GN - Khoác lên người chiếc áo sơ-mi giản dị, với nụ cười hiền thường trực và lăng xăng hướng dẫn bà con tỉnh Bình Phước ngồi vào vị trí khám bệnh, phát quà, tôi cứ nghĩ em là tình nguyện viên. Thế nhưng khi hỏi mới biết em là Nguyễn Ngọc Tú, sinh viên (SV) lớp Y2008B.
Tú là Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM và là bác sĩ đa khoa sau 1 năm nữa. Hầu hết các chuyến đi từ thiện của khoa, chính Tú là người lên kế hoạch, xin quà, thuốc, vận động y bác sĩ và các bạn SV mang thuốc về cho dân nghèo, khó khăn…
Tú (hàng đứng, thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn bác sĩ
thiện nguyện khám bệnh cho người nghèo ở Quảng Nam - Ảnh: NVCC
“Tú giỏi lắm!”
Đó là lời nhận xét mà ai biết Tú cũng nói vậy. Huệ Hằng, học cùng khóa với Tú bảo: “Thấy dáng người hơi gầy vậy thôi chứ Tú giỏi lắm. Sở dĩ Tú nhận được nhiều thiện cảm từ mọi người bởi Tú học cũng giỏi mà đi làm từ thiện cũng giỏi. Em ngưỡng mộ Tú vì còn là SV mà Tú đã tổ chức được gần 20 chương trình đi khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người già, trẻ em cơ nhỡ rồi. Nhiều lần đồng hành cùng Tú về nông thôn khám bệnh, thấy các bác sĩ lớn có tên tuổi khám, chính quyền địa phương cứ tưởng các bác ấy là trưởng đoàn. Đến khi hỏi ra, biết Tú, nhiều người ngợi khen nhiều lắm”.
Gặp và trò chuyện với PV khi công việc kết thúc, thấy tôi ngạc nhiên trước sự điềm đạm, giản dị của em, Tú liền bảo: “Em thích làm việc từ thiện một cách chân thành, nhẹ nhàng, mình đến với bà con bằng cái tâm thì hay hơn đến bằng sự hô hào. Em thích lặng lẽ giúp đỡ mọi người, nhìn mọi người cười khi nhận được quà hay được khám, phát thuốc là em vui rồi”.
Có lẽ, vì niềm hạnh phúc “không tả được” đó mà Tú không quản ngại khó khăn, tổ chức các chuyến từ thiện về những miền xa, kể cả sang nước láng giềng như Campuchia. Đi đến đâu, Tú cũng cống hiến hết sức của mình, không phân biệt màu da, tôn giáo.
Bác sĩ Nguyễn Song Chí Trung, Bí thư Đoàn khoa Y, Trường Đại học Y Dược nhận xét: “Tú năng động lắm, nhất là trong công tác từ thiện. Trong mỗi chuyến đi từ thiện, ngoài vận động bác sĩ chữa bệnh, em ấy còn vận động quà cho bà con. Tú làm bằng cả cái tâm, tấm lòng nên đến đâu, ai cũng thích và yêu mến”.
Coi bệnh nhân như người thân
Đi làm từ thiện hay lúc thực tập tại bệnh viện cũng vậy, Tú đều biết kính trên nhường dưới. Với bệnh nhân, Tú luôn nói chuyện nhỏ nhẹ, lễ phép; Tú coi bệnh nhân như người thân khi chăm sóc, băng bó vết thương nên luôn làm các bác sĩ hướng dẫn thực tập hài lòng.
Hồng Đức, học cùng khóa, cùng thực tập với Tú chia sẻ: “Tú ân cần đến với từng bệnh nhân được phân công, hỏi han tình trạng sức khỏe; lúc rảnh còn động viên bệnh nhân, rồi mua cái này cái nọ cho. Tú coi bệnh nhân như người thân của mình vậy, rất mực quan tâm. Đến khi bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện, nhiều người mua trái cây biếu tặng, như gửi lời cảm ơn Tú. Lần nào cũng vậy, nhận được quà là Tú đem đến giường của những bệnh nhân khó khăn, biếu lại. Còn họ cho tiền thì Tú không nhận. Tú hướng dẫn ở giường số mấy đó, có bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn lắm, cô, chú đem tiền này đến giúp họ đi. Như là san sẻ yêu thương và gieo thêm phước đức. Lời nói của Tú được rất nhiều người hưởng ứng”.
Nguyễn Ngọc Tú bộc bạch, rằng, ngày xưa lúc mới vào Sài Gòn học, cứ được nghỉ dài ngày là về quê. Nhưng kể từ ngày tham gia làm tình nguyện viên cùng trường, đi khám bệnh, tư vấn cho bà con vùng sâu, thấy nhiều hoàn cảnh cần đến mình giúp, kể từ đó Tú không còn mong ngóng, về nhà suốt nữa. “Thay vì tháng về hai lần thì em rút lại về một lần. Có thời gian rảnh là em rủ các bạn cùng khoa, các bác sĩ đi khám bệnh, chăm sóc trẻ em, cụ già neo đơn. Làm vậy vì em đam mê nghề, mong mỏi giúp đỡ được ai đó vơi nỗi đau”, Tú cho biết.
Theo Tú, đó cũng là lý do thôi thúc em đăng ký khi tốt nghiệp ra trường sẽ lên vùng cao để công tác một thời gian…
Hạnh Ý