Mẹ về chốn bình an

Mẹ về chốn bình an

GN - Nhà tôi có 6 anh em và tôi là con cả. Mới cấp 3, tôi đã phải rời xã Đông Hòa (Đông Hưng, Thái Bình) về Hà Nội học. Vậy nên tôi tự lập từ nhỏ và được bố mẹ rất thương. Mẹ thương tôi nhất. Tôi cũng thương mẹ lắm nhưng vì sớm xa bố mẹ, không giúp nhiều hơn.

Thế rồi tôi khôn lớn, có chút thành đạt. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng những thứ đó chỉ là đồ vay mượn, là hư giả nên quyết tâm tu tập. Tôi tham gia các khóa thiền, dành thời gian nghiên cứu kinh điển, viết bài để chia sẻ kinh nghiệm tu tập. Việc tu của tôi tiến triển tốt. Bình an lớn thêm mỗi ngày. Tuy nhiên cái khó là làm sao bố mẹ và cả gia đình tôi biết tu và tu đúng. Vậy là tôi vừa tu vừa nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ để bố mẹ tôi và cả gia đình cũng được tu theo Chánh pháp.

Rồi một ngày nọ, tôi đưa bố mẹ vào tham quan TP.HCM, nhân tiện đăng ký cho bố mẹ tham gia khóa tu Phật thất ở chùa Hoằng Pháp. Vừa đăng ký vừa lo, liệu bố mẹ có đồng ý không và có theo được hết khóa tu 7 ngày hay không. Bất ngờ lớn nhất là khi rời khóa tu, mẹ bảo “Các bạn đạo tại khóa tu thương quý mẹ lắm. Từ nay bố mẹ không muốn đi nước ngoài nữa. Nếu con định cho bố mẹ đi du lịch nước ngoài thì hãy cho bố mẹ tham gia khóa tu”. Tôi mừng như muốn khóc.

Lần tham gia khóa tu thứ 2, mẹ được chùa tặng một pho tượng Phật A Di Đà. Mẹ xúc động lắm. Về nhà mẹ dâng hương, lễ Phật hàng ngày. Phật ơi, lời cầu nguyện của con đã cảm ứng thật rồi! Từ đó, tối nào bố mẹ tôi cũng lễ Phật và niệm Phật. Mẹ bảo rằng cứ niệm Phật là ngủ ngon, không niệm Phật là mất ngủ. Phật ơi, con lại muốn òa lên mà khóc. Thật không ngờ, mẹ lại đổi thay nhanh đến vậy.

Duyên lành có HT.Thích Thái Hòa từ cố đô Huế ra Hà Nội. Phước đức thay tôi mời được Hòa thượng về tận quê Thái Bình làm lễ an vị. Bữa đó Hòa thượng cũng ban pháp thoại và dân làng đến nghe rất đông, có lẽ cả trăm người. Tôi vui không thể tả nổi. Vui bởi xã tôi rất đông dân, có đến 20 xóm, có 1 ngôi chùa nhưng không có quý thầy cô và hầu như chưa bao giờ được nghe giảng pháp. Phật ơi, pháp của Phật đã về đến quê lúa Đông Hòa, Thái Bình thật đây rồi.

Từ đó, tối nào bố mẹ tôi cũng tụng kinh. Tụng xong hai ông bà niệm Phật và đi ngủ. Bố mẹ ở bên nhau hạnh phúc. Mỗi lần về, chúng tôi tham gia tụng kinh, niệm Phật cùng bố mẹ. Ông bà vui lắm. Bố mẹ tôi còn nói chuyện về Phật pháp, về tụng kinh, niệm Phật khiến cho họ hàng, làng xóm có nhân duyên cùng hiểu và thực hành. Càng thực tập, bố mẹ càng tăng trưởng niềm tin vào Tam bảo. Tôi cứ thế thầm biết ơn Phật. Vi diệu lạ kỳ.

Thế rồi bố mẹ bỏ dần ăn mặn chuyển sang ăn chay. Chuyện này ở các vùng quê miền Bắc là rất khó. Ấy vậy mà mẹ dần thích chay. Mẹ ủng hộ cỗ chay. Bố mẹ bắt đầu tổ chức đám giỗ chay, liên hoan chay. Nhiều năm nay bố mẹ tôi không còn sát sinh, giết gà lợn nữa. Thật khó mà tin nổi đối với nông thôn miền Bắc.

Lần tôi về thăm bố mẹ đầu năm nay, mẹ bảo, bố mẹ quá may mắn đã biết đến Phật pháp. Rằng mẹ không còn ân hận gì cả, không muốn gì thêm. Mẹ bảo rằng mẹ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Mẹ còn dặn rằng mẹ quá hạnh phúc rồi nên khi mẹ mất các con không được khóc. Tôi bảo mẹ lỡ miệng, đang khỏe mạnh và mới có 74 tuổi, sao lại nghĩ đến cái chết. Tôi không hề biết rằng đây là tâm linh, kết quả tu tập của mẹ linh cảm trước. Thông điệp rõ thế mà tôi không hiểu.

Có khóa thiền ở Pháp, tôi đăng ký đi. Vì nhiều nhân duyên nên có thay đổi lịch trình. Trước ngày đi, tôi nhận tin mẹ mệt, uống thuốc rồi nhưng đỡ rất ít. Cả nhà quyết định đưa mẹ đi Bệnh viện Thái Bình, rồi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Mẹ bị nhiễm trùng máu, rồi bất ngờ qua đời. Tôi bàng hoàng và sững sờ. Thay vì bay đi Pháp tham gia khóa thiền, tôi về Thái Bình làm tang cho mẹ.

Chúng tôi niệm Phật, liên tục niệm Phật bên mẹ. Tôi trực tiếp tâm sự với mẹ rằng mẹ đã mất, tâm mẹ rất thảnh thơi, mẹ đừng tiếc gì nữa, kể cả của cải, vật chất và tấm thân này, hãy buông bỏ để siêu thoát. Chúng tôi để rất nhiều kinh Phật, sách Phật quanh mẹ. Các quý thầy, quý sư cô và bạn bè của tôi cũng về rất đông để hỗ trợ chúng tôi niệm Phật và ngồi thiền. Chúng tôi chỉ làm 3 việc: niệm Phật, ngồi thiền và nói pháp cho mẹ liên tục. Khi đưa mẹ vào quan tài, người mẹ rất mềm. Mẹ nằm rất bình an và nụ cười thật tươi. Mẹ tươi và đẹp còn hơn cả khi còn sống. Đám tang mẹ rất an lành và nhẹ nhàng.

Mẹ mất đã 7 tháng, mất bất ngờ. Tuy nhiên tôi chỉ luôn thấy bình an, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Tôi luôn nghĩ rằng mẹ đã về chốn an lành. Tôi viết câu chuyện này, nguyện mong ai cũng tin Tam bảo và biết tu tập. Chỉ cần có Tín, Hạnh, Nguyện thì nhất định sẽ có nhiệm mầu.  
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty sách Thái Hà
(hungnm@thaihabooks.com) 

Tâm linh mầu nhiệm là tiểu mục chuyên giới thiệu những vấn đề thuộc về tâm linh, cụ thể là sự linh ứng, cảm ứng, sự gia hộ và chuyển hóa mầu nhiệm trong Phật pháp của chư Thánh Tăng, chư Tổ sư, chư Tăng Ni và Phật tử từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến tận ngày nay.

Vẫn biết, cảm ứng là vấn đề cá nhân, linh ứng là duyên của mỗi người, mầu nhiệm là vấn đề không thể nghĩ bàn nhưng tất cả đều có điểm chung là có thể cơ cảm được, khiến cho người có nhân duyên với Phật pháp tăng trưởng niềm tin vào Tam bảo, sợ hãi và chừa bỏ điều ác, tin sâu nhân quả, hướng về nẻo thiện.

Ngoài nguồn sử truyện Phật giáo hiện có, Giác Ngộ rất mong nhận được những chia sẻ từ sự trải nghiệm thực tế về linh ứng và mầu nhiệm của chính chư vị Tăng Ni và Phật tử. Thiết nghĩ, sẻ chia những kinh nghiệm tâm linh này là một cách hoằng pháp hữu hiệu, trợ duyên cho bốn chúng giữ vững tín tâm, tiến tu đạo nghiệp.

Mời chư tôn đức, quý cộng tác viên, bạn đọc cùng tham gia bằng cách chia sẻ những câu chuyện mà mình biết, hoặc kinh nghiệm thực hành mà mình có được. Bài vở, thông tin xin gởi về tòa soạn, địa chỉ thư điện tử: toasoan@giacngo.vn, chủ đề xin ghi rõ “MụcTâm linh mầu nhiệm”.

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày