Mong ước của người dân

Quang cảnh kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII
Quang cảnh kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

GN - Sau hơn 1 tháng làm việc, Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vào cuối tháng 11 vừa qua.

Trong thời gian này, trên các tỉnh, thành trong cả nước, đã và đang diễn ra các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội. Tại đây, nhiều vấn đề bức xúc của xã hội được tiếp tục cử tri nêu ra, trong đó nổi cộm nhất vẫn là nạn tham nhũng và suy thoái đạo đức.

Như chúng ta đã biết, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII được đánh giá là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi); quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan.

Những khó khăn về ngân sách có thể khắc phục bằng các biện pháp tiết kiệm, nỗ lực phục hồi và tạo đà tăng trưởng về kinh tế. Nỗi lo của đông đảo cử tri hiện nay vẫn là nạn tham nhũng và hiện tượng suy thoái đạo đức trong xã hội. Mỗi khi lối sống bị khủng hoảng, không tin vào luật nhân quả thì con người có thể làm bất cứ điều gì để mưu tìm lợi ích cho mình, thỏa ý muốn riêng tư của bản thân, bất chấp ảnh hưởng như thế nào đến người khác, đến xã hội, đất nước.

Qua các phát biểu, chất vấn tại phiên họp kỳ này của Quốc hội, vấn đề đó đã được nhận thức rõ ràng, cụ thể qua chất lượng và hiệu quả của nhiều công trình liên hệ trực tiếp đến an sinh xã hội, an toàn cho người dân, như việc xây dựng thủy điện tràn lan thiếu sự tính toán kỹ lưỡng, án oan, làm giá thuốc men, chất lượng chăm sóc y tế không đúng với cam kết, v.v…

Điều người dân mong muốn không chỉ dừng ở các chất vấn, ý kiến phát biểu ở nghị trường, mà tình hình thực tiễn được cải thiện, điều kiện sống được thay đổi theo chiều hướng tốt lên về cả tinh thần lẫn vật chất.

Nói một cách khác, điều người dân quan tâm là hậu chất vấn. Hay nói theo nhà Phật, thân khẩu ý phải hiệp nhất, nghĩa là nhận thức, lời nói và hành động phải thống nhất. Đã nhận thức, đã phát biểu thì phải hành động như điều đã nhận thức và phát biểu. Việc đó sẽ xây dựng niềm tin. Và khi có niềm tin thì sẽ có tinh thần đoàn kết. Có niềm tin về sự phát triển và thêm sức mạnh đoàn kết thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua được.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã khép lại, cử tri cả nước đang mong chờ ý chí cải thiện tình hình, các biện pháp được xây dựng từ trí tuệ và kinh nghiệm của đại biểu đi vào thực tiễn đời sống, nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nạn tham nhũng, vực dậy ý thức trách nhiệm duyên sinh, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Thích Giác Toàn

--------------------
* Đọc thêm: >> Trách nhiệm "người đại biểu nhân dân"

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày