Mời Tăng Ni có trình độ tham gia công tác Giáo hội tại địa phương

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1146 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ngày 20, 21-4 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, suy cử nhân sự của Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027.

Trước thềm đại hội, phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn với Hòa thượng Thích Hạnh Thể, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội. Về đặc điểm, nét đặc thù của Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng cho biết:

Ninh Thuận là tỉnh đa tôn giáo, với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong số đó, chiếm nhiều nhất là người Chăm. Phật giáo Ninh Thuận luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái, đoàn kết mọi tôn giáo cùng sinh hoạt trên mảnh đất đầy nắng và gió.

Có thể nói Ninh Thuận là tỉnh đặc biệt khắc nghiệt về khí hậu và tín ngưỡng. Tuy nhiên, trải qua 6 nhiệm kỳ, Tăng Ni và Phật tử luôn định hướng “Đạo pháp bất ly thế gian giác”, tinh thần cứu khổ, cứu nạn của Đức Phật được phát huy rộng rãi, giúp Phật giáo Ninh Thuận gắn bó chặt chẽ, hòa đồng cùng các tôn giáo bạn và các dân tộc anh em.

Hòa thượng Thích Hạnh Thể, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận

Hòa thượng Thích Hạnh Thể, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận

Với vai trò lãnh đạo GHPGVN tỉnh, Hòa thượng có nhận định như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết, Chương trình Phật sự khóa VI của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận? Hòa thượng có những trăn trở gì sau 5 năm lãnh đạo, điều hành Phật sự?

- Với vai trò lãnh đạo GHPGVN tỉnh, tôi chỉ là một viên gạch nhỏ trong “ngôi nhà” đất nước và Giáo hội. Nghị quyết, Chương trình Phật sự khóa VI của GHPGVN tỉnh Ninh Thuận được đề ra với 9 mục tiêu, thực hiện trong 5 năm. Tuy nhiên, cho đến đến nay, Phật giáo tỉnh đã thực hiện 8 mục tiêu đã đề ra, riêng việc xin phép xây dựng cơ sở thờ tự mới chưa hoàn thành. Đây cũng là mục tiêu chính để phát triển Phật giáo tỉnh nhà và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con Phật tử, tín đồ.

Trong 5 năm của khóa VI, Hòa thượng ưu tiên lĩnh vực nào để Phật giáo tỉnh phát triển, đóng góp vào ngôi nhà chung GHPGVN?

- Ngoài mục tiêu giáo dục, thì Phật giáo Ninh Thuận chú trọng đến hoạt động từ thiện - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội không chỉ là thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo.

Phật giáo thời hiện đại không chỉ giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần mà còn bằng những hành động mang tính thực tiễn, thiết thực, cụ thể như tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết; bài trừ những tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mồ côi; ủng hộ nhân dân các tỉnh bạn bị ảnh hưởng bởi thời tiết lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh Covid-19…

Như vậy, bên cạnh giáo dục Phật giáo - cơ sở Trường Trung cấp Phật học tỉnh, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Ninh Thuận là điểm sáng. Được biết, một trong những điều đặc biệt của Phật giáo Ninh Thuận là nhiều tự viện đang điều hành các lớp học tình thương, lớp giáo dục mầm non cho trẻ em. Ý nghĩa của những chương trình giáo dục này như thế nào, đây có phải chủ trương của GHPGVN tỉnh hay chỉ đơn thuần là các tự viện tổ chức tự phát, thưa Hòa thượng?

Trong 5 năm qua, Trường Trung cấp Phật học tỉnh có 30 Tăng Ni tốt nghiệp khóa VIII, khóa IX (2021-2024) đang đào tạo 31 Tăng Ni sinh; Ban Trị sự giới thiệu đi học gồm: 3 vị học cao đẳng, 10 vị cử nhân, 5 vị thạc sĩ, 2 vị tiến sĩ.

Ngoài giáo dục Phật giáo, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh chú trọng đến tổ chức lớp học tình thương cho con em đồng bào dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5 tổng số 200 em; duy trì 2 lớp dạy trẻ với 50 em tại Thuận Bắc; TP.Phan Rang đang sinh hoạt 2 lớp học mầm non tại chùa Diệu Nghiêm có 200 em vaà chùa Diệu Ấn có 160 em; huyện Ninh Phước với 2 lớp học mầm non tại chùa Thiên Phước khoảng 150 em.

Trong khóa VI, toàn Phật giáo tỉnh thực hiện công tác từ thiện nhân đạo đạt trên 51 tỷ đồng.

- Ngay từ đầu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo khóa VI, Phật giáo Ninh Thuận đã đề ra mục tiêu và chú trọng đến phát triển giáo dục. Bởi lẽ, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh luôn đặt ngành giáo dục lên vị trí hàng đầu, vì tính quan trọng của nó trong chiến lược duy trì, củng cố và phát triển của Giáo hội. Ở đây, giáo dục Phật giáo không chỉ bó buộc trong khuôn khổ nội điển mà phải phát triển ngoại điển.

Nói như thế không có nghĩa là giáo dục Phật giáo tích cực hướng ngoại thì Phật giáo mới có cơ hội phát triển, mà đây là sự hòa nhập của Phật giáo trong thời đại mới. Bởi vì, đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, khoa học kỹ thuật ngày một tiến bộ, nếu chỉ hạn chế việc giáo dục trong nội điển thì e rằng Phật giáo sẽ suy yếu và lạc hậu và công tác hoạt động Giáo hội cũng bị hạn chế.

Như tôi đã nói ở trên, tinh thần của Phật giáo “Đạo pháp bất ly thế gian giác”, vì thế Ban Giáo dục duy trì và phát triển các lớp học tình thương cho con em người dân tộc, trường giáo dưỡng trẻ mầm non, trẻ mồ côi… để Tăng Ni có cơ hội dấn thân hành đạo, phụng sự vào đời sống thực tiễn.

Để nâng tầm phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, với vai trò lãnh đạo Giáo hội tỉnh và Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội, nhân sự dự kiến giới thiệu vào Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2022-2027 được Tiểu ban Nhân sự quan tâm, phân bố như thế nào và có ưu tiên cho đối tượng nào không, thưa Hòa thượng?

- Về nhân sự đại hội, chúng tôi vẫn căn cứ vào Thông tư số 60/TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự ngày 26-3-2021 về việc hướng dẫn tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2022-2027.

Trên tinh thần đó, nhân sự nhiệm kỳ 2022-2027, ngoài chư tôn đức đủ tiêu chuẩn lưu nhiệm, thì Tiểu ban Nhân sự luôn chú trọng đến Tăng Ni có thực học, thực tu, ưu tiên những Tăng Ni có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mời tham gia Giáo hội, hoặc ít nhất là trình độ cử nhân. Hiện nay, Phật giáo tỉnh Ninh Thuận ngoài Hệ phái Bắc tông, chúng tôi đều lắng nghe sự giới thiệu từ các hệ phái khác cử người đại diện tham gia vào Ban Thường trực.

Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, Hòa thượng đặt kỳ vọng và có nhắn nhủ gì đến Tăng Ni tỉnh nhà?

- Với vai trò lãnh đạo Giáo hội tỉnh, tôi luôn tạo điều kiện, khuyến khích Tăng Ni trẻ trong tỉnh nỗ lực tu học, đặc biệt là hoàn thành các học vị thạc sĩ, tiến sĩ để có nhân tài phục vụ cho Giáo hội. Đây cũng là chiến lược bồi dưỡng, quy hoạch nguồn nhân sự thế hệ kế thừa để phục vụ cho Giáo hội.

Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, tôi mong mỏi Tăng Ni tỉnh nhà cần đồng lòng thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội VII, giữ vững tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong sinh hoạt tu tập, hành đạo và thừa hành Phật sự.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày