Trong 143 bài thơ viết về Yên Tử, anh đã chuyển tải và chở đầy âm hưởng bóng dáng thơ thiền. Thế giới hình tượng trong thơ anh là thế giới của vũ trụ, núi non, mây trời, trăng nước, thiên nhiên Yên Tử.
Không gian nghệ thuật bàng bạc không khí màu thiền với những danh thắng nổi tiếng: miếu Nhỏ, chùa Trình, chùa Cầm Thực, chùa Lân, Am xưa, chùa Đồng, hồ Yên Tử… nghi ngút khói hương huyền ảo, âm u mây trời của chốn linh thiêng cao rộng. Tiếng chuông chùa Hoa Yên văng vẳng như tự ngàn xưa vọng lại giục giã gọi mời. Hòa lẫn tiếng chim gù líu lo với hương trời là tiếng mõ, tiếng kinh. Đó là những âm vang rất động mà vô cùng tĩnh lặng bởi nó đưa con người trút bỏ bụi trần cho tâm hồn trong veo hướng thiện.
Không gian thâm sơn cùng cốc của non nước điệp trùng, u tịch, núi biếc mung lung, mây trời xa vắng. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ chủ yếu là vua các đời Trần, các nhà sư, các đạo sĩ, những tăng ni phật tử từ bao đời đã rũ bỏ bụi trần để tìm đến chốn đất Phật cho tâm hồn siêu thoát. Bước chân đến chốn cõi thiêng Yên Tử này, kẻ cướp cũng phải quy tà thành chính, tu tâm hướng thiện:
Ba tên kẻ cướp nhảy chắn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương
(Kẻ cướp chặn đường)
Trong không khí của cõi thiền rắn cũng hóa rồng mơ màng, biết cúi đầu tụng kinh, niệm Phật.
- Rắn đen một cặp chầu bên tượng
- Rắn vàng bái lạy thiền sư đến
- Mấy ông rắn lớn nằm trên mái
Náu mình tượng Phật ngắm giang san
Chim rừng cũng buông cánh lặng nghe kinh. Đến cả hổ, báo cũng ngồi thiền, chầu sự tụng niệm. Hầu như mọi hoạt động của sự vật và con người ở chốn Yên Tử này đều lung linh màu thiền. Con người như được hòa mình vào vũ trụ sắc sắc, không không:
Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng rằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng
(Am xưa)
Trong hai tập thơ, bài nào cũng được tác giả gửi hồn thiêng vào cõi thiền để neo lại dấu ấn đặc sắc trong lòng người đọc.
Trong cảm quan thẩm mỹ của người phương Đông và trong tâm thức truyền thống của dân tộc Việt
Sơn lâm kỳ thú cảnh thần tiên
Vượt chín tầng mây tới cõi thiền
Chín suối một dòng trong cõi mộng
Tầng mây thấp thoáng chùa Hoa Yên
(Cõi thiền)
Bài thơ tràn ngập không gian của cõi thiền. Mây núi kỳ vĩ, sông suối quanh co ôm lấy ngôi chùa, đưa con người vào cõi mộng, lạc vào chốn thần tiền. Nó diễn tả được trạng thái tinh thần hết sức đặc biệt của người làm thơ. Ta bắt gặp ở đây cái tâm đến tịnh độ, cái hồn siêu thoát để thăng hoa dành cho thơ. Từ những hình ảnh hồn nhiên, ngây thơ, tinh khiết, nhà thơ thể hiện nhận thức và minh giải về Yên Tử.
Khúc hát thiền ca chùa Giải oan
Rì rào tiếng suối giữa mây ngàn
Ngân nga chuông vọng chiều xa vắng
(Chùa Giải oan)
Hay:
Cõi thiền xa vắng vòng tục lụy
Phúc địa dài lâu đài Yên Xuân
(Yên Tử Đài Xuân)
Qua lăng kính của cái tâm đốn ngộ bởi hồn thiền, cảm thức giao hòa sâu xa với vạn vật của nhà thơ, cảnh vật trở nên bồng bềnh, mơ hồ, huyền ảo.
Trăng treo lơ lửng trên cành tùng
Trăng rắc vàng trên cánh hoa nhung
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng…
Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời
Hạ giới thần tiên hay đất Phật
Chị Hằng chú Cuội mãi rong chơi?
Giữa chốn sương khói giăng mờ mông lung, trong cảm quan thẩm mỹ của nhà thơ, chùa và cảnh tu hành là cái đẹp trinh trong cao khiết nhất. Thơ vịnh cảnh chùa vừa là thái độ của con người với thiên nhiên, vừa bày tỏ tình cảm của người làm thơ với đạo Phật. Nhờ thế, người đọc như bước vào cõi hư vô, mang đậm màu sắc siêu thoát bay bổng. Triết lý vô vi của cõi Phật cũng neo đậu vào thơ như lời mời gọi nhà thơ đến làm môn đệ:
Non cao kết cỏ dựng am tranh
Áo lá rau xanh uống nước lành
Túi vải trên vai cùng gậy trúc
Vô vi cõi Phật giữa rừng xanh
(Am tranh)
Có thể nói tất cả thế giới thiên nhiên và cảnh vật, con người trong thơ Hoàng Quang Thuận đều được nhìn nhận, soi chiếu bằng cảm quan Phật giáo. Tư tưởng, chất triết lý Phật giáo đã len lỏi vào hầu hết nội dung của cả hai tập thơ. Là một nhà khoa học tức cảnh sinh tình nhưng tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của tác giả đầy màu sắc thiền.
Ngôn ngữ trong thơ anh bình dị, dễ hiểu, hiện đại, không điển tích, điển cố và đầy ắp thuật ngữ nhà Phật: niết bàn, pháp lý, vô vi, huyền vi, thiền tâm,… mang âm hưởng Đường thi. Từ thiền được sử dụng với một tần số lớn, nó rải hầu hết cả hai tập thơ, với hơn 45 lần nhắc lại với đủ mọi cung bậc, mọi sắc thái: thiền quán, thiền tông, thiền sư, thiên định, thiền ca…
Tư tưởng thiền trùm lên cả không gian của cõi thiền, rừng thiền, đường thiền… đã chắp cánh cho nhà thơ vượt ngưỡng trần thế đi vào ngõ ngách tâm linh sâu thẳm: lòng thiền, tâm thiền và mắt thiền. Thiền đồng hành với cuộc sống của con người, sự vật và cảnh vật ở chốn linh sơn đất Việt thiêng liêng huyền bí này. Giọng thơ bồi hồi xao xuyến như cứ trực trào ra theo dòng tâm tưởng. Ngòi bút nhà thơ phụng sự cái tâm thức lắng lại bao chuyện từ ngày xưa vọng về cứ như trong mơ. Thiền trở thành một điểm tựa quan trọng trong cảm hứng sáng tạo của tác giả.
Yên Tử thầy ơi! Con tới đây
Mênh mông mây núi bóng sư thầy
Trăm năm duyên kiếp còn lưu lại
Lối cũ đường xưa ngập cỏ cây.
Đó cũng là một minh chứng sinh động của màu sắc thiền đọng lại trong thơ anh. Thế giới nhân sinh được lý giải trong tính sinh động của nó, vừa cụ thể lại vừa đa dạng, phong phú, rất tự nhiên, khách quan nhưng mang đậm màu sắc, âm hưởng và tâm thế thiền.
Đọc thơ Hoàng Quang Thuận, lời thơ như đánh thức sự giác ngộ, nhận thức chân lý nhà Phật. Có thể nói thơ anh là sự thăng hoa của tinh thần hồn nhiên trong trẻo, thoát tục để trở về thế giới tự nhiên, với siêu thoát vô cùng, vô tận. Sự thành công ở cả hai tập thơ là lý thuyết đạo Phật mà cốt lõi của nó chính là tư tưởng hướng thiện đầy nhân văn sâu sắc. Đã một thời trong lịch sử văn hóa dân tộc, Phật giáo trở thành Quốc giáo và là một trong những yếu tố nền tảng của văn hóa tinh thần dân tộc. Hằng số bao la của văn hóa nhân loại chính là tư tưởng nhân văn mà Phật giáo là yếu tố nền tảng để hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ.