GNO - Ni sư Ugwan Sunim (chùa Gameun ở Icheon, Gyeonggi) cho biết nguyên liệu phải là thứ quan trọng trước tiên khi chế biến thức ăn chứ không phải là hương vị hay sự trình bày.
Món ăn nhà chùa Hàn Quốc được biết đến là ôn hoà hơn và không quá nhiều gia vị. Ni sư Ugwan Sunim - người đã nghiên cứu thực phẩm nhà chùa Hàn Quốc từ năm 2009, đã trình bày kiến thức của mình trong cuốn sách Boriilmi, xuất bản tháng này, để khuyến khích người dân thuộc mọi tầng lớp nếm thử món ăn tinh tế này.
"Mọi người ngày nay tập trung tất cả vào việc trình bày và hương vị của thức ăn", Ni sư nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ JoongAng Sunday.
Ni sư nói rằng, cô muốn quảng bá hương vị của cuộc sống đến từ các thành phần tự nhiên.
Ni sư chia sẻ thêm rằng, các thành phần tự nhiên rất đa dạng và có thể được nấu theo nhiều cách khác nhau.
"Chúng ta không thể dùng mắt để phát hiện hết những thành phần này vì vậy chúng ta đã phớt lờ chúng".
Cuốn sách hướng dẫn làm thế nào để khám phá những thành phần ăn được xung quanh chúng ta. Hoa và lá của cây hoang dã và cây trồng, bao gồm hoa gừng, là những báu vật ẩn. Cô cũng giới thiệu cách thực hiện nhiều loại cơm, cháo ăn liền và các món ăn với những thành phần này.
Ni sư Ugwan Sunim cũng giải thích cách làm một món canh, một món ăn lên men, một món ăn hấp và thậm chí gangjeong (bánh nếp chiên) với rễ cây cát cánh. Cô cũng giải thích chi tiết cách doejigamja, một loại rễ thực vật, được lên men, chiên và làm thành trà. Bằng phương pháp của mình, không có gì để lãng phí từ các thành phần, một bài học hữu ích để giúp giảm bớt chất thải thực phẩm.
"Rốt ráo, con người chỉ là một phần của bản chất tổng thể", Ni sư nói. "Khi bạn tôn trọng thiên nhiên, bạn sẽ có được một cái nhìn tốt cho việc tìm kiếm các thành phần thực phẩm".
Từ bori trong tiêu đề của cuốn sách có nghĩa là sự nhận thức (chứa tuệ giác) trong tiếng Phạn. Ilmi có nghĩa là hương vị. Đặt hai từ này cùng nhau, tiêu đề có nghĩa là hương vị của sự nhận thức tối hậu.
"Cũng giống như tất cả các vùng nước chảy vào đại dương để làm thành một hương vị, một hương vị của tất cả các nhận thức mà thực phẩm nhà chùa phấn đấu để có được", Ni sư giải thích.
Ni sư Ugwan Sunim cũng là một thành viên của ủy ban chuyên gia về thực phẩm nhà chùa của Tông Tào Khê Hàn Quốc, đã bắt đầu nghiên cứu thực phẩm nhà chùa vào năm 2009 khi cô tham gia vào một sự kiện thực phẩm nhà chùa. Cho đến thời điểm đó, cô chưa từng nghiên cứu sâu về thực phẩm. Nhưng cô đã luôn luôn có vị giác rất nhạy cảm từ khi còn trẻ.
"Khi tôi còn nhỏ, nhà tôi là nơi khách thường đến", cô nhớ lại, và thêm rằng luôn luôn có một người bận rộn trong khu vực sân vườn để chuẩn bị thức ăn.
"Tôi đi xung quanh vườn và tự nhiên nhận ra được những gì có thể làm cho hương vị thức ăn ngon và có mùi thơm".
Cô đặc biệt quan tâm đến các món ăn được làm mà không có cá và thịt bởi vì cô không thích mùi của các thành phần này từ khi còn trẻ. Thực phẩm nhà chùa Hàn Quốc là thức ăn chay truyền thống.
Những món ăn được làm rất thiên nhiên, tinh tế từ Ni sư Ugwan Sunim
Ni sư nói rằng việc đặt toàn tâm vào việc chuẩn bị các nguyên liệu với một tâm trí cởi mở có thể giúp cho thức ăn thành cái gì đó có tính dược. Như một cách để thực hiện điều đó, Ni sư chủ trương một hương vị nhẹ hơn so với gia vị mạnh.
"Với sự phổ biến của các show nấu ăn trên truyền hình, nhiều người tập trung hơn vào việc làm thế nào để kích thích vị giác của họ một cách đầy đủ", cô nói. "Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của tôi bây giờ là phổ biến về thực phẩm nhà chùa như cầu nối giữa người dân, người tiêu dùng thực phẩm, và thiên nhiên".
Văn Công Hưng
(Theo Korea Joongang Daily)