhiên là sẽ không cản con mình thực thi nghĩa vụ công dân, thậm chí động viên con mình vững tin, nhưng cũng sẽ rớt nước mắt vào trong nếu như đất nước lâm nguy. Mẹ cũng giống như bao bà mẹ khác, thương con và không bao giờ muốn con mình rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm.
Mẹ nói, những bà mẹ Trung Quốc, bà mẹ Nhật Bản, bà mẹ Hoa Kỳ... chắc cũng không mong con mình ra chiến trường. Do vậy, mẹ cầu cho nơi nào cũng hòa bình, cho ai cũng yêu hòa bình và hiểu nghĩa yêu thương Phật dạy, để mỗi ngày, mỗi đêm bình yên luôn có mặt, cho tiếng chuông chùa được vang vang cùng câu kinh sám hối... Với mẹ, đó cũng là cầu nguyện cho những bà mẹ giống như mẹ ở đất nước Trung Hoa!
“Tuổi mẹ già rồi, chỉ biết cầu nguyện thế mà thôi”. Có lẽ đó cũng là một việc làm đóng góp của mẹ, của nhiều Phật tử lớn tuổi trong lúc này cho bình yên thế giới, cho đất nước vượt qua sóng gió và trở mình hưng long.
Nguyên Phong (Q.Thủ Đức, TP.HCM)