Một kiếp người

GN - Ông già Sáu phải đi rồi. Nơi ông đến là nhà dưỡng lão của tỉnh. Buổi sáng trời âm u càng não lòng cảnh chia ly. Lối xóm buồn, già Sáu đau lòng tưởng chết được. Chỉ người nhà già là vui mừng vì đã trút được gánh nặng. Có tiếng thở dài đâu đây. Chị Út bán xôi đưa già một gói thiệt lớn: “Ông Sáu ăn đi, chừng nào con đi bán ngang qua đó, con ghé thăm ông!”.

Thằng Minh gà nhét vô túi già mấy tờ giấy bạc: “Ông Sáu để dành mua bánh ăn. Ông đi, tụi con buồn quá! Phải chi con có tiền, con đem ông về nhà nuôi luôn!”. Già Sáu rưng rưng nước mắt. Con bé Thư đứng trước rào réo theo: “Ông cố đi chừng nào về? Ông cố đừng đi luôn nghe!”. Bà Sáu đong đưa võng, giọng chanh chua: “Đi đâu đi cho khuất, lải nhải hoài! Con Thư muốn đi theo thì đi luôn!”. Bé Thư sợ sệt quay lại. Mắt nó ngấn nước.

Già Sáu lên xe lôi. Chiếc xe lọc cọc trên đường. Già quay lại nhìn lần cuối nơi chốn mình đã sống bao năm. Đó là cái chòi lá cất trong vườn nhà. Nó ở sát góc đất, cách xa căn nhà lớn. Từ ngày biết già mang bịnh lao, cả nhà bắt già phải ở riêng (dù lúc còn ở nhà lớn, già cũng chỉ được ngủ ở cái chái để củi). Người ta nói: “Nuôi con nhờ lúc tuổi già”, vậy mà khi mang bịnh, lại trong tuổi đời bóng xế, cả nhà đều xa lánh già.

Bà Sáu là người đàn bà nanh nọc. Người chồng trước chết, bà có đứa con trai. Gặp ông Sáu, bà có thêm đứa con gái. Mấy năm cuộc sống khó khăn, ông Sáu phải lặn lội theo đám con buôn xuôi Nam ngược Bắc kiếm tiền. Đàn ông ra ngoài trên những chuyến đi dài ngày, không khỏi cảnh “cơm quán canh chợ”. Chuyện tới tai, bà Sáu đùng đùng cơn giận. Bà cấm đứa con gái từ đây không được nhận cha. Mấy lượt về nhà, ông không được ai đón tiếp. Buồn bã, ông lại bỏ đi. Lần này, đằng đẵng tám năm. Đứa con gái sống bên cạnh người mẹ dữ dằn lại được rót vào tai bao điều tệ bạc về cha mình, nên cũng chẳng chút tình máu mủ với ông.

Hay tin con gái lấy chồng, ông bỏ hết công việc kiếm tiền, trở về cho kịp ngày vui. Ông được vào nhà không phải vì vợ và con nghĩ lại, thương ông. Ông đem về nhiều tiền làm của hồi môn cho con gái và muốn được ở lại trong nhà. Lập tức tiền của ông được nhận. Ngày cưới, ông cũng được uống ly trà của con rể và sau đó, ông được sống giống như một người làm vườn với những công việc nặng nhọc suốt ngày. Biết vợ là người đàn bà độc ác, tham lam, nhưng nghĩ mình cũng có lỗi, ông lặng lẽ làm việc nhà để sống gần con.

Hơn hai mươi năm, người đàn ông rắn rỏi thời nào, bây giờ đã trở thành một ông lão hom hem với căn bịnh lao phổi trong người. Dù được các cơ sở y tế điều trị hẳn hoi, dù già vẫn tuân thủ mọi điều được chỉ dẫn từ cán bộ y tế, già vẫn phải dọn ra sống riêng ngoài vườn trong cái chòi lá chỉ kê được cái giường cá nhân và một chỗ nấu ăn. Già thui thủi sống (nếu đó còn được gọi là cuộc sống).

Cháu ngoại có chồng, già được làm ông cố. Già thương cháu, nhưng không được đến gần. Ai cũng sợ già lây bịnh (dù xác định của ngành y tế, già đã hết bịnh từ lâu). Khi bà Sáu đi vắng, già tranh thủ chơi với bé Thư, làm cho nó mấy thứ đồ chơi từ cây lá trong vườn. Một đứa con gái, hai đứa cháu ngoại và một đứa cháu cố là tất cả hạnh phúc cuối đời già. Nhưng xem ra, chỉ có bé Thư thật sự thương mến già. Còn đứa con và hai đứa cháu chỉ cư xử với già bằng thứ tình cảm giả tạm.

*

Thu Cúc đang thao thao kể về chuyến du lịch ở thành phố Đà Lạt. Nhân chỉ nghe bằng một nửa sự chú ý. Một nửa kia, anh cứ ngóng theo ông lão bán vé số vừa quen trong lần đi ủy lạo nhà dưỡng lão của tỉnh. Vốn là sinh viên khoa Du lịch, Nhân lại là thành viên Ban Chấp hành Đoàn trường, anh rất tích cực trong mọi công tác xã  hội. Thu Cúc là cô bạn gái cùng khoa, nhưng sau Nhân hai lớp. Nhân chưa biết nhiều về gia đình Thu Cúc, chỉ biết nhà Thu Cúc khá hơn mình. Gia đình Nhân nghèo. Anh phải làm thêm nhiều việc để có tiền lo cho việc học. Đúng lúc ông lão băng qua đường, một chiếc xe gắn máy trờ tới quẹt phải. Ông lão ngã xuống. Nhân bỏ mặc Thu Cúc, chạy đi. Thu Cúc giận dỗi: “Làm gì gấp gáp dữ vậy! Ngày nào không có tai nạn. Đi mà không nói với mình một tiếng!”.

Thu Cúc về nhà với tâm trạng hằn học. Nhân đưa ông lão vào bịnh viện kiểm tra. Cũng may chỉ trầy xước nhẹ. “Bữa nay về nghỉ thôi ông Sáu, con đi trả vé giúp ông. Mà thôi! Con sẽ về trường nhờ bạn bè mua giúp. Chiều, con tới thăm ông rồi đưa tiền luôn”. Già Sáu - ông lão đúng là già Sáu - cười móm mém: “Cháu tốt bụng quá! Phải chi ông cũng có được một đứa cháu như vầy thì thiệt là có phước!”.

Nhân vừa nhẩm đếm mấy tờ vé số, vừa cười: “Thì con đã là cháu của ông rồi! Con không còn ông nội ông ngoại, con kêu ông là ông ngoại luôn nghe! Mà ông cực khổ đi bán vé số làm chi! Ở đây, ông vẫn được ăn no mặc ấm mà!”. Già Sáu lại cười móm mém cái miệng chẳng còn răng, đó là điều bí mật mà ngay cả Nhân, già cũng chưa hề chia sẻ.

*

Mới đó mà già Sáu đã vào nhà dưỡng lão được hai năm. Hai năm với nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhớ cháu. Già sống bằng những hột cơm nhân nghĩa của người đời, bằng tấm lòng trắc ẩn của chàng trai tốt bụng mà già đã coi nó như cháu ruột của mình. Già Sáu chưa bao giờ cho mọi người biết về những người thân của mình. Già sợ miệng đời nguyền rủa họ.

Một tuần nay, già bịnh nặng. Người ta đưa già nhập viện. Gia đình cũng được thông báo nhưng không ai tới thăm. Nhân vừa tốt nghiệp xong. Niềm vui không trọn vì tin già Sáu bịnh. Nhân lăng xăng suốt ngày ở bịnh viện. Thu Cúc nhắn anh tới nhà để mở tiệc mừng, Nhân không tới vì bịnh già Sáu đã nặng lắm rồi! Sáng nay, già thều thào tâm sự với Nhân: “Ông nhớ đứa cháu cố lắm! Nó rất thương ông mà bà ngoại với mẹ nó cứ sợ ông lây bịnh. Bây giờ, ông chỉ muốn gặp nó một lần. Ông sắp đi rồi, không gặp nó làm sao ông đi được!”. Rồi ông lặng lẽ khóc. Nhân nghe nghẹn tức: “Ông nói địa chỉ đi! Con đi tìm giúp ông. Con không tin lại có loại người táng tận lương tâm, tới cha, tới ông mình cũng không nhìn”.

Nhân đứng tần ngần với tờ giấy ghi địa chỉ nhà mà già Sáu đã đọc cho anh. Thu Cúc từ trong nhà bước ra, sững sờ: “Trời đất! Anh tới sao không điện trước cho em? Sao bữa tiệc mừng anh không tới dự?”. Nhân mở mắt nhìn cô bạn gái của mình. Con bé Thư từ trong nhà chạy ra: “Dì Ba ơi! Con nhớ ông cố quá! Cho con đi thăm ông cố nghe!”. Nhân nhìn con bé với đôi mắt to tròn và gương mặt đẹp như thiên thần, anh lắp bắp: “Ông Sáu đang ở nhà dưỡng lão… có phải là… ông ngoại của em không?”. Mặt của Thu Cúc bỗng trắng bệch như vừa vớt từ dưới nước lên. Cô nàng chưa hiểu vì sao Nhân lại biết điều bí mật này. Nhân nói bằng giọng trầm trầm mà nghe như uất nghẹn, mắt không nhìn Thu Cúc: “Ông Sáu sắp chết rồi! Ông chỉ mong được gặp con cháu của mình để khi ra đi, lòng không đau xót nữa!”.

Nhìn đứa cháu ngoại dắt đứa cháu cố trong tay, già Sáu dường như có thêm sức mạnh. Già thì thào: “Bé Thư… bé Thư nhớ… ông cố… hông? Ông cố… thương… con lắm! Còn… Thu Cúc… nữa. Con… ráng… xong đại học. Ông ngoại… không… sống được tới ngày con lấy chồng. Ông ngoại có… số tiền… dành dụm… cho con”. Già Sáu run run lôi xấp tiền ông cất trong áo gối. Nhân bật khóc. Anh biết đây là những đồng tiền ông kiếm được mỗi ngày từ việc bán vé số. Anh nhìn Thu Cúc và bỗng thấy cô nàng xa lạ quá trong mắt anh. Già Sáu đang chìm sâu vào giấc ngủ. Già đã trả xong phần nợ của mình. Cuộc đời này, già không còn lưu luyến nữa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày