Mê tín & lãng phí trong mùa Vu lan

Vu lan, lễ Báo hiếu được Phật tử trân trọng, ngưỡng vọng và ngày càng được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên không chỉ tỏ lòng hiếu kính qua việc đến chùa lễ lạy, cầu nguyện cha mẹ, ông bà được sức khỏe, hạnh phúc, nhiều gia đình đến chùa cũng chỉ để đốt vàng mã và phóng sinh. Họ tin rằng “dương sao âm vậy”, việc gởi quà đến cho tổ tiên, ông bà được thọ nhận ở cõi âm là việc cần phải làm. Và, vì vậy hủ tục này đã ngày càng biến tướng và gây lãng phí.

 Phóng sinh, hóa vàng song hành

Một tờ báo gần đây đã đưa tin có đại gia làm nghề “cạp đất” (dùng xáng múc đất từ dưới lòng sông) đã chuẩn bị hàng tháng trời cho 400 con ngựa giấy màu, khung tre để đến rằm tháng Bảy hóa vàng cho hà bá sông Hồng, tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng. Nhiều đại gia khác cũng so kè nhau mua sắm lễ vật, đồ vàng mã đốt cho hà bá với ước vọng được hà bá dọc sông Hồng thuận lòng giúp cho làm ăn ngày càng phát tài, phát lợi. Chuyện tưởng như đùa nhưng đó là lễ cúng tiêu tốn bạc tỷ gây xôn xao dư luận.

Chim long tap trung ban tai chua VN.jpg

Chim lồng tập trung bán tại chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: CTV

Ấy là câu chuyện phía Bắc, còn ở TP.HCM những năm gần đây, mọi người đến chùa đua nhau đốt vàng mã không còn xa lạ nữa. Nhiều ngôi chùa ám khói đen sì cả một góc chùa vì người dân đến mang theo lủ khủ hàng vàng mã, nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, tiền đô, gái đẹp… để đốt cầu nguyện cho gia tiên, ông bà được nhận lãnh nơi suối vàng. Nhiều người tin rằng, rằm tháng Bảy-Vu lan, ngày xá tội vong nhân mà thiếu món đốt vàng mã coi như thiếu sót lớn. Nên, dù nghèo khó đến mấy cũng cố mà mua sắm lễ vật, ít cũng vài tập giấy vàng mã, tiền đồng, tiền đô, quần áo, khấm khá hơn thì sắm luôn vải vóc, nhà lầu vài tầng, xe hơi xịn thậm chí có cả osin, hầu gái, trâu ngựa… làm bằng giấy màu mang đến chùa để đốt.

Đâu chỉ những ngày rằm tháng Bảy, ngay từ cuối tháng Sáu âl, người ta đã lục tục kéo nhau đến mua sắm tại các chợ Soái Kình Lâm, Kim Biên, Bà Chiểu,  Hòa Bình… mua lẻ cũng đã lên đến tiền trăm. Những ngày này, mối lái tập trung về đóng hàng nườm nượp chuyển đi các tỉnh và các chợ vùng ven. Một thương lái nói: “Hàng hóa năm nay đa dạng lắm, nhà lầu, tiền bạc, xe cộ, giường chiếu, bàn ghế… cái gì ở dương gian có thì âm phủ cũng phải có nên món nào cũng tiêu thụ được. Ai muốn người thân mình thiếu thốn ở âm phủ hả em?”.

Nhiều ngôi chùa ở TP.HCM phải xây riêng lò hóa vàng cho dân chúng và Phật tử đến chùa. Tại một số khu di tích Phật giáo người Hoa, những nơi này trước đây cũng đốt rất nhiều vàng mã. Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay chuyện đốt vàng mã ở đây cũng giảm hẳn vì đã có lực lượng tự vệ canh giữ. Tuy nhiên, chuyện mua bán vàng mã vẫn còn nhưng đã giảm vì Ban Tổ chức di tích đã sắp xếp có hạn chế số lượng hàng bán ra cho mỗi người. Đó là những khu di tích kiến trúc Phật giáo có sự hướng dẫn, nhiều ngôi chùa khác hầu như chuyện đốt vàng mã được xem là bình thường. Vì vậy, trong suốt cả tháng Bảy bên cạnh truyền thống cúng dường trai tăng, lễ cài hoa hồng cầu nguyện sức khỏe cho cha mẹ, phát gạo cho người nghèo vẫn còn tồn tại hủ tục sắm lễ vàng mã mang đến chùa đốt cầu nguyện cho người thân ở cõi âm. Một vài ngôi chùa TP.HCM, hủ tục này ngày càng có hướng bành trướng, mang dáng dấp mê tín dị đoan.

dot vang ma cung co hon tai nha.jpg

Đốt vàng mã cúng cô hồn tại tư gia

Đến chùa rằm tháng Bảy đâu chỉ có đốt vàng mã, nhu cầu tâm linh phóng sinh chim cũng được xem là không thể thiếu. Nhiều người đi chùa có lòng thương, thấy chim nhốt trong lồng thì động lòng, hơn nữa đây cũng là nhu cầu để làm phước cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ nên chuyện mua vài chú chim sẻ với giá bị “chặt chém” tại cổng chùa rồi thả ra cho chúng bay đi cũng là chuyện thường. Nhưng, chính vì vậy tại các chùa trong TP, đặc biệt là những ngôi chùa trung tâm đông đúc Phật tử và quan khách ra vào thì chuyện bán chim lồng trở thành “dịch vụ” không thể thiếu. Những ngày rằm tháng Bảy, lượng chim lồng đổ về bán càng tấp nập hơn hẳn bình thường.

Và... lãng phí

Vài năm trở lại đây, các vị trụ trì ở nhiều ngôi chùa TP.HCM đã ý thức việc hướng dẫn cho Phật tử hiểu thêm về tục đốt vàng mã, có chùa còn khuyến khích bỏ hẳn để Phật tử đến chùa hướng tâm đến Tam bảo và hướng đến công hạnh tu học theo truyền thống Phật giáo. Tu học theo Chánh pháp sẽ hướng tâm mình đến sự thanh thản, từ đó mà cầu nguyện cho người đã khuất cũng được nhẹ nhàng, siêu thoát.

Tục đốt vàng mã vào rằm tháng Bảy chỉ là hủ tục có từ lâu đời, do ảnh hưởng từ tín ngưỡng dân gian. Và, hiện nay, một số ngôi chùa thờ cả Quan Công, thờ mẫu… gây nên sự giao hòa đến mức khó phân biệt nên tập tục đốt vàng mã đã bị đồng hóa là tín ngưỡng xuất phát từ Phật giáo, thật ra Đức Phật không dạy điều này.

 Theo các nhà nghiên cứu, hàng năm chúng ta đã tiêu tốn khoảng vài trăm tỷ đồng cho “nhu cầu” tâm linh - đốt vàng mã cho người cõi âm. Số tiền này nếu sử dụng đúng mục đích sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Nó giúp xây dựng cho vài chục phòng học khang trang cho trẻ em nghèo, hỗ trợ cho hàng nghìn người nghèo có vốn để làm phương tiện sinh sống…

Đại gia “xáng cạp” nói trên nếu biết cách sử dụng đồng tiền và biết đền ơn đáp nghĩa thay vì làm việc vô nghĩa là đền ơn cho hà bá sông Hồng, hãy đem số tiền đó giúp cho người dân nghèo trên những xóm vạn chài ven sông Hồng, hay giúp đỡ cho những trẻ em nghèo làng vạn chài chưa có điều kiện được lên bờ học chữ.

dot vang ma dong nghia voi dot tien that .jpg

Đốt vàng mã đồng nghĩa với đốt tiền thật

Điều xót lòng hơn là mâm cỗ vàng mã cúng cô hồn có nhà còn dùng tiền thật để đốt, hình thành nên những nhóm “cô hồn sống”, là những thanh thiếu niên tụ tập chuyên đi giựt đồ cúng, tiền thật. Rằm tháng Bảy vừa qua, tại các quận huyện xuất hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên chuyên đi giựt đồ cúng, tiền thật. Chúng chia nhau chạy xe máy dạo quanh các hẻm chợ, các ngả đường nơi nào có người sửa soạn mâm cỗ to, có gà vịt, tiền thật thì chúng gọi nhau lại, chuẩn bị một đội quân hùng hậu xông vào cướp cỗ. Có hôm thu được vài triệu đồng, tệ lắm cũng thu được vài trăm ngàn đồng chia nhau ăn xài. Hạn chế đốt vàng mã cũng đồng thời tiết kiệm và hạn chế gây mất an ninh, trật tự, gây cháy nổ, tổn hại môi trường. Hạn chế đốt vàng mã cũng trực tiếp tránh gây hư hỏng về nhân cách cho một bộ phận thanh thiếu niên.

TT.Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (Q.11) là một điển hình, từ nhiều năm qua đã khuyến khích dân chúng và Phật tử đến chùa không đốt vàng mã mà dành số tiền đó bỏ vào thùng từ thiện. Hàng năm, đến rằm tháng Bảy - mùa Báo hiếu, chùa dùng hàng trăm triệu đồng từ việc không đốt vàng mã để mua gạo, mua quà tặng cho đồng bào nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Thiết nghĩ, các vị trụ trì chùa cũng cần thường xuyên hướng dẫn, thuyết giảng cho Phật tử trong các buổi lễ để hạn chế dần tục đốt vàng mã, hướng đến sự tu học đúng Chánh pháp, chánh kiến và từ bi. Nên noi theo chùa Liên Hoa triệt để bài trừ tục đốt vàng mã ở chùa, hàng năm tiết kiệm một số tiền lớn để làm từ thiện giúp đỡ người nghèo.

Việc phóng sinh chim thú cầu phước cũng vô hình trung tạo nên những đội ngũ săn bẫy chim chuyên nghiệp. Việc phóng sinh và săn bẫy cứ quanh quẩn, cứ có người phóng sinh thì có người săn bẫy và ngược lại. Cuối cùng người bị hại lại là Phật tử vì tiêu tốn tiền của, còn những con chim vô tội sẽ chết dần mòn vì bị săn bắt, bị bẫy, nhốt nhiều lần, cho dù có được phóng sinh cũng dẫn đến kiệt sức mà chết.

Theo tinh thần Phật giáo, nuôi dưỡng lòng từ bi từ việc phóng sinh là việc tốt. Nhưng, hãy thực hiện phóng sinh một cách vô tư, bằng tâm từ, hoan hỷ hàng ngày chứ không phải đến rằm mới ùn nhau đi phóng sinh cho dù hành động có tác dụng trưởng dưỡng từ tâm cũng bằng không.

Là Phật tử thường xuyên đến chùa cũng nên có cái nhìn đúng đắn về việc phóng sinh và hủ tục đốt vàng mã để không lạm dụng, tránh lãng phí, tránh mê tín dị đoan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày