Một ngày của Pi

GN - Ba mẹ đã khéo chọn ngày sinh cho Pi, ngày 14-3 này Pi tròn 30 tuổi.

Pi đã đi làm được gần 8 năm. Pi đã có một thế giới hoàn toàn khác với những năm tháng được sống trong căn nhà yên lặng của ba mẹ. Pi đang làm việc ở một thành phố lớn.

ngay cua pi.jpg

Ngày trước, Pi được sống trong một thành phố nhỏ rất chậm rãi. Cái chậm rãi đôi khi làm Pi thấy dư thừa sự yên tĩnh. Mỗi sáng, trưa, chiều và những lúc đêm giăng đèn vàng lên ở góc phố ngoài kia, Pi chẳng thấy được sự thay đổi về màu sắc. Pi chỉ biết học thuộc lòng những trang vở ghi chép. Những quyển vở thật dày, quyển 1, quyển 2 cho từng môn học Pi đan lồng vào nhau kẻo bị lẫn lộn với tập khác, vở học ở trường, vở học thêm ở các trung tâm. Pi vẫn còn nhớ rõ lắm cái cảm giác sợ hãi mỗi lần kiểm tra bài cũ của thầy cô đầu giờ. Pi sợ mình bị điểm dưới 8.

Phía sau nhà, nơi ba Pi đặt những cái chậu cũ bỏ đi, chúng úp mặt xuống đất, đó là một nơi rất quen thuộc của Pi khi ba mẹ chưa đi làm về. Pi ngồi lên chúng, đôi khi nghe sự yên lặng đang rạn từ bên dưới. Pi thấy chúng mang lại cảm giác dịu êm. Chúng có ích hơn Pi. Chúng đã từng ấp ủ những bông hoa nở rực không chỉ trong những ngày trời nắng đẹp. Những con điểm của Pi ủ dột hơn chúng. Đúng vậy, Pi thích số 8, Pi có thể kéo số 8 co giãn nó như sợi dây thun, đùa nghịch với sự bền bỉ nhẫn nhịn của nó khi Pi vày vò nó thỏa thuê. Pi cười ha ha một mình khi những con số 8 giật bắn vào ngón tay mình rất đau, pựt pựt, nhưng Pi thích cảm giác đó. Số 8 như một cọng thun, chúng mang lại cảm giác an toàn cho Pi, Pi có cảm giác đang được hạnh phúc, được vui đùa, được cười thoải mái cùng với chúng, không có cảm giác dối lừa mỗi lần Pi nhìn cái gật đầu mỉm cười hài lòng của ba mẹ khi Pi được điểm 9, điểm 10.

Bạn bè nói Pi có dáng đi lầm lũi. Pi cao, lưng hơi khòm. Pi đã để ý và tập chỉnh lại dáng đi của mình nhưng không thể. Pi sải bước rất nhanh, không nhìn gì khác hơn cái không gian trước mũi giày qua lớp kính cận. Con đường trong mắt Pi là một khoảng rất nhỏ, Pi thấy an toàn, không ngoại trừ cả những lúc Pi đi bộ ngang con đường ở trước cổng trường. Pi vẫn mặc một màu sắc áo quần, xanh trắng đen và lam, từ thời tiểu học Pi đã thích như vậy. Áo quần mới mẹ mua đôi khi rộng thùng thình, Pi thích, thoải mái với những chiếc áo phông và quần jeans. Bạn bè nói Pi như con trai, Pi cười, đôi mắt tròn xoe và khuôn miệng rất kín đáo, Pi biết mình rất con gái. Pi thích những chú gấu bông mềm mại, mẹ mua về rất nhiều, những con có đính chiếc nơ trên cổ trên đầu Pi đều cắt bỏ đi, thật rườm rà hoa hòe, gấu đâu có biết yểu điệu cơ chứ, con người mới thích làm dáng, gấu không cần làm dáng thì Pi cũng yêu gấu lắm rồi. Pi cùng gấu gấp những con hạc nhỏ bỏ vào đầy chiếc bình thủy tinh đặt ở góc bàn. Những con hạc nói gì, Pi không nhớ nữa, có thể gấu đã nhớ hộ cho Pi.

Sáng nay, Pi nhìn café đang rỏ từng giọt quánh đặc xuống đáy cốc thủy tinh trong veo. Chủ nhật ngoài đường vắng hơn, Pi muốn lang thang một mình. “Đôi khi, để tạo ra một thực tế tốt hơn, bạn phải phân tách bản thân khỏi những hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như một quyển sách độc hại và hèn hạ”- Pi đọc lại từng chữ trong cuốn sách.

Pi mê vẽ, từ nhỏ Pi vẽ mọi lúc mọi nơi, búp bê, vườn hoa, công chúa, ba mẹ… đã chật kín trong những trang giấy ở mặt sau quyển tập. Tất cả ngập tràn trong sự say mê hạnh phúc của cô bé có hai bím tóc. Pi mở màn hình máy tính, xem truyện tranh, vẽ lại từng khuôn mặt với đường y hệt, và vẽ quá nhiều bản sao từ phim hoạt hình. Chúng được Pi tô những màu sắc sặc sỡ xanh tím vàng, bày la liệt khắp nơi, trừ ngăn tủ áo quần.

Pi bây giờ là một Animator (nhà thiết kế hoạt hình). Pi vẫn tiếp tục vẽ và sắp xếp chúng - những con rối vốn không có linh hồn. Đôi mắt của Pi sẽ cho chúng linh hồn. Hôm nay, cô ngồi lì mấy tiếng trước máy tính. Cô muốn tạo ra những hình ảnh thật sống động trên màn ảnh, lần này phải đặc biệt hơn, bởi chính nó sẽ khắc nghiệt với Pi nếu như cô làm chưa tốt. Giống như một bài thi năm xưa cô bị điểm dưới 8. Tất cả chỉ tại cô chưa thật sự cố gắng, cô đã xem thường điểm 10 để khấu trừ cho những lần điểm thấp.

Cô đang làm video PR cho một hãng thực phẩm đã đặt hàng. Cô đã vẽ sẵn và đặt những con rối lên bảng để chụp ảnh. Nhìn những tư thế của nó, cô thấy quen quá, cô không biết làm gì để có những dáng vẻ khác biệt hơn. Đứng, nghiêng người, cúi xuống lom khom, ngẩng đầu lên, ngoái lại cười, ôm chầm vào nhau, khoác vai, khuôn miệng vừa nhai vừa cười, cười nhiều hơn nữa... Những động tác được xếp đặt qua từng chuyển động nhỏ. Cô di chuyển chúng khéo léo, chúng sẽ rất thuyết phục trong thước phim của cô.

Ba giờ đồng hồ, mấy cái bóng đèn rất nóng làm da mặt của cô bóng nhẫy bởi mồ hôi. Cô lúi húi xếp đặt chúng. Giả dụ, chúng là vật vô tri, cô sẽ thổi linh hồn cho chúng dễ dàng. Nhưng có thể chúng đang sống mà giả vờ chết thì cô không biết phải làm thế nào. Có thể chúng đang dần dần chết bởi chúng trở thành một kẻ nô lệ của thói quen, lặp đi lặp lại mỗi ngày cùng một cách, cũng như cô không bao giờ thay đổi cách chiếu ánh sáng vào chúng. Cô tạo ra những dáng vẻ khác nhau, nhưng những tia sáng ấy vẫn cùng một hướng. Những cái bóng của chúng vẫn là những góc tù chật hẹp khi đổ xuống mặt đất nếu như người ta nhìn kỹ. Những thước phim quảng cáo lướt rất nhanh kia sẽ bị lỗi nếu người ta không bao giờ thay đổi các điểm tham chiếu, cũng như ngày xưa cô không bao giờ thay đổi màu sắc của quần áo của mình, người không bao giờ nói chuyện với người lạ.

8h tối nay là hạn cuối cùng nộp sản phẩm, sếp cô là người quá nghiêm túc rất khó chịu cho việc trì hoãn. Cô không thể thay hướng của mấy cái bóng đèn ngay lập tức, căn phòng cô lại quá hẹp. Sự thanh lọc nhân sự của công ty sẽ giảm bớt đi bộ hồ sơ của cô. Cô là một trong số những người có thời gian làm việc ngắn nhất ở công ty này, chỉ gần một năm.

3h chiều.

Những con rối vẫn bày la liệt trong cái dạ dày rỗng. Từ từ, rồi cô cũng sẽ cho mỗi đứa một linh hồn. Cô vẫn nhìn thấy ở chúng có dáng đi hơi khòm khòm. Cảm giác về chúng chẳng có sự cởi mở, hòa nhập với những người đang xem trước màn hình. Sẽ không sao, những con rối không phải là những người giả chết. Nếu chúng chết thật sự thì thật là yên tĩnh, như là sẽ không ai xáo trộn sự yên lặng nghỉ ngơi của Pi ở phía sau sân nhà năm xưa. Sự chết không có gì ghê gớm, cô nghĩ vậy.  Người nào tránh được niềm đam mê của cuộc đời mình là những người luôn luôn bôi đen lên những khoảnh khắc trắng, những khoảnh khắc trắng thật trong trẻo, tinh khiết còn thơm mùi vở mới. Có những lúc Pi đã từng như thế, khuôn mặt xuất hiện một nụ cười, mà tim đập khó khăn hơn khi đối mặt với sai lầm và cảm xúc. Cái chết đang tới dần dần đó thôi: 3, 14, 15, 92, 65, 35, 89, 79… Pi hay bất kỳ ai cũng phải chọn lựa một con số trong cái dãy đã được định hình đó. Những con số ấy sẽ có sự khác nhau trong sự khúc xạ từ đôi mắt sáng. Pi muốn được vẽ ra và sắp đặt chúng với cái đam mê này. Pi không phải là người không có hạnh phúc tại nơi làm việc, nhưng những người như Pi không thể nắm chắc được cơ may để thực hiện những ước mơ. Nhưng những người như Pi sẽ không bao giờ, ít nhất một lần trong đời, dám thay đổi mọi thứ sẽ thuộc về mình.

Cô quét những tấm hình vào máy tính để chỉnh màu. Những con rối đang chuyển động trên màn hình, chúng sẽ làm phần việc của chúng

5h30

“Alo…”

Cô vơ vội tất cả những con rối vào chiếc túi rất to. Taxi chạy, những câu hỏi của bác tài xế thật vớ vẩn.

“Từ đây đến đường X, quận Y hơn 30km đó cô”.

Kẹt đường. Xe cộ nén lại một cục. Bác tài xế thò tay mở nhạc. Những câu hát thật thừa thãi lúc này. Cô đang mắc kẹt trong một tình huống vô vọng. 8h tối nay sẽ không xong được sản phẩm. Sếp cô sẽ chờ ở đó. Ánh mắt ông định hình như một số Pi không xê xích, di chuyển.

“Dần dần rồi cũng chết kẹt ở đây nếu phía trước không tiến lên được bác ạ”

“Đừng có phàn nàn, từ từ, cái kim đồng hồ trên tay chú dịch chuyển thôi, không phải là đồng hồ trên xe”

“Con đang cần đi nhanh”

“Chúng ta thường bị mắc kẹt trong những tình huống vô vọng vì áp đặt mình phải đúng theo nguyên tắc”

Con số km màu đỏ vẫn đứng yên, vẫn số 3,1…, cô ghét nó.

“Lần này không theo nguyên tắc thì cháu sẽ chết chắc”

“Ngày xưa cái gì cũng thủng thẳng, học ăn, học đọc, học nghe nhạc, lớn lên học yêu, học làm vợ làm chồng, rồi học phàn nàn đủ kiểu” - bác tài xế lại lảm nhảm.

“Bây giờ cháu sẽ chết nếu không làm được cái này”

“Gì thế?”

“Rối”

“Rối gì?”

“Rối cho phim quảng cáo hoạt hình, cháu phải đến nhờ studio của người bạn, nơi đó có bộ đèn chiếu rất tốt”.

Nhích lên, nhích lên, được rồi, quẹo phải, bác taxi cũng thở phào, đèn đường đã chiếu sáng, 6h43 phút, gần tới quận Y.

7h10

Cô đang chụp hình những con rối trong studio sáng trưng ở tầng 3. Chúng đang trình diễn những gương mặt tươi tắn trong thời gian trôi rất nhanh của thành phố. Bên dưới, những làn xe nối đuôi nhau chảy về những nơi đang rực ánh đèn. Pi đang thổi linh hồn vào những con rối đang chết. Cô cắt hình, chỉnh màu, hiệu ứng âm thanh, trang trí khung cảnh. Từng gương mặt sống động, nói cười trìu mến, rồi ngồi quây quần với nhau trong gian bếp ấm cúng, mùi vị ngọt ngào của món ăn đang rạng rỡ trên nụ cười của từng người.

8h15

Những con đường ngoằn ngoèo của thành phố. Taxi. Sếp. Cánh cửa đã khép.

Buồn gì đây. Sếp. Số Pi. Hay con đường ngoằn ngoèo và hẹp?

9h, Pi yên vị nơi góc bàn nhìn ra cái ô cửa nhỏ. Đèn vẫn đang nhuộm vàng thành phố. Không ồn ào. Pi đang lắng nghe được nhịp thở của từng con rối từ màn hình.

Rev (tua lại) không biết bao nhiêu lần, Pi không nhớ. 3, 14, 15, 92, 65, 35, 89, 79…; 3, 14, 15, 92, 65, 35, 89, 79…; 3, 14, 15, 92, 65, 35, 89, 79…; 3, 14, 15, 92, 65, 35, 89, 79…

Pi thoáng cười, không còn sợ hãi, Pi sẽ vẫn mãi là người thổi linh hồn cho chúng. Pi sẽ không còn nhìn cái không gian an toàn của con đường trước mũi giày. Pi sẽ ngước nhìn lên, chỉnh lại dáng đi của mình thêm một lần nữa.

Tháng 3 này, Pi thấy các bạn check in ở rất nhiều nơi. Pi muốn check in với số 8 của mình thuở xa rồi ấy. Pựt pựt, số 8 như một cọng thun, một cảm giác bình an tách biệt với thế giới bên ngoài kia sau gần 8 năm Pi đã gom nhặt đầy trong chiếc ba-lô vải bố cũ sờn treo ở góc tường của căn phòng trọ 12 mét vuông. Pựt pựt, Pi cười, vày vò số 8 trong tay, cảm giác an toàn chạy dọc xuống sống lưng khiến Pi rùng mình.

Ngày mai, Pi sẽ không còn nghĩ về số 8.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày