GN - Qua mùa thi tháng 7, tháng 8 hồi hộp với mùa nhận kết quả tuyển sinh. Thi cử, tất nhiên có người đỗ, người chưa. Người chưa có buồn ít nhiều nhưng sau nỗi buồn là đứng dậy để chuẩn bị đi tiếp, tương lai đang chờ, những ai có ý chí và không ngừng cố gắng thì sẽ được đáp đền xứng đáng.
Sẽ có những ngã rẽ, như là trung cấp, học nghề phù hợp hoặc chọn một hướng đi đường vòng, tùy năng lực. Không phải chỉ có cánh cổng đại học mới dẫn tới thành công, do vậy đừng đóng kín mọi hy vọng cũng như đừng vội vàng nghĩ đến đường cùng, bế tắc rồi thôi mơ ước hay chọn một cách hành xử đau lòng.
Sẽ có những thí sinh trở thành tân sinh viên trong nỗi lo về 4-5 năm đại học dài ơi là dài. Quãng thời gian trôi trong ý niệm về sự khó khăn, chật vật của gia đình, ba đau, mẹ ốm, cả nhà sống nhờ mấy sào ruộng, biết lấy đâu tiền học, tiền ăn, tiền trọ giữa thành phố xa xôi trở thành “chướng ngại vật” có thể cao ngất, khó vượt qua nếu lòng không vững.
Cái chướng đó như một thử thách để học trò nghèo vừa đỗ vượt qua, thành ra “tuy có chướng mà không ngại”. Phía trước là con đường nếu bước tới, từng bước, chậm rãi, nhẹ nhàng.
Trong kinh Diệu pháp liên hoa, Đức Phật giảng phẩm thứ bảy là “Hóa thành dụ” dành cho người học Phật. Chặng đường đi tới quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có thể xa đấy, có thể sẽ gây mỏi mệt, nản lòng cho ai đó nên Phật phương tiện hóa ra thành lớn, thành giả để người đi tạm thời náu nương, nghỉ ngơi đôi chút và đi tiếp, đi xa theo cách “phân ra từng đoạn”. Phẩm kinh ấy nếu ứng dụng vào đời sống cũng trở nên mầu nhiệm, theo đó, đừng nhìn tới đích đến cuối cùng xa xôi, hãy nghĩ tới mục tiêu gần, vào học đi, rồi những học phần, học kỳ… sẽ trôi qua, chuyện tiền nong học phí, ăn ở tự khắc sẽ có cách, sẽ có những cơ hội làm thêm, học bổng để mình đi xa trên bước đường chinh phục, chỉ cần mình học tốt, rèn luyện tốt. Cứ thế, vững vàng mà đi, đừng vội đầu hàng, bỏ cuộc!
-----------------
* Bài vở cộng tác cho trang Phật giáo - Tuổi trẻ, mời bạn hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Trân trọng!